“Nguyễn Bắc Sơn - Thơ ngông nghênh”




Có người cho rằng thơ Nguyễn Bắc Sơn “ngông nghênh ngang tàng”.

Ngông khác ngang. Cùng là bất cần đời, nhưng ngông như “ngồng” cao lên, không đụng chạm tới xung quanh, còn ngang lại như “chang bang” ra, đụng khắp xung quanh.

Thiết nghĩ thơ Nguyễn Bắc Sơn ngông nhiều hơn ngang.

Đằng sau cái thơ ngông này là con người ra sao? Đại khái, ta thấy một du tử “sống (rất) khề khà”. Nói chung thôi, chứ du tử vậy mà đã từng “sẵn sàng chia khổ với anh em (…) không lui trước bạo quyền”. Sau “thời ta bất sá” đó, du tử đi lính, hẳn là bị bắt lính. Lính này không hiểu vì sao mình cầm súng bắn và nhìn xã hội thì thấy “bây giờ là thời của ruồi bọ kên kên”…

Nguyễn Bắc Sơn làm thơ chủ yếu trước Thống nhất. Sau đây là một số bài hay.

“Đại lãn”

“Lúc tuyệt nhất là lúc chờ sung rụng / Nằm lơ mơ trên ghế dựa ngoài hiên / Con chim sâu, mày nhắm mắt lim dim / Rồi mới hót mới thật là ríu rít / Tôi dẹp sách vì sách là lá mít / Không ngọt bùi bằng một củ khoai lang / Không nhẹ nhàng như nghĩ ngợi lan man / Không thảng thốt như vừa nghe gió hát / Bậc thánh triết là những tay biếng nhác / Sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh / Kết bạn bè cùng cây cỏ vô minh / Rất chán ghét những trò chơi thế sự / Trò thế sự khiến con người mệt lử / Khiến con người quên ý nghĩa du sinh / Quên trăm năm trong cảnh giới hữu tình / Là tặng vật đất trời kia gửi biếu / Và vĩ nhân là những tay láo lếu / Như ta đây chờ sung rụng ngoài hiên”.

Xưa nay không hiếm “những tay biếng nhác”. Nhưng đã “nhác” mà lại chịu khó làm thơ xưng thánh nọ thánh kia như Nguyễn Bắc Sơn thì hiếm. Nói “chịu khó”, nói “làm”, e có phạm đến thánh chăng. Con chim sâu “nhắm mắt lim dim rồi mới hót thật là ríu rít”, còn “ta đây” “nằm lơ mơ trên ghế dựa ngoài hiên” rồi thơ ở đâu không biết cứ rơi thong thả vào mồm (lơ mơ nhưng có nhớ há mồm)... Dĩ nhiên là nói đùa. Sống có thể “khề khà” nhưng thơ mà khề khà thì chỉ nên thứ thơ đáng chép vào “lá mít”. “Thánh” hẳn thi thoảng có quên “đại lãn” nên nay ta mới được thưởng thức một số vần “ngọt bùi bằng khoai lang”, “nhẹ nhàng như nghĩ ngợi lan man” và làm người đọc “thảng thốt như vừa nghe gió hát”...

“Hoa quì vàng lạnh Pleiku”

“Ðứng trên núi thấy hàng đèn thị trấn / Là thấy mình buốt lạnh mấy nghìn năm / Vì đêm nay trời đất lạnh căm căm / Nên chợt nhớ chút lửa hồng bếp cũ / Nên phải nhớ mắt một người thiếu nữ / Ðã nhìn mình rất ấm một ngày xưa / Dù mai sau ngày nắng tiếp ngày mưa / Nhưng vĩnh cửu chút mơ màng thuở đó / Vì đêm nay tôi thèm nghe sóng vỗ / Vỗ nhịp nhàng từng tiếng động bao dung / Vỗ cho êm chuỗi hệ lụy vô cùng / Ðời lang bạt của một người lính thú / Sáng hôm qua tôi là người thiếp ngủ / Ði một mình lên xuống phố mù sương / Phố núi kia ơi, phố có con đường / Lên xuống dốc tìm không ra bạn hữu / Không có bạn tôi làm sao uống rượu / Tôi làm sao sống nổi một ngày đây / Phố núi kia ơi, kẻ lạ đông đầy / Nhìn gã lính không khác gì gã lính / Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh / Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao / Lạnh hàng cây, tửu quán, lạnh gần nhau / Lạnh thiên cổ, lạnh vào tim máu cạn / Tôi vận rủi làm một người lãng đãng / Ngó mông hoài khuất bóng của người em / Sáng hôm nay đời sống thật bình yên / Sao phố lại đuổi đi người yểu điệu / Vườn đá tảng bàn chân em huyền diệu / In gót hồng lên lớp bụi đời tôi / Là từ khi tôi hạnh phúc rong chơi / Và quên lãng con thú mù phẫn nộ / Ôi phố núi đêm nay là cổ mộ / Một hàng đèn sáng lạnh cõi bi hoang”.

