Chương 1.05




天地不仁, 以萬物爲芻狗; 聖人不仁, 以百姓爲芻狗.

天地之間, 其猶橐龠 乎! 虛而不屈, 動而愈出. 多言數窮, 不如守中.

*

Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.

Thiên địa chi gian, kì do thác thược hồ! Hư nhi bất khuất, động nhi dũ xuất. Đa ngôn sác cùng, bất như thủ xung.

*

Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm.

Khoảng giữa trời đất như ống bễ, hư không mà không kiệt, càng chuyển động, hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.


*

Trời đất, tức luật thiên nhiên, không có tình thương của con người (bất nhân) không tư vị với vật nào, cứ thản nhiên đối với vạn vật, lẽ đó dễ hiểu mà loài người thời nào và ở đâu cũng thường trách tạo hóa như vậy. Những câu: ưu thắng liệt bại, cạnh tranh để sinh tồn, tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi, có sinh thì có tử... đều diễn ý cái ý “thiên địa bất nhân”. Đang thời thì dùng, quá thời thì bỏ như cây cối xuân hạ tