“Như thể tìm chim”




Thế là lỡ hẹn với Bún Hẻm (tên giả). Quán bún bò này không có trong cái bản đồ du lịch Đà Lạt nào hết, nhưng khách du nếu có được thổ địa “méc” và nếu chịu khó lội vào cái hẻm bùn be bét ấy, sẽ được thưởng thức một tô bún ngon bắt nhớ... Mụ Rớt.

*

Thực ra, chỉ mới tai nghe chứ chưa hề có bao giờ được thấy tận mắt, hít tận mũi, nếm tận lưỡi cái hình dáng, màu sắc, hương vị lẫy lừng. Bún bò Mụ Rớt xuống suối vàng từ lâu. May có người đã vẽ một bức chân dung... ngon nhớ đời. Ðây lời tri kỷ:

“Tô bún bò Huế (...) như chiếc áo dài phin trắng nõn nà (…) chỉ lớn bằng hai bàn tay búp măng bụm lại (…) Nước bún trong để lộ những tép bún trắng nằm sóng soãi vươn lên miệng tô. Nước bún không mỡ màng, không bị vẩn đục vì gia vị. Vài loáng ớt màu đỏ nhạt, quyện với dầu sả nổi đốm sao trên mặt tô không che được miếng giò heo búp (màu) trắng ngả vàng với lớp da mỏng ôm khoanh thịt nạc và mảnh xương tròn ở giữa như nhụy hoa (…) Che mái cho tô bún là ba bốn lát thịt bò bắp với thớ thịt chắc nịch nâu đỏ và những đường vân vàng nhạt của nạm, gầu, gân”.

Như chiếc áo dài trắng học trò! Đến hai thứ thịt, mà không thô, mà lại thanh mảnh như cô gái Huế!

Khó hình dung thật đó, nếu ta căn cứ vào những tô bún bò trong nhiều nhà hàng lịch sự bây giờ. Bún chi mà tô to như chậu, nước dùng đục, mặt nước đỏ “ngầu” và lếnh loáng mỡ, giò heo bự khủng, thịt bò nhiều bắt sợ!

Lại còn… “Bún - bò - áo - trắng” nó sực nức hương sả.

Trong khi cái đặc sản hiện đại phì nộn dữ dằn kia thì khách có hít mòn mũi cũng không sao ngửi thấy được chút “hương xưa”.

Và lại còn… Vốn trong tô bún bò “rau chỉ đóng vai trò chút hương hoa trên má em hồng”.

Hỡi ơi, nay thay vì chỉ e ấp thoa chút xíu rau răm, “em” hớn hở bưng trét lên “má” mình nguyên dĩa giá sống!

*

Gặp được bún bò xưa, đã phải xuống tận... Suối Vàng. Trời mưa lách nhách suốt buổi, không chụp được bao nhiêu ảnh, ngồi trong một cái lều xơ xác ở bờ suối tán gẫu với xe ôm. “Nè, tôi thấy bún bò C. đâu có ngon, sao nổi tiếng dữ”. “Anh ăn trúng bún du lịch rồi, muốn ăn ngon phải tới Bún Hẻm”. “Ðược, hễ ngon bao hai tô, còn không thì coi như bữa nay tôi ôm chùa anh đó”. “Bảo đảm”.

Xế chiều tới. Bước vô quán, chỉ thấy một mình bà chủ. Biết khách xa tìm, bà niềm nở và khi bưng bún ra nhắc đừng quên dùng thứ gia vị đựng trong hủ nho nhỏ để sẵn trên bàn. Lấy một chút sền sệt, cho vào, thấy trên mặt nước bún trong trẻo, “tranh” đang tự vẽ: “Ớt tương màu đỏ sẫm, điểm những hột ớt vàng hoe (...) bỏ vào tô (...) từ từ bung ra như nhụy hoa (…)”.

- Bún ngon quá. Sáng mai tôi về Sài Gòn, sẽ ra mở hàng chị trước khi lên xe đò.

*

Tai hại cái lạnh Ðà Lạt. Ngủ ngon giấc, dậy trông đồng hồ, thì đã lỡ mất cái hẹn với thứ bún bò nay dường như đã khó tìm gần ngang với chim.(1)



Thu Tứ
Thăm Đ.L. năm 2008
Viết năm 2008






















_________
Tất cả các chỗ in nghiêng đều trích từ bài viết của Trần Kiêm Ðoàn trong
Tuyển tập nhớ Huế 1996, xb. ở Mỹ.
(1) “Tìm em như thể tìm chim...”.