“Sếu bây giờ ở đâu”




“Hồ Tây chiều thu...
mặt nước vàng lay
bờ xa mời gọi...
màu sương thương nhớ...
bầy sâm cầm nhỏ
vỗ cánh mặt trời...”
(1)

Năm nào nhỉ, mà còn sâm cầm. Mà biết đâu vẫn còn. Vô duyên quá, la cà ven hồ săn ảnh, bây giờ ai có hỏi đến chim chóc, lại chỉ biết... ớ.

Không thấy chim ngoài hồ, thử tìm chim trong sách. Sách dạy sâm cầm là chim nước, lông đen, mỏ trắng, quê ở phương bắc, trú đông ở phương nam, thịt ngon và thơm.(2) Hừm, thịt như thế, thảo nào. Nhưng cái con chim thơm thịt ấy nó bao lớn? Người ta chủ yếu đã tiềm nó, quay nó, nướng nó, hay đã biến nó thành một món nộm như lối nộm chim sẻ ở phủ Tây Hồ? Có ai nghe sâm cầm bảy món...

Sách từ điển không dạy các cách nấu chim, sách ký của ông Quang Dũng, ông Tô Hoài chắc có. Nhưng thôi.

*

Hồ Tây từng là chỗ nghỉ ấm của một loài chim sợ lạnh. Chim bắc ưa xuống đậu ở hồ nam chắc chắn còn nhiều loài nữa, trong đó có sếu.

Sếu là chim lớn, cổ dài, mỏ dài, đặc biệt kêu rất to.

“Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét”.

Thì “đã hết những ngày trong sáng của mùa thu (...) Gió bấc đã bắt đầu đuổi lá bàng trên những con đường vắng, và tiếng sếu kêu lạnh đã vang động trong đêm khuya”.(3)

Kêu to như sư tử rống để làm gì nhỉ? Ban ngày có mà không ai để ý, hay chỉ đến “đêm khuya”, nhớ cái lạnh giết chim ở phương bắc, sếu mới kêu mấy tiếng “Ấm! Ấm!” để tỏ nỗi mừng đã kịp thiên di? (Rét ở Hà Nội là với người Hà Nội thôi, chứ với sếu thì ngược lại.)

Chim dềnh dàng mà lại thích ở một cái hồ bé nhỏ là Hồ Gươm. Tô Hoài kể “1946, tháng mười hai (...) Từng đàn sếu lớn đen sì là cánh bay về đậu trên ngọn cây gạo, ngọn dừa dại nơi góc hồ Hoàn Kiếm”.(4)

Ðậu trên ngọn gạo ngọn dừa là ban ngày, còn ban đêm, đêm “trăng non rét ngọt” của tháng giêng, thì đi bay biểu diễn cho Vũ Bằng ngắm để khi xa Hà Nội tha hồ thương nhớ: “Ðêm xanh biêng biếc, tuy có mưa dây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ”.(5)

*

Ðã hỏi thăm, thế mà vẫn không biết cái con chim từng bay trong tục ngữ, truyện, ký, tùy bút ấy bây giờ có còn ghé Hà Nội mỗi độ đông về nữa hay không.

Có về, nó cũng không đậu trên ngọn của những thứ cây cũ, vì gạo với dừa đã đi đường nào mất rồi.

Cứ giở xem sách Tô Hoài thì biết, cây cối quanh Hồ Gươm mất giống nọ thêm giống kia luôn.

- Ơ, cây gì thế này hở bác? Cái cây bên cạnh cây lộc vừng.

- Có hoa vàng lủng lẳng đấy chứ gì. Không biết tên, nghe người ta nói nó gốc Nhật, mới đem về trồng mấy năm nay.

*

Thủy Tạ, mùa rét, ai ngồi đến khuya. Nhưng có muốn đội rét mà ngồi thì nhà hàng cũng không “cấm”. Cho thêm chướng, gọi một cốc kem cốm, múc từng thìa buốt mà nuốt vào để toàn thân từ ngoài vào trong được là một khối băng!

Rét đã ngự trị, đường đã vắng, thế mà bên tai vẫn lặng như tờ, và ngửng lên nhìn kỹ vào sâu thẳm của đêm vẫn không thấy một đôi cánh lớn nhỏ nào cả.

“Tìm chim như thể tìm em.(6) Sếu ơi, còn có bao giờ. Hà Nội chim chóc ơi, còn có bao giờ.



Thu Tứ
Viết năm 2008




















_________
(1) Lời bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn.
(2)
Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 2004.
(3) Hoàng Ðạo, “Một gia đình”, trong tập
Tiếng đàn.
(4) Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000.
(5) Vũ Bằng, “Tháng giêng (...)”, trong
Thương nhớ mười hai.
(6) Ca dao: “Tìm em như thể tìm chim / Chim bay bể bắc anh tìm bể nam”.