Lâu mới đọc lại, thấy cần bổ túc nhiều, xin sẽ... (2013-10-21) (TT)



“Tổng quan về nhận thức”




Nhìn và thấy
Thấy và cảm
Cảm và biết

Tưởng tượng

Trực giác và suy luận
Cảm tính và lý tính

Sự thật: tiếp thu và sáng tạo
Cái đẹp: cảm xúc và sáng tạo
Thiên bẩm và kinh nghiệm

Hữu hình và siêu hình
Cụ thể và trừu tượng
Ðối tượng và cách tiếp cận







NHÌN VÀ THẤY

1. Nhìn, thì thấy. Nhưng ngửi, nếm, nghe, sờ, cũng đều thấy cả.

2. Tạm gọi cái ta thấy, bất kể bằng giác quan nào, hay tổng hợp những giác quan nào, là hình ảnh.

3. Do giác quan của ta có giới hạn, mà ta không thể thấy bất cứ cái gì như nó là.

4. Giác quan của mỗi loài mỗi khác, nhưng trong từng loài thì giác quan giống nhau: nhìn quả xoài, toàn thể nhân loại thấy một hình ảnh, toàn thể loài dơi thấy một hình ảnh khác.

THẤY VÀ CẢM

5. Hình ảnh có thể gây ấn tượng, có thể không.

6. Ấn tượng là cảm giác của tâm hồn: hình ảnh một quả xoài có thể gây cảm giác thèm, hình ảnh một ruộng lúa có thể gây cảm giác quen thuộc, hình ảnh một người nghèo có thể gây cảm giác thương hại.(1)

7. Mỗi con người một tâm hồn, do đó một ấn tượng riêng về cùng một hình ảnh.

8. Có thể mỗi nhóm lớn của nhân loại là một tập hợp những tâm hồn tương đối giống nhau.

CẢM VÀ BIẾT

9. Ấn tượng có thể là cảm giác thắc mắc.

10. Thắc mắc sinh nghĩ ngợi.

11. Nghĩ ngợi là hoạt động của cái mà ta quen gọi là trí óc.

12. Nghĩ có thể dẫn đến giải đáp, tạm gọi là biết.(2)

13. Do trí óc có giới hạn, tầm biết cũng giới hạn.

14. Do trí óc của mỗi người mỗi khác, mà có vô số tầm biết.

TƯỞNG TƯỢNG

15. Ngoài nghĩ ngợi, trí óc còn có một hoạt động khác, là tưởng tượng.

16. Hoặc ta nghe người khác kể, đọc người khác viết, rồi ta tưởng tượng.

17. Hoặc ta dưng không tưởng tượng.

18. Bất kể có xuất phát từ người khác hay không, cái ta tưởng tượng ra sau đó bèn trở nên đối tượng cho tâm hồn và trí óc ta.

19. Nghĩa là tâm hồn và trí óc không chỉ làm việc với những hình ảnh do giác quan cung cấp, mà còn làm việc với những cái mà trí óc tưởng tượng ra.

TRỰC GIÁC VÀ SUY LUẬN

20. Nghĩ có hai loại, là trực giác và suy luận.

21. Trực giác là thứ nghĩ không giảng được, cả với chính người nghĩ. Suy luận là thứ nghĩ có thể giảng được.

22. Mỗi con người có một tỉ lệ trực giác / suy luận khác nhau.

23. Có thể mỗi nhóm lớn của nhân loại là một tập hợp những tỉ lệ trực giác / suy luận tương đối giống nhau.

CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH

24. Có người có rất nhiều đủ loại ấn tượng, nhưng rất ít ấn tượng thắc mắc. Tạm gọi như thế là người nặng cảm tính.

25. Có người có rất ít ấn tượng nói chung, nhưng lại phong phú ấn tượng thắc mắc. Tạm gọi như thế là người nặng lý tính.

26. Có phải hễ nặng cảm tính thì khi thắc mắc sẽ dựa nhiều vào trực giác để giải đáp hay không?

27. Có phải hễ nặng lý tính thì khi thắc mắc sẽ dựa nhiều vào suy luận để giải đáp hay không?

28. Có thể mỗi nhóm lớn của nhân loại là một tập hợp những tỉ lệ cảm / lý tương đối giống nhau.

SỰ THẬT: TIẾP THU VÀ SÁNG TẠO

29. Tiếp thu là hiểu cái nghĩ của người khác.

30. Sáng tạo là tự mình đi đến một cái biết nào đó.

31. Lương tri là cái giúp ta nghĩ trong giới hạn “phải chăng”.

32. Khi tiếp thu, lương tri giúp ta đánh giá mức độ phải chăng trong cái nghĩ của người khác.

33. Khi sáng tạo, lương tri giúp chính ta tránh những ý nghĩ quá viển vông.

34. Sáng tạo có thể xuất phát từ bên ngoài, tức từ một cảm giác thắc mắc. Thắc mắc có thể mang dạng lý thuyết: Thế là thế nào? hoặc dạng thực tế: Có thể nghĩ ra cách gì / cái gì để làm việc ấy chăng? Có thể dùng cách ấy / cái ấy vào việc gì chăng?

35. Sáng tạo cũng có thể xuất phát từ bên trong. Chẳng hạn trường hợp toán học thuần túy.

36. Có phải khi sáng tạo xuất phát từ bên trong, thì lương tri không có vai trò?

CÁI ÐẸP: CẢM XÚC VÀ SÁNG TẠO

37. Hình ảnh có thể gây ấn tượng đẹp/xấu.

38. Ðẹp không định nghĩa được, nhưng rõ ràng có người nhạy cảm với nó, có người không.

