Vào lúc làm bài thơ này, khoảng cuối thập kỷ 1960 đầu thập kỷ 1970, “đãng tử” Tô Thùy Yên đã “tuần du” được mấy đâu, “một đời” đã “biến đổi” được “bao” đâu, thế mà đã tưởng tượng đến ngày “trở lại ngôi Nhà Lớn”!

Từ bấy đến nay, “vũ trụ miên man chuyển động”, người “đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê”, vừa chèo vừa “thuận tay (...) ngắt một cành sậy” “làm cây sáo thổi cạn hồn sầu”, thổi thành thơ “bay tản” khắp trong ngoài nước...

Thiết tưởng “ngày kia” trong “ngôi Nhà Lớn”, nếu (hồn) thi sĩ được ngồi đọc lại tất cả mình, đọc đến những bài như Ðãng Tử, chắc “lòng những bằng lòng một kiếp
thơ”!

(Thu Tứ)



Tô Thùy Yên, “Đãng tử”


Ngày kia trở lại ngôi Nhà Lớn
Lòng những bằng lòng một kiếp chơi.


Bạn có nghe, này bạn có nghe
Ở bìa rừng bên gió sửa soạn
Tuần du - cuộc tuần du bất tận
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Giữa tầng trời cao chim giục giã
Từng giàn như những thủy triều sôi
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao
Về nơi hẹn nào không định trước
Bạn có nghe, này bạn có nghe
Vũ trụ miên man chuyển động đều
Chim đã bay quanh từ vạn cổ
Gió thật xưa, mây thật già nua
Nên với một đời bao biến đổi
Mà trong vô hạn có chi đâu
Ly rượu rót mời, xin uống cạn
Bài ca ta hát đến đâu rồi
Xin hát nốt - còn đi kẻo muộn
Cho úp ly - bóng xế đường dài
Bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn
Ði, đi đâu, chèo chống mỏi mê
Ðến ngả ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia
Thoáng nhớ có lần ta đọc trộm
Lược sử ta trong bí lục nào
Văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn
Thiên thu lóe tắt vệt phù du
Thuận tay, ta ngắt một cành sậy
Làm cây sáo thổi cạn hồn sầu
Bay tản khắp vô cùng trống trải
Âm thừa tưởng lạc đến muôn sau...