Vũ Hữu Ðịnh có lần làm “anh khách lạ đi lên đi xuống” phố núi Pleiku. “Anh khách” gặp may: “May mà có em đời còn dễ thương”! Nguyễn Bắc Sơn cũng có bận “đi một mình lên xuống (chính cái) phố mù sương (ấy)”. Nhưng Nguyễn không gặp may, chỉ được đứng “ngó mông hoài khuất bóng của người em”. “Người yểu điệu” nào đó không hiểu sao đã bị phố núi “đuổi đi”. Không còn em, không có em, giá có bạn thì cũng đỡ, đằng này: “Lên xuống dốc tìm không ra (…) làm sao tôi uống rượu”. Ðể “sống nổi” nơi bỗng thành “cổ mộ” “lạnh căm căm”, “tôi” “phải nhớ mắt một người thiếu nữ, đã nhìn mình rất ấm một ngày xưa”...

“Bỏ xứ”

“Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục / Ngồi khua ly trong quán cô hồn / Cô độc quá người thanh niên khí phách / Trời đất bao la mà không chỗ dung thân. / Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ / Theo trái phong du níu gió lên trời / Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ / Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi. / Xin bái biệt những người tin rằng thi sĩ chết / Và hi hô tát cạn dòng sông / Khi giã từ, ta tặng cho các ngươi cái búa / Ðể đốn đời thánh hạnh của cây thông. / Ở Ðà Lạt, ngoài khung cửa kính / Giàn su xanh thở ấm má em hồng / Và tôi, kẻ mười năm không áo lạnh / Biết đời mình đủ ấm hay không? / Ở Ðà Lạt ta tha hồ cuốc đất / Và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây / Sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ / Ra hồ ngồi, câu đá câu mây. / Ở Ðà Lạt, lạc đàn dăm bảy đứa / Còng lưng ra mà cõng ba-lô / Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt / Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô”.

Xưng mình khí phách, chẳng ngông mà dám xưng sao. Đà Lạt có biết một thời đã làm cõi đi về cho chẳng biết là mấy “ngông sĩ”.

“Mai sau dù có bao giờ”

“Ðêm Phù Cát ngoài trời mưa rất lạnh / Nhưng trong ngôi nhà của thiếu úy Hồ Bang / Có tình bạn nồng nàn / như rượu chôn mười năm dưới đất / Có câu chuyện tình thi vị mang mang / Đôi lúc nghĩ trời sinh một mình ta là đủ / Vì đám đông quấy bẩn nước hồ đời / Nhưng nghĩ lại trời sinh thêm bè bạn / Ðể choàng vai ấm áp cuộc rong chơi”.

Ai chưa quen “ta” có thể thắc mắc: “tên” nào mà ngông nghênh vậy? Ai biết rồi chắc chỉ cười xòa. “Mai sau dù có bao giờ / Rót vò men ấy tơ mơ chén này”!

“Bài hát khổ nhục”

“Mày về thăm ta như chuột lột / Thất thểu chỉ còn xương với cốt / Tráng sĩ kia hề qui cố hương / Thê thảm còn hơn thằng cốt đột / Tráng sĩ kia hề qui cố hương / Chinh chiến sao mày không chết tốt / Dăm đồng rượu trắng vội bày ra / Nhậu để khói sầu lên ngút ngút / Ðó là phương thuốc trị bùi ngùi / Ðốt lòng uất hận cao ngùn ngụt / Ngửi mày một tị xem làm sao / Thân thể mày bay mùi binh đao / Ngày trước mày hiền như đất cục / Giờ mở miệng ra là chửi tục / Hà hà ra thế con nhà binh / Ngôn ngữ thơm tho như mùi đất / Ngày trước mày định đi tu tiên / Giờ lính tu bi-đông ừng ực / Người đời dễ đâu theo ý mình / Như hạt bụi nhằm cơn gió trốt / Bạn mày nằm nhà thất nghiệp dài / Mẹ già không tính tiền cơm nước / Ngày xưa văn nghệ ta mê làm / Cách mệnh còn hăng say vượt bực / Giờ tối nằm mơ chỉ thấy tiền / Nhân nghĩa gì gì quên tuốt luốt / Thèm tiền song quả đứa vô tài / Nên thằng ta đây chỉ có nước / Mỗi tuần một vé số mươi đồng / Thê thảm ôi làm sao tả được / Hai ta cùng quẩn như thế này / Nhắc nữa làm chi cho tủi nhục / Vậy xem như mình đã chết rồi / Chí lớn mộng to đều đã vứt / Quên trời quên đất quên luôn ta / Dăm đồng rượu trắng cùng say khướt”.

