Gọt thủy tiên là một thú chơi có gốc Tàu. Những cái củ mà “thày tôi” cầm lên gọt đã từ bên Tàu qua bên ta… Ờ, nhưng cũng như nhiều thứ khác học của người khác, gọt thủy tiên lối ta chưa chắc mảy may kém gọt thủy tiên lối Tàu, thậm chí có thể hơn… Vũ Bằng dĩ nhiên là một người đa cảm. Trong các loại “cảm” có mặt trong ký hay tùy bút của ông, người đọc thỉnh thoảng vẫn gặp loại cảm xúc hài hước. Trên bức chân dung của đối tượng của “niềm tưởng nhớ xa xôi” sau đây, cũng có một nét hài… (Thu Tứ)



“Ăn tết thủy tiên”

Vũ Bằng




Ðến lúc đứng tuổi rồi, lòng người có những cái thích nho nhỏ kể cũng hơi ngộ nghĩnh.

Trong những cái thích đó, hồi còn ở Bắc, tôi thích cứ mỗi khi Tết đến thì không về nhà thăm mẹ vào ngày mồng một đầu năm như thường lệ, nhưng vào khoảng đêm ba mươi, sắp giao thừa.

Giờ phút đó huyền ảo lắm, thời gian ạ!

Nhà cửa quét tước rồi, bàn thờ đã xếp đặt đâu vào đấy, mẹ tôi nhân được lúc rỗi rãi, sai người đun nước, pha một ấm trà thật ngát hương.

Ở ngoài kia, bước người im ắng, lắng mà nghe có tiếng đôi mùa tiễn nhau trên phố lạnh. Cầm cái chén cổ men chàm nhấp giọng, ta tưởng như uống cả một ít hương mới về trong gió kinh thành ngừng đọng trong lòng chén nước do một người mẹ tự tay pha lấy và chuyên lấy cho con.

Bấy giờ, tôi mới hỏi mẹ tôi:

- Trà gì mà ngát thế, hở mợ?

Cụ lặng yên một lát rồi mới đáp:

- Trà thủy tiên đấy mà!

- Ồ thế năm nay mẹ cũng gọt thủy tiên?

- Không, mua đấy mà! Còn tâm óc đâu để mà gọt nữa! Vả lại năm nay có tuổi, tay run, có gọt cũng không còn đẹp, chi bằng mua quách một vài củ cho xong.

Giọng nói trầm ngâm, bao hàm một nỗi bùi ngùi man mác.

Tôi biết rằng hễ cứ bao giờ nói đến chuyện thủy tiên thì lòng mẹ tôi cũng nao lên một niềm tưởng nhớ xa xôi. Ấy là mẹ tôi nhớ đến thầy tôi vậy.

*

Bây giờ ngồi nghĩ lại thì quãng thời gian đó xa lắm rồi; nhưng tôi vẫn không thể quên được những ngày gần tết, hồi tôi còn nhỏ, không năm nào mẹ tôi không mua ở Hàng Buồm về mấy sọt thủy tiên.

Thày tôi mê gọt lắm, mất cả ăn cả ngủ vì thủy tiên, sinh ra ốm ra đau vì thủy tiên.

Ðã bao nhiêu lần, mẹ tôi dọa sang năm không mua thủy tiên nữa để cho thày tôi mất gọt; nhưng nói thế thôi, chớ cứ từ đầu tháng chạp trở đi thì cụ đã đi chọn mua thủy tiên rồi. Thứ “Kim Hằng” đứng vào hạng thứ ba, không được ưa chuộng mấy. Chính hạng là thứ ngoài sọt có dán giấy điều rắc hồng hoàng viết hai chữ “Kim Trinh”; nhưng thứ gọi là “Nghi Xuân” khá lắm, cũng “chắc củ” như thể loại “Kim Trinh” vậy.

Sau một thời kỳ khan hiếm vì khói lửa ngăn cách biên thùy, thủy tiên bây giờ lại thấy bày bán ở những đường phố Hoa kiều, nhưng không hiểu một bắp bây giờ bán tới bao nhiêu?

Ngày trước, chỉ năm sáu xu một bắp. Mua cả sọt hai đồng hay hai đồng hai là cùng. Rẻ lắm. Nhưng không phải bắp nào cũng dùng được cả đâu. Có khi cả một bắp, lọc không được củ nào; bắp nào tốt lắm thì được hai, ba củ. Chọn đi chọn lại mãi, đất ở trong sọt rơi vãi cứ bừa cả ra trên giường.

Thày tôi chia những củ đã chọn ra làm ba thứ, để ở ba chỗ khác nhau. Thứ tốt nhất to củ, nắn chắc tay mà giò nào cũng bẫm, dùng để gọt đi thi; thứ tốt vừa, gọt để cúng thánh và để chơi; còn thứ thứ ba, bé mà lại thường gãy mất giò, để đấy rồi đem trồng vào chậu sành cho lũ trẻ con. Nhưng trẻ con cấm ngặt không được mó máy đến thủy tiên ngâm trong chậu đồng, chậu sứ!