39. Nhạy cảm với cái đẹp nói nôm na là biết đẹp.

40. Biết đẹp là do ở tâm hồn.

41. Làm ra cái đẹp chỉ cần tâm hồn.

42. Cũng như cái nghĩ có thể bắt đầu từ trong chính trí óc, quá trình sáng tạo nghệ thuật cũng có thể bắt đầu từ trong chính tâm hồn, từ một tâm trạng tự phát.

THIÊN BẨM VÀ KINH NGHIỆM

43. Giác quan, tâm hồn, trí óc đều do trời sinh, do đó không thể cải tiến, chỉ có thể vận dụng.

44. Kinh nghiệm không ảnh hưởng đến ghi nhận của giác quan: ta có nhìn xoài đến lần thứ một nghìn thì hình ảnh xoài cũng không hề khác.

45. Kinh nghiệm có ảnh hưởng đến cảm giác của tâm hồn: lần thứ nhất thấy xoài, do chưa ăn bao giờ, ta không có ấn tượng gì cả; lần thứ hai thấy, sau khi đã ăn thử, ta có thể thèm. Cũng thế, cùng bức tranh ấy, mười năm trước ta thấy đẹp, nay ta có thể thấy không đẹp.

46. Kinh nghiệm có ảnh hưởng đến hoạt động của trí óc.

HỮU HÌNH VÀ SIÊU HÌNH

47. Hữu hình là thấy được bằng giác quan hoặc bằng dụng cụ.(3)

48. Màu đỏ hữu hình vì mắt ta thấy được. Màu hồng ngoại cũng hữu hình vì dụng cụ của ta phát hiện được.

49. Thế giới hữu hình luôn luôn mở rộng.

50. Siêu hình là không thấy được, bất chấp dụng cụ.

51. Dù đã thấy bao nhiêu, ta cũng không biết được còn bao nhiêu cái chưa thấy.

52. Hữu hình có thể gây ấn tượng. Siêu hình cũng có thể gây ấn tượng: ta không thấy ma, nhưng vẫn sợ ma, thắc mắc về ma.

CỤ THỂ VÀ TRỪU TƯỢNG

53. Cụ thể liên hệ với giác quan. Cụ thể là hữu hình.

54. Trừu tượng liên hệ với tâm hồn, với trí óc.

55. Mọi ấn tượng, mọi tâm trạng đều trừu tượng.

56. Mọi khái niệm, mọi suy nghĩ đều trừu tượng.

57. Trừu tượng khác siêu hình ở chỗ trừu tượng ở trong ta, còn siêu hình ở ngoài ta.

58. Cảm giác vui, buồn, khái niệm khoa học rõ ràng ở trong ta. Nhưng ma quỷ, chẳng hạn, thực ra là ở trong ta (do ta tưởng tượng ra), hay ở ngoài ta (có thực, duy ta không thấy)?

59. Có thể nói vì mọi người đều “tự nhiên” có ý niệm về ma quỷ mà ma quỷ là có thực, hay không?

ÐỐI TƯỢNG VÀ CÁCH TIẾP CẬN

60. Có ba loại đối tượng: loại hữu hình, loại siêu hình, loại trừu tượng.

61. Có hai cách tiếp cận chính.

62. Cách thứ nhất chỉ vận dụng tâm hồn. Cách này dẫn đến nghệ thuật. Ví dụ: tranh cảnh vật (đối tượng hữu hình), tranh trừu tượng (đối tượng trừu tượng), nhạc thờ (đối tượng siêu hình).

63. Cách tiếp cận thứ hai chỉ vận dụng trí óc. Cách này dẫn đến triết, toán, khoa học. Ví dụ: triết vũ trụ (đối tượng siêu hình), triết nhân sinh (đối tượng trừu tượng), định lý toán học (đối tượng trừu tượng), nguyên lý khoa học (đối tượng hữu hình).

64. Có khi thoạt tiên ta chỉ tiếp cận bằng trí óc, sau đó tiếp cận bằng cả trí óc lẫn tâm hồn. Ví dụ: thơ chứa nghĩ ngợi.



Thu Tứ























______________
(1) Từ “cảm giác” trong tiếng Tàu có nghĩa là “cảm biết do ngũ quan”, nhưng trong tiếng Việt nó có nghĩa rộng hơn, bao gồm cả cái cảm của tâm hồn.
Từ “tâm hồn” thường liên hệ với tinh thần, nhưng dường như ta cũng dùng nó trong những trường hợp không liên hệ với tinh thần. Chẳng hạn ta vẫn nói: “Chị ấy có tâm hồn thực tế”. Thậm chí ta còn nói: “Anh ấy quả có tâm hồn ăn uống”!
(2) Thấy, có cái thấy bằng mắt, có cái thấy bằng mũi, bằng tai, bằng da, bằng lưỡi. Biết, cũng có cái biết bao quát, cái biết cục bộ. Vậy trí óc cũng chia thành “mắt”, “mũi”, “tai” v.v.?! Dường như ngay tâm hồn cũng chia...
(3) Những cái có thực nhưng chỉ thấy được bằng dụng cụ, ta quen gọi là vô hình. Ở đây định nghĩa “hữu hình” gồm cả những cái ấy. Tức xem dụng cụ như giác quan mới hoặc giác quan nối dài.