Nguyên Hồng mà viết về sinh hoạt trong một xóm nghèo thì cảnh với người cứ hiện ra rõ mồn một trước mắt ta. Như thế là vì ông chính ở trong ấy. Văn ông, từng chữ, viết thẳng từ đời.

Nhân vật chính trong
Hàng cơm đêm là cô Vịnh, một cô gái đối với những người nghèo khổ luôn cảm thấy “rất gần họ”, “tin cậy họ lắm” và lúc nào cũng “ân cần dịu dàng” với họ, hết sức giúp đỡ họ... So với con người Nguyên Hồng qua lời kể của một số người quen biết ông, thấy đây nhân vật giống tác giả như hệt!

(Thu Tứ)



Nguyên Hồng, “Hàng cơm đêm”




- Vịnh ơi! Mày sang xem chị Mấn đã về chưa?

- Mới có ba giờ, chợ còn đông, ai người ta chịu về mà sang? Vịnh vẫn phải nhẹ nhàng giả lời mẹ.

Người mẹ càng dằn dỗi:

- Thế có bằng giết người không! Thức ăn hết cả rồi mà chưa có một tý rau cỏ, cá mú gì. Lần sau thì tiên nhân ai dám nhờ cái thứ mặt nó nữa.

- Thì còn đầy vại dưa mới muối, mà người ta đang rao rươi kia kìa, nhà mua lấy vài chục bát vừa làm chả, vừa xào củ cải bán cũng đủ mà.

Nghe người con gái nói lại người mẹ rít hẳn lên:

- Nhưng muốn xào nấu gì thì cũng có hành có mỡ chứ. Mà liễn mỡ không còn lấy một giọt thì làm được cái gì? Cái con chết phải gió ấy nó làm nhỡ hết buổi của người ta rồi! Chỉ được cái miệng xoen xoét lúc mượn tiền đi chợ thôi.

Người mẹ dứt lời, một người đàn bà đặt phịch một cái thúng cắp ở nách xuống đất, vồn vã:

- Bà mua cho con nốt chỗ rươi này, còn tươi lắm.

Mẹ Vịnh không mua nhưng cũng ngứa miệng hỏi:

- Bao nhiêu một chục?

Người bán ngọt ngào:

- Bát của con to mẹ ạ, mẹ cho con bốn hào một chục, con chỉ dám lấy vốn mẹ thôi.

Mẹ Vịnh lườm người bán hàng một cái thật dài:

- Bốn hào thì đem đi. Hôm nay đẩy một chợ rươi, rẻ thối ra kia kìa.

Bà nói thế chứ thật bà có ra chợ đâu mà biết nhiều ít. Nhưng người bán vẫn tươi cười:

- Thì mẹ giả cho con bao nhiêu? Con nói thế chứ có đòi được cả thế đâu mà mẹ đuổi như đuổi ăn mày vậy.

Một giọng vồn vã khác bỗng chen vào:

- Mẹ ơi! Còn mấy cân vừa thịt vừa mỡ đây, mẹ mua cả con bán rẻ nào.

Mẹ Vịnh vẫn cái giọng san sát:

- Thuận mua vừa bán, chả ai thèm lấy rẻ của các chị.

Người hàng thịt cười ròn:

- Sao hôm nay mẹ khó tính thế ? Vậy thì con nói bán thật đắt cho mẹ vậy.

Khi ấy Vịnh lần lượt lật những vỉ buồm đậy rổ thịt và thúng rươi lên. Rươi còn tươi, lúc nhúc đến lưng thúng, bốc lên một mùi tanh nạo ruột. Vịnh lại còn xóc mạnh để đảo những lượt dưới lên. Cũng như trên còn tươi lắm, cả mớ rươi này nếu xào nấu bán thì không ai đã ăn một mà không ăn hai. Vịnh liền đưa mắt nhìn những chai rượu ty xếp thành ba hàng trên cái tủ gỗ con ở mé chõng bán nước. Vịnh lại xem lại mớ thịt. Tuy bán rẻ nhưng không phải của ôi. Ba miếng mỡ lá toàn những thớ nước mọng. Miếng thịt bì mỏng, khi luộc chín, thái vừa dôi vừa bầy đẹp đĩa. Nhưng người con gái không dám bảo mẹ mua. Y chỉ trông lên mẹ bằng hai con mắt lấp lánh.

Bỗng y reo lên. Bà mẹ bước vội xuống đất, nhô đầu ra ngoài, tiếng nói lại sa sả:

- Mày chợ búa gì mà đến giờ mới về? Có chết đâu thì cũng phải dối dăng chồng con nhà mày và người ta lấy một câu chứ.

Người đàn bà đội nặng nọ cười, ì ạch đặt cái thúng xuống ghế:

- Gớm! Mẹ chỉ được cái độc miệng. Mua bán cho mẹcòn phải mặc cả chứ. Ngày tư phiên chính, người đông như kiến, dễ chen chân lắm đấy.

Vịnh và mẹ đã lấy ra nào cá, thịt, rau, đậu để kín cả mặt ghế. Mặc những tiếng chê ỉ oi của mẹ Vịnh, người đàn bà mua hộ chỉ cười và nhăn mặt đưa mắt cho hai người bán rươi và thịt đương chực. Vịnh cũng cười với hai người nọ. Xếp nốt những mớ hành, rau thơm, ớt, tỏi vào rổ, Vịnh lần lượt bưng xuống bếp cạnh cầu ao.



Thức ăn và đồ nấu chỉ một lúc là sửa soạn xong. Tất cả những nồi, niêu, xanh, chảo, không như của những hàng khác chỉ tráng qua một lượt nước rồi đem thổi nấu, đây đều được Vịnh kỳ cọ không còn một tý nhớp nháp. Thịt cá thái xong, thức nào sẵn sàng với gia vị ấy, Vịnh chỉ còn việc nhóm bếp.

Bóng mờ xám nhạt đã chập chờn lan ở đằng xa. Mặt nước ao hồ và những thửa ruộng xanh ướt át trong một thứ khói đục lờ lờ. Vài miếng trời vàng úa rung rung giữa những khoảng trống ở mấy lũy tre, mấy chòm cây xào xạc.

Thứ tiếng ồn ào đều đều đã có từ bao năm khi ánh nắng hấp hối giờ đây cũng lại nói nhiều về cuộc đời như chiều hôm qua, hôm kia và những hôm đã lâu. Những tiếng chuông xe đạp bấm liên thanh là của những người học trò rất nghèo, khát học để cướp lấy mảnh bằng cơm gạo cho cả nhà, và của những người đi làm ở những sở xa về đã đói ngấu, mệt nhoài. Những tiếng guốc khuya, những tiếng xe bò ầm ầm vì đường gồ ghề, những tiếng xẻng, cuốc và ván gỗ trong thùng xe xò đẩy nhau, nhảy lên, nhảy xuống, những tiếng ấy là của những thợ nhà in, thợ nhà máy gạch, phu hồ, phu than ở những xóm trong cùng, họ đi làm lúc còn tối đất giờ về cũng lại tối đất, nên càng mải miết hơn. Những tiếng huyên náo của họ lúc vào trong xóm gần trùm lên cả những tiếng náo động khác. Hai bên đường dần đen kịt những người và vật lố nhố. Những người bán hàng ở các chợ trên phố đóng cửa sớm đuổi ra và đi bán rong dồn về, lại họp chợ ngay cạnh đường, lại mời chào, mặc cả, cãi cọ ầm ỹ. Lắm kẻ lại còn vừa phải bán hàng vừa dỗ con bé bú, vừa đánh mắng sa sả những đứa lớn cứ lèo nhèo mếu máo vòi quà.

Vịnh đã làm xong chả và rươi xào. Vịnh chuyển dần lên nhà. Người ăn đã đông. Toàn những kẻ quần áo rách rưới, lấm láp và khét lẹt những mùi dầu mỡ, khói, bụi và bùn đất đằm lấm ở những xưởng máy, những kho hàng, những lán gỗ, những hầm tàu. Họ vừa ăn, vừa chuyện trò, hỏi gọi nhau ồn ồn. Những chị phu hồ, phu than ríu rít như chim sẻ. Trong khi ăn, họ nô nghịch hơn cả đàn ông. Chửi đùa nhau, khèo bát này, chọc đĩa khác, họ cười nói không ngớt. Bản tính dễ dãi, vui tươi của họ vang lên trong những tiếng cười đến lúc này người ta mới được thấy biểu lộ sau một ngày đầu tắt mặt tối vuốt mồ hôi không kịp.

Hàng đã phải thắp đèn. Ðứa em gái Vịnh luôn tay lau chùi bàn ghế dọn dẹp bát đĩa và bưng thức ăn cho mọi người. Mỗi lần Vịnh bưng lên nhà một món ăn vừa ở xanh, nồi múc ra, Vịnh lại bị em gọi giật giọng:

- Mau lên cô, rồi lên đây với tôi chứ!

Vịnh chỉ nói nhẹ:

- Tôi thì ngồi chơi đây.

Nói thế nhưng Vịnh cố làm nốt vài món ăn nữa để lên giúp em và còn bán nước, diêm thuốc, chuối kẹo, hay tính tiền hộ mẹ. Bận rộn, vất vả thế hay hơn nữa Vịnh cũng phải chịu. Ðược cái tiếng đảm đang, những người con gái làm ăn còn hãnh diện hơn cả được tô điểm đầy mình những phấn sáp, vàng ngọc lụa là.

Xuống bếp, Vịnh đổ mỡ vào xanh. Mỡ chảy ra trong những tiếng xèo xèo. Một mùi thơm lừng lên qua một làn khói trắng xóa: thịt bò hành tây, tỏi bắt đầu tiết ra những chất ngọt.

Mấy ông khách già nghiện rượu đã lè nhè giục. Vịnh chất thêm đóm cho to lửa. Những thanh nứa phơi chưa khô sùi bọt vàng và thở phì phì. Những đầu củi gỗ, cháy đã thành than, đỏ rực như những khối vàng diệp. Lửa hồng tia ra làm nhiều ngọn vờn chung quanh chiếc xanh đồng có những đốm li ti vàng đính lên lượt nhọ đen xốp.

Mặt Vịnh long lanh. Gò má ửng hồng. Một mảng tóc loáng loáng. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán rồi rớt xuống má.

Tấm ngực nở nang của Vịnh trong vuông yếm trắng càng phập phồng. Bỗng Vịnh cười, hai môi tươi mọng nở nhẹ trước ánh đen nhánh của hàm răng. Trên nhà, lại những cái giọng ồ ồ vẳng xuống:

- Thịt bò xào xong chưa cô Vịnh ơi?

- Ðem lên chứ cô Vịnh ơi!

- Cô Vịnh ơi, mau lên!

... Cái ồn ào của chiều dần tắt. Ao bèo trước cửa bếp chìm sâu nữa dưới những lớp khói đen nhờ. Mấy cây soan ở bờ hồ tít đằng kia đã như những nét chì than, lẩn vào nền trời tím. Nắng chỉ còn thoi thóp, theo những cánh chim bay mềm về một phía trời. Gió thổi mạnh.

Vịnh chợt rùng mình, khép vội tà áo lại, khi vừa ra khỏi cửa bếp lấy rổ rau cần để cho vào xanh thịt. Lễ mễ bưng đầy chậu thức ăn này lên trên nhà, Vịnh không phải xuống bếp nữa. Vịnh lau qua tay vào những miếng giẻ giắt ở gầm chõng hàng rồi ngồi vào chỗ mình. Hết bát nước này đến bát nước khác, Vịnh lại còn nào têm thêm trầu, nào đưa cho người này diêm, người kia chuối, bánh kẹo, và tính hộ cho mẹ từng xu một bán cho khách hàng. Tóc vương cả xuống mắt, xuống cằm Vịnh cũng không dám sửa khăn lại. Và Vịnh cũng chẳng kịp để ý đến những câu hỏi ỡm ờ của mấy anh trai trẻ. Nhưng cái em Vịnh thấy người ta chòng ghẹo chị mình nhiều quá thì gắt lên, văng tục. Vịnh phải mắng nó vì cái tính đỏng đảnh ấy, và Vịnh cười nói xin lỗi những người trẻ tuổi nọ.

