“Thơ nôm thời còn thơ”




Nguyễn Trãi (1380-1442) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) cùng có làm thơ tiếng Việt vào cái thời mà hiếm trí thức Việt sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Những thi phẩm này có giá trị tiêu biểu cho thơ nôm thời còn thơ.

Vì trường hợp Nguyễn nào, đời cũng ảnh hưởng đến thơ rất rõ, trước tiên ta hãy ôn nhanh một số chi tiết tiểu sử liên hệ.

*

Nguyễn Trãi cáo quan năm 58 tuổi, với tâm trạng chán nản cực độ: “Góc thành nam lều một gian / No nước uống thiếu cơm ăn / (...) / Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải (…)”, “Lan huệ chẳng thơm thì chớ / Nỡ chi lại phải chốn tanh tao”, “Khó ngặt qua ngày, xin sống!”

Sen giữa bùn vẫn giữ cốt cách: “Khó khăn phải đạo, cháo càng ngon”, vẫn vững tinh thần: “Có xạ tự nhiên mùi ngát bay / Lọ là đứng gió vung tay”, “Nước càng tuôn đến, biển càng cả / Ðất một trùng thêm, núi một cao”

Nhưng hoàn cảnh khó rồi khó thêm, khiến người “có xạ” bắt đầu trăn trở nên tiếp tục ở hay nên về: “Cốt lãnh hồn thanh chăng khứng hóa”, “Lưng khôn uốn, lộc nên từ”… Ngẫm đi nghĩ lại, Nguyễn quyết định “từ”: “Rũ bao nhiêu bụi, bụi lầm / Giơ tay áo đến tùng lâm”

Về đến rừng tùng, Nguyễn bắt đầu vui cảnh, “vui đạo quên nghèo”, sáng tác những bài như “Ðun một nồi hương”… Nhưng do chưa quên hẳn được chuyện cũ, trong thơ thời Côn Sơn giữa những gió mây trăng núi vẫn thi thoảng có chen đời, như “Bui một lòng người”...

Lẽ ra rồi tất cả sẽ nguôi ngoai. Oan nghiệt. Người đã lui mà đời vẫn cứ tìm tới. Không đầy hai năm sau khi Nguyễn Trãi xin về trí sĩ, vua Lê Thái Tông tỏ ý muốn trọng dụng vị lão thần. Nguyễn vui vẻ nhận lời. Ðể ba năm sau đó, bị tru di tam tộc!

*

Đem so với trên thì đời Nguyễn Bỉnh Khiêm dễ chịu hơn không biết bao nhiêu. Thấy chính sự bất ổn trầm trọng, Nguyễn này tuy học rất giỏi nhưng không ra ứng thí, làm quan, nhờ đó tránh được mọi sự rắc rối.

Năm 45 tuổi, thấy tình hình có vẻ khá hơn, Nguyễn mới đi thi, đỗ ngay Trạng Nguyên, nhưng cũng chỉ làm quan có bảy năm là xin cáo, vì lại thấy tình hình không ổn.

Tuy đã về trí sĩ, trong đại khái khoảng 20 năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm có cố vấn cho vua Mạc khi được hỏi, có theo xa giá đi dẹp loạn khi được vời, nghĩa là vừa xa chốn triều đình vừa vẫn dự vào việc nước.

Trạng Trình được chẳng những Mạc rất quý, mà cả Trịnh lẫn Nguyễn cũng đặc biệt trọng vọng, tương truyền đã cho người đến tận am Mây Trắng hỏi ý kiến về tham vọng chính trị riêng.

*

Đời thế và thế, thế thì thơ hai người thế nào?

-- Về nội dung, thơ nôm Nguyễn Trãi và thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ hai nội dung chính là cái khó chịu của “xuất” (ra làm quan) và cái vui của “xử” (ở ẩn).

Những bài chứa nội dung thứ nhất, tức loại thơ nhân tình thế thái, Nguyễn Trãi sáng tác nhiều hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thơ Nguyễn Trãi chứa cả chiêm nghiệm chung lẫn bức xúc riêng, trong khi thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm coi như chỉ chứa chiêm nghiệm chung.

