“Hoàng Đạo - Để thiếu đành sao”




Hai ý kiến bất lợi

Trong Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan phê bình tác phẩm Hoàng Đạo không mấy thuận lợi.

Trong Hồi ký song đôi” (2003), Huy Cận bảo: “Về sự nghiệp văn chương, Hoàng Ðạo không để lại một tác phẩm nào gọi là có giá trị”. Bị Huy Cận chê có hậu quả cụ thể. Nhà thơ lớn trong thơ và lớn trong đời. Tuyển tập Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930-1945) in lần đầu năm 1989 và đã tái bản nhiều lần, tới năm 2008 vẫn không có tác phẩm nào của Hoàng Ðạo. Tình cờ, người viết lời bạt cho bộ sách chính là Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Cù Huy Cận.

Hai người một ý, vậy mà ý ấy không chính xác.

Hãy đọc lại xem

Hoàng Ðạo sáng tác ít, chỉ để lại truyện dài Con đường sáng và tập truyện ngắn Tiếng đàn.

Vũ Ngọc Phan đọc Con đường sáng

- “Người ta lấy làm tiếc rằng Hoàng Ðạo đã không đào sâu một chút nữa. Những nhân vật trong tiểu thuyết của ông không có những ngôn ngữ hành động sâu sắc, nên cá tính của họ không được rõ cho lắm (...) Ở loại tiểu thuyết ông không được giàu tưởng tượng cho lắm”. Quả thực, nếu đọc Con đường sáng như đọc tiểu thuyết Tây thì có thể “lấy làm tiếc”. Nhưng có nhất định phải đọc thế đâu! Chúng tôi sẽ xin bàn về nhận xét này.

- Vũ Ngọc Phan phàn nàn Hoàng Đạo hay tả cảnh xen vào hành động của nhân vật: “Duy cúi mình múc nước trong bể đổ ra thau. Ánh sáng phản chiếu chạy loang loáng trên bức tường trắng, trên lá cây rồi thong thả dần và dừng lại trên tường thành một vùng sáng rung rinh”, “Duy khoan khoái thở mạnh. Theo hương cau, chàng thấy thấm dần vào trong người hết cả cái mát trong của ban mai. Một vài con chim sâu gọi nhau trên cành tử vi. Duy chống khuỷu tay lên khung cửa...”, “Qua khe lá, một tia nắng bỡ ngỡ xiên ánh vàng lên tà áo của Thơ, Duy tưởng chừng như đến chiếu sáng cả tâm hồn chàng” v.v. Ông bảo nhân vật Duy không phải là “nhà thơ của tạo vật”, nên việc Duy có những cảm xúc như trên là “một điều rất lạ”. Ô hay, có lạ gì đâu cái việc tác giả gán cho nhân vật đủ thứ cảm xúc! Tất cả cảm xúc của tất cả nhân vật trong Truyện Kiều đều là do Nguyễn Du gán cho đấy chứ. Ăn thua là gán cho đúng, cho hợp. Duy đặc biệt nhạy cảm với tự nhiên thì có gì là không hợp? Chả lẽ người đi tìm “con đường sáng” nhất thiết phải là người dửng dưng với cảnh vật quanh mình?

- Vũ Ngọc Phan không thông cảm cái lối Hoàng Ðạo tả Duy vừa tin ở tương lai vừa hay ngoái nhìn dĩ vãng. Ông cho rằng hễ người mà hay “sực nhớ đến những ngày đã lâu lắm, từ khi còn trẻ dại ở nơi quê nhà” thì “khó lòng” tìm thấy được “con đường sáng”. Tại sao thế? Nói chi Duy, nói chính người đẻ ra Duy là Hoàng Ðạo. Ta không thể tưởng tượng Hoàng Ðạo vừa tích cực hoạt động xã hội vừa nhớ những ngày thơ ấu êm đềm được sao?

