“Nhanh hơn cháy rừng”




Ngày ở Sài Gòn, hễ miền Trung bão lụt thì đài hát um sùm:

“Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.


Hồi nhỏ không thắc mắc, giờ đọc lại, chợt thấy hơi ngộ. Sao lại “khác giống”? Ðã “đồng bào” thì còn khác giống làm sao!

*

Người mình coi vậy chớ thương đồng bào dữ lắm. Chuyện nữ sinh 17 hiền lành bị thằng hàng xóm 18 tạt ác-xít ngoài Hà Nội, đọc rồi muốn nhớ muốn quên, nhưng không nảy ý chi hết. Vài bữa, gặp Lan, làm ở dịch vụ gởi tiền.

- Anh biết hôn, bữa nay có bốn, năm người tới gởi tiền về giúp gia đình nhỏ Tú. Người mấy chục, người một trăm, có bác gởi hai trăm...

- ... Tú bị tạt ác-xít?

- Chớ Tú nào nữa. Từ bữa báo đăng tin, chỗ em làm gần như ngày nào cũng có người tới gởi.

Vùng “Tiểu Sài Gòn” đầy dịch vụ. Rút cuộc, hết thảy bao nhiêu bà con cô bác hảo tâm?

*

Ðọc tin thảm, buồn. Nghe tin bầu thương bí, vui. Nhưng vui không làm quên nổi buồn.

Bạo động bệnh hoạn! Người mình hồi xưa đâu có bị chuyện đó.

Trong khi người da trắng bị khá nặng lâu rồi (cứ đọc kỹ sách vở của họ thì biết). Bây giờ họ bị nặng tới mức nguy cấp. Bây giờ ở Tây phương hàng năm xảy ra không biết bao nhiêu vụ người hành hung hay thảm sát người vì nguyên cớ tâm thần.

Tây vật chất tiến bộ dữ lắm. Người Việt Nam vừa mới rục rịch cải thiện, chưa biết chừng nào mới được gần bằng Tây về vật chất, thì đã lây bệnh tinh thần.

Nó lan nhanh hơn cả cháy rừng! Làm sao đây, bầu bí ơi, bà con cô bác ơi!



Thu Tứ
Viết năm 2002