“Âu ơi, Lạc ơi...”




Tiếng Thái lạ?
Thử nhìn cho kỹ
Cái nhầm kỳ quặc
Tiếng nghìn năm cũ
Bền là cái cách
Một mà trăm, trăm mà một
Ðá nhau một chút
Bỏ qua đi... tây!
Hồn ở
đây bây giờ






Tiếng Thái lạ?

Theo Từ điển Bách khoa Britannica (2002), ngữ hệ “Tai-Kadai” (gồm, chẳng hạn, quốc ngữ của nước Thái-lan) không có liên hệ chắc chắn với bất cứ ngôn ngữ nào quanh nó.

Thoạt tiên, do thấy Tai-Kadai (T-K) có thanh điệu (tức dấu) và có nhiều từ giống tiếng Tàu, giới chuyên môn bèn xếp nó vào ngữ hệ Hoa-Tạng. Sau khi biết rất nhiều từ vựng căn bản của T-K thực ra không phải gốc Hoa, giả thuyết này bị loại bỏ. Năm 1942, học giả Mỹ Paul Benedict đề xuất T-K có dính líu với ngữ hệ Nam Ðảo (Austronesian). Giả thuyết Austro-Tai gây xôn xao một thời, nhưng đến nay vẫn chưa được đa số chấp nhận.(1)

Sách Những ngôn ngữ lớn trên thế giới (2) của Ðại học Oxford (1987) khảo về 48 ngữ và ngữ hệ, do nhiều chuyên gia phụ trách. Xem kỹ, từ bài giới thiệu toàn bộ công trình của chủ biên đến bài viết chung về hệ T-K đến bài bàn riêng về tiếng Thái-lan, cũng không thấy giả thuyết nào mới về nguồn gốc tiếng nói của các dân tộc Thái.

Tai-Kadai quả bí mật đến thế sao?

Dưới đây sẽ đưa ra bằng chứng về liên hệ rất đặc biệt giữa thứ tiếng ấy và tiếng Việt.


Thử nhìn cho kỹ

Ngữ hệ Tai-Kadai phân bố rộng rãi: ngoài hai địa bàn chính là Thái-lan và Lào, nó còn hiện diện ở Trung Quốc (các tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Quảng Tây, Quảng Ðông, Hải Nam), Việt Nam (thượng du phía bắc), Miến Ðiện, và cả Ấn-độ (tỉnh Assam, phía đông bắc).

Vì tiếng Thái-lan được xem là tiếng chính và vì lý do thực tế, việc tìm hiểu sẽ giới hạn trong phạm vi ngôn ngữ ấy, từ đây gọi vắn tắt là tiếng Thái.

Xem xét kỹ tiếng Thái về cả ngữ pháp lẫn từ vựng, ta thấy rõ ràng:

Về ngữ pháp tiếng Thái giống tiếng Việt như đúc!

Về từ vựng tiếng Thái chia sẻ với tiếng Việt rất nhiều từ căn bản!

(Xem hai bài “Ngữ pháp Việt, Thái” và “Từ vựng Việt, Thái” trong mục Nghiên cứu / Tiếng Việt trên trang gocnhin.net.)


Cái nhầm kỳ quặc

So Thái với Việt, thấy Thái thật giống Việt.

Thử đọ Thái, Việt với Anh:

Ðể chỉ màu đậm, Thái dùng chữ kae (già); Anh nói dark, chứ không nói old.

Cây có trái, Thái nói ork phon (ra quả); Anh nói bear fruits, chứ không nói “out” fruits.

Thái phor shai (đủ xài); Anh well enough (tốt đủ).

Thái phoot mai ork (nói không ra); Anh struck dumb (bị đánh đần độn).

Thái Kerd rueng arai lah? (Sinh chuyện gì đó?); Anh What is the matter? (Cái gì là vấn đề?).

Thái Khun sa-bai dee rue? (Ông mạnh giỏi chứ?); Anh How are you? (Thế nào là ông?).

v.v.