- Cuối Con đường sáng, Duy chọn “mưu cho họ (những người bình dân) một đời êm đẹp” làm mục đích đời mình. Vũ Ngọc Phan lại “lấy làm tiếc”: ông bảo giá Hoàng Ðạo viết tiếp, viết thật rõ ra những cách giúp người bình dân thì sách có thể sẽ trở nên “đậm đà”, “bề thế và cốt cách”, sẽ giống Anna Karénine của Tolstoi. Trời! Tại sao đi lấy của người làm chuẩn cho của mình như thế? Nghệ thuật không đòi to, còn “đậm đà” với “cốt cách” thì tác phẩm này của Hoàng Đạo không thiếu đâu, như chúng tôi sẽ xin nêu.

- Vẫn về cái kết thúc nói trên, Vũ Ngọc Phan còn bảo nếu Hoàng Đạo viết tiếp thì tác phẩm mới cân đối. Cân đối là thế nào, mà sao lại phải cân đối?!

Đôi đoạn “văn thơ”

Trước khi trình bày ý kiến của mình, chúng tôi xin trích hai đoạn sau đây từ Con đường sáng:

“Thơ thấy trong lòng êm ả. Nàng ngồi têm trầu nhưng mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Qua kẽ lá tường vi thưa thớt, Thơ đưa mắt theo một đám mây trắng lững thững trôi trên vòm trời màu nguyệt bạch (…) Một nỗi vui không cỗi rễ rung động trong lòng khiến nàng xao xuyến (…) Mấy luống cải trong vườn, hoa nở vàng (…) rực rỡ như những bông hoa nắng (…) Thơ vẩn vơ nghĩ đến cánh đồng lúa chín vàng, gió hanh lay động dưới ánh nắng. Và thoáng thấy hiện ra trước mắt nét mặt rắn rỏi của Duy (…) Ánh nắng hôm nay như nhuộm màu rực rỡ của ánh nắng sáng hôm qua, lúc nô giỡn trong mái tóc rối loạn của Duy và chiếu sáng vừng trán rộng của chàng (…) Nàng tiên Thơ, Duy mỉm cười nghĩ thầm (…) những ngón tay thon thon hình búp hoa ngọc lan (…) đôi mắt trong và thơ ngây dưới hàng mi dài và đen (…) cặp môi thắm đương mỉm một nụ cười ý nhị (…) Duy cầm chén nước chè nóng uống từng ngụm, nhắm nhía hương chè thơm và ấm, không nghĩ ngợi gì nữa, chỉ muốn thời gian ngừng lại”.

“Thơ vừa nói vừa đưa hai bàn tay mềm mại lên sửa lại mái tóc; trên cổ tay tròn và trắng, vòng ngọc xanh Duy trông như đúc bằng lá cỏ non (…) Duy giơ tay trỏ một cây cao in lên nền trời ám mây những lá úa màu vàng thẫm: - Ðẹp quá! Trông như hết cả bướm ở đồn điền đều bay về đậu ở đấy (…) - À, lá lao xao. Nhưng em trông không giống bướm, mà lại giống một đàn nhạn mới bị gió bấc đuổi về (…) - Cô Thơ của tôi lại thi sĩ kia đấy... Câu tỉ dụ đúng quá. Quả là một đàn nhạn đương rung động đập cánh sắp sửa bay đi (…) - Cô vừa bảo là cây gì nhỉ? - Cây lao xao (…) - Cây lao xao, cái tên đẹp quá, nghe đến là tưởng chừng nghe thấy tiếng gió thu xao xác trong lá khô (…) Duy hỏi để có cớ nhìn Thơ. Chàng thờ thẫn ngắm mái tóc quấn lỏng buông xõa xuống một bên cổ, màu đen nhánh nổi bật lên màu da trắng, hàng lông mi dài và cong chớp trên đôi mắt huyền (…) những nét tà áo rung chuyển theo hình cong mềm của chiếc quần lụa ngà (…) hai gót chân ửng màu hồng non như đương e thẹn (…) - Sắp đến nơi rồi. Lắng tai nghe đã thấy tiếng suối róc rách, anh ạ (…) tiếng nói của Thơ vang lên, trong như tiếng suối dưới chân đồi (…) Bỗng Duy kêu sẽ lên một tiếng. Chàng vừa thoáng nhìn thấy một bông hải đường mới nở trong đám lau rủ hoa màu bạc xám xuống bên bờ suối (…) Duy nhảy lên bờ, len vào đám lau sậy. Một lát sau, chàng ôm một vốc hoa hải đường về. Lúc đó, Thơ cũng vừa rửa mặt xong, phấn đánh đã trôi hết nên Duy thấy nàng lộ một vẻ đẹp khác (…) một vẻ đẹp mộc mạc tự nhiên (…) Thơ cúi xuống những bông hoa hải đường rực rỡ, Duy nhận thấy màu hồng của cánh hoa phản ánh lên đôi má và buột mồm đọc: - Hải đường mơn mởn... Nhưng chàng nghĩ đến màu hồng của cặp má nhung hơn là đến sự mơn mởn của hoa tơ (…) Trời sầm tối lại; tiếng mưa đổ rào rào trên ngọn cây mỗi lúc một to hơn: cây rừng trông lờ mờ như ai phủ lên một bức màn trắng đục (…) - Cô đứng áp lại đây, chỗ này không ướt (…) Những giọt mưa lóng lánh trên má Thơ (…)Thơ biết Duy đương nhìn mình một cách nồng nàn (...) nàng sẽ đưa tay lên vuốt mấy sợi tóc ướt, rồi bỗng dưng (…) trở nên rất táo bạo, thong thả quay mặt lại nhìn Duy (…) Duy nắm lấy tay Thơ và nàng theo đà tay ngoan ngoãn ngả đầu vào người Duy (…) Duy âu yếm hôn lên mí mắt Thơ (…) Lúc bấy giờ trời đã tạnh mưa. Ở những lá cây nặng trĩu nước mưa, thỉnh thoảng một giọt nước trong rơi xuống suối. Qua khe lá một tia nắng bỡ ngỡ xiên ánh vàng lên tà áo của Thơ, Duy tưởng chừng như đến chiếu sáng cả tâm hồn chàng”.

