“Tú Xương - Một nhà nho Nôm”




Tú Xương (1870-1907) để lại gần một trăm bảy chục bài thơ, tất cả đều bằng tiếng Việt.

Tuy rất lâu trước ngày ông chào đời, nho sĩ Việt Nam đã bắt đầu sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ nhưng ai nấy đều có làm cả thơ chữ Hán. Phải đến Tú Xương, mới xảy ra hiện tượng một nhà nho có thi nghiệp toàn nôm.

Tại sao Tú Xương khác người trước? Hiển nhiên, sự kiện do diễn biến Pháp thuộc, chữ Hán đang nhanh chóng mất đi địa vị đặc biệt trong giới trí thức là một lý do. Lý do thứ hai là những nội dung của thơ ông chúng đòi được diễn bằng tiếng Việt. Xã hội Việt Nam lúc Tú Xương lớn lên, vua thì bù nhìn, quan là tay sai thực dân, dột từ nóc dột xuống, bao nhiêu “điều trông thấy” khiến ông “đau đớn lòng”, muốn thơ trào phúng, mà đã trào phúng thì tiếng nào bằng thứ tiếng vẫn nói hàng ngày với tất cả xung quanh. Ngoài “cười” vô số cái chướng tai gai mắt đương thời, Tú Xương còn hay thơ để kể chuyện mình, cũng là thứ nội dung diễn bằng tiếng mẹ đẻ là thích hợp nhất.

Nguyễn Khuyến cũng ưa kể chuyện riêng, nhưng vừa làm thẳng thơ nôm vừa sáng tác bằng chữ Hán rồi diễn nôm. Tú Xương sinh sau đến hơn một thế hệ, “gặp thời”, bèn luôn nôm cho đỡ công dịch!

*

Trong số thơ văn “tự tư sự” của Tú Xương, đáng chú ý nhất là những bài về cái sự “chơi”.

“Hay chơi” cơ bản là tính người. Nhưng hoàn cảnh đất nước và hoàn cảnh riêng chắc cũng có vai trò. Sĩ phu lúc ấy nhiều người tham gia kháng chiến hoặc bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Tú Xương không theo cuộc khởi nghĩa nào, không xuất dương, mà cũng không làm quan (vì chỉ đỗ có tú tài). Ông có dạy học nhưng công việc nhàn lắm bởi Nho học suy tàn. Một người buồn về chuyện nước non xã hội, buồn về danh phận dở dang, mà lại gần như không làm gì cả, thử hỏi người ấy ở đời sao được nếu không chơi!

“Thơ chơi” Tú Xương có một cái giọng đặc biệt, có thể gọi là giọng “ngông”.

Nhớ Nguyễn Công Trứ. Giọng thơ Nguyễn Công Trứ cũng không phải giọng nhà nho điển hình. Nhưng nó không ngông, mà nó ngang. Ngông và ngang cùng khác đời, nhưng người ngông đứng trên bờ dòng đời, còn người ngang thì nhảy xuống “sông” mà bơi lội vẫy vùng, “xuống đông, lên đoài” theo cách riêng của người ấy.

Nguyễn Công Trứ tự biết mình: “Ngang tàng lạc ngã tính thiên”. Tú Xương cũng tự biết mình: “Vị Xuyên có Tú Xương / Dở dở lại ương ương” (ông nói quá cho vui, chứ ông chỉ ngông thôi).

Ngoài giọng ngông, “thơ chơi” của Tú Xương còn một nét đặc thù nữa.

Nguyễn Công Trứ có những lúc rất thành đạt, có đủ điều kiện để “chơi cho lịch (…) cho đài các, cho người biết tay”. Còn Tú Xương do suốt đời chỉ “ăn lương vợ”, nên chơi tuy hết sức… chăm chỉ, mà chắc có người chưa chịu “biết”. Độ “lịch đài” của cái chơi có ảnh hưởng đến cái giọng kể. Uy Viễn tướng công dõng dạc: “Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống!”. Còn ông Tú Vị Xuyên thì thiên về tỉ tê: “Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay…”.

“Nghĩ cũng hay” cũng chính là cái hiện tượng “nhà nho tài tử” đó!

Nho mà lại đi chơi bời “tới bến”, rồi công khai thơ lên cái chơi của mình bằng một giọng không thể nói là nghiêm túc, điềm đạm, tiết chế. Ới đức Khổng Phu Tử, có sống dậy mà nghe học trò!