Bạn bè hơi lâu mới gặp. “Ngửi mày một tị”, thấy “bay mùi binh đao”. Bạn cũng “ngửi mày một tị”, thấy bay mùi... thất nghiệp. “Người đời” mùi nọ mùi kia, chẳng qua mùi ngẫu nhiên. “Vậy xem như…”. “Chết rồi” mà còn làm được thơ hay, cũng chưa đến nỗi “thê thảm” lắm.

“Tha lỗi cho ta”

“Tiếc mày không gặp ta ngày trước / Ta cho mày say quắc cần câu / Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ / Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu / Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưởng / Một mình huýt sáo một mình nghe / Theo sau còn có vừng trăng lạnh / Cao hứng cười buông tiếng chửi thề / Thời đó là thời ta chấp hết / Lửng lơ hoài trên chiếc đu bay / Ðời mình như rượu còn ly cặn / Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày / Thời đó là thời ta bất sá / Sẵn sàng chia khổ với anh em / Hơi cay đạn khói dùi ma-trắc / Bước cũng không lui trước bạo quyền / Bây giờ ta đã thành ti tiểu / Uốn vào khuôn khổ cuộc đời kia / Loanh quanh trong chiếc chuồng vuông chật / Sống đủ trăm năm kiếp ngựa què”.

“Ta” đã từng “xuống đường” chống chế độ Diệm. Không biết tại sao sau “thời đó” lại “thành ti tiểu”. Dù sao, dù đời có “loanh quanh trong (…) vuông chật”, thơ “ta” vẫn không thực “uốn vào khuôn khổ”…

“Thảo khấu”

“Buổi sáng xuất quân về hướng bắc / Âm thầm sương sớm toán quân ma / Qua cầu sông Lũy nhìn quanh quất / Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà / Nước reo bèo giạt mặt trời lên / Khói núi lời ca chú dế mèn / Cỏ gió cao che đầu tráng sĩ / Thành cầu gõ súng nhạc leng keng / (…) / Hỡi ơi sống chết là mưa nắng / Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình / Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm / (…) / Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt / Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà”.

Sao “lịch sử điên cuồng” không ngoại lệ cho “ta” được tiếp tục ở nhà “múa bút” nhỉ. Ngoại lệ khó gì, nhưng vừa đứng “thành cầu gõ súng (…) leng keng” vừa múa, có khi dễ ra thơ hay hơn đó ta ơi.

“Chiến tranh Việt Nam và tôi”

“Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội / Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng / (…) / Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất / Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi / Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời / Hãy tưởng tượng mình đang đi píc-níc / Kẻ thù ta ơi các ngài du kích / Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo / (…) / Lúc này đây ta (…) / Thèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốc / Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh / (…) / Ta vốn hiền khô ta là lính cậu / Ði hành quân rượu đế vẫn mang theo / Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo / Xem chiến cuộc như tai trời ách nước / Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước / Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi / Chiến tranh nầy cũng chỉ một trò chơi / Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí / (…)”.

Ðọc thơ, rồi đọc lại cái tên sáu chữ của bài thơ, không khỏi nẩy ý ngắt bớt đi năm chữ đầu! “Cậu lính” này có “những ý nghĩ trong veo” đến... Thôi, “ta” quả thực “hiền khô”, hãy bỏ qua và chỉ chú ý đến những vần ngông nghênh độc đáo.