Đôi điều thiển nghĩ

Hai đoạn vừa trích là văn xuôi giàu chất thơ.

Người Việt Nam vốn coi như chỉ làm thơ. Thế kỷ 20, ta mới bắt đầu viết văn xuôi. Do “hồn xưa của đất nước” (HT) chưa tan, trong văn xuôi ta thường có ít nhiều chất thơ. Điều ấy rất lâu sau còn đúng, nói chi vào thời Hoàng Đạo.

Vũ Ngọc Phan hình như ít nhậy cảm với thơ, chắc do đó càng ít nhậy cảm với văn xuôi thơ. Ông trầm trồ Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, nhưng thực ra chú ý đến những chi tiết cụ thể trong “tập tranh” ấy hơn là đến vô số lời văn gợi cảm. Ông cũng tấm tắc truyện ngắn truyện dài của Khái Hưng, vì chứa những phân tích tâm lý tỉ mỉ “rất đúng”… Trong khi trong Con đường sáng, Hoàng Đạo không cung cấp bao nhiêu chi tiết về bất cứ “tranh” nào và cũng không đào sâu vào tâm lý nhân vật, mà chủ yếu cho nhân vật cảm xúc tinh tế mọi thứ quanh mình. Vũ Ngọc Phan không gặp những cái muốn tìm, lấy làm thất vọng…

Có người nhận xét Vũ Ngọc Phan là độc giả “chân phương”.(LNÂ) Dù sao, ý kiến không thuận lợi của ông về Con đường sáng chắc chắn chỉ là chuyện văn học.

Về Tiếng đàn

Vũ Ngọc Phan có nhắc tên nhưng không phê bình tác phẩm này của Hoàng Đạo.

Cũng như trong Con đường sáng, đây ta gặp những đoạn văn gợi cảm: “Một hôm, có việc về chơi người anh em ở Bạch Mai, tôi rẽ qua xem nghĩa trang Hợp Thiện. Trời đã xế chiều, ánh nắng còn thếp vàng những ngọn cây cao. Cỏ tươi thắm. Hoa vạn thọ vàng thẫm (...) Về phía mộ làm phúc, tôi chợt thấy một đám ma người nghèo (...) Mộ đã đắp xong. Ðột nhiên tôi thấy những nét trắng của mấy bông huệ rung trong bóng tối, như sự xao động cuối cùng của một linh hồn (…) Người tôi lúc đó (…) như một cốc pha-lê mong manh, sẽ động là có tiếng vang. In sâu vào trí nhớ là những chấm đỏ thẫm của hương, mùi thơm mát trong gió” (“Một gia đình”)…

Vừa cảm xúc tinh tế, Hoàng Ðạo lại vừa hay hướng lòng mình về những cái lớn lao.