Bởi vì thủy tiên chọn xong rồi thì phải đem ngâm vào nước mấy ngày. Mẹ tôi cho từng thứ vào từng chậu riêng biệt phơi sương cho những màng vàng sẫm bên ngoài bợt đi và sạch nhựa, để sau này có gọt thì thủy tiên sẽ nở cả, trắng bong lên, mà rễ lại dài và mượt.

Cứ độ vài tiếng đồng hồ, lại phải dở mặt thủy tiên lên.

Trời ngày trước, cứ vào đầu tháng chạp đã lạnh buốt đi rồi; nước giá băng băng; cho bàn tay vào chậu, mười đầu ngón tay như rụng.

Tôi còn nhớ lúc ngâm thủy tiên như thế, thày tôi một ngày có đến mươi, mười hai bận hết lật lại úp từng củ xuống, tay cứ nhợt nhạt đi. Cái giống thủy tiên mà rửa không sạch nhựa, sau này nó thâm lại, trông mất cả vẻ trong ngọc trắng ngà.

Vì thế, vừa ngâm, thỉnh thoảng lại vừa phải cọ cái nhựa bám ở chung quanh củ thủy tiên đi, hoặc bằng cái chổi lông bé nhỏ chế riêng cho công việc tỉ mỉ này, hoặc bằng ngọn bút sơn để có thể rửa kỹ cả mọi khe giò, ngóc ngách.

Ngâm như thế độ hai ba ngày thì gọt. Nhưng mà từ lúc ngâm cho đến lúc gọt, bao nhiêu tâm óc để vào đấy? Bao nhiêu đêm không ngủ. Chỉ vì băn khoăn không biết đơn hay kép? Bao nhiêu buổi trà nhạt thếch vì không biết gió may này có quay ra nồm hay không?

Ðặt chén rượu thuốc xuống mâm, thày tôi nhìn chậu thủy tiên, nói với mẹ tôi, mà như thể là đương nói với một hình bóng xa xôi nào vậy:

- Này, thế mà không biết chừng củ ngâm ở bể sứ, cạnh chậu lan chân cua, lại là kép cũng nên. Tôi nhắc lên thấy nặng mà chắc lắm. Cái giống thủy tiên đơn nó vẫn nhẹ hơn.

Mẹ tôi ngồi im lặng một giây, rồi đáp:

- Ðã đành nhẹ thì là đơn, nhưng không phải lần nào cũng đúng. Thôi, hay là thế này: cả ba củ ở trong bể, để riêng ra. Ta cứ gọt thật cẩn thận, trúng củ nào thì chọn lấy để đem đi thi vậy.

*

Từ mấy hôm nay, pho truyện Tam quốc thạch bản mà thày tôi vẫn thường đọc ban đêm được nằm yên trên giá sách, với những hạt bụi như giấy bột. Từ tinh mơ, tôi chập chờn nửa thức nửa ngủ đã thấy ngọn đèn dầu tây le lói ở trên án thư rồi. Thì ra người đã dậy từ lúc còn tối trời, pha nước độc ẩm rồi cứ ngồi ngâm thơ chờ sáng để mà gọt nốt bắp thủy tiên bỏ dở.

Sân cảnh của thày tôi, mỗi phút, lại đổi màu đi như một bức tranh kỳ ảo. Từ bóng tối đặc sẫm, rồi loãng như mực tàu mài nhạt, sắc trắng của hoa cúc nổi lên trước nhất, rồi đến các hòn non bộ, những câu đối dán tường, với hàng chục chậu lan khác nhau để trên những đôn sứ vừa màu chàm, vừa giang tây.

Ðối diện những cây cảnh đó, bên này là cái bàn tam cấp sơn son thếp vàng, trên để rất đều hàng những bát chiết yêu và cốc pha-lê trắng hay phơn phớt hoa đào, trong đựng những củ thủy tiên hạng nhì vừa mới gọt vài ba hôm trước.

Hàng ngày, cụ Cả Nam, cụ Thuận Ký, ông Hai Chín, ông Tú Thanh và nhiều bạn khác của thày tôi cứ quanh quẩn ở cái sân nhỏ hẹp nhưng mà tươi vui như cả một mùa xuân, để ngắm nghía, xem xét và bàn luận từng củ một.

- Ờ, ờ, củ này may ra được mãn khai đây!

- À, củ này bé, nhưng mà giò lấy được. Lá kiếm!

- Cái bẹ tay trái này hỏng, nhưng bẹ đằng sau đẹp đấy, rõ là tam cấp.

Sở thích của các cụ như thế đấy: thấy ai chơi thủy tiên thì thể nào cũng cố tìm đến cho kỳ được, nói vài ba câu chuyện tỏ ra mình cũng sành chơi, rồi uống nước và đắc chí cười xòa với nhau.

