“Dê dê, bể bể, dâu dâu”




“Lúc còn bé mùa hè bố cho em theo tầu chơi, ra vịnh thấy dê trên đảo...” “Thế bố có lên bắt xuống nấu giả cầy không?”. “Ðộng là chúng nhẩy, bắt sao được”.

Cũng lâu rồi. Chẳng biết ngoài Hạ Long dê giờ thế nào, còn ở Hạ Long Cạn thì dê vẫn nhởn đầy... thực đơn.

Bến đò Bích Ðộng. “Cái nem hơi bị được, anh nhẩy”. Ðược quá, quả nem dê vừa độ, chấm đẫm tương thập cẩm, ăn... cực kỳ. “Chú uống ít, còn về”. “Anh yên tâm, có tí bia Hà Nội say sao được, em lái lụa, mình về vô tư”. Xoay nhìn phố, vừa lúc một dê mẹ dắt con lững thững đi qua. Hai mẹ con dê, tám chân đen thui sóng bước...

... Những con dê ngoài khơi, làm gì có ai đem chúng ra đấy cho tha hồ ngắm biển. Hẳn là cháu chắt mấy trăm đời của những bầy dê thời đảo Hạ Long còn là núi. Biển lùi rồi biển tiến. Trùng trùng núi Ninh Bình thành trùng trùng đảo, như Hạ Long. Quán nem này xưa đáy nước. Biển tiến vào rồi biển lại lùi ra, lùi đến bờ biển bây giờ. Cứ đà quả đất đang bị hâm nóng, chẳng bao lâu nữa thì biển lại tiến. Dê núi sẽ lại thành dê đảo, mà người dùng đặc sản thì đã tếch sang... Lào. Nước nước, đất đất, bể bể, dâu dâu. Có phải do nông nỗi thế mà ta gọi đất là nước? Ới mẹ Âu Cơ, đẻ chi chúng con nơi Ðất (dễ hóa) Nước này!

*

Về đến ngang lò gạch gần bến phà thì xẩy sự cố. Vừa trông thấy rắc rối, chưa kịp kêu, đã ngã ngửa, mũ bảo hộ đánh “cốp” xuống mặt đường. May đường vắng. Người lái xe máy bên kia thanh niên y như bên này. Hẳn cũng là tay lái lụa.



Thu Tứ
Viết năm 2007 hay 2008