“Bà Huyện Thanh Quan - Đạm nhã, đằm thắm”




Thơ nôm Bà Huyện Thanh Quan được lưu truyền gồm nhiều lắm là sáu bài, có thể chỉ năm. Nhưng đó là một thi nghiệp quan trọng.

Thơ nôm hay nhiều vô số. Tại sao chỉ năm hay sáu bài mà quan trọng? Vì những bài ấy có một phong cách riêng, khó lẫn với sáng tác của bất cứ ai khác.

Người ta hay nhắc đến vai trò nổi bật của từ Hán Việt trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Do tính cách tượng trưng cho tầng lớp trí thức suốt bao nhiêu đời, những từ này toát ra một vẻ cổ kính, trang trọng đặc biệt. Trong “Thăng Long thành hoài cổ”, việc sử dụng nhiều từ Hán Việt đã giúp diễn hiệu quả cảm xúc của tác giả trước di tích lịch sử to tát. Nhưng đáng dùng thì dùng, chứ thực ra Bà Huyện Thanh Quan không thiên vị nhóm từ nào. Bài “Chùa Trấn Bắc” chứa cùng cảm xúc hoài cổ như “Thăng Long thành…”, nhưng chắc do kiến trúc ở đây có qui mô tương đối khiêm tốn mà số từ Hán Việt trong thơ ít đi, dẫn tới kết quả là một ấn tượng thân mật, gần gũi hơn. Đến bài “Qua đèo Ngang”, khi lòng nhớ xưa của thi nhân không còn do bất cứ cảnh vật có liên hệ rõ ràng nào nữa mà chỉ bởi bất quá mấy tiếng chim kêu, thì thơ cũng trở nên cơ hồ thuần nôm, gây cảm tưởng thật thân gần... Những bài “Thanh Quan” khi đậm “chữ”, khi thiên hẳn về nôm, mà xem lại thì chọn lựa của tác giả lần nào cũng thật là tinh tế.

Dĩ nhiên làm thơ thì trước khi chọn từ, phải chọn luật. Luật Đường nổi tiếng “cứng”, nhưng nhờ Bà Huyện Thanh Quan vận dụng thành công đặc tính ngữ pháp tiếng nói dân tộc, thơ luật Đường tiếng Việt của bà vừa điềm đạm, trang nhã không kém thơ luật Đường tiếng Hán, vừa mềm mại, gợi cảm hơn.

Cuối cùng, có phải do câu chữ thế nào đó mà các bài trong cụm thơ cổ điển đang bàn đây đều có mang phong cách đằm thắm?

Một người phụ nữ mà quan tâm đến bể dâu lịch sử tới mức làm thơ, mà thơ thì lời lời đạm nhã chẳng nhường “quân tử”, mà lại vẫn đằm thắm y như “thục nữ”! Có lạ gì đâu, cái chuyện tuy “đến nay” đã xấp xỉ hai trăm “tinh sương” rồi mà vẻn vẹn mấy vần của một thời đã xa còn vang rõ mồn một trong lòng chúng ta!

“Thăng Long thành hoài cổ”

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Ðến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”.


Thăng Long hóa Bắc Thành năm 1789, rồi tường của thành Thăng Long xưa bị phá năm 1805.

Mất tên, mất cả thành, nhưng cố đô không chịu mất trong tâm tưởng nhiều sĩ phu Bắc Hà, trong số đó có một nữ thi nhân ưu tú.

“Nghìn năm gương cũ” là Hồ Tây hay Hồ Gươm nhỉ? Mà “nền cũ lâu đài” có phải nay thuộc vào khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long hay không?

(“Tinh sương” nghĩa là năm, trong khi cuộc bể dâu gây niềm hoài cổ thì xảy ra lâu rồi. Vậy “mấy tinh sương” đây cần hiểu rộng ra…)

“Chùa Trấn Bắc”

“Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khiến người qua đó chạnh niềm đau
Mấy giò sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!”.


Tuy không rõ thời điểm Bà Huyện Thanh Quan sáng tác bài này, ta có thể chắc rằng từ “Trấn Bắc” trong thơ không có liên hệ gì với vua Thiệu Trị nhà Nguyễn. Bởi cái tên chùa ấy đầu tiên là do chúa Trịnh Tráng đặt năm 1639.(1) Vua Lê chúa Trịnh thường ra đây chơi, nên có hành cung.