Riêng đối với những thủy tiên hạng nhì của thày tôi, chẳng biết các cụ, vì yêu hay là vì nhã, đều ban cho nhiều lời khen hơn là điều chê. Thày tôi hẳn là cũng có ý thích thú lắm thì phải cho nên ngay lúc đó, tuy không lộ ra vẻ gì khác lạ, nhưng đợi cho các cụ về hết cả rồi, mới nói với mẹ tôi - và cho cả tôi nghe thấy:

- Các cụ dễ tính quá... Thế mà đã cho là được! Rồi đến hôm này, các cụ thấy những củ của mình dự thi, không biết các cụ còn ban ra thế nào?

*

Thực vậy, không một lúc nào hai cuộc thi thủy tiên ở đền Bạch Mã và Ngọc Sơn không ám ảnh đầu óc thày tôi.

Hôm nay là mồng bốn rồi, mà trời xem chừng còn rét lâu đây, phải đem mấy củ đã chọn sẵn, được cất kỹ dưới gầm giường, ra gọt cho kịp, không có thì chậm mất.

Ở trên hiên gạch cao nhìn xuống sân, tôi thấy bóng thày tôi ngồi cắm cúi, lấy tay bóc khẽ từng cái vỏ, nhúng củ thủy tiên xuống chậu nước như một người mẹ nâng niu, tắm táp cho đứa con đầu lòng mới sinh, rồi đưa con dao con đánh bằng dây cót đồng hồ, mũi vẹt như ngọn thanh long đao của Quan Ngài, cắt, lượn, khía, tỉa, móc, xén... Cái bóng đó hàng giờ không quay lại hay ngẩng đầu lên, làm cho tôi nhớ đến pho tượng “Người tư tưởng” của nhà điêu khắc Rodin.

Chung quanh người, có ba bốn chậu nước và hai ba con dao gọt: mỗi thứ nước để dùng vào một việc, còn dao thì cũng khác nhau: con nhỏ nhất lấy lá, con vừa vừa để dùng móng lấy giò, còn con to nhất (nhưng cũng không to hơn cái lá lan) thì để chạm giò cho lá đừng thẳng đườn ra.

Lúc ấy, tôi hãy còn đi học chữ nho, một ngày một buổi, cho nên rỗi rãi.

Hễ thấy thày tôi ngồi gọt thủy tiên, tôi sà vào xem và cứ thấy cái giò nào gẫy thì cố mượn cho kỳ được con dao để ghẹ vào đấy mà gọt thử. Kể ra cũng lạ: tôi mới năm, sáu tuổi, đã biết gì, thế mà không biết thày tôi nghĩ ra sao, lắm lúc nói chuyện thủy tiên với tôi y như thể nói chuyện với một người bạn vong niên vậy:

- Gọt cái giống thủy tiên này không thể vội, chỉ lỡ tay một tí là hỏng cả. Ví dụ như giò này, nếu lấy từ trên xuống thì nó chạm vào đây, vì thế phải lấy móng dao nạo từ chỗ này lên rồi mới khẽ gọt một tí sang bên trái. Khó lắm, chứ không phải đùa. Chính thủy tiên là của người Tàu, mà thật ít người Tàu ở đây gọt khéo.

Ấy là bởi vì lúc lấy giò và lấy lá, họ không cẩn thận nên sau này bẹ đã đen mà lá lại dựng đứng cả lên, bóp cả hoa vào giữa, trông bực bội, mà lại không ưa nhìn. Ðem đi thi, thường bị đánh hỏng là vì thế. Một củ thủy tiên quán quân phải là toàn bích mới được: lá như kiếm, ôm lấy củ, mà lại không được chạm; rễ không những phải trắng bong mà lại cốt dài; cái bẹ trông phải muôn muốt và xếp lên nhau cách nào cho trang nhã, đừng rối mắt.

Trông thấy một củ để trong chậu sành, to mà lại chắc, vừa gọt xong, tôi hỏi thầy tôi:

- Củ này tốt thế, mà lại nhiều giò, sao cậu không gọt đi thi?

Thày tôi ngừng tay gọt một giây, nhìn tôi với một con mắt rất lạ, dường như đề cập đến một vấn đề gì tối ư quan trọng:

- Chết! Gọt đi thi sao được! Một củ thủy tiên đẹp có cần gì nhiều giò đâu? Sáu giò với bảy giò, thường là không có lực; cứ cần năm giò trở lại thôi, miễn là giò nào cũng không trẽn và có hoa hàm tiếu vào đúng giờ chấm thi.

*

Chẳng hiểu ban đêm, lúc ngủ, thày tôi có nằm mơ thấy thủy tiên như ông lão chơi chim nào đó hằng đêm nằm mơ thấy chim không; nhưng cứ trông thần thái thày tôi lúc nói đến chuyện thủy tiên, tôi có cảm tưởng như người đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác lạ.

Cái gì mà trời rét như cắt da cắt thịt, thày tôi ngâm tay xuống nước hàng bốn năm tiếng đồng hồ, nhợt cả da ra, mà vẫn như không biết rét?! Có hôm, trông thấy thày tôi chăm chút thủy tiên quá mà thương hại, mẹ tôi phải nhóm một lò than nhỏ đặt ở đàng sau lưng để sưởi ấm cho người.

