“Ngon ơi!”




Hai khỉ ấy suýt làm hỏng chuyện. Cái gì mà giữa ban ngày ban mặt, giữa đám đông, mà dính như sam cặp, rồi ve ve vuốt vuốt...

Nhãi ranh đắm phim Tây! Tây ra đường thì ôm ôm, ấp ấp, ịn ịn như chết thèm, về nhà lại gấu ó đại loại chuyện anh đi giải xong ích kỷ quên ngả mặt ghế xuống cho chị ngồi... đi! Chẳng thế, sao ly dị như điên?

Hừm, yêu nhau ra rít mà không nhường nhịn được nhau chuyện bé hơn cái tăm!

Cái tôi đấy. Ðã quá quen khẳng định cái tôi rồi. Biểu lộ tình yêu (hay tình gì) trắng trợn ngoài công cộng là một cách khẳng định nó. Bắt bẻ nhau từng li từng tí ở nhà cũng là một cách khẳng định nó. Hai cái tôi anh tôi chị được khẳng định đúng mức, đâm kềnh càng, nhà hóa chật, đành bai-bai nhau, mỗi cái từ đấy sống vui vẻ với một con chó.

Bắt chước nữa đi, rồi lớn lên tha hồ cũng ở với…, các nhép kia ạ.

*

Nói suýt hỏng chuyện có quá. Thấy cô cậu dở trò... vượn thì dạy thầm tí, chứ ai dại đã vào đến đây mà lại tức đến ăn mất ngon.

- Hôm nay em muốn thử món...

- Còn anh thì...

Ra ra vào vào dễ đến mươi lượt rồi đấy, mà vẫn thích ơi. Quán thiết kế lối chợ quê, mỗi món là một cô hàng. Các cô ngồi trong lều dựng chung quanh, khách ăn ngồi ở giữa. Chợ quê giả này sạch chẳng kém nhà hàng Âu, Mỹ.

Dà, mộc mạc thế thôi nhưng mùi quê vị quê nếu may mắn biết thưởng thức sẽ thấy tinh tế gấp chục lần những thứ hảo vị ngoại lai cầu kỳ ở những nơi hào nháng ly cốc lanh canh lung linh trong mờ ảo ánh đèn cầy!(1)

Ăn miếng ngon, nhớ Vũ Bằng. Có lẽ vào đây dùng xong đĩa bún thịt lợn luộc chấm mắm tép có khế chua, chuối chát, hay vài chiếc cuốn tai heo chấm mắm nêm, chẳng hạn, ông sẽ đố ai thử dùng hai món đó mà không cảm thấy chợt yêu quê hương đất nước bồng bột hơn, sâu sắc hơn, đằm thắm hơn!

- Anh, em thấy bún bò không bằng má nấu...

“Mạ nấu” thì ngon “dức” rồi, nhà hàng mô bì kịp. Nhưng mà, nói cũng đúng đó. Quán này có hơi yếu về các món ăn miền Trung.

*

Lạ quá. Có thứ gì khác như nó không? Vừa ăn no, rời “quán chợ” được mấy bước, gặp nó, không cầm lòng được, mua một vốc, vừa đi vừa nhai thật thong thả từng dúm nhỏ. Đã không thấy nặng bụng thì chớ, cơ hồ cái mùi vị thanh tao lại còn đang giúp tiêu hóa những thức béo bổ...

Dĩ nhiên là cốm. Cốm Vòng. Thôi, chỉ nên dẫn lời Thạch Lam: “Thật đáng tiếc khi (...) thấy (...) những thức quý của đất mình (bị) thay dần bằng những thức bóng bẩy hào nháng và thô kệch bắt chước người ngoài”.(2)

Quê hương là “chiếc đòn cong”... Ấy, là nghe kể mà ca tí cho vui, chứ cái đòn gánh cốm dáng ngộ nghĩnh đã về với ông vải. Chỉ cốm ở lại để mỗi mùa làm “thơm bàn tay nhỏ”, “thơm bước chân qua”(3) nơi vỉa hè “Hà Nội phố”(4)... Còn bao lâu nữa thì đến cả “quà của lúa non” người Việt tương lai cũng sẽ phải lần giở trang sách cũ mà “tưởng tượng mùi hương”(5)?!



Thu Tứ
Viết năm 2008





















_________
(1) Đèn cầy là nến (phương ngữ). Bên Tây nhà hàng lịch sự thường có thắp nến.
(2) Xem bài “Quà của lúa non” của Thạch Lam.
(3) Trong lời bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn.
(4) Phú Quang có bản nhạc tên “Em ơi Hà Nội phố”.
(5) Cuối truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” của Thạch Lam: “... để tưởng nhớ mùi hương”.