Lâu mới đọc lại, thấy có chỗ như chưa ổn, xin sẽ sửa... (2013-10-21)



“Tổng quan về nghệ thuật”




Quá trình sáng tạo
Ðánh giá sáng tạo
Một cách hình dung nghệ phẩm
Vai trò của xác
Sức mạnh của hồn
Biết đẹp và biết làm ra cái đẹp
Phê bình
Làm mới
Thời gian, nghệ phẩm, nghệ sĩ...







QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO

1.Nghệ phẩm xuất phát từ một ấn tượng, một tâm trạng, hoặc một suy nghĩ.

2.Tức nghệ phẩm xuất phát từ tâm hồn, trí óc, chứ không từ giác quan. Nhìn cái gì đó, thấy một hình ảnh, mà chưa cảm thấy thế nào cả về hình ảnh ấy, mà đã vẽ, thì kết quả chỉ là ký họa, chứ chưa phải là hội họa.

3.Ấn tượng, tâm trạng, suy nghĩ vào thời điểm xuất phát có thể gọi là nội dung của một nghệ phẩm chưa có!

4.Tức giống như tình trạng có hồn mà chưa có xác.

5.Cái hồn không xác dĩ nhiên lúc đầu ngụ ngay bên trong nghệ sĩ.

6.Làm nghệ thuật là tạo một xác riêng cho cái hồn ấy.

7.Xác và hồn ảnh hưởng qua lại nên hồn không bất biến mà thay đổi liên tục trong quá trình tạo xác.

8.Do đó, nội dung của nghệ phẩm hoàn tất có thể khác xa nội dung khi chưa có nghệ phẩm.

9.Hễ ngừng sáng tạo, buông xác ra, thì nghệ sĩ không còn ảnh hưởng gì đến hồn của nghệ phẩm nữa.

10.Nghệ phẩm hoàn tất là một vật như tất cả vật khác, đợi được ngắm để gây một ấn tượng nào đó nơi người ngắm.

ÐÁNH GIÁ SÁNG TẠO

11.Thế nào là làm nghệ thuật thành công? Tức thế nào là một nghệ phẩm giá trị?

12.Nghệ phẩm có xác và hồn. Nghệ phẩm giá trị đẹp cả xác lẫn hồn.

13.Tại sao cần hồn đẹp? Mà thế nào là hồn đẹp? Hồn có thấy được đâu mà bảo đẹp hay xấu?

14.Hồn của nghệ phẩm giống mùi của hoa.(1) Không thấy được, nhưng ngửi được.

15.Cái đẹp của hồn cũng khó định nghĩa như cái thơm của mùi. Chỉ có thể ví dụ. Chẳng hạn cảm khái trước đời dâu bể là đẹp, ganh tỵ là xấu.

16.Hồn của nghệ phẩm cũng giống cái duyên của người đẹp. Duyên không lồ lộ như sắc, nhưng vẫn cảm được.

MỘT CÁCH HÌNH DUNG NGHỆ PHẨM

17.So nghệ phẩm giá trị với người vừa đẹp vừa duyên, với hoa sắc hương trọn vẹn, thì dễ hiểu. Nhưng chưa bao quát.

18.Ðể được bao quát, thử hình dung thế này: xác nghệ phẩm là một con đường, mà hồn nghệ phẩm là một mùi hương.

19.Mùi có thể ngửi thấy suốt dọc đường, chỗ nào cũng có. Trường hợp "đường thơm" (2) như thế, muốn ngửi mùi chỉ có cách đi. Loại đường ấy không bỏ được. Ví dụ: một bài thơ.

20.Mùi cũng có thể gói kín trong một chiếc túi treo ở cuối đường. Ði hết đường, lấy được túi, là xong. Nếu chỉ thích mùi, không cần đi lại con đường ấy nữa. Ví dụ: một cuốn tiểu thuyết.

21.Nếu nghệ phẩm thuộc loại có túi mùi treo ở cuối đường, mà túi ấy lại chứa thứ hương suy nghĩ, thì làm sao phân biệt được nghệ phẩm với tác phẩm học thuật?

22.Thường có thể phân biệt bằng chính mùi hương. Suy nghĩ trong nghệ phẩm có tính cách triết lý; suy nghĩ trong tác phẩm học thuật thường có tính cách thực dụng. Cùng là mùi, nhưng có mùi hoa, có mùi... thuốc!

23.Cách phân biệt chắc chắn là để ý con đường. Trường hợp nghệ phẩm: đường quanh co, người đi không thấy ngay túi. Trường hợp tác phẩm học thuật: đường thẳng tắp, túi treo ngay trước mặt.

24.Muốn thấy cái đẹp của con đường thì chỉ có cách đi!

VAI TRÒ CỦA XÁC

25.Có hồn rồi, nghệ sĩ phải chọn một cái xác để trút hồn vào.

26.Trường hợp hồn là do cái gì đó thì tiện nhất là chọn luôn cái ấy làm xác.

27.Trường hợp hồn tự phát thì chọn lựa xác mở rộng. Tôi tự dưng cảm thấy thế nào đấy, hay tôi tự dưng có ý nghĩ gì đấy, thì nên trút hồn vào đâu?

28.Nói chung, dường như nên chọn loại xác mà ta quen thuộc. Càng quen thuộc càng tốt.

29.Tưởng tượng Xuân Diệu đang ở Hà Nội bỗng thấy "buồn, không hiểu vì sao", xong dùng hình ảnh mùa thu Paris (mà nhà thơ chưa mắt thấy) để diễn tâm trạng của mình! Hay Nhất Linh đang chợt băn khoăn về ý nghĩa của cuộc sống, xong dùng một cảnh thoáng thấy ở Pháp để cố tả nỗi băn khoăn ấy!

30.Biết rằng không phải "trời nhẹ lên cao" làm Xuân Diệu buồn, nhưng dùng trời quen thuộc ấy vẫn hơn. Biết rằng đám dân quê đứng đợi đò không hẳn là cớ khiến Nhất Linh ray rứt về cuộc sống, nhưng mượn đám ấy vẫn hơn.

SỨC MẠNH CỦA HỒN

31.Ða số nghệ sĩ lớn sáng tạo rực rỡ khi còn rất trẻ, chưa dựng nên thứ lý thuyết nào cả, thậm chí chưa biết mấy, hiểu mấy về lý thuyết đã có trong ngành. Khi họ biết hơn, hiểu hơn, thì lại không sáng tạo xuất sắc được nữa.

32.Như thế có lẽ là vì nghệ phẩm giá trị đòi hỏi nội dung mạnh mẽ. Có một thứ hồn nào đó thôi thúc ta làm xác cho nó thì ta mới hăng hái làm. Bắt tay vào làm, tự nhiên biết cách.

33.Khi lòng đã rỗng thứ hồn mạnh mẽ rồi, hay hồn đã yếu đi rồi, thì đâu thiết làm nữa. Ðã thế, biết đủ thứ cách chưa chắc là hay, vì ta có thể do đấy mà bớt sáng tạo khi làm.

34.Nghệ sĩ "hoa nở muộn" là do khi đã lớn tuổi mới có hồn mạnh "nhập" vào, hay hồn sẵn có mới trở nên mạnh.

35.Nghệ sĩ sáng tạo bền là nhờ bị một số hồn mạnh nào đấy "ám" mãi.

BIẾT ÐẸP VÀ BIẾT LÀM RA CÁI ÐẸP

36.Là hai năng khiếu khác nhau.

37.Giỏi biết đẹp mà không giỏi làm ra cái đẹp: biết mình vẽ xấu.

38.Giỏi làm ra cái đẹp mà không giỏi biết đẹp: vẽ đẹp, tưởng xấu.

39.Giỏi cả hai: biết mình vẽ đẹp.

40.Kém cả hai: vẽ xấu, tưởng đẹp.

PHÊ BÌNH

41.Biết đẹp là đòi hỏi căn bản.

42.Ðòi hỏi căn bản khác là không sợ dư luận. Cần tự mình đánh giá, không nên vò đầu bóp trán cố giải thích tại sao nó đẹp, trong khi nó xấu!

43.Ðòi hỏi nữa là có công tâm. Thấy đẹp thì bảo đẹp, dù không thích.

44.Nghệ phẩm không phải do trí óc. Cho nên không giảng được tại sao nó đẹp.

LÀM MỚI

45.Ðẹp, lại mới, dĩ nhiên càng quý.

46.Không phải cứ mới là đẹp. Muôn nghìn cái mới may ra có một cái mới đẹp. Cũng như trong vô số bé gái sinh mỗi ngày, sẽ được mấy tuyệt sắc giai nhân!

47.Nên cố làm mới, như nên cố đẻ. Vì có thế thì mới có hy vọng sẽ có cái mới đẹp, sẽ có tân Tây Thi.

48.Xưa kẻ bất tài núp sau khuôn sáo, che mình bằng cái cũ. Nay hắn khoác áo "mới".

THỜI GIAN, NGHỆ PHẨM, NGHỆ SĨ...

49.Nói chung, vì chính con người thay đổi, cả xác đẹp lẫn hồn đẹp đều không vượt được thời gian.

50.Vì giá trị của nghệ phẩm không vượt được thời gian nên danh tiếng của nghệ sĩ, xứng đáng hay không, càng lâu càng vững chắc. Vì sẽ không còn ai đánh giá được nghệ phẩm nữa. (Ngoài ra, đa số ngại đụng đến các vị đã lên bàn thờ!)

51.Cùng một nghệ sĩ, thứ tự xuất hiện của một nghệ phẩm có thể ảnh hưởng đến cái tiếng của nó. Thường, nghệ phẩm đầu tiên làm nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được nhớ đến nhiều nhất, dù về sau nghệ sĩ ấy có những sáng tạo xuất sắc hơn.



Thu Tứ




















_______________________
(1) Chế Lan Viên có câu thơ: "Xe ý với hương, xe sắc với lời" (trong bài Thơ Bình Phương - Đời Lập Phương).
(2) Huy Cận có bài thơ Ði Giữa Đường Thơm.