Ngại nhất là có khi nửa đêm, sương muối ngoài trời rơi mau làm ướt cả tóc râu, mà thày tôi vẫn cứ quanh quẩn ở ngoài sân để uốn lại lá cho củ này, sửa lại giò cho củ kia, thay vải che rễ cho củ nọ.

Ấy là bởi vì muốn cho rễ thủy tiên được trắng, người chơi hoa phải lấy một thứ băng trắng muốt che cho chân rễ khỏi bụi, mỗi ngày thay một lần, và một ngày ít ra cũng phải mươi bận nhỏ nước lên cái băng mới đó. Lúc nào đã bóc màng những giò hoa rồi, một công việc khác tỉ mỉ hơn lại được người chơi hoa rất mực lưu ý tới.

Thày tôi đeo kính lên để nhìn cho thật rõ, rồi lấy những que tăm cật uốn từng cái nụ cho khỏi sát với nhau quá; đoạn, lấy một ít bông quấn vào đầu tăm, nhúng nước, nhỏ khe khẽ vào từng nụ một, từng nụ một.

Ðứng ở dưới bóng đèn trong nhà mà nhìn ra những bắp thủy tiên đã lên lá xanh ở ngoài sân, ta mường tượng như những nàng tiên bé nhỏ mới nhô lên được nửa người khỏi mặt nước - nhưng nửa người đó trông đã nõn nà làm sao!

Trời êm êm mơ hồ; ở phía tường bên kia, người ta nghe rõ một hai tờ lá rụng. Trời như nín thở để chờ người đẹp; người đẹp vẫn dùng dằng, đôi môi xanh như còn ngậm lấy ý xuân xanh.

Ðợi thày tôi mãi mà không thấy vào đi ngủ, mắt tôi gà gà chập chờn, và tôi mơ màng thấy trong một đêm hoa đăng, những củ thủy tiên đó hiện ra thành những nàng con gái bé nhỏ, tóc xanh như mây, da trắng như tuyết, vòng những cánh tay mềm mại lại với nhau nhảy múa và ca hát dưới những bóng đèn lồng diễm ảo.

Trong lúc nửa mê nửa tỉnh như thế, tiếng nói của mẹ tôi từ đâu lại văng vẳng đến tai tôi, nhẹ nhàng như hơi gió - ôi, câu chuyện chỉ nghe thoáng trong giây lát mà sao in vào trí óc tôi mãi mãi không phai?

- Trong các loài hoa, trang nhã và thanh quí nhất là thủy tiên đấy, con ạ.

Kiếp trước thủy tiên là người đấy. Theo sách Nội quan nhật sơ ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một người đàn bà họ Diêu rất mực hiền đức làm nhà ở bên cầu Trường Ly. Một năm, vào tuần đầu tháng chạp, mộng thấy ông sao Quan Tinh từ trên trời rơi xuống đất, hóa làm cây thủy tiên. Hoa trắng, đài vàng, trông như ngọc, mà hương thì lại thơm. Bèn hái mấy cánh để ăn. Ðến lúc tỉnh dậy, sinh ra một gái xinh đẹp tuyệt trần; lớn lên nết na, hiền hậu mà lại thông minh nổi tiếng khắp nơi. Bà họ Diêu đặt tên cho người con gái đẹp ấy là Thủy Tiên, ý nhớ lại giấc mộng Quan Tinh.

Theo sách Thiên văn thì Quan Tinh là nữ sử tinh, một vị sao coi vận mệnh của đàn bà, con gái có tài học và nết na ở dưới trần. Vì thế, hoa thủy tiên lại cón có tên là “Nữ sử hoa” hay là “Diêu nữ hoa”.

Nhớ hết đoạn chuyện đó xong, thường là tôi ngủ hẳn; nhưng giấc ngủ của trẻ con êm ái, thanh bình, sao mà dệt nhiều mộng nhung lụa, thần tiên thế?

Tôi lại mơ thấy mình đứng ở sân, bên cạnh thày tôi, cùng ngắm ba củ thủy tiên thi. Thày tôi định rằng hai bắp đẹp nhất thì để dự kỳ thi ở đền Ngọc Sơn (vốn thày tôi có chân hội), còn bắp kém một chút thì để đi thi trên đền Bạch Mã ở Hàng Buồm.

Ba củ cùng đẹp cả. Tôi đương nghĩ như thế thì có tiếng động mạnh ở sau lưng. Quay lại thì thấy một đám đông ở đâu đi vào, người nào người nấy đầu râu tóc bạc trông như những ông tiên cả. Ðến chỗ giường tôi nằm họ cùng ngồi xếp bằng tràn cả lên giường, vừa nhấm nháp rượu chay, vừa bàn luận từng giò thủy tiên của thày tôi, xem chừng đắc ý lạ lùng, rồi kết luận:

- Thế là thú đấy, cụ Quảng ạ. Lối chơi này cũng như thú chơi chữ, chơi thơ, vất vả một tí nhưng sướng về tinh thần cụ ạ. Bao giờ mới cho hoa hàm tiếu, bao giờ mới cho nở; lá này muốn ruỗi, giò kia muốn nghiêng, hay là bẹ nọ muốn cao hay thấp, nhất nhất do tay người chơi hoa định đoạt. Nó chẳng là phụ nhân mà! Hà, hà!