Tú Xương sinh sau Nguyễn Công Trứ gần một thế kỷ. Hai “nhà nho – nhà chơi”, mỗi nhà diễn ca một sinh hoạt đặc thù của trí thức ta xưa bằng một giọng riêng – nhà thì ngang tàng, dõng dạc, nhà lại ngông nghênh mà rủ rỉ –, nhà nào cũng góp được vào văn học Việt Nam thời cổ điển lắm vần thơ độc đáo để đời.

*

Về hình thức, thơ Tú Xương đa số là thơ luật Đường. Cũng lạ, ông đi hát quanh năm mà làm trước sau chỉ có mươi bài hát nói (khoảng 6% tổng số thơ), trong khi Nguyễn Công Trứ để lại đến 63 bài hát nói (già nửa tổng số thơ).

Cuối cùng, Tú Xương chẳng những làm toàn thơ nôm, mà hình như cũng là người diễn nôm thơ Đường nhiều nhất (83 bài) trước Tản Đà (90 bài).(1)

Sau đây là một số tác phẩm Tú Xương tiêu biểu. Chúng tôi chọn chín bài thơ và một bài phú có nội dung kể chuyện riêng, bảy bài thơ có nội dung là ưu tư nước non và một bài thơ chở cảm xúc trước cảnh dâu bể. Tập hợp này vừa cho thấy được một nhân cách tuy “hay chơi” nhưng không hững hờ với tình riêng, việc chung, một con người nhậy cảm với cảnh vật quanh mình, vừa cũng là những ví dụ tốt của một phong cách văn chương giản dị, bình dân mà vẫn có nét tài hoa, duyên dáng.

*

“Thương vợ”

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!”
.

Ông Tú mà hờ hững thì sao lại có thơ này. Nhưng cứ tiếp tục giày ô đi cô đầu mãi, có làm đến chục bài cũng còn chưa đủ, ông ơi!

“Đi hát mất ô”

“Ðêm qua anh đến chơi đây
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa
Chỉn e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?”
.

Nay mất ô, mai mất nốt giày nhé. Ðể nằm nhà dăm bữa mà làm thêm mấy bài thương “cò”. Ai sắm cho ai cái dận cái cầm, sao ai nỡ dận, cầm “đi sớm về trưa” với ai, ai hỡi ai ơi!

“Ba cái lăng nhăng”

“Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!”
.

Ấy, vì không chịu chừa cái thứ ba, nên ông Tú mới có ngày mất cái che đầu để “đi sớm về trưa” cho khô cho mát. Nhưng mất thì mất, ông cũng chỉ may ra chịu chừa hai cái lăng nhăng kia.

“Hát cô đầu”

“Nhân sinh quý thích chí
Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu
Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu
Chén rượu cúc, đánh chầu đôi ba tiếng
Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm
Hoa tiền chước tửu hứng vô nhai
Hỡi ai ơi chơi lấy kẻo hoài
Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế
Của trời đất xiết chi mà kể
Nợ công danh thôi thế là xong
Chơi cho thủng trống tầm bông”
.

Đó, ông Tú tự khai hết cả. Ông đi hát cốt để “hú hí với cô đầu”. Hoa, tửu, tửu, hoa mới là chính, nghe hát chỉ là phụ. “Nợ công danh…”, cái “xong” này của Tú Xương là cái xong bỏ cuộc, ngược hẳn với cái “trang trắng” của Nguyễn Công Trứ. Ờ, nhưng có lẽ “trả sạch cũng thế mà xù cũng thế”. Khi hãy còn lo nợ, đã chơi, thì bây giờ cái “trống tầm bông” kia sao lại chịu để lành!

“Thày đồ” (phú)

“Thày đồ, thày đạc
Dạy học dạy hành
(...)
Thày ngồi chễm chện
Trò đứng chung quanh
Dạy câu
Kiều lẩy
Dạy khúc lý kinh
Dạy những khi xuống ngựa lên xe, đứng ngồi phải phép
Dạy những lúc cao lâu chiếu hát, ăn nói cho sành!”
.

Chết, chết! “Mụ” nào đó gửi con mau mau tới trường! Thày Xương dạy thế này, trò mấy chốc đỗ ngay cái bằng... tom chát!

“Tết dán câu đối”

“Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ tú tài
Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối
Đối rằng:
Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?
Thưa rằng: hay thực là hay!
Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài?
Xưa nay em vẫn chịu ngài...”
.