Khác ơi là khác!

Hiển nhiên Việt với Thái giống nhau không phải chỉ vì cùng là nhân loại!

Học giả Tây phương không phải hoàn toàn không biết đến hiện tượng ấy, nhưng họ diễn dịch nó sai lầm cách tai hại cho công việc tìm hiểu của chính họ.

Gốc-ngọn, trên-dưới!

Thời Việt Nam còn Pháp thuộc, H. Maspéro đã thấy tiếng Việt giống tiếng Thái và xếp nó vào họ Thái.(7)

Sang thế kỷ 21, chuyên gia ngữ học của Britannica cũng thấy tiếng Việt “chịu ảnh hưởng” hoặc “lấy” món nọ món kia của tiếng Thái.(8)

Vì đinh ninh Việt ngữ thuộc Thái ngữ hoặc Việt ngữ học của Thái ngữ nên các ông tây mới thấy là tiếng Thái bơ vơ, không có anh em!

Tiếng dĩ nhiên có liên hệ với người. Ðinh ninh như trên về quan hệ giữa tiếng với tiếng không ăn khớp với bằng chứng về chuyện đã xảy ra giữa người với người.

Lịch sử, lịch sử

Từ lúc có nước Thái-lan (cách nay khoảng 700 năm), nước ấy với nước ta không có tiếp xúc đáng kể.

Trước khi lập quốc, người Thái đã có dịp nào “đè đầu cưỡi cổ” ta chăng?

Học giả Việt Nam từ Ðào Duy Anh đến nay đều nhất trí người Việt là hậu duệ của người Lạc, người Thái là hậu duệ của người Âu. Lạc và Âu là hai nhóm người khác nhau, tuy có liên hệ.

Theo đa số (9), thời nước ta mới chỉ là Bắc bộ Âu sống sát bên Lạc, Âu rừng Lạc biển, Âu bắc Lạc nam. Lạc lập ra văn minh Ðông Sơn lừng lẫy nhất Ðông Nam Á hàng nửa thiên kỷ. Âu chỉ “oanh liệt” ngắn ngủi một lần khi Thục Phán hạ Hùng Vương thứ 18 mà lập ra nước Âu Lạc vắn số (khoảng 50 năm).

Theo Bình Nguyên Lộc (10), người Âu chỉ mới xuống Bắc bộ khoảng tám trăm năm nay và thủ phận đến sau mà ở núi ở rừng, sống tách biệt với ta.

Dù theo ý kiến của số đông hay của BNL, cũng không thấy được lý do khiến người Lạc phải học tiếng Âu.

Các nhà nghiên cứu Tây phương trước cho rằng các dân tộc Thái từ miền nam nước Tàu mà di cư xuống bắc ÐNÁ, nay lại chủ trương họ vốn sinh tụ quanh vùng Ðiện Biên Phủ, rồi khoảng năm 1000 mới bắc tiến lên Hoa Nam, từ đấy tây tiến qua Miến-điện qua Ấn-độ, nam tiến xuống Thái-lan xuống Lào.(11) Dù bảo người Thái tiến xuống hay tiến lên, không thấy ông tây nào khẳng định điều gì rõ ràng về quan hệ huyết thống giữa người Thái và người Việt. Càng không thấy nói người Thái từng uy hiếp được người Việt trong khoảng thời gian đáng kể.

Ta không phải dòng giống Thái. Ta cũng không từng bị Thái chế ngự lâu dài. Vậy tiếng ta không thể thuộc họ Thái mà cũng không thể vay mượn tiếng Thái như các ông tây đinh ninh.


Tiếng nghìn năm cũ

Giống nhau mà không phải gốc-ngọn, thì chỉ có thể là cành-cành.

Cành, thế mà hay

Tưởng Việt gốc Thái thì Việt không giúp tìm hiểu Thái.

Biết Việt với Thái cùng là cành thì có thể suy ra được ít nhiều về tuổi tác của gốc.