Những bài chứa nội dung thứ hai, tuy người đã xa đời nhưng thơ Nguyễn Trãi hay nhắc đời và nhắc cách đầy chán nản, trong khi thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm ít nhắc và nếu có thì bằng một giọng nhẹ nhàng.

-- Về hình thức, thơ nôm Nguyễn Trãi có chỗ đáng chú ý, thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm không có gì lạ.

Chỗ đáng chú ý ấy là: những bài bảy chữ tám câu hay bảy chữ bốn câu có bài chứa một vài câu sáu chữ, thậm chí có khi câu sáu chữ nhiều hơn câu bảy chữ. Đây không phải là thơ luật Đường chưa chỉnh thể, mà là thơ thất ngôn cổ phong. Trong Đường thi, Trần Trọng Kim cho biết “thất ngôn cổ phong (…) không có luật nhất định về số chữ trong câu”.

Tại sao Nguyễn Trãi chọn cổ phong khi làm thơ nôm? Chắc vì thể thơ xưa ít câu thúc, dễ diễn tâm tình của Nguyễn hơn. Tại sao sáu chữ? Đọc Quốc âm thi tập, có người nhận định rằng khi nội dung là nhân tình thế thái, “lời văn thường mộc mạc rắn rỏi”.(1) Thực ra, cả khi vịnh cảnh hay diễn tình cảm lãng mạn, lời Nguyễn cũng có thể “mộc rắn”. Những câu thơ sáu chữ “lên” cái phong cách đặc thù ấy hiệu quả hơn câu thơ bảy chữ. Những bài “cổ (có) lục” hình như không có ai khác làm. Nguyễn Thuyên trước, các tác giả trong Hồng Đức quốc âm thi tập về sau, hình như đều không. Chắc vì không có ai tính tình, tâm sự giống Nguyễn Trãi.

Tuy nhiên, trong Quốc âm thi tập vẫn có những lời trau chuốt, mềm mại. Nghĩa là Nguyễn Trãi cũng có những lúc giống đa số thi nhân.

*

Thơ nôm Nguyễn Trãi hay hơn thơ nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ngoài văn tài đặc biệt, Nguyễn Trãi “được” biết đời kỹ nên có cảm xúc sâu sắc.

Cũng như nhiều trường hợp khác, rủi cho người là may cho thơ.

Sau đây chúng tôi xin đọc một số bài chọn từ Quốc âm thi tậpBạch Vân quốc ngữ thi.

*

“Ở thế nhiều phen”

“Ở thế nhiều phen thấy khóc cười
Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi
Lòng người một sự yêm chưng một
Ðèn khách mười thu lạnh hết mười
Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi
Ai ai đều có hai con mắt
Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi”.


Ngoại tứ tuần, dù sống một cuộc đời bình thường thì cũng đã khá từng trải, già dặn. Huống gì Nguyễn Trãi sống nổi trôi, thường xuyên va chạm. Chạm nhiều với những nhân cách kém hơn, chán đến tận cổ.

“Phượng những tiếc cao”, nhưng vì đại nghĩa đành sà xuống thấp… Ngay trong kháng chiến, “hoa” đã “hay héo”. Kháng chiến thành công, hoa càng thường xuyên ủ rũ, để đến khoảng mười năm sau đó thì rời chốn Rồng Lên mà về núi...

“Đêm nguyệt trà mai”

“(…) Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
Dưới công danh đeo khổ nhục
Trong dầu dãi có phong lưu (…)”
.

“Trà mai” chắc pha bằng gỗ gốc mai già, là thứ thức uống đến tận thời Nguyễn Du vẫn còn được các cụ ta ưa dùng, hình như ẩn sĩ lại càng ưa.

Trà này uống không mất ngủ, “đêm (có) nguyệt” cứ tha hồ vừa “xem bóng” vừa thưởng thức chút “hương ngọt ngọt” cho đỡ “khát”...

“Dầu dãi” thế này lại chẳng bằng trăm bằng nghìn “công danh” sao.