Tiếng cười của mấy cụ nổi lên cùng một lúc làm tỉnh hẳn giấc mộng của tôi. Hà hà, các cụ cười đắc chí, nhưng có biết đâu rằng khiến được một bắp thủy tiên thật xứng ý mình, các cụ đã mất bao nhiêu là tâm cơ. Chơi cái trò thủy tiên thi, khổ nhất là vào khoảng từ rằm tháng chạp.

Thực vậy, một người đàn bà nuôi con thấy đổi gió cũng không sợ bằng người gọt thủy tiên, mà lại có thủy tiên để đem thi. Trời mà nồm, phấp phỏng chỉ lo hoa nở sớm, rét thì lại không hàm tiếu kịp ngày, lạc đệ thì uất lên phải chết.

Vì thế, cứ từ trung tuần tháng chạp trở đi, thày tôi may lắm mỗi đêm chỉ chợp mắt được vài ba tiếng mà thôi, còn thì cứ thức để mà xem chiều trời. Thấy trời hơi bức một tí là lo, mất cả ăn, y như thể lo cho một đứa con sài đẹn: nào quạt, nào ngâm xuống bể lớn, nào cho xuống gầm sập, chỗ có cái giếng để cho mát, hãm lại, không cho nở. Nhưng mà trời đương nồm mà quay ra gió may, nỗi thắc mắc của người chơi hoa cũng không kém phần nào. Nhất là còn độ hai ngày nữa mà trời lại rét quá, xét ra không thể nào kịp hàm tiếu vào giờ chấm điểm được thì thật là cả một sự hãi hùng, ưu muộn. Ðáng lẽ phải hãm lại, bây giờ phải đỡ cho nóng, tìm chỗ ấm nóng ở trong nhà, đặt nó vào. Nhưng thế cũng chưa đủ: có khi phải thắp nến ở chung quanh thủy tiên để lấy sức nóng, trông xa như lễ nó, hoặc là quây cót lại giong một ngọn đèn máy vào cho ấm.

Như thế gọi là thúc.

Nhưng thúc mà không cẩn thận, nụ có khi úa vì vậy, phải ghé mắt đến luôn luôn, cứ độ mười lăm phút thì lại ra sân rảy nước hay phơi sương, rồi lại đem vào đặt ở cạnh đèn, cứ như thế cho đến lúc nào xét ra là vừa.

Tôi chưa từng đi thi chữ nho bao giờ, nhưng tâm sự của người học trò ngày xưa, mười năm đèn sách đi thi cũng chỉ hồi hộp đến như người có thủy tiên dự thí. Trước một hôm cả thày tôi và mẹ tôi không ngủ, thức suốt đêm để canh từng cái nụ hoa và dự đoán về thủy tiên của mấy tay cừ khôi lúc bấy giờ là các cụ Mỹ Ký, Cả Nam, Hai Khương và mấy ông khác trên Nghi Tàm. Chẳng biết ai sẽ giật được giải quán quân?

- Mấy hôm nay, Hải Phòng cũng có mấy người lên, trong số này có Bảy Lợi, Phó Dâu và Lý Hựu, không biết có dự thi ở đền nào không, nhưng quyết rằng các cụ Cả Lan và Hàn Chấn thì không lên đâu, vì nghe đồn ở Nghè Vẻn có cuộc thi long trọng, mà giải thưởng nghe chừng to lắm.

*

Thời gian trôi đi một cách nặng nề. Nhưng rồi ngày quyết định cũng đến.

Thày tôi, trang trọng lạ lùng, tự tay lên gác lấy nước ở trên bàn thánh xuống để rửa ráy một lần chót và thay nước cho ba cốc thủy tiên thi.

Trước kia, thường mẹ tôi vẫn lo công việc này. Nước dùng thì là nước máy, nhưng từ khi lá bắt đầu xanh, nước máy không dùng tới nữa, mà là nước sông mua từng gánh của những người đẩy cái xe hai bánh, trên có một thùng gỗ to mà hồi đó người ta vẫn kéo đi bán rong các phố. Một xu một gánh có khi hai xu một gánh nhà nào mua thì xe đỗ lại, người bán mở nút cho cái thứ nước hồng màu phù sa đó chảy vào thùng thật đầy tràn.

Me tôi cho đánh phèn vào nước rồi để đấy cho nước thật lắng mới đem ra rửa và đổ vào trong những cốc thủy tiên. Các cụ bảo thế thì thủy tiên nó mát, tốt rễ, mà bẹ lại trắng, chứ cái nước máy, Tây họ cho thuốc vàng vào, dùng có hại cho sự phát triển sinh lực của cây mà lại còn làm xám mất cả bẹ là đàng khác.

Xong đâu đấy rồi, thầy tôi chít khăn, mặc áo chỉnh tề đi trước, một người bõ già mang thủy tiên theo sau, hai tay nâng lên phía trước mặt y như một người đương lễ.

