Thì ra Sa Ðéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ (1) là “hậu thuẫn” của Sài… đô.

Sơn Nam nghiên cứu kỹ văn hóa Miệt Vườn, rồi tổng kết: “Óc thực tế (...) dung hòa (những thứ đối nghịch nhau) (...) chú trọng vào cuộc sống ở thế gian (...) ghét lý luận viển vông, tán thành những nét căn bản của mọi triết lý, mọi tôn giáo. Không chủ trương khổ hạnh, không quá tin ở một thiên đường siêu hình”.

Ủa, sao mà nghe giống hệt lời của Phan Ngọc bàn về “bản sắc văn hóa Việt Nam” vậy ta!

Ủa nữa, bộ Miệt Vườn không phải Việt Nam hay sao mà tưởng không giống!

(Thu Tứ)

(1) Trong bài “Đồng bằng sông Cửu”, SN cho biết Miệt Vườn gồm những tỉnh này.



Sơn Nam, “Hương sắc Miệt Vườn”




Miệt Vườn là địa đàng do dân Việt lập ra bắt đầu từ con số không (...) Miệt Vườn đóng vai trò quan trọng, làm hậu thuẫn cho Sài Gòn như trường hợp tỉnh Quảng Nam làm hậu thuẫn cho Huế đô.

Ðáng chú ý là Miệt Vườn làm hậu thuẫn về kinh tế, nhứt là về văn hóa, cung cấp nhân số cho Sài Gòn.

Trong khu vườn Việt Nam, đóa hoa Miệt Vườn đóng góp được vài hương sắc (...)

1) Về kỹ thuật lập vườn (...) đạt đến mức tinh vi với dụng cụ thô sơ: “đào mương lên liếp”, lấy phù sa làm phân, tạo giồng đất cao nơi đất thấp.

2) Biết trồng tỉa khéo léo với kinh nghiệm già dặn về cách trồng cam quít, sầu riêng, măng cụt. Nhờ đó mà trái ngon ở vùng xích đạo được phổ biến lần đầu tiên vào phần đất Việt Nam. Biết đào hầm nuôi cá vồ, cá tra, những loại cá ngon của Biển Hồ (Cao Miên) bấy lâu chỉ sống “trời sanh” ngoài sông Cái.

3) Nhà cửa ở Miệt Vườn khá đẹp, hợp cảnh, với hoa kiểng, sân rộng rãi. Lối bố trí bàn ghế, bộ ván trong nhà bộc lộ tánh tình cởi mở, nhứt là hiếu khách.

4) Phát triển nghệ thuật nấu ăn (...) không câu nệ khuôn sáo cũ, cải tiến không ngừng. Nấu ăn, làm bánh mứt được xem là phong trào tiến bộ xuất phát từ Huế đô, vào năm 1927 (...) Miệt Vườn với mức sống vật chất khá cao đã có dư phương tiện để thực hiện việc trau dồi nữ công (...) cả trong giới bình dân.

5) Óc thực tế giúp người Miệt Vườn giải quyết được một số vấn đề gay go như làm cách nào dung hòa Tây phương và Ðông phương, dung hòa những thành kiến hoặc nét dị biệt về dân tộc giữa người Việt, người Miên, người Tàu: Cái gì thích hợp thì cứ áp dụng (nấu cà ri Ấn Ðộ để cúng ông bà, ăn với bánh mì Tây), ai tử tế thì chơi thân, chú trọng vào cuộc sống ở thế gian, đem Thiên đường xuống mặt đất ngay trong kiếp này, ghét lý luận viển vông, tán thành những nét căn bản của mọi triết lý, mọi tôn giáo. Không chủ trương khổ hạnh, không quá tin ở một thiên đường siêu hình. Thích ăn uống, tiệc tùng xa xí (...)

6) Chuộng nghĩa khí, ít phân biệt giai cấp sang hèn, thích khôi hài, nghiêng về phía người bị áp bức (...)


(Sơn Nam,
Văn minh Miệt Vườn, nxb. Văn Học, 1992, tr. 210-214. Nhan đề phần trích tạm đặt.)