Không phải Vịnh lẳng lơ, chỉ vì Vịnh không muốn làm mất lòng ai. Vịnh nhận thấy rõ bọn họ có đùa cợt Vịnh chẳng qua để vui cười chứ không phải cố ý chim chuột hay mua chuộc Vịnh như với những hạng gái kiếm tiền. Thật ra cũng vì Vịnh mến họ. Những cử chỉ, những lời nói sỗ sàng là do tính tình chất phác của họ khiến Vịnh tin cậy họ lắm. Hơn nữa, Vịnh còn thấy rất gần họ. Nhiều lúc Vịnh đã thấy nao nao trong lòng nghe họ kể lể cảnh sống của họ, hay khi họ oán thán những sự vất vả thiếu thốn đầy ải họ mà nào họ lười biếng, hoang phí cho cam.

Vịnh đã một lần giấu mẹ dúi trả lại hẳn hai đồng bạc tiền nợ cho một anh thợ sơn. Anh này đã sửng sốt, nhưng nhận ra Vịnh có cái cử chỉ ấy vì ái ngại cho mình, đầu tháng lĩnh tiền xong mà không còn đồng nào đưa về nhà, anh đành im lặng và cố giấu vẻ thẹn thùng. Anh đã không dám chào Vịnh, lùi lũi đi. Về nhà, thuật lại chuyện cho vợ, thì vợ anh ngay hôm sau xoắn xuýt chào hỏi Vịnh, rồi từ bấy thành một người bạn thân nhất của Vịnh.

Anh thợ này là chồng chị Mấn, người đàn bà ban nãy mua thức ăn cho mẹ Vịnh.

Ðối với ai Vịnh cũng ân cần dịu dàng như thế. Cả những với khách ăn cù nhầy. Mẹ Vịnh đã nhiều phen đay diếc Vịnh nào "hỗng", nào "dại mả" nào "cứ như thế thì có ngày gì... để ngoài da" và day dứt Vịnh đã phải lòng những đứa khốn nạn ấy nên không dám đòi hỏi ráo riết công nợ. Không những Vịnh không thay đổi các tính nết nọ mà lại còn gây thêm cho mẹ những cơn tam bành, làm Vịnh bị chửi mắng tàn tệ hơn. Vịnh lại còn nằn nì xin hộ và đánh tháo cho cả những người đói quá vào hàng ăn liều, cơm rượu hẳn hoi, rồi thì lột quần áo thế, hay không thì ù té chạy...



Tối rồi.

Nhà nào nhà ấy đã lên đèn. Vài cửa hiệu tạp hóa to thắp đèn "măng-sông" sáng trưng. Quãng đường trước những nhà ấy tách hẳn ra giải đường đá gồ ghề như những miếng vải trắng xanh nối cách nhau trong tấm vải thâm. Cát bụi vẫn lầm lên nhưng không rõ. Mỗi lần xe ô-tô phóng qua người ta mới thấy những làn bụi như vôi lơ rắc ra trước những khung cửa sáng. Rác rưởi đánh đống ở dưới mấy gốc cây và ở ven đường bốc lên một mùi tanh nồng, không khí nặng nề càng thấy rõ.

Tới giờ lắm nhà mới bắt đầu làm bữa cho chồng con về muộn tầm, ấy là nhà chị Vượng, chồng làm thợ mộc ở nhà máy diêm, nhà mẹ Minh có hai con nhớn đi tập thợ nguội, nhà bác Chín, chồng đi bổ củi, nhà bác Tý, bác Na, chồng làm phu khuân vác dưới bến tàu.

Khói bếp tím đặc quấn quýt lấy mái lá đen sẫm dần dần bị gió tản ra, lẫn với sương đêm.

Ðã có tiếng rao phở, bánh rán nóng và "cà lốc dì chê"(1).

Hàng ngớt khách ăn. Cái em gái Vịnh đã tót sang hàng xóm chơi với đứa bạn nhỏ tuổi như nó. Mọi khi nó phải lau chùi bàn ghế và rửa bát đĩa xong mới được đi, nhưng tối nay nó trút cả những công việc ấy cho chị. Chỉ nhìn qua em một cái rồi Vịnh làm cả mọi việc và lại nói đỡ cho nó khi bà mẹ quát gọi.

