Đạo không có hình thể thì làm sao biết là “có”? Thử nghĩ nếu không có Đạo thì vạn vật ở đâu ra? Nếu không có biển, làm sao có sóng?! (Thu Tứ)



Cao Xuân Huy, “Ðạo là bản thể...”



Ðạo là bản thể của vũ trụ (kể cả xã hội loài người). Nó là tồn tại phổ biến, nó ở trong vạn vật, là vô hạn về không gian và thời gian. “Thường vô”, “thường hữu” là hai phạm trù cơ bản trong triết học của Lão Tử. Chữ “hữu” có nghĩa là tồn tại. “Thường hữu” nghĩa là cái gì tồn tại một cách hằng thường, vĩnh cửu, không bao giờ mất. Cái “vô” ở trong “thường vô” là đối lập với cái “hữu” cụ thể, tức là toàn bộ những sự vật có hình thể, có vị trí ở trong không gian và thời gian, chứ không có nghĩa là không tồn tại. “Thường vô” có nghĩa là “vô” một cách hằng thường, vĩnh cửu, tức là cái gì tồn tại mà không có hình thể: nó sinh ra trời đất vạn vật mà không thành trời đất vạn vật, bao giờ nó cũng vẫn là tự thân của nó, nó không bao giờ mất đi được. Phàm những vật có hình thể thì đều là “vô thường” (không hằng thường, không vĩnh cửu) (...) vì chúng có phát sinh, phát triển và tiêu diệt. Thế mà cái đạo của Lão Tử lại là “thường đạo”. Nghĩa là bao giờ nó cũng vẫn là tự thân của nó. “Thường vô”, “thường hữu” không phải là hai đặc tính của “đạo”, mà đó là một đặc tính có hai mặt, mặt phải và mặt trái. Chính vì nó là “thường vô” cho nên nó lại là “thường hữu”. Nếu nó không phải là “thường vô” mà biến thành một vật “hữu hình” thì thế nào cũng có khi nó phải mất đi và do đó nó không thể là “thường hữu” được. Sở dĩ cái “đạo” của Lão Tử là “thường đạo”, là chỉ vì nó là sự thống nhất giữa “thường vô” và “thường hữu”.


(Cao Xuân Huy,
Tư tưởng phương Ðông – Gợi những điểm nhìn tham chiếu, nxb. Văn Học, VN, 1995, tr. 419-420. Nhan đề phần trích tạm đặt.)