Trong “Dưới làn sóng” có đoạn văn tả cảnh hùng vĩ: “Vài giờ sau, vừng thái dương sán lạn mọc lên trong một bầu trời quang đãng, âu yếm nhuộm hồng mấy sợi mây tơ chăng trên da trời màu nguyệt bạch, dịu dàng mơn trớn cánh đồng nước lặng sóng như mặt hồ. Ánh sáng buổi bình minh tinh khiết như hồi thiên địa mới sơ khai. Nếu không có vài chiếc thuyền thỉnh thoảng lách vào mấy ngọn tre xơ xác, những sự khủng bố hồi hôm có lẽ khách du chỉ cho là một giấc mơ dữ dội”.

Nghe hát trên sông Hương, đã bao nhiêu văn thi nhân. Hình như chưa có ai nghe như Hoàng Ðạo nghe trong “Tiếng đàn”: “Chiếc thuyền lặng lẽ trôi, chốc chốc mái chèo nhẹ nhấc lên, đem theo những giọt trăng long lanh. Xuân có cái cảm tưởng rằng những giọt trăng ấy là sự đọng lại của tiếng hát trong vắt lẫn trong cung đàn. Tiếng hát vang ra khắp không trung (...) ngừng lại trong những đám cây tối ở hai bên bờ; có khi bay cao lên trên ngọn đồi xa, rồi như theo gió đưa mãi lên, quyến luyến lấy đám mây tơ dệt đen trên nền trời xanh sáng, chập chờn trước mảnh trăng trong (...) Hết điệu Nam Bằng đến Nam Ai. Tiếng độc huyền càng réo rắt. Nỗi buồn Xuân cảm thấy mỗi lúc mỗi lớn, tràn ngập hết cả tâm hồn. Chàng cảm như nghe thấy cung đàn đã từ đời thuở nào, ở một tiền kiếp xa xăm (…) Xuân rùng mình nhắm mắt lại. Trong hai dẫy cây đen (…) soi bóng xuống gương sông, chàng thoáng nhìn thấy nhấp nhô những hình kỳ dị trên một tòa thành cổ (…) Tiếng đàn độc huyền vẫn vang lên theo (…) một điệu hát (…) như tiếng than (…) thỉnh thoảng một tiếng vuốt cao lên nghe như một tiếng nấc (…) Huyền nét mặt vẫn lạnh lùng, nhưng Xuân ngạc nhiên nhìn y phục nàng, một thứ y phục sặc sỡ. Hai cánh tay nàng để trần, Xuân trông thấy tròn và trắng, đặt khoan thai lên trên cái xiêm thêu. Chàng thấy hiện ra trước mắt cảnh nước Chiêm Thành mới bị diệt vong và chàng tự nhiên yên trí rằng Huyền là một cô công chúa Chàm bị người Nam đắc thắng ép ra ngồi hầu rượu và ca những bài hát họ chưa hề nghe (…) Công chúa (…) cất lên những tiếng ai oán não nùng (…) Xuân thầm nghĩ trong đám (...) ấy có một người tâm hồn thi sĩ và người ấy có lẽ là cha ông mấy mươi đời Xuân, nên Xuân đêm nay (…) Chàng chợt nhận ra Huyền là người cùng nước, và tiếng ca ban nãy là tiếng than của thời đại chàng đương sống. Một nỗi buồn nản mênh mông tràn vào tâm hồn Xuân như nước triều trên bãi biển xa vắng”. Nghe nhạc mà cảm xúc lịch sử, sử xưa của người khác rồi sử nay của ta! (Như trình bày trong bài viết “Của thần, của người”, chúng tôi cho rằng đặc tính của dân ca Huế không có gốc ở việc người Chăm mất nước. Đây Hoàng Đạo cảm nhận theo nếp nghĩ phổ thông.)