“Đêm thanh nguyệt bạc”

“Tằm ôm lúc nhúc thuyền đầu bãi
Hào chất so le khóm cuối làng
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Ðêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dặng dõi cầm ve lầu tịch dương”
.

Do tiếng Việt thay đổi, thưởng thức thơ nôm xưa như thơ Nguyễn Trãi có chỗ khó.

Để thưởng thức thơ, người đọc phải cảm được phong cách của từ. Cái từ ấy ta nay không còn dùng nữa, tuy có thể đoán ra nghĩa nhưng làm sao cảm được phong cách của nó? Cái từ kia tuy nay vẫn phổ thông, nhưng rõ ràng hồi thế kỷ 15 đã mang một phong cách khác mà ta không thể mong chia sẻ…

Không đừng được, thời gian cản trở hậu sinh rung động tới nơi tới chốn khi đọc tác phẩm của tiền nhân. Nhưng tuy không trọn vẹn, tưởng niềm vui vẫn rất đáng kể. Người Việt thế kỷ 21 vẫn có thể “thấy” được hình ảnh nọ, “nghe” được âm thanh kia, “ngửi” được mùi hương “đã tiễn” chứ. Và cái câu chót, có phải tiếng đàn ve lầu chiều ấy tuy “dặng dõi” (inh ỏi) mà lại gợi cho ta nghĩ đến tâm sự rất đỗi cô đơn của người viết nên câu?

“Đun một nồi hương”

“Giậu thưa thưa, hai khóm cúc
Giường thấp thấp, một nồi hương
Vượn chim kết bạn non nước quạnh
Cầm sách cùng nhau ngày tháng trường (…)”
.

“Ở thế nhiều phen thấy khóc cười”. Kẻ chán “thấy” xin được thôi ở. “Rũ bao nhiêu bụi, bụi lầm / Giơ tay áo đến tùng lâm”. Tưởng tượng Nguyễn Trãi đứng trên một đám mây, giơ tay áo lên mà cưỡi mây bay về Côn Sơn như một ông tiên!

Tiên đã về núi thì “Dầu phải dầu chăng mặc thế / Ðắp tai biếng mảng sự vân vân”… Ngày ngày, nơi “con am” thanh vắng, người điếc chuyện đời khi ra xem hoa nở trước sân, khi vào thăm nồi hương đang sôi riu riu cạnh giường. Ngắm đẹp ngửi thơm, tất có làm thơ. Hễ nên được “câu thần”, bèn “dửng dửng ca”...

Nếu cứ vậy, cứ khắng khít với bạn chim bạn vượn, gẩy đàn, đọc sách, xem hoa, ngửi hương, thi thoảng ngâm nga, biết đâu “ngày tháng” chẳng đã rất “trường”...

“Bui một lòng người”

“Ðủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trông thế giới phút chim bay
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay
Nước mấy trăm thu còn vậy
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn này
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay!”
.

Chiều hôm thong dong bước giữa Côn Sơn, trông non non nước nước mây mây cây cây trăng trăng gió gió...

Dễ tưởng người đi dạo đã quên hẳn chốn “bụi lầm”. Nhưng không, người trông mây “thuộc” núi, trông gió “hay” cây, rồi người chợt nghĩ đến một cái hết sức khó “thuộc” khó “hay”.

Ðời trót đã bước vào, không phải cứ hễ bước ra là quên ngay được đâu.

“Kìa nước nọ không”

“Trời nghi ngút nước mênh mông
Hai ấy cùng xem một thức cùng (…)
Lẻ có chim bay cùng cá nhảy
Mới hay kìa nước nọ hư không”
.

“Nghi ngút” nhưng mà không mờ mịt lắm, vì vẫn còn thấy được kìa nhảy nọ bay.

Giá sẵn chiếc thuyền con, xuống, chèo sâu vào giữa chỗ “hai (…) xem một”, cho đến lúc “mắt tuy mở mà lòng không thấy nữa / hồn lạc rồi, không biết ngõ nào ra”(2), cho quên sạch những chim cùng cá.