“Mật khu Lê Hồng Phong”

“Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng / Còn ngại hành quân động Thái An / Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện / Mùa khô thiếu nước lính hoang mang / Ðêm nằm ngủ võng trên đồi cát / Nghe súng rừng xa nổ cắc cù / Chợt thấy trong lòng mình bát ngát / Nỗi buồn sương khói của mùa thu / Mai ta đụng trận ta còn sống / Về ghé Sông Mao phá phách chơi / Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm / Ðốt tiền mua vội một ngày vui / Ngày vui đời lính vô cùng ngắn / Mặt trời thoắt đã ở phương tây / Nếu ta lỡ chết vì say rượu / Linh hồn ta chắc sẽ thành mây bay / Linh hồn ta sẽ thành đom đóm / Vơ vẩn trong rừng động Thái An / Miền bắc sương mù giăng bốn quận / Che mưa giùm những nắm xương tàn”.

Ðọc tên bài, đọc mấy câu đầu, rồi đọc hết bài thơ, chắc nhiều người chưng hửng. Có trận chiến ác liệt nào đâu, có chiến sĩ anh hùng nào đâu. Chỉ có một người “Ðêm nằm ngủ võng (…) / Nghe súng rừng xa (…)”. Người ấy sau đó không hóa thành một “nắm xương tàn” trong vô số nắm xương tàn trong “rừng động Thái An”, mà còn sống để viết nên thứ thơ “cắc cù bát ngát”. May cho “ta” và may cho thơ.

“Tháng ngày của một người lính làm thơ”

“Nơi ngã ba đường này ta đã đứng chờ xe cùng các tay tứ chiếng / Chiến tranh đã xua đuổi ngươi ra khỏi quê nhà / Còn ta, ta tuy ở quê nhà nhưng thật ra là một người lạ mặt / Có đêm ta thắp lên ngọn đèn dầu leo lét / Ðọc cuộc đời những hào kiệt khi xưa / Thấy mình giống người anh hùng lỡ vận / Có đêm ta thức dậy, thò chân xuống chiếc giường bố nhà binh đụng nhằm bàn cờ tướng / Chợt nhớ mình là tên tiểu tốt vô danh / Ðang thất thểu dưới vòm trời khói đạn / Có đêm ta thức dậy nửa khuya trên ngọn đồi gió cát / Không biết mình đang nằm ở đâu đây / Có phải chăng ta đã nghe những tiếng còi tàu / Ðang chìm khuất cùng gió qua đồng trống / Ôi tiếng còi, ôi tiếng còi văng vẳng kia / Cớ sao mi làm ta vô cùng tưởng nhớ / Mái nhà xưa / Bụi dã hoa và ruộng nước kề bên thiết lộ / Nơi đó ta để quên một thiền phòng, một ống sáo đen, một chồng sách thánh hiền và một tâm hồn đa cảm / Có đêm ta nằm nói chuyện một mình / Bầu bạn cùng con thằn lằn chắc lưỡi / Và nhiều khi giật mình / Vì thấy mình cũng vô tình chắc lưỡi theo / Ở quê nhà ta tìm đâu ra những bằng hữu tốt / Nên thấy mình là kẻ lưu dân / Nên lầm lũi dưới trời đứng bóng / Những kẻ ngày xưa chơi đùa với ta chung một mái trường / Giờ đây rất thích làm quan lớn / Ở quê nhà không có dấu hiệu nào cho thấy trên trời còn có Chúa / Bây giờ là thời của ruồi bọ kên kên / Thời của thương gia, của kẻ giết người và quân cướp cạn / Còn ai dám hồn nhiên nhận mình là thi sĩ đâu?”.

“Chợt nhớ mình…”. Nhớ thế là tỉnh hẳn rồi. “Bây giờ là thời của…”. Thời xấu cho người vẫn là thời hay cho thơ. Tưởng tượng “ta” đã sống trên một đất nước thái bình, trong một xã hội đạo lý… Thực ra, “ta” làm lính hay làm dân không quan trọng. Làm gì, thì “mình” cũng chẳng giống ai. Nhờ người “hay” gặp thời “hay”, nên thơ ngông này có thêm một giọng chán kể cũng hay.

“Đi câu”

“Ta thích ngồi câu bên bờ sông
Ðể cho tâm trí được phiêu bồng
Cá chẳng đớp mồi càng thích thú
Miễn là câu được đám mây bông”


Trên thì mây bay, dưới thì nước chảy, câu sông quả nhiên dễ “phiêu bồng” hơn câu ao, câu hồ. “Mây bông” không biết nó ưa thứ mồi gì, nhưng hễ dính thì phải mau mau gỡ, kẻo rách hết!



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa tháng 11-2023