Nếu hai dân tộc anh em cứ liên tục làm láng giềng thì khó biết một đặc tính chung nào đó là mới hay cũ. Vì hai bên có thể học qua học lại cái mới của nhau mà cùng thay đổi tương tự.

Nhưng nếu ở cách xa mà có những chỗ tương tự thì những chỗ đó phải là vốn chung, của tổ tiên để lại. Vì chẳng lẽ mỗi người một phương cùng thi đua sáng kiến mà ngẫu nhiên những sáng kiến ấy lại giống nhau!

Ðôi ngả bao giờ?

Ai cũng đồng ý người Thái-lan từ Vân Nam mà xuống đất Thái. Trước Vân Nam, họ ở đâu?

Theo thuyết Bình Nguyên Lộc, họ vốn ở Hoa Bắc, bị Hoa chủng lấn đẩy từ Hoa Bắc xuống Vân Nam. Khi Hoa chủng lại tiếp tục lấn, họ đã bỏ Vân Nam đi thẳng xuống Thái-lan, chứ không hề ghé Bắc bộ (người Thái ở Bắc bộ chủ yếu là người Âu Quảng Tây). Tức người Thái-lan với người Việt Nam chia tay nhau từ lúc ta và họ cùng còn ở bên Tàu, cách nay lâu lắm.

Theo thuyết Ðiện Biên Phủ, Vân Nam chỉ là trạm nghỉ ngắn trên đường “trường chinh” của người Thái. Họ lìa quê, xa ta chỉ mới 1000 năm nay.

Bao nhiêu dâu bể?

Ngay cả nếu “đường ai nấy đi” mới mười thế kỷ, người Thái và người Việt cũng đã có thừa lý do để “ai nói nấy nghe”. Phần ta ở lại nhà dù đã thoát ách đô hộ của người Tàu nhưng về văn hóa vẫn tiếp tục bị phương bắc ảnh hưởng nặng nề. Phần họ bên đất Thái trước bị văn hóa Ấn-độ áp đảo tối tăm mặt mũi sau bị hàng triệu người Tàu theo gót Trịnh Chiếu tràn xuống “khai hóa”. Kẻ ở người đi đều thay ngang đổi dọc do tiếp xúc với nòi giống khác, lại thêm biến hóa tự nhiên, thế mà gặp còn dễ dàng nhận ra nhau, lạ chứ.

Nếu thực Việt với Thái chia lìa đã mấy ngàn năm, thì chuyện tới mức quá lạ, tuy cũng còn đường giải thích.

Ðể ý rằng cả Vân Nam lẫn Giao Chỉ đều là chỗ “khỉ ho cò gáy” đối với đế quốc phương Bắc. Ngay vùng tương đối gần Trung Nguyên như các nước Việt thời Xuân Thu, Chiến Quốc mà sau khi chiếm xong người Hoa cũng phải mất mười mấy thế kỷ mới đồng hóa được. Vậy chắc chắn vào thời điểm người Âu ở Vân Nam bắt đầu nam thiên xuống vùng đất sau trở thành nước Thái-lan, họ vẫn còn nói tiếng Âu. Và người Lạc ở Giao Chỉ sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc vẫn còn nói tiếng Lạc. Từ bấy tới nay, tiếng Âu tiếng Lạc lại vẫn tiếp tục giữ được mình. Vì thế mà khi gặp nhau vào đầu thế kỷ 21 đôi bên không hề bỡ ngỡ...


Bền là cái cách

Còn nhận bà con được là vì cả Âu lẫn Lạc đều còn mang dấu ấn của tổ tiên. Dấu gì mà bền thế?

Các nhà ngữ học hay nhấn mạnh “từ vựng căn bản” sống lâu hơn ngữ pháp. Ðã có xảy ra trường hợp một dân tộc vốn nói “Tôi ăn khoai” mà do tiếp xúc với dân khác lại đổi nói “Tôi khoai ăn”, dù vẫn giữ đủ ba tiếng “tôi”, “ăn” và “khoai”.