Ờ mà cũng lạ thật, cầm cốc thủy tiên như thế mà thành ra thủy tiên cũng thấy trang trọng hơn lên nhiều. Người ta thấy rằng đó không còn phải là một thú chơi tầm thường nữa, nhưng là cả một sự thành kính, cả một sự tôn thờ.

Nhất là đến lúc cuối cùng, sắp sửa đến trường thi, thày tôi lại cắm vào cái giò ở đàng sau một thanh tre cật, vót thật tròn và nhỏ, trên đầu có dán một cái biển con bằng giấy hồng điều viền trắng, cắt thành hình quạt vả, đề hai chữ viết chân phương “Quảng Thịnh”(1).

Thì ra không phải chỉ bây giờ người ta mới có thói bất cứ cái gì cũng đặt tên, như cuộc hành quân “Quả quít”, “Trái ổi” hay là trận bão “Cào cào”, “Uếch”, “Bàm bàm” đâu!

Từ ngày xưa, trong những cuộc thi thủy tiên, các cụ cũng đã có cái lối đặt tên hiệu cho từng cốc, cũng như các bậc cha mẹ đặt tên cho từng đứa con, duy khác một điều là những tên của các cụ đặt cho hoa thì có điển tích mà lại đẹp hơn bây giờ một chút.

Thày tôi đặt cho một cốc cái tên “Quảng Thịnh”, một cốc tên là “Ðồ Nam”, một cốc tên là “Vạn Lý Trình” ra cái ý tôi là chim bằng “bằng phi vạn lý”. Bây giờ, tôi không còn nhớ đến tên thủy tiên của các cụ khác nữa, trừ một cốc của cụ Tham Chấn tên là “Tắc Danh”. Sở dĩ nhớ được như thế, cũng là vì đã có một cuộc thảo luận sôi nổi về hai chữ ấy. Cụ lấy làm thích thú về sự bí hiểm của cái tên cụ chọn và đợi cho ai cũng chịu mới ung dung cười ha hả:

- Tắc danh là tất có danh. Ấy là do cái điển “Thủy long tắc linh, thủy tiên tắc danh” đó, thưa các cụ!

Thôi khỏi cần phải nói. Ngồi trong một hội đồng chấm thi thủy tiên, bên những lư trầm hương ngát, các cụ chẳng thiếu điều gì thử thách, bàn tán, ngâm ngợi, chỉ trích và tán thưởng.

Bàn thờ sáng ngời như ban ngày. Lư, nến, mới đánh xong, bóng cứ lộn lên. Nhang thắp la liệt như sao sa, tỏa khói ra trong khắp đền, làm cho ta nhớ lại cảnh trẩy chùa Hương, vào tinh mơ sáng thì đến chùa Trong, rừng núi u huyền, mờ ảo như một cảnh tiên giới vẽ trong tranh thủy mặc Tàu.

Cao hơn hết, những cốc thủy tiên thi trên có lọng che ngự riêng một chỗ tôn nghiêm nhất, chỉ duy kém các vị thần linh một bực. Tiếng nói, tiếng cười, câu bàn, lời cãi vang lên. Trong ban giám khảo, cụ nào cũng muốn tỏ ra mình minh mẫn, công bằng nhất, xem đi xét lại từng cái lá, từng cái giò, cái mạng, cái bẹ và cái rễ, tranh luận rất là ráo riết.

Mạng chỉ được bóc ra rồi để nguyên đấy, như hai làn môi chúm chím cười; ai bóc hẳn ra, bị đánh hỏng; được lá, hỏng nụ, hỏng; được rễ, chạm lá, hỏng; cả một bắp mà có một cánh hé nở rồi, cũng hỏng luôn.

Muốn trúng cách, phải toàn bích mới được, dù rằng mình muốn gọt kiểu Long, kiểu Phượng, kiểu Lân, kiểu Ly, nhưng đúng giờ định đoạt, mỗi giò phải có vài cái nụ, mà nụ thì phải là hàm tiếu.

Có ai đã từng xem một cuộc trưng bày thủy tiên hẳn đã thấy các cụ ta ngày trước đã đạt đến tuyệt đích sự thần-thánh-hóa loài hoa. Chẳng hiểu ngày xưa Võ Hậu suy tôn giống mẫu đơn tài tình đến bậc nào, chớ cứ trông thấy các cụ nhà ta trịnh trọng với loài thủy tiên, ta tự nhiên cảm thấy rờn rợn, như hoa là một vị thần linh thiêng thật sự.

Phút quyết định càng kéo dài bao nhiêu thì sự hồi hộp của những người có thủy tiên thi lại càng rộn rã bấy nhiêu. Tim óc trút ra mấy tháng trời đằng đẵng cùng với bao nhiêu công trình thức khuya dậy sớm, mất ngủ quên ăn, đều thu lại trong có một phút này đây.