“Người xưa cảnh cũ” đi đường nào kể đã lâu lắm, nhưng “hơi hương ngự” với “nếp áo chầu” vẫn như còn phảng phất dưới mũi, mường tượng trong mắt một “người (nay) qua đó”... (Ba chữ cuối bài có giọng Xuân Hương, lạ.)

“Qua đèo Ngang”

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”.


Nước đây là nước thời vua Lê. “Tình riêng” đây từ sông Gianh trở ra chắc chắn vẫn còn khá nhiều người chia sẻ với “ta”...

Thôi, chỉ nên nhớ rằng Ðèo Ngang sau đó đã bao thi nhân cũng “bước tới”, “dừng chân đứng lại”, thế mà không ai để lại bài thơ vịnh nào nổi tiếng gần bằng.

Có lẽ đã có những người cầm bút toan gieo thử mấy vần nhưng rồi bỏ bút xuống, y như Lý Bạch khi bước lên Lầu Hoàng Hạc.

“Chiều hôm nhớ nhà” (1)

“Vàng tỏa non tây bóng ác tà
Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã
Chài ngư tung gió bãi bình sa
Lòng quê một bước nhường ngao ngán
Mấy kẻ tình chung có thấu là?”.


Đây là bài thứ nhất trong hai bài “Nhớ nhà” tưởng như cùng tứ nhưng thực ra không phải. Bởi từ bài này sang bài kia có diễn tiến thời gian và chuyển biến tâm trạng.

Đây mặt trời mới khuất đầu núi, ánh dương còn rực, chim chỉ mới bắt đầu về tổ, trẻ trâu còn thổi sáo “thét trăng (lên sớm)” giữa đồng, ông chài còn quăng lưới “tung gió” bên sông, và trên đường dài “khách” bước hãy còn thong thả...

Tại sao đoán là thong thả? Vì nghĩ “bâng khuâng” không hợp với vội vàng. Cũng vì “một bước nhường ngao ngán”.

Cớ sao “lòng quê” lại miễn cưỡng thế? Có phải do chân đang từng bước xa dần Hà Nội mà gần dần Huế?(2) Nếu vậy thì “mấy kẻ tình chung” chẳng qua là một số sĩ phu Bắc Hà có chia sẻ với “khách” nỗi niềm “hoài cổ” khôn nguôi.

“Chiều hôm nhớ nhà” (2)

“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Ðài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”.


“Vàng” đâu mất rồi. Ốc với trống đua nhau báo muộn. Trẻ trâu cốc cốc sừng trâu trên đường “lại” xóm hẻo, ông chài đã “gác mái”, đang rảo bước theo hướng phố xa, chim dù bị “gió cuốn” vẫn cố vỗ đều cánh “mỏi” cho chóng về tới tổ...

“Khách” bây giờ không “một bước” nữa mà “bước dồn”, lòng không “bâng khuâng” chuyện chung nữa mà thổn thức niềm riêng: có chồng hẳn hoi, sao lại “chiều hôm” thui thủi thế này, “nỗi hàn ôn” phải kể với cái bóng mình thế này!

Ngoài “bảng lảng” đối trong hiu hắt, còn chỉnh nào hơn.

“Cảnh thu”

“Thấp thoáng non tiên lác đác mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ”.


Bốn câu đầu gợi quá, ai “khen ai khéo vẽ” chính mình “vẽ” cũng thật là khéo!

Hai câu kế có giọng Nguyễn Công Trứ. Hai câu cuối duyên dáng.

“Cho hay thơ cũng ưa người nhỉ / Ðọc thơ ai mà chẳng ngẩn ngơ”!

Bài này có phong cách hơi khác năm bài kia. Có người cho là không phải của Bà Huyện Thanh Quan. Chúng tôi thì phân vân.



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa tháng 9-2019



















___________
(1) Theo trang
thivien.net, từ năm 1628 chùa mang tên Trấn Quốc, đến năm 1639 chúa Trịnh Tráng đổi thành Trấn Bắc. Hẳn sau khi họ Trịnh mất ngôi chúa cái tên cũ đã được phục hồi, nên năm 1841 vua Thiệu Trị ra thăm mới cho đổi từ Trấn Quốc thành Trấn Bắc một lần nữa. Nhưng trong dân gian, tên thông dụng của chùa vẫn là Trấn Quốc.
(2) Bà Huyện Thanh Quan có lúc vào Huế làm cung trung giáo tập dạy các công chúa và cung phi.