Thu Tứ, “Chân mạng đế vương”




Phố Quang Trung ở thủ đô Hà Nội, đường Nguyễn Huệ ở Thành phố Hồ Chí Minh là phố lớn, đường lớn, nhưng đều ngắn, không đưa ta đến đâu cả. Ngẫu nhiên (?), chỉ con đường xe chạy mà y như chính lịch sử!

Tại sao triều Tây Sơn “một phút huy hoàng rồi chợt tối”?

*

Lịch sử thế giới không thiếu chuyện người thân giết nhau để giành ngôi vua.

Hễ tin là mình sẽ làm một ông vua giỏi hơn nhiều, mình làm vua sẽ tốt cho đất nước mình hơn nhiều, thì phải ra tay thôi, gạt nước mắt mà ra tay thôi. Đã có những người làm như vậy về sau được sử sách lướt qua hành động bất thường trong phạm vi gia đình mà tập trung ca ngợi sự nghiệp vì dân vì nước.

Lướt qua là phải, ca ngợi là phải. Kẻ hành động ổn định được chính sự, tạo tiền đề cho xã hội đạo lý, bắt bẻ kẻ ấy làm chi về cái chuyện đã “vô đạo” trong khi hành động.

Có chân mạng đế vương là gì?

Trước tiên là có cái ý thức biết vô đạo với rất ít người nếu xét thấy cần cho rất nhiều người.

*

Ðộ chênh lệch về tài năng quân sự giữa Nguyễn Huệ với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ hết sức rõ ràng: một người thì bách chiến bách thắng, ra bắc vào nam đi đâu cũng lừng lẫy, hai người kia thì cứ đụng cường địch là thất bại.

Thế mà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ lại được giữ chính hai miền đất nước mà cường địch sẽ đánh trước!

Nếu Nguyễn Huệ đã sớm thanh toán anh em mà thu cả giang sơn về một mối, tự mình liên tục quán xuyến công việc ở phía nam, thì kẻ thù của Tây Sơn chắc chắn đã bị tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa trước khi ông qua đời.

Nếu Nguyễn Huệ đã làm xong cái việc mà bất cứ ông vua khai sáng nào cũng phải làm là triệt tiêu hoàn toàn mọi tiềm năng chống đối, thì triều Tây Sơn đã không vắn số.

Quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, nếu thế, có khi chính vận mệnh đất nước sau đó đã xoay chuyển theo một hướng khác hẳn hướng dưới triều Nguyễn Gia Miêu…

*

Người anh hùng áo vải ấy rút cuộc đã chứng minh mình mới chỉ biết làm một người dân thường sống theo đạo lý bình thường, chứ chưa biết làm vua.

(Có thể nếu vua Quang Trung không qua đời quá sớm thì rồi sẽ biết làm vua. Biết đâu chứng cao máu (?) đã là thủ phạm chặn một dòng lịch sử.)


Viết năm 2007 hay 2008









___________
(1) Trong bài “Giục giã” của Xuân Diệu.