Chỉ còn vài ba người kề cà uống rượu và dăm bác phu xe ngồi trước cái chõng nước chầu chực mua lại xe với cái giá rẻ của những bạn quen đã chạy được đủ tiền giả cai xe tiền chè chén và bữa gạo nhà. Thỉnh thoảng họ lại châm lửa ở ngọn đèn hoa kỳ vặn nhỏ bằng hạt đỗ và kéo những điếu thuốc lào ròn tan. Nét mặt rám nắng của họ mờ hẳn đi trong đám khói cay nồng. Họa hoằn họ mới móc ở cái cạp quần ra một chinh con mua nước uống.

Ðường thưa người đi lại. Những cây bàng cao và to đẵm bóng tối, dán xuống đường những bóng lá đen sẫm. Những vũng nước mà người ta đổ bừa ra, trước còn lấp lánh mấy vì sao nhưng khi nền trời đặc sương hạ thấp xuống nữa thì đen ngòm, không phân biệt trên mặt đường mấp mô.

Mẹ Vịnh đã tính tiền. Bà ngồi xếp hàng trên cái ghế dài bằng lim. Một chiếc hộp con đầy xu hào lọt thỏm trong lòng bà. Bóng bà lù lù cả một bức vách. Giơ tay lên gãi đầu, cái cánh tay của bà khuỳnh ra dài xuống tới bếp. Ðồ đạc của tất cả hai gian nhà và một gian bếp này cũng không hôi bằng cái áo dài của bà may rộng như cánh buồm và chẳng bao giờ biết mùi xà-phòng là mùi gì. Với cả cái khăn vuông ít khi giặt và cái mớ tóc trắng gầu ấy, bà rũ ra có thể đuổi ra xa không cần phải nói nửa lời với những ai cố ý kèo nhèo xin xỏ, vay mượn.

Cái em gái Vịnh đã lần về. Nó chỉ dụi dụi chân vào cái chổi lúa là leo lên giường. Sợ muỗi đốt nó, Vịnh phải bỏ màn cho nó. Vịnh giũ luôn cả chăn và quạt màn cho mẹ. Rồi Vịnh thu xếp nồi niêu, dao thớt, và đóng cửa bếp lại. Nhưng Vịnh chưa được đi ngủ. Vịnh còn phải thức nữa để bán hàng. Theo thói quen. Vịnh tắt bớt ngọn đèn rồi ngồi co ro bên chõng nước.

Gió thổi mạnh, tát cái lạnh vào mặt Vịnh. Vịnh run run, ủ hai tay vào nách, nép sát người vào bức vách. Sự mệt mỏi đã đè nặng lên lưng Vịnh. Vịnh thấy trên trán có một vật gì tôi tối trĩu xuống. Vịnh gục mặt lên đầu gối, nhắm mắt lại.

Tiếng san sát của người mẹ cất ngay lên:

- Kìa cái Vịnh, mày đã buồn ngủ rồi cơ à?

Vịnh choáng người, luống cuống:

- Không... không... con ngồi thế chứ có ngủ đâu.

Người mẹ cười nhạt một tiếng:

- Ừ ngồi thế chứ có ngủ đâu! Hay vào giường mà ngồi vậy.

Vịnh lại thấy đau đớn. Lờ đờ Vịnh nhìn mẹ rồi ngồi thẳng lên.

Khí lạnh đã đốt buốt chân Vịnh. Vịnh phải dậm dậm xuống đất. Tưởng Vịnh dằn dỗi, người mẹ trừng mắt.

- Tao nói thế mà mày dỗi phải không?

Vịnh nhớn nhác:

- Không con có dám làm gì đâu?

- Mày dậm chân là cái gì đấy!

Vỡ nhẽ, Vịnh đau đớn quá. Mẹ Vịnh đay nghiến Vịnh chỉ vì cái cử động tự nhiên mà bà cho rằng là một sự phản kháng. Vịnh chua xót nghĩ không biết đến ngày nào Vịnh mới thoát khỏi những sự đè nén ấy. Nước mắt của Vịnh đã lại mọng lên. Nhưng Vịnh không dám khóc. Lòng Vịnh lại mở ra để đón những giọt nước mắt thầm nọ rút xuống với những tiếng nghẹn ngào trong cổ họng.