Thày tôi, năm trước đã trúng giải ngoại hạng ở đền Phúc Kiến, năm nay lại càng hồi hộp, lo âu quá. Cứ ngồi đó nửa tiếng đồng hồ, thày tôi lại đứng lên canh bắp thủy tiên, rồi, không hiểu nghĩ sao, lại ngồi xuống, rồi vụt một cái, thuê xe về nhà để nói với mẹ tôi một câu - một câu thôi - rồi lại đi ngay:

- Cụ Từ Ðạm, cụ Trần Quỳ, cụ Ðào Huống Mai năm nay đều có dự thi nhưng xem chừng ban giám khảo không được vừa ý lắm. Bắp của nhà có cơ...

Cả nhà tôi hy vọng. Hình như mẹ tôi lại lên trên gác thắp đèn nhang lễ nữa. Lạy Thánh mớ bái, ban giám khảo năm ấy cũng minh mẫn và công bằng lắm. Quyết định khác mọi năm một chút là đáng lẽ cho một giải quán quân, hai giải nhất thì lại lấy hai giải nhất thượng hạng, một giải nhất thường, một giải nhì và một giải ba. Thầy tôi được giải nhất thường.

Nói cho đúng, không được lựa vào giải nhất thượng hạng, thày tôi cũng có ý không được hả hê như năm trước, nhưng sau khi được mẹ tôi an ủi, thày tôi cũng nguôi nguôi. Ðến khi tin ấy lan ra ngoài, mọi người đổ đến mừng thì thày tôi vui hẳn lên và cũng cho thế là một vinh dự đặc biệt mà nhiều người thèm khát.

Ngay từ bảnh mắt hôm sau, mẹ tôi đã dậy thật sớm, kê án thư, tràng kỷ ra ngoài sân cảnh để tiếp đón các quan khách đến thăm. Rồi mai kia đây, còn gọi là khối khách, phải lo ngay từ bây giờ mới kịp. Thôi thì nhà cứ loạn lên, bỏ cả buôn cả bán, hết ông Cả Nam, thì lại đến cụ Tú Thanh, có khi ba bốn cụ cùng nói một lúc, nghe cứ ríu ra ríu rít. Không khí gia đình tôi thật quả là tấp nập hơn ngày Nguyên Ðán nhiều.

Thày tôi vừa nhìn cái móng tay út lá lan vừa nói một lời khiêm nhượng:

- Không, cứ kể ra thì các cụ hội đồng chấm cũng công minh lắm. Tôi vẫn chịu bắp “Tân Hương” của cụ Trần ngay từ lúc đầu...

Một cụ bảo:

- Thế nhưng cụ bảo củ “Thanh Xuân” của cụ Ðào kém chắc? Sao lại phải liệt xuống thứ hai?

Không ai đồng ý với ai cả. Ðến trưa thì có tin sáng sớm hôm sau hai bắp “Tây Thi” và “Tân Hương” được giải nhất ngoại hạng, vào hồi chín giờ, sẽ được rước lên kiệu để đem lên cúng Thánh, một ở trên đền Trấn Võ và một ở đền Ngọc Sơn.

Củ “Quảng Thịnh” của thày tôi được giải nhất thường sẽ được rước về nhà vào sáng sớm hôm mùng sáu Tết.

Vừa có tin đó, một cụ bạn lại đến báo cho một tin mừng khác là củ “Ðồ Nam” cũng của thày tôi ở Bạch Mã được giải thưởng nhì.

Thật, chưa bao giờ đầu năm thiên thủ, nhà tôi lại có một cái mừng “cập ríp” mê ly đến thế. Thày tôi cứ như là có rôm ở trong người, không ngồi đâu đứng đâu yên, hết ra lại vào, hết đi lại đứng, sướng quá phờ cả người ra, trông vừa thú mà cũng vừa ái ngại.

Ðến mẹ tôi nữa mới lại càng vất vả. Mắt người sáng ngời lên, đôi má cũng thắm màu hơn một chút, nhưng mà còn bao nhiêu việc phải làm!

*

Tôi mở mắt dậy sáng hôm mùng sáu thì nhà tôi mới hẳn và đẹp quá chừng là đẹp! Từ trên trần nhà rủ xuống, một bức “mi môn” do chính chú “Công Thái” mua từ ở Tàu về. Ở hiên, có án thư, tràng kỷ. Còn ngay ở cửa vào thì bày một cái bàn treo “quần màn” thêu kim tuyến “sư tử hí cầu” tuyệt đẹp. Trên bàn, là một bộ ngũ sự bằng đồng bạch sáng choang, khói trầm tỏa lên nghi ngút làm cho cả gian nhà thơm ngát như là một động tiên. Bây giờ, ngồi mà nhớ lại, một vài tình tiết cũng đã phai mờ trong trí óc tôi; nhưng tôi không thể nào quên được lúc nghe thấy tiếng kèn tàu ở đầu đường, thày tôi ở trong nhà vội vàng mặc cái áo thụng xanh vào, đứng chắp tay ở cạnh bàn thờ nghi ngút khói hương.

Ðám rước đến đầu phố, đám rước đến giữa phố. Mọi người đổ cả ra xem, trang trọng hơn là xem một đám rước thần. Ðây thày tôi vẫn cứ đứng nguyên như thế để đợi, dáng điệu trịnh trọng mà vẻ mặt thì nghiêm nghị.

