Thánh Tông di thảo nay ta chỉ biết chắc là viết sau khi có... Thánh Tông, chứ nói chung không biết do ai viết, cũng không biết viết vào khoảng năm nào.

Truyện Ký Một Giấc Mộng nổi tiếng nhờ “lời tâu của hai con yêu”: lời ấy gồm “bảy mươi mốt chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế, không thể hiểu được”. Hóa ra đó là “lối chữ cổ sơ của Việt Nam (...) mường mán ở các sơn động cũng có người còn đọc được”! (xem bài của Hồ Lê trong
gocnhin.net số 50).

(Thu Tứ)



Lê Thánh Tông, “Ký một giấc mộng”



Nhân Tông gặp loạn Nghi Dân. Ta mới lên ngôi, nghĩ đến việc trước mà luôn luôn phải phòng ngừa. Thường dàn sáu quân thân hành đi kiểm soát. Một hôm gặp mưa to, đóng lại trên bờ hồ Trúc Bạch ở Mỏ Phượng. Trong cơn mưa u ám, phảng phất có tiếng khóc than thảm thiết. Khi ta truyền mọi người lắng nghe thì không thấy gì, nhưng đến khi gió lớn mưa to thì lại nghe thấy như trước. Ta ngờ vực, rót chén rượu, hắt ra phía có tiếng khóc, khấn thầm rằng:

- Trẫm trên nhờ oai linh của tổ tông, dưới dựa vào bầy tôi giúp sức, sinh, sát, thưởng, phạt, đều nắm trong tay. Ai uất ức, đau khổ, ta có thể giải đi được. Ai có công đức ngầm kín, ta có thể nêu lên được. Khấn với các thần ở địa phương, nếu có u hồn nào còn uất ức thì bảo chúng cứ thực tâu bày. Cớ sao gió mưa thì nghe thấy tiếng, lờ mờ không rõ, như khóc như than, nửa ẩn nửa hiện, trong tình u oán có ý thẹn thùng, làm cho ta sinh lòng nghi hoặc, muốn nêu lên không rõ công đâu mà nêu, muốn giải cho không biết oan mà giải. Trẫm không nói lại lần nữa, bảo cho các thần biết.

Khấn xong, ta xem hoa cỏ phía ấy tựa hồ có ý cảm động, khiến ta cũng sinh lòng thương xót. Ta liền sắc cho các tướng truyền quân sĩ chỉnh tề ngũ về cung.

Các tướng hộ giá đều phục đằng trước tâu rằng:

- Từ khi thánh thượng chính ngôi đến nay, dân chúng thảy đều thần phục, há đâu có sự bất ngờ. Nay trời rét như cắt, lại thêm mưa gió lạnh lùng, dù ơn vua rộng khắp, ba quân đều có lòng cắp bông báo ơn chúa (1), nhưng đội mưa ra về, dân chúng sẽ nghi là có việc khẩn cấp. Cúi xin đóng tạm ở hành tại, đợi khi mưa tạnh trời quang, truyền mở cửa tây, chỉ trăm bước là về tới chính cung.

Ta gượng theo ý chư tướng, hạ lệnh ngủ đêm ở đó. Ðêm khuya mộng thấy hai người con gái rất đẹp đội một phong thư, phục xuống trước mặt tâu rằng:

- Chị em thiếp trước thờ vua Lý Cao Tông, rất được nhà vua yêu dấu. Không may vận rủi thời suy, bị kẻ gian là Trần Lục bắt trộm, đem đi trốn, định bán chị em thiếp cho người ta bằng một giá đắt, nhưng bị người láng giềng trông thấy, nó sợ tội nặng, nên đem chị em thiếp giam ở địa phương này. Tới nay đã hơn hai trăm năm. May sao nhà vua đi tuần qua đây, có lòng thương xót mọi người, nên chị em thiếp liều chết đến dâng thư, mong được ra ngoài hang tối, thấy bóng mặt trời.

Rồi đặt thư lên án, vừa khóc vừa lạy mà lui ra.

Ta tỉnh giấc, trông lên án, quả có một phong thư. Trong lòng nghi ngại, vội mở ra xem thì ấy một tờ giấy trắng ngang dọc đều độ một thước, trên có bảy mươi mốt chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế, không thể hiểu được.(i) Dưới cùng có hai bài thơ.

Bài thứ nhất rằng:

Cổ nguyệt lạc hàn thủy,
Ðiền ôi vị bán âm.
Dạ dạ quân kim trọng,
Thê thê thiên lý tâm.


Nghĩa là:

Mặt trăng xưa rơi xuống nước lạnh,
Góc ruộng vì thế mà tối mất một nửa.
Ðêm đêm cân vàng nặng,
Ðau xót lòng ngàn dặm.

Bài thứ hai:

Xuất tự Ba Sơn sự nhị vương,
Tị lân đầu thượng lưỡng tương phương.
Hậu lai giá đắc kim đồng tử,
Không đời đào chi vĩnh tự thương.


Nghĩa là:

Ra tự núi Ba Sơn thờ hai vua,
Trên đầu liền xóm hai người sánh đôi.
Ðến sau gả cho kim đồng,
Uổng công đội cành đào,
cảm thấy đau xót mãi mãi.