Gió càng nổi to, sương mù thêm.

Vịnh buông tay trên đùi, thẫn thờ nhìn ngoài đường.

Trước nhà Vịnh là vợ chồng bác Nhân làm bánh cuốn. Giờ bác gái đương tráng bánh. Những ánh lửa bếp chờn vờn qua những kẽ liếp đến sáng rõ mới tắt. Lúc ấy người chồng mới dậy để đi làm, còn người vợ chợp mắt ít giờ rồi phải dậy để thổi nấu cơm nước cho con cái và đi bán hàng.

Nói đến đàn con của vợ chồng bác ai cũng phải buồn cười. Lúc nhúc đúng mười hai đứa mà thằng lớn nhất mới mười ba. Người ta đã không hiểu tại sao những đứa bé ấy sống đủ cả. Nào chúng nó có được chăm bẵm, no ấm? Ðứa nào đẻ ra cũng chỉ được mẹ bế ẵm nhiều nhất là mười ngày rồi thì quẳng cho thằng anh con chị, suốt ngày phơi nắng, phơi gió. Rồi ngoi ngóp ngồi vững và ăn được miếng cơm nhá nhót, sữa phần nó lại phải dành cho đứa mới đẻ và cho đứa bé khác lại mới đẻ nữa, mà ăn toàn cơm mớm, ăn cơm hột của mẹ hay của hàng xóm. Quần áo toàn của chung quanh cho. Người này cái áo cũ của con, người kia cái quần cũ của chồng. Thế mà lắm nhà giầu có hỏi xin những đứa bé ấy về nuôi đỡ thì vợ chồng Nhân nhất định từ chối.

Người ta đã nhiều lần nghe thấy người vợ nói câu này:

- Ðây còn mạnh chân khỏe tay, còn kiếm được miếng thì còn là đẻ, còn là nuôi.

Và những lúc say rượu, người chồng lại thủng thẳng nói:

- Mười hai chứ đến mười lăm đứa đây cũng chẳng cần. Lớn lên, con giai, thằng cái búa, cái cuốc, cái xe, cái cày; con gái, đứa cái thúng, cái mẹt, cái quang là đủ có gạo bỏ vào nồi rồi. Không có thì làm mà ăn, chẳng luồn lụy, nhờ vả đứa nào cả.

Mấy kẻ đã phát ghét vợ chồng Nhân. Bọn họ thấy bằng ấy đứa con chẳng đứa nào được ăn học, chăm nom thì bĩu miệng:

- Rồi mà xem đấy, cứ những ngữ ấy thì chỉ đứng đường đứng chợ thôi chứ làm được cái gì!

Sẵn tức với chồng Nhân, bọn họ đâm ghét cả những đứa con. Thị của, bọn họ xúc từng bơ gạo cho ăn mày trước mặt hai người. Bọn họ còn cấm ngặt con cháu không được chơi với chúng nó, và chúng nó có bén mảng đến thì bị xua như xua ruồi vậy.

Không hiểu tại sao lúc này Vịnh lại nghĩ đến vợ chồng nhà Nhân và đàn con lúc nhúc ấy. Vịnh có cảm tưởng Vịnh là một người rất thân trong gia đình y. Vịnh xót xa cho gia đình y nheo nhóc quá. Những kẻ hất hủi vợ chồng y thật là ác quá. Bọn họ chỉ vì ghen với y được nhiều con đứa nào cũng kháu khỉnh tuy bỏ lay lứt, bữa cơm bữa cháo. Mà họ nào tầm bổ sâm nhung quế phu, cầu hết đền nọ phủ kia nhưng cứ trơ ra. Biết đâu rằng vì nhàn rỗi, sung sướng quá, không còn biết làm việc gì cho qua thời giờ, chồng, con, anh em họ đã phí hết khí lực cho cờ bạc giai gái, nghiện hút, chơi bời.

Sương mù ném xuống những mái nhà và là là cả ở trên mặt đường. Những xe tay lặng lẽ chạy qua với ánh đèn đục, lờ mờ, thấp thoáng. Những bóng người thưa thớt. Thỉnh thoảng tiếng rao phở phào lên rồi chìm mất trong sương khuya. Chó của vài nhà gần đấy sủa ran ran.