Nhân sinh quan cũng là chuyện “lớn”. Trong “Tiếng sáo Thiên Thai”: “Yên thân! Ngày hai buổi đi làm kể cũng yên thân được, nhưng nếu lấy thế làm mục đích của đời người, thì đời người đáng chán lắm (...) Tôi chỉ thích sống một đời tự do (…) Ở đây, muốn cuốc đất thì tôi cuốc, muốn đọc sách thì tôi đọc, lúc nào muốn hành động thì tôi liệu trù tính để hành động, mà không muốn làm gì cả, thì tôi bắc ghế ra ngồi ngoài vườn nhìn mây trời. Một mình tôi thênh thang trong khoảng trời đất bao la (...) Tôi chỉ ham muốn có sự tự do, sự đẹp, hai điều mà tôi có cả. Mão nói xong, đứng dậy mở cửa sổ, chỉ ra ngoài mà bảo bạn rằng: - Ðây, ông trông. Tôi làm nhà trên mỏm đồi cao này vốn có ý riêng. Ở đây chỉ một liếc mắt, là đã được thưởng thức hết cả thanh sắc man mác trong vũ trụ vào trong khuôn cửa (…) Dưới chỗ hai người đứng, những cây hồi liên tiếp đưa nhau xuống thung lũng. Trong đám mạ xanh dờn, xa xa, lấp loáng dòng suối bạc quanh co. Bên cạnh suối, gần mấy cụm mai lá sắc, vài ba nhà sàn lẩn khuất. Xa hơn nữa, bóng chiều ngừng lại sau một trái núi tím lam. Ánh vàng man mác trong khinh không, nhuộm tươi sắc xanh non của cây cỏ, tô đỏ màu tía của lá úa, pha nhạt màu nâu sẫm của đất núi. Hai người có cảm giác như lạc vào một cảnh mộng, gợi nên bằng nét bút thần của một họa sĩ lai láng hồn thơ. Thảo choáng váng hồi hộp nói: - Ðẹp thật”.

Tập Tiếng đàn có vài truyện đáng chú ý.

Không may và không may

Trong cõi văn chương, Hoàng Ðạo mãi mới in hai sáng tác phẩm, thì không may gặp nhà phê bình không thưởng thức. Còn ngoài đời, dường như ông cũng gặp một chuyện rồi có ảnh hưởng không hay đến đánh giá văn nghiệp mình...

Chúng tôi ngờ thế vì một người có tâm hồn đa cảm như Huy Cận lẽ nào không thấy chút giá trị nào trong Con đường sángTiếng đàn. Hơn nữa, phát biểu của Huy Cận còn có lời này: “Hoàng Ðạo viết văn, chẳng qua là theo cái đà của anh em trong nhóm, sóng cao thì thuyền lớn, thuyền bé cũng theo lên”. Tưởng nghe có giọng riêng tư.

Chúng tôi nghĩ đến sự kiện Hoàng Ðạo đã làm quản lý kinh doanh tất cả những cơ sở do Nhất Linh đứng đầu. Có phải vị trí công tác khiến Hoàng Đạo dễ bị mất cảm tình? Huy Cận nhớ dai, trong Hồi ký song đôi có nhắc chuyện năm xưa Nhất Linh đã hào phóng cởi ngay chiếc áo khoác lịch sự biếu mình… Ðã xảy ra chuyện hiểu lầm gì đó giữa Huy Cận và Hoàng Ðạo chăng? Nhưng Huy Cận… Ô hay, thi hào thì vẫn là người!

Để thiếu, đành sao?

Hoàng Ðạo sáng tác ít, nhưng có tác phẩm đáng đưa vào Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930-1945).

Để thiếu, đành sao?

(Không biết nay thế nào, đã “đủ” hay vẫn chưa.)



Thu Tứ
Viết tháng 7-2008
Sửa tháng 11-2022
















________________
HT: Hoài Thanh viết về thơ Nguyễn Bính trong
Thi nhân Việt Nam.
LNÂ: Lại Nguyên Ân,
Ðọc lại người trước đọc lại người xưa, nxb. Hội Nhà Văn, 1998.