“Hai buổi trưa lồng”




Người khách làm đúng theo lời dặn của bạn, tìm gặp riêng ông cụ mà thầm thì cái tin dữ. Nhưng việc cũng vỡ ngay, vì mẹ của M. dưới bếp vẫn nghe được rõ tiếng bố chồng khóc mếu: “Giời ơi! Tôi đã bảo nó đừng đem con bé đi theo... Giời ơi!”. Mẹ xông lên hỏi, u ơ giây lát, bỗng chụp chiếc xe đạp đang dựng trên hiên quăng rầm xuống sân, té ngất.

Việc xẩy ra khi tàu đỗ sát bờ, lại có người biết ngay, mấy người lập tức cùng nhẩy xuống tìm, thế mà không kịp, chắc chắn sông chỗ ấy có dòng ngầm chẩy xiết. Có phải chỉ mình ông nội cản bố đem cháu nhỏ theo tàu đâu, chính mẹ cũng đã hết lời xin chồng; hôm ấy đi chợ mẹ khóa buồng, bố lấy sào thọc qua cửa sổ khều ra ít quần áo của chị Th. để dắt chị theo cho được.

*

- Hay bên hàng xóm...

- Không, em đã hỏi khắp, nhất định không có ai qua nhà mình. Với lại, ra đằng nào chứ.

Giữa trưa M. đứng chải tóc, nhác thấy trông gương có bóng người bèn quay lại. Cái “bóng” đi trên hiên, đi ngang gian giữa, đến trước gian bên kia thì bước qua cửa ngách vào nhà rồi bước luôn qua cửa trong mà vào buồng chái nơi bố mẹ ngủ. M. thốt: “Ai?”, buông lược chạy ngay sang. Buồng trống không!

- Em chắc là giống chị Th.?

- Em không thấy mặt, mà em cũng đâu biết mặt chị. Nhưng tóc bấm, đúng tầm tuổi chị ngày mất...

*

Mẹ chỉ kêu: “Ðúng nó rồi!”, xong lên bàn thờ thắp hương, khấn khứa lầm rầm.

- Thế là có ma, anh nhỉ.

Hễ thấy người đã mất là thấy ma sao. Nghĩ thử cách khác. Chẳng hạn, cái buổi trưa nào đó chị Th. đi qua hiên và cái buổi trưa M. đứng chải tóc đã, ngẫu nhiên, trong khoảnh khắc, lồng một phần vào nhau. Em trông chị tưởng thấy ma, nhưng thực ra đang đối diện quá khứ; còn chị, nếu nhìn vào chỗ em đứng, chắc chắn cũng tưởng thấy ma trong khi thực ra đang đối diện tương lai!

- ... Ừ, nhưng chị đấy mà. Chị hiền và xinh.



Thu Tứ
Viết năm 2007 hay 2008