Cái ông tú hay đi hát đến nỗi mất cả ô, ông ấy làm gì ở nhà hát mà không thấy làm được bao nhiêu thơ hát nói? Tú Xương chả buồn giấu: “Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay / Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày / Năm canh to nhỏ tình dơi chuột / Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây”. Ngày đêm to nhỏ, mơ màng mất chỉ có... hăm bốn tiếng, thì giờ đâu nữa để gieo vần. Ở chỗ cần thơ hát nói thì thi sĩ thường xếp bút không làm, nhưng có khi về nhà lại đứng ngay bên cây cột nhà mình mà vung bút làm thứ thơ cho cô đầu hát! Cái đôi câu đối Tết ấy “mẹ mày” đã khen rằng “hay thực là hay”. Còn bài thơ chứa câu đối hẳn để dành sau Tết che ô đem đến nhà hát cho cô đầu tha hồ nức nở!

“Than thân”

“Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi
Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi
Mấy khoa hương thí không đâu cả
Ba luống vườn hoang bán sạch rồi
Gạo cứ lệ ăn đong bữa một
Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi
Bắc thang lên hỏi ông Trời nhẽ:
Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi?”
.

“Tam thập lập thân”, nghĩ là đúng lúc quá, “tôi” ơi. Nghĩ mãi không ra, thì phải đi hỏi. Hỏi dưới đất ai cũng bí, bèn bắc thang lên hỏi thẳng thủ phạm “trêu ghẹo người ta”. Chả biết ông Trời đã trả lời “cái thằng tôi” thế nào.

“Tự trào” (2)

“Lúc túng toan lên bán cả Trời
Trời cười thằng bé nó hay chơi
Ô hay công nợ âu là thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời
Tiền bạc phó cho con mụ kiếm
Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi
Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng
Khéo khéo không mà nó cũng rơi”
.

Khi thì bắc thang lên chất vấn, khi lại chẳng lên mà cứ ngồi ở phố Hàng Nâu “toan” chuyện hơn cả tày trời, chuyện to đến nỗi Trời cũng phải mỉm miệng. Ai dám mua Trời mà đòi bán, kinh doanh to tát hão huyền, bao nhiêu công nợ vẫn cứ trút cả lên đầu “con mụ” thôi! Nợ vợ đành kiếp sau trả, được cái nợ văn chương thì cái “nhồi trong bụng” “thằng bé hay chơi” đã rơi xuống trang giấy thành “tiền bạc” coi như thừa trang trải rồi.

“Hỏi mình”

“Trải mấy mươi năm vẫn thế ru
Rằng khôn, rằng dại, lại rằng ngu
Những là thương cả cho đời bạc
Nào có căm đâu đến kẻ thù
No ấm chưa qua vành mẹ đĩ
Ðỗ đành may khỏi tiếng cha cu
Phen này có dễ trời xoay lại
Thằng bé con con đã chán cù”
.

Trời là thợ nặn ra số phận người, có khi rất phũ phàng, khiến “ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha”. Trời cũng là “thằng bé con con” thích “xoay vần”, có khi xoay thế nào mà có người thi mãi cũng chỉ đỗ đủ để “khỏi tiếng cha cu”. Bị bé Trời cù lăn cù lóc lâu lắc mà đời bạc vẫn thương, kẻ thù vẫn không ghét, được quá đi, “mình” ơi.(2)

“Tự trào” (1)

“Chẳng phải quan mà chẳng phải dân
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hoá ra đần
Hầu con chè rượu ngày sai vặt
Lương vợ ngô khoai tháng phát dần
Có lúc vểnh râu vai phụ lão
Cũng khi lên mặt dáng văn thân
Sống lâu, lâu để làm gì nhỉ?
Lâu để mà xem cuộc chuyển vần!”
.

Thời Nho học, phải đỗ cử nhân trở lên mới được làm quan, nhưng nho sinh đã thi đỗ thì cũng không còn là dân thường nữa. Làm một nho “chẳng… chẳng…” ăn “lương vợ” vừa “chơi” vừa “xem”, cũng đâu có tệ. Tú Xương sinh năm 1870, chỉ cần sống đến 84 tuổi là thấy giặc Pháp bị “chuyển” văng ra khỏi nước Nam. Tiếc ông mất khi “đêm” hãy còn “dài” lắm.

“Hát tuồng”

“Nào có ra chi lũ hát tuồng
Cũng hò cũng hét cũng y uông
Dẫu rằng dối được đàn con trẻ
Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn”
.

Hát tuồng có thứ trên sân khấu, có thứ giữa đời. Hò hét y uông trên sân khấu được... khản cổ, hò hét y uông giữa đời được lắm cái béo bổ! Ðây kia những cái mặt đang giơ ra chực được bôi vôi!

