Ở ta chỉ mới tìm được một chiếc qua có khắc chữ, trong khi bên Tàu đã tìm được nhiều chiếc. Qua lại là vũ khí cổ của chủng Hoa Hạ… Sở là đất Việt tộc bị người Hoa xâm chiếm. Theo Bình Nguyên Lộc, vào đời Xuân Thu một bộ phận người Sở còn nói tiếng bản ngữ. Hay là họ đã phát minh ra một thứ chữ viết, khắc nó lên món vũ khí mượn của người Hoa, rồi mang theo khi bại trận chạy xuống phương nam? Về sau đúc lưỡi cày, có khi họ cũng khắc chữ... (Thu Tứ)



Hà Văn Tấn, “Có chữ Việt cổ...”




Cách đây mười hai năm, vấn đề chữ viết của người Việt cổ đã được đặt ra trên tinh thần nghiêm túc và khoa học trong các hội nghị nghiên cứu thời kỳ các vua Hùng.

Năm 1979, khi khảo sát những di vật thuộc văn hóa Ðông Sơn do nhà khảo cổ học Thụy Ðiển O. Janse khai quật được ở Thanh Hóa, hiện để ở bảo tàng Guimet, Paris, tôi thấy một công cụ bằng đồng - mà các nhà khảo cổ học quen gọi là lưỡi cày hình cánh bướm, đặc trưng cho vùng sông Mã - có hai ký hiệu ở hai bên họng tra cán (xem hình 1). Hai ký hiệu này do không đối xứng với nhau, ít có khả năng là hoa văn trang trí, nhiều khả năng là chữ viết.

Hình 1:


Tiếp đó, trong số đồ đồng ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) tôi đã gặp một chiếc qua, một thứ vũ khí cổ, trên thân có khắc năm ký hiệu (xem hình 1). Chiếc qua này cũng tìm được ở vùng sông Mã, Thanh Hóa. Năm ký hiệu trên qua khác nhau, không thể là hoa văn trang trí, mà là chữ viết. Mới xem qua, ta tưởng là chữ triện của người Hán. Thực ra, chỉ có ký hiệu thứ tư là giống với chữ “lâm” (nghĩa là rừng) trong văn tự Hán, còn các ký hiệu khác đều không có trong chữ Hán. Chữ thứ tư chỉ giống chữ Hán một cách ngẫu nhiên chứ không phải là chữ Hán. Ðó là vì ký hiệu này có cùng một cách cấu tạo như các chữ khác bên cạnh nó.

Hình 2:

Chúng tôi đã ghi vào bảng so sánh tất cả những ký hiệu đã thấy trên chiếc qua Thanh Hóa và những chiếc qua Hồ Nam (hình 2).(i) Do chỗ có ký hiệu trên qua Thanh Hóa được gặp lại trên qua Hồ Nam, mà lại đứng ở vị trí khác nhau trong dòng, chúng tôi càng tin chắc rằng các ký hiệu trên là chữ viết. Trong bảng so sánh trên, bên phải cột ghi chữ cổ, chúng tôi để cột ghi tần số xuất hiện các ký hiệu đã biết. Chữ viết cổ nói trên có tính hệ thống, được cấu tạo có quy tắc, gồm hai bộ phận: bộ phận hình tuyến (từ chữ thứ 1 đến chữ thứ 11), và bộ phận tượng hình (từ chữ thứ 12 đến chữ thứ 20). Trong loại chữ viết hình tuyến, tùy theo số lượng các vạch, các đoạn cong, và vị trí sấp, ngửa của các đoạn cong mà chúng tạo thành các ký hiệu khác nhau, tức các chữ khác nhau. Ðoạn cong ngửa bên trong có hai nhánh nhỏ trên các chữ 6, 7, 8, 9, 10, 11 cũng trở thành đặc trưng của chữ viết này. Những chữ tượng hình vẽ lại một cách sơ đồ những hình ảnh thực tế. Trong số ký hiệu đã biết, nhiều nhất là hình mặt trời. Chữ thứ 12 gợi ta nghĩ đến hình mặt trời trên trống Ðông Sơn (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ v.v.). Nhưng một số chữ tượng hình hẳn đã biểu hiện những khái niệm trừu tượng hơn những vật cụ thể. Ví dụ, chữ 15 vẽ một chiếc nồi bốc hơi, hẳn nói lên một khái niệm nào đó như sôi, chín...; chữ 14 vẽ hai nửa mặt trời chồng lên nhau, nửa mặt trời trên có vạch thẳng ngang ở dưới chắc là mặt trời mọc, nửa mặt trời dưới có đường cong ở dưới chắc là mặt trời lặn. Hai nửa mặt trời chồng lên nhau hẳn biểu thị một kiểu hội ý nào đó. Quy tắc cấu tạo chữ của hệ thống này đã gạt bỏ mọi khả năng đồng nhất nó với văn tự Hán. Loại chữ này có từng ký hiệu riêng rẽ, phần lớn không phải chép lại các hình ảnh hiện thực, nghĩa là không phải các ký hiệu hình vẽ (signe-dessin) mà là các ký hiệu quy ước. Mỗi ký hiệu có khả năng tương ứng với một từ. Như vậy, đây đã là một loại chữ rất tiến bộ trong lịch sử chữ viết. Nó đã trải qua giai đoạn chữ viết hình vẽ (pictogramme) mà ý tứ trong cả văn bản được thể hiện bằng một bức vẽ. Có thể hệ thống chữ viết này đã ở giai đoạn chữ viết biểu ý (idéogramme).

Theo cách phân loại của các nhà nghiên cứu chữ viết hiện nay, thì chữ viết hình vẽ được gọi là chữ viết ghi câu (phrasogramme) vì hình vẽ truyền đạt ý cả câu. Còn loại chữ viết mà trong đó mỗi ký hiệu tương ứng với mỗi từ thì gọi là chữ viết ghi từ (logogramme) Hệ thống chữ cổ mà chúng tôi vừa phát hiện có thể là logogramme. Chữ viết trên lưỡi cày văn hóa Ðông Sơn thì hẳn là chữ của người Việt cổ. Nhưng đối với loại chữ trên các qua đồng vừa tìm thấy ở vùng sông Mã Việt Nam, lại vừa tìm thấy ở phía nam sông Dương Tử, thì là chữ Việt hay chữ Sở? Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng nước Sở thời Chiến Quốc đã bị Hán hóa mạnh, không còn ngôn ngữ riêng, và do đó, không có văn tự riêng. “Sở từ” cùng các văn bản tìm thấy trong các mộ Sở thời Chiến Quốc đều viết bằng chữ Hán. Vì vậy, những chữ trên qua Hồ Nam, theo chúng tôi, không phải là chữ Sở. Các quốc gia của những dân tộc khác Hán ở vùng Dương Tử cũng không có loại chữ này. Người Ba Thục ở Tứ Xuyên cũng có một loại chữ viết khác Hán, nhưng không giống hệ thống này. Văn hóa Tấn Ninh (ở Vân Nam) có nhiều nét gần gũi với văn hóa Ðông Sơn, chỉ mới tiến đến trình độ chữ viết hình vẽ, di tích chữ viết hình vẽ tìm được ở Tấn Ninh thấp hơn và khác xa loại chữ trên qua đồng nói trên.

Theo chúng tôi, loại chữ viết trên qua chỉ có thể là của người Lạc Việt, chủ nhân văn hóa Ðông Sơn. Gần đây, ở Trường Sa (Hồ Nam) trong một ngôi mộ Sở, người ta đã tìm thấy một con dao găm có cán hình người. Ðó là một sản phẩm của văn hóa Ðông Sơn không nghi ngờ gì nữa. Như vậy, ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn lên phía bắc, theo lưu vực sông Nguyên, sông Tương, đến đất Sở là đã rõ ràng. Phải chăng chữ viết của người Lạc Việt cũng đã lan truyền theo con đường đó? Người Lạc Việt đã viết chữ lên lưỡi cày thì sao không thể viết lên vũ khí?

Trong một hội nghị khoa học do Khoa Sử trường Ðại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức, tôi đã trình bày những kết quả nghiên cứu đầu tiên về chữ Việt cổ thời văn hóa Ðông Sơn, tức thời các vua Hùng dựng nước. Và nhiều nhà nghiên cứu tham dự hội nghị cũng đã cho biết thêm nhiều ký hiệu có khả năng là chữ viết trên các đồ đồng cổ Việt Nam của thời kỳ ấy.

Như vậy có nhiều triển vọng trong việc phát hiện thêm các di tích chữ viết thời các vua Hùng; ngay giờ đây, đã có thể nói rằng: có một hệ thống chữ viết Việt cổ thời kỳ văn minh Ðông Sơn phát triển rực rỡ ở khoảng thế kỷ IV trước công nguyên, trước khi người Hán vào xâm lược, đô hộ.


(Hà Văn Tấn, “Có một hệ thống chữ Việt cổ thời các vua Hùng”,
Báo ảnh Việt Nam, số 291, 3-1983, in lại trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm, nxb. TPHCM, 2001)