Thiết tưởng vấn đề không đơn giản.

Cách đặt câu

Trong trường hợp nhóm ngôn ngữ Việt-Thái, cái cách ta ráp từ lại thành câu rõ ràng cũng rất... thọ. Hãy xem:

Mee kao arai mai?
tin không?
Ta-na-kan yoo thee nai?
Nhà băng chỗ nào?
Hai phom pai duey dai mai?
Cho tôi đi với được không?
Thee nang nee mee krai chong laeo rue yang?
Chỗ ngồi này ai giữ rồi hay chưa?

Trong mấy câu Thái này, cũng như trong đại đa số câu khác, về “từ” chỗ giống chỉ còn lờ mờ, phảng phất, nhìn kỹ mới thấy, nhưng về “ngữ” sự tương đồng lồ lộ: chỉ cần dịch từng chữ Thái thành chữ Việt là có ngay câu Việt tự nhiên!

Cách đặt từ

Tiếng Việt, tiếng Thái, ngoài những từ “vô cảm” mà bất cứ ngôn ngữ nào cũng có như chân, tay, mặt, mũi v.v. còn chứa rất nhiều từ “hữu cảm” như khép nép, rạng rỡ, ngẩn ngơ v.v.

Có phải chính bản thân những xác khép nép, rạng rỡ, ngẩn ngơ v.v. đều có thể mất nhưng hồn của chúng thì trường tồn, nên mới nảy những hiện thân mới mẻ như lôm côm, lướt phướt, lởm khởm v.v.?(12) “Thác là thể phách còn là tinh anh”!(13)

Nói hồn, nói tinh anh, nghe cầu kỳ. Nói cách. Người Việt, người Thái từ lâu lắm đã có cách đặt từ gói luôn vào đấy đủ thứ “cảm” của mình.

Không phải có được ngay

Cách đặt từ “hết mình” và cách đặt câu “mềm như nước” sống mãi.

Nhưng không phải xưa kia tổ tiên ta vừa bập bẹ tiếng người là có được chúng ngay đâu.

Hẳn một tiếng nói chỉ có thể ổn định “cách” khi những người nói thứ tiếng ấy đã đạt tới trình độ tiến hóa nào đó.

Bộ sưu tầm từ vựng Âu-Lạc đưa ra trong bài viết này tuy còn nhỏ bé nhưng cũng đủ cho ta thấy một cảnh sinh hoạt không còn man rợ. Người thôi man rợ, tiếng mang phong cách. Phong cách cũng bền không kém những từ căn bản...


Một mà trăm, trăm mà một

Arai, nai, gee, mai, mee, dai v.v. trong tiếng Thái là gì, đâu, mấy, không, có, được v.v. trong tiếng Việt.

Dường như giới chuyên môn gọi đây là những “hình vị ngữ pháp” (grammatical morphemes), đại khái là những từ cần thiết cho việc đặt câu.

Có nhà nghiên cứu cho biết các ngôn ngữ trong hệ Tai có đặc điểm dùng một số từ căn bản và một số hình vị ngữ pháp khác nhau, làm cho các dân tộc trong hệ ấy không hiểu nhau được, tuy tiếng nói của họ thực ra rất gần gũi về nhiều mặt khác.(14)

Như vừa chứng minh, giữa tiếng Việt và tiếng Thái cũng tồn tại tình hình tương tự.

Về hình vị ngữ pháp, tiếng Việt và tiếng Thái có khác nhau. Về từ căn bản, tuy chia xẻ một số lượng không nhỏ (như đã liệt kê), Việt và Thái cũng có khác nhau. Nhưng về cách đặt từ và cách đặt câu, Việt và Thái vẫn còn liên hệ hết sức chặt chẽ.

Tất cả các anh em Bách Việt đã nói những thứ tiếng thuộc vào cùng một ngữ hệ khổng lồ, tạm gọi là đại ngữ hệ Bách Việt.