Ðây có phải là một sự thành công của một người đem hết tâm hồn ra gọt nên bắp thủy tiên trúng cách đâu, mà cũng không phải chỉ là một niềm hân hoan của một người đi thi đã được kể là có văn học cao hơn bạn hữu; đây là một điều cao cả, thiêng liêng hơn nhiều lắm, một ơn huệ của các đấng tối cao linh thần đã dành cho mình và nhà mình, một cái “phúc” mà Trời ban cho buổi đầu năm để mọi công việc trong năm sẽ được hanh thông vậy.

Có tiền cũng không mua được giây phút này đâu!

Ðám rước thủy tiên đi càng chậm, lòng người càng sôi nổi và sự hân hoan càng gia tăng. Sống đến thế này, thật quả là mãn nguyện quá đi, Trời ạ!

Kìa, đám rước đã đến cửa nhà tôi.

Cả một khu phố tôi ở tự nhiên nổi bật hẳn lên với những màu đỏ tươi lộng lẫy mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Bốn người quấn xà-cạp thổi kèn tàu và bốn người khiêng bàn độc đều mặc áo đỏ nẹp trắng mới tinh như thể vừa mới bước ở trong một bức tranh màu cổ kính ra.

Hai bên bàn độc, có hai người cầm hai cái quạt vả che bắp thủy tiên trúng giải của thày tôi đặt ở giữa, một bên bàn thì có ba vuông nhiễu điều, hai bao chè, còn một bên nữa thì có một đôi liễn màu hồng cuộn lại và buộc bằng dây gai đỏ. Một cụ bước vào đưa cho thày tôi một bức hoa tiên viết chữ, rồi một người khác cúi đầu, trịnh trọng ra nâng cốc thủy tiên lên, bưng ngang trước mặt, đi chậm chậm vào đặt lên trên bàn thờ.

Bắp thủy tiên mong đợi!

Bắp thủy tiên thần thánh!

Bắp thủy tiên đặt lên bàn rồi, cả nhà tôi và những người kéo đến xem ở cửa bỗng thấy một sự im lặng khả kính vương vấn trong không khí vừa ấm cúng mà lại vừa nghiêm trọng.

Thày tôi châm hương và đốt trầm rồi chắp tay lại lễ ở trước bàn thờ; đoạn, vái ông cụ dẫn đầu đám rước thủy tiên một vái dài.

Tôi tưởng ngay lúc đó tôi có thể lăn ra đất vì cố nhịn thở mãi, đầu óc cứ quay đi. May, chính giữa khi ấy thì có những tiếng nổ làm cho tôi tỉnh lại và lại càng làm cho lòng tôi phấn khởi hơn: đó là tiếng pháo “công tường cát” mà mẹ tôi vừa bảo người nhà châm lửa đốt, đốt “liên chi hồ điệp” để đánh dấu một ngày vui đẹp, chứa chan hạnh phúc.

Ngay chiều hôm đó, một bữa tiếc xếp đặt từ mấy hôm trước được thiết lập ở ngoài vườn. Các ông bạn thày tôi lại kéo nhau đến ngắm củ thủy tiên trúng giải, vừa uống rượu, vừa làm thơ, đến nửa đêm mới ra về.

Mai đây, và mốt nữa, những bữa tiệc mừng như thế còn kéo dài, có khi đến rằm tháng giêng chưa hết.

Mỗi cụ đều tặng thày tôi một bài thơ mừng thủy tiên.

Thày tôi chép cả những bài thơ đó vào những tờ thủy tiên rắc bạc rồi đưa cho mẹ tôi để lấy “lề” đóng lại thành một tập, giữ làm kỷ niệm.

Thỉnh thoảng, cụ Cả Nam lại sang nhà tôi nhắm rượu với lạc rang, cùng thày tôi ngâm đi ngâm lại những bài thơ đó trong những buổi chiều tà. Rồi cùng sung sướng, hai cụ cùng cười ha hả với nhau, đặt sách lên trên kỷ, nhìn nhau không nói.

Sau mãi, cụ Nam mới bảo:

- Thú lắm, thú lắm! Ðược giải thế này cũng bõ cái công mình nhịn ăn nhịn ngủ để mà chăm chút cho hoa...

Thày tôi hút một điếu thuốc lào, thở khói xanh một giây lâu mới đáp:

- Nhưng mà tổn thọ, ông ạ. Không phải bây giờ tôi mới nghĩ thế đâu, chớ đàn ông mà chơi cái giống thủy tiên này, giảm thọ đi mất đến mười năm; mà đàn bà (thày tôi hạ thấp giọng xuống một chút) đàn bà gọt thủy tiên thi thì... mất một lứa đẻ đấy ông Cả ạ!













______________________
(1) Quảng Thịnh là tên cửa hàng bán sách và xuất bản của thày mẹ tôi, ở Hàng Gai, Hà Nội, in trên dưới 8000 loại sách cả văn vần như
Kiều, Thạch Sanh, Tống Chân và văn xuôi như Bao Công kỳ án...