“Mượn đắp lấy hơi”

“Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng
Ðầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng
Ngoai ấy dầu còn áo lẻ
Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng”
.

Thế kỷ 15 mà văn chương trí thức Á Đông tình tứ đến vậy sao?

Sao không, nhiều trăm năm trước đó, Lý Bạch bên Tàu đã đưa “hơi” vào thơ, rằng từ ngày “em” đi chăn gấp để giữa giường không dùng, ba năm trôi qua mà hương còn phảng phất (bài “Ký viễn”)...

Khi “khách lầu hồng”, khi “cô hàng chiếu”, một người cứ thấy…, là hỏi, không nề giai cấp. Nguyễn cũng không hề nề tuổi tác mình. Gương xưa còn đó, cho Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê v.v. tha hồ noi.

“Lơ lửng bên sông”

“Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
Ðã buồn về trận mưa rào
Lại đau về nỗi ào ào gió đông
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình”
.

Về tám câu rất nổi tiếng này, Hoài Thanh viết: “... đã có lúc chúng ta ngờ không biết có phải thơ Nguyễn Trãi không vì lời thơ hình như quá mới. Nhưng sau khi đọc tập thơ nôm Nguyễn Trãi, tôi lại nghĩ bài thơ này ý thơ cũng rất có thể bắt nguồn từ thơ Nguyễn Trãi”.(3) Tức sau cũng như trước, Hoài Thanh vẫn thấy tám câu thơ ấy khó lòng là của...

Hơn nữa, theo một số nhà nghiên cứu, thể lục bát chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 15, khi Nguyễn Trãi qua đời đã khá lâu. Chắc một thi sĩ khuyết danh đã vay tứ cũ để làm thơ mới. Thi sĩ ấy nếu sinh trước Nguyễn Du thì có lẽ cũng không trước xa...

“Uống rượu gốc cây”

“Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”
.

Thơ nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm văn bản rất tam sao thất bổn, bài thơ này “bổn” này có lẽ được nhiều người biết nhất.

Tắm mát rồi ngồi gốc cây... khà, ở ẩn như Trạng Trình tưởng những kẻ ngày đêm lăn lộn theo phú quý không khỏi có lúc thấy ước ao...

“Tréo cẳng hiên mai”

“Nép mình qua trước chốn xôn xao
Mấy sự bên tai gió thoảng ào
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai tréo cẳng hát nghêu ngao
Lo le đã vậy thời dầu vậy
Vặt vãnh màng bao sá quản bao
Chẳng hết trung cần hai chữ ấy
Nhờ ơn đất rộng cậy trời cao”
.

Cái cụ già ưa ăn măng, ăn giá, tắm hồ sen, tắm ao, ưa ngồi uống rượu dưới gốc cây, chắc cụ đã đạt đạo nên mới hóa hồn nhiên như trẻ thơ, khi “khúc khích”, lúc “nghêu ngao”...

Ờ, cái hôm cao hứng nọ, không biết Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngồi hay là nằm nhỉ? Ngồi mà tréo cẳng thì ra dáng ngang tàng, còn nằm mà tréo cẳng thì ra dáng thoải mái. Trạng Trình ưa thoải mái, chứ đâu có ngang, vậy chắc đã nằm...

Tưởng tượng người “nép mình…”, người ấy về đến am Mây Trắng bèn nằm khểnh trước hiên hát chơi, hát một lúc luôn tiện chợp mắt… Sống như vậy, trách nào sống đến chỉ có chín mươi lăm phần trăm “cõi người ta”!



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa gần nhất tháng 10-2023















___________
Tất cả các bài thơ chọn đều không có nhan đề. Nhan đề đây là tạm đặt.
Nghĩa một số từ cổ: yêm (yếm): chán; bui: duy; khóm: xóm; loàn đan: mạo muội; ngoai: ngoài; cả lòng: rộng lòng.
(1) Phạm Thế Ngũ,
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, SG trước 1975.
(2) Trong bài “Sương mờ” của Xuân Diệu.
(3)
Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, nxb. Văn Học, 1982.