Do hoàn cảnh lịch sử, những thứ tiếng nói cùng gốc ấy bây giờ đã lai tạp loạn xạ, đến nỗi người ngoài rất dễ tưởng chúng chẳng có liên hệ gì với nhau. Nhưng nếu có điều kiện để tìm hiểu cho thật tới nơi tới chốn tất cả những ngôn ngữ trong khu vực Ðông Nam Á và Hoa Nam, rất có thể ta sẽ đưa ra được đủ bằng chứng để khẳng định sự thống nhất, trong đa dạng, của một hệ ngôn ngữ chắc chắn hết sức cổ xưa.


(Chợt nhớ tiếng Huế. Răng, rứa, mô là sao, thế, đâu. Tức gốc của tiếng Huế là một thành viên nào đó của cái đại ngữ hệ Bách Việt vừa nói.)


Ðá nhau một chút

Có chia rẽ, rồi lại có chia xẻ. Cái thể thơ nhịp chẵn gieo vần giữa câu độc đáo của người Việt, người Thái, người Chăm là một chia xẻ lớn. Nó liên hệ thế nào với cái cách ăn nói đặc thù của anh em chúng ta? Liệu có thể nêu được gì cụ thể hơn tinh thần Ðề-Thuyết hay không?(15)

Nói lục bát, nhớ Kiều. Cùng làm thơ sáu tám, chỉ riêng ta có Nguyễn Du.

Nghĩ về văn học Ðông Nam Á (không kể VN), từng có ý kiến: “Người ÐNÁ không say mê văn học của mình như người Việt Nam.”(16) Dường như là lời tế nhị. Dù sao, hễ một dân tộc mà không tha thiết với lĩnh vực nào thì chắc khó sinh ra được thiên tài trong lĩnh vực ấy...

Anh em Ðông Nam Á thành tích văn chương kém ta. Còn tiếng nói thì sao?

Ðã chứng minh tiếng Thái giống tiếng Việt. Giống là giống vậy. Chứ câu văn Việt vừa mềm vừa gọn, từ Việt phân biệt hết sức tinh tế, nhất là những từ hữu cảm thì vừa đầy sáng tạo vừa phong phú lạ kỳ, “tiếng mà đến thế thì thôi”(17), thì đâu dễ có hai!

Ðành “gà cùng một bọc”, nhưng trăm con rồi đứa ra thế này đứa ra thế khác, đứa kém đứa hơn...

Ðá nhau một chút thôi, kẻo “hoài”. Dù chẳng “khôn ngoan” cũng cứ liều “đối đáp người ngoài”... (18)


Bỏ qua đi... tây!(19)

Học giả Tây phương, hễ bàn đến nguồn gốc tiếng Việt đa số có khuynh hướng nhất định. Do nước ta ở phía nam của đế quốc Tàu, phía đông của đế quốc Xiêm, phía bắc của đế quốc Miên, mà đầu tiên họ tưởng ta nói tiếng Tàu, xong họ tưởng ta nói tiếng Thái, sau đó họ “nhận ra” ta chính đang nói tiếng Miên.(20) Họ vừa kết luận thế vừa thú thực chưa biết mấy về cả tiếng nói lẫn nguồn gốc của các dân tộc Việt, Thái, Miên!(21)

Bảo ta học của Tàu còn tạm “tha” được. Thấy ta giống Thái, giống Miên, sao không nghĩ theo hướng anh-em mà lại khăng khăng đòi xếp trên, dưới?

Xếp thế là do quen đánh giá văn hóa thông qua thành tích xâm lăng (22), qui mô kiến trúc. Xếp thế cũng là do tâm lý tức bực đối với một thuộc địa bướng bỉnh, quật cường.

Các ông tây chủ quan, “tình cảm” đến mức quên bẵng bằng chứng lịch sử (như đã trình bày), nhưng dĩ nhiên vẫn cung cấp được cho ta nhiều dữ kiện quí báu. Ta nên vừa trân trọng dữ kiện vừa cương quyết trao trả lời những “bình” nhảm nhí.