Vịnh thấy lạnh thấm người và mọi vật chung quanh. Những bàn ghế, giường, phản, chõng hàng đã ọp ẹp, những bức vách nứt nẻ, loang lổ, những kèo cột xộc xệch, chằng chịt mạng nhện... dưới ánh đèn treo vàng cặn, tất cả những vật ấy úp súp, tồi tàn thêm. Không phải nó đã thay hình đổi dạng trước mắt Vịnh mà nó thế nào Vịnh thấy đúng thế vậy, không như mọi khi chỉ được Vịnh nhìn qua và chẳng nghĩ ngợi gì. Vịnh hơi rùng mình, mắt chớp chớp rồi quay vào ánh đèn.

Vịnh lờ mờ nhận thấy những năm tháng sống bên mẹ, bận rộn buôn bán đun nấu từ tang tảng sáng đến nửa đêm, thật là dằng dặc. Chẳng riêng mình Vịnh, cô Viễn con bà lý Cư bán mắm muối, cô Minh con ông phó Thung làm phu hồ, cô Vượng, cô Hiển con ông cựu Vịnh làm nhà diêm, cái Sửu, cái Bống đi đội than, cũng y như cảnh Vịnh. Vài cô mới đi lấy chồng, kẻ vừa có con, kẻ đương to bụng, còn thì đều ở nhà làm lụng quần quật chờ một ngày kia về làm dâu con một gia đình mà cha mẹ kén chọn để rồi cũng lại đầu tắt mặt tối. May cô nào gặp được nhà chồng tử tế, người chồng có công ăn việc làm chắc chắn, chứ không lại như nhà mẹ Minh, cái Sửu gầy rạc đi vì vất vả lo toan, nào phần mẹ chồng, em chồng cay nghiệt, nào làm ăn thiếu thốn công nợ chồng chất, bao nhiêu miệng ăn, bao nhiêu giỗ tết, đóng góp trông cả vào mình, nào như nhà Nhân đeo đẳng một lũ con, không còn lúc nào cất đầu lên được.

Vịnh dân dấn nước mắt và thấy tức ở ngực.

Hai vai gầy và đã đầy chai của Vịnh rung rung. Những cái nghẹn ngào chen lấn nhau dồn dập trong cổ họng. Tâm trí Vịnh lâu lắm mới lại bị kích thích mạnh. Vịnh thấy mình rồi sẽ như chị Mấn, vợ nhà Nhân, cái Sửu, sống trong cảnh cùng khổ, bị hắt hủi, khinh bỉ. Ðến bấy giờ Vịnh cũng sẽ vẫn ở cái xóm này, cái chỗ ở này trừ phi có bỏ hẳn đi, đổi khác tất cả thì mới mong được sáng sủa, rộng rãi.

Lá bàng rụng rào rào. Mưa bay đã lớt phớt.

Mẹ Vịnh ngáp luôn mấy cái rồi khàn khàn nói:

- Vịnh, thu chõng ghế vào đi thôi.

Một mình Vịnh chuyên hết các thức vào nhà. Chỉ còn đóng tấm phên liếp và tra gióng vào là xong. Tấm phên to, dày nặng quá! Vịnh phải hết sức mới kéo được lên thềm. Rồi Vịnh soải chân, tỳ vai, nâng cao nó lên cho thật sát mái lá. Trong người Vịnh nóng bừng sau khi lắp được xong cái gióng cửa bằng cả một cây tre già. Vịnh kiễng chân kéo cái khăn mặt ướt vắt ở lao màn xuống để lau mặt. Vuốt miếng vải bông ướt lên trán lấm tấm mồ hôi và qua cặp mắt khô nhức. Vịnh thấy đầu nhẹ bỗng, Vịnh thở ra một cái thật dài đoạn tìm guốc rửa chân.



Công việc chồng chất hàng ngày của một người con gái lớn trong một gia đình làm ăn đã tạm ngừng. Nhưng đêm nay, tuy rời rã, người con gái chịu khó ấy lại trằn trọc không sao ngủ được.



1938






___________________________
(1) Mía hấp.