“Lạc đường”

“Một mình đứng giữa quãng chơ vơ
Có gặp ai không để đợi chờ
Nước biếc non xanh coi vắng vẻ
Kẻ đi người lại dáng bơ phờ
Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt
Ðợi nước càng thêm tóc bạc phơ
Ðường đất xa khơi ai mách bảo
Biết đâu mà ngóng đến bao giờ?”
.

Một ông Tú, mà thật lắm “Xương”. Nào xương “mất ô”, xương “thi hỏng”, xương “bán giời”, xương “thương vợ”, xương “nghe ếch”, xương “than đạo”, xương “than nghèo”, xương “che bạn”, xương “chế gái đĩ”, xương “chửi cậu ấm”, xương “hát tuồng” v.v. Cơ man là tứ thơ, nhưng nếu thiếu cái tứ “đợi nước” này thì tiếc để đâu cho hết.

“Đêm hè”

“Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn
Ðêm nảo đêm nao tớ cũng buồn
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng
Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức
Bên chùa chú trọc đã hồi chuông”
.

Chỉ thấy ánh trăng mờ mờ mà không thấy “mặt” trăng đâu, “nhạt nhèo” thật. Vì sao “không chớp bể chẳng mưa nguồn” mà ông Tú lại buồn? Thì chắc vẫn cái chuyện “lạc đường” không “ai mách bảo”.

“Đêm dài”

“Chợt giấc trông ra ngó sáng lòa
Ðêm sao đêm mãi thế ru mà
Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết
Xao xác năm canh một tiếng gà
Chim chóc hãy còn nương cửa tổ
Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa
Nào ai là kẻ tìm ta đó
Ðốt đuốc lên soi kẻo lẫn nhà!”
.

“Đêm” đây hẳn là đêm dài Pháp thuộc. Giữa những năm canh “hú hí với cô đầu” là những năm canh khác “ta” nằm nhà trăn trở chuyện nước non... Khi ra Bắc kết nạp đồng chí, Phan Bội Châu có ghé Nam Ðịnh, có “đốt đuốc lên soi”, gõ đúng vào cửa căn nhà số 247 phố Hàng Nâu của ông Tú Vị Xuyên. Không ai biết khách và chủ đã trao đổi với nhau ra sao. Chỉ biết rồi Tú Xương có thơ “Gửi ông thủ khoa Phan”...

“Chiêm bao”

“Bỗng thấy chiêm bao thấy những người
Thấy người nói nói lại cười cười
Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng
Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi”
.

Ai, ai thế này nhỉ? Chả lẽ bao nhiêu tình nhân cũ của ông Tú tụ tập nói cười với nhau?! Bạn chơi bời của ông cũng không ổn. Vì hai chữ “những người” đây nghe nó nghiêm túc. Bao giờ thì ông mới được không chiêm bao mà thấy những “người trong mộng” ấy?...

“Chợt giấc”

“Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba
Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra
Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta?”
.

Lại “chợt giấc”, lại “chiêm bao”. Lần này không biết ông Tú mơ thấy gì. Chỉ biết “tỉnh ra” thì thấy dường như mọi người xung quanh đều đang thiêm thiếp. “Việc gì mà…”, ờ, nhưng mà thực ra ông có biết mình không phải thức một mình, biết có “những người” không chịu ngủ cho tới khi… Chính cái biết nhức nhối ấy nó làm cho ông hay “chợt giấc”, bất kể đang ở nhà, trong nhà hát, hay dưới “lõng”.

“Xuân”

“Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt loè trên vách, bức tranh gà
Chí cha chí chát khua giầy dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân xuân mãi thế ru mà?”
.

Một thời lắm cái chỉ có mỗi cái tên. Mất độc lập mà vẫn gọi là “nước”, bù nhìn, tay sai giặc mà vẫn gọi là “vua”, là “quan”… Trên đã rỗng như… thùng rỗng, làm sao dưới khỏi… Bao nhiêu “lượt là” che những nhân cách “đen thủi đen thui”! Xuân tới rồi đây, nhưng với một người “hay chơi” biết nghĩ, ngoài kia vẫn cứ là “Ðêm sao đêm mãi thế ru mà”.

“Sông lấp”

“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò”
.

Bể còn thành ruộng được, nữa là sông. “Bể dâu” đã sinh vô số thơ hay. Mà “sông khoai” gặp ông Tú này, cũng sinh được thơ hay.



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa tháng 4-2020

















__________
(1) 89 bài, nếu trừ đi bài “Phong Kiều dạ bạc” nghi vấn là của Nguyễn Hàm Ninh.
(2) Trời có khi gọi là Hóa nhi.