Hồn ở đây bây giờ (23)

Bình Nguyên Lộc từng nhận xét: “Ở Âu châu, các dân tộc không (...) bị (...) ngoại chủng xâm lăng (...) tất cả đều thuộc chủng Ấn Âu, nên ngôn ngữ của họ còn khá đủ sau 5000 năm. Ở Á Ðông, tình thế có khác vì có Hoa chủng xen vào.”(24)

Nếu xét Á Ðông cộng Ðông Nam Á, thì ngoài Hoa còn Trắng Aryan cũng xen mạnh vào nội bộ Bách Việt thông qua Ấn-độ.

Bị quậy dữ dằn, vậy mà ngôn ngữ của chúng ta nhất định không mất. Chẳng những tiếng Thái giống tiếng Việt, nếu nhìn kỹ sẽ thấy tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Miên, tiếng Ma-lai-xi-a, tiếng In-đô-nê-xi-a v.v. đều ít nhiều giống nhau, thấy một thứ hồn cứ còn ẩn hiện trong tiếng nói khắp vùng.

“Những tiếng muôn năm cũ,
Hồn ở
đây bây giờ”!

Muôn năm cũ vốn là một, vốn đã đủ văn minh để có phong cách, thế rồi duyên kia cớ nọ làm một tan thành trăm. Tuy trăm nhưng vẫn một, vì vẫn còn chung phong cách. Ới Âu ơi, Lạc ơi!



Thu Tứ
(In trong Tìm tòi và suy nghĩ, nxb. Của Tin, Mỹ, 2005)















____________________________
(1)
The New Encyclopaedia Britannica, Mỹ, 2002, q. 22, tr. 713-716.
(2) Bernard Comrie (chủ biên),
The World”s Major Languages, Oxford University Press, 1987.
(7) Nguyễn Ðình Hòa, “Vietnamese”, (Comrie, sđd., tr. 777-778).
(8)
Britannica, quyển 12, tr. 363, quyển 27, tr. 784.
(9) Ðào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, nxb. Thuận Hóa, VN, 1994, tr. 21-36 / Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, VN, 1983, tr. 176-178.
(10) Bình Nguyên Lộc, sđd., tr. 249, 293, 297.
(11)
Britannica, quyển 27, tr. 774.
(12) Ví dụ: cậu thanh niên lôm côm, mộng mơ lướt phướt, học hành lởm khởm.
(13)
Truyện Kiều, câu 116.
(14) Strecker, sđd.
(15) Xem bài “Mềm như nước” (
gocnhin.net số 1).
(16) Phan Ngọc,
Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 1998, tr. 575.
(17)
Truyện Kiều, câu 179: “Người mà đến thế thì thôi”.
(18) Ca dao: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài / Gà cùng một mẹ chẳng hoài đá nhau”.
(19) Người Sài Gòn trước kia có lối nói đùa: “Bỏ qua đi Tám!”.
(20) Hiện nay đa số học giả Tây phương xếp tiếng Việt vào nhánh Môn-Khơ-me trong hệ Nam Á (
Austroasiatic). Ðây chủ yếu là ý kiến của nhà thực vật học - ngữ học Pháp A.-G. Haudricourt, phát biểu năm 1954.
(21)
Britannica, q.22, tr.702: “The work of classifying and comparing the Austroasiatic languages is still in the initial stages.” Về ý kiến về nguồn gốc các dân tộc ở Ðông Nam Á, xem quyển 27, chương “Southeast Asia”.
(22) Cả Thái và Miên đều từng "đế quốc" thành công hơn ta.
(23) Bài “Ông đồ” của Vũ Ðình Liên: “Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ”.
(24) Bình Nguyên Lộc,
Lột trần Việt ngữ, nxb. Nguồn Xưa, Sài Gòn, 1972, tr. 349. Âu châu từng bị người Mông Cổ đánh chiếm, nhưng những cuộc chinh phục ấy không để lại bao nhiêu dấu ấn văn hóa.