Ta nghĩ đi nghĩ lại hai ba lần, nhưng vẫn chưa hiểu ý. Sáng hôm sau ta vào triều, vời học thần nội các đến, thuật rõ việc ấy, đưa hai bài thơ cho mọi người xem để giải nghĩa.

Các họa sĩ đều nói:

- Lời nói của quỷ thần rất huyền bí, không thể giải đoán ngay được. Xin bệ hạ cho phép chúng tôi nghĩ kỹ xem thế nào rồi sẽ xin tâu lại.

Trải qua ba năm, không ai biết hai bài thơ có ý nói gì.

Một hôm ta ngủ trưa, mộng thấy người tiên thổi địch gặp ở Hồ Tây khi trước. Ta mừng lắm, mời gã cùng ngồi, cầm tay nói chuyện vui vẻ. Trông mộng lại nhớ đến hai bài thơ kia, đem ra hỏi.

Tiên thổi địch nói:

- Hai mươi tám ngôi sao Tao Ðàn đều là tài hoa bậc nhất trong thiên hạ, mà không ai đoán được nghĩa ư? Ðến cả cậu tiên đồng đứng bên Thượng Ðế cũng bị phú quý làm mê muội mất rồi à?

Ta cười nói:

- Tiên triết ta có câu: “Không thể biết được mới gọi là thần”. Ðem lòng trần dò lòng thần, dò thế nào được? Vậy nên ba năm nay muốn thân oan cho người mà vẫn chưa được.

Tiên thổi địch mới giải nghĩa rằng:

- Hai người con gái ấy là yêu thần của chuông vàng và tỳ bà đó. Khi xưa Lý Cao Tông chế nhạc, đặt tên chuông là kim chung, tên đàn là ngọc tỳ bà. Là chuông, mà có tiếng tơ trúc, là tơ mà có âm hưởng của kim thanh, cho nên mỗi lần được tấu ở ngự tiền, vẫn được ban thưởng. Nhà vua rất quý, đem cất vào nhạc phủ cẩn thận. Ðến đời Huệ Tông, trễ nãi chính trị, ruồng bỏ nhạc công, hàng ngày say sưa hát hỏng, múa giáo tự xưng là tướng nhà trời, ủy cả chính quyền cho họ Trần. Lúc ấy, một người tôn thất nhà Trần, tên là Lục, thừa cơ lấy trộm hai nhạc cụ ấy. Không ngờ bị nhạc công là Nguyễn Trực trông thấy, toan đem phát giác. Lục sợ mắc tội, liền đem chôn tại bờ hồ Trúc Bạch, bên trên trồng một cây anh đào cho mất dấu tích đi. Khí vàng và ngọc lâu ngày thành yêu, nay chúng muốn kêu với vua đào lên để chúng được trổ tài cho nhà vua dùng đó. Trong bài thơ nói: “Cổ nguyệt lạc hàn thủy”, là: bên tả chấm thủy, giữa có chữ “cổ”, bên hữu có chữ “nguyệt”, ghép lại thành chữ “hồ”. Bên hữu chữ “điền” thêm chữ “bán” là chữ “bạn”. Cho nên nói: “điền ôi vị bán âm”. Kim, đồng ghép lại là chữ “chung”. Thiên, lý ghép lại là chữ “mai”, vì chữ “thổ” ngược lại chữ “thiên”. Bốn câu này đọc lại thành bốn chữ “hồ bạn chung mai” (nghĩa là chuông chôn bờ hồ). Còn các chữ khác chẳng qua chắp nhặt cho thành câu thôi. Hai chữ “vương” trên chữ “ba” là chữ “bà”. Trên đầu chữ “tỷ” với trên đầu chữ “ba” so sánh như nhau, nghĩa là cùng đặt hai chữ “vương” lên trên thì thành chữ “tỳ”. Hai chữ tuy đảo ngược, nhưng cũng hiểu là chữ “tỳ bà”. Gả cho chàng kim đồng: kim đồng là chữ “chung”. Chắc là tỳ bà và kim chung cùng đựng vào một vật gì đem chôn đó. Còn câu: “Không đới đào chi vĩnh tự thương”, thì xem bên bờ hồ có cây anh đào, tức là hai thứ ấy chôn dưới gốc đó.

Ta lại hỏi âm và nghĩa của bảy mươi mốt chữ ở đầu trang.

Tiên thổi địch nói:

- Những chữ ấy tức là lời tâu của hai con yêu. Lối ấy là lối chữ cổ sơ của Việt Nam. Nay mường mán ở các sơn động cũng có người còn đọc được. Nhà vua triệu họ đến, bắt đọc thì khắc biết.

Tiên thổi địch nói xong, ta còn muốn nói chuyện nữa. Chợt có cơn gió thoảng qua làm ta tỉnh giấc. Bèn truyền thị vệ theo lời dặn đi tìm. Quả nhiên đào được một quả chuông vàng và một cây đàn tỳ bà ở bên hồ.

(Thánh Tông di thảo, Nguyễn Bích Ngô dịch và chú thích, nxb. Văn Học, VN, 2001)





__________________
(i) Những chỗ in đậm là do người chọn. (TT)
(1) “Cắp bông báo ơn chúa”: sách
Tả truyện chép: “Nước Sở đánh nước Tiêu, trời rét, vua Sở đi khắp ba quân phủ dụ khuyến khích, quân sĩ đều thấy hăng hái, trong mình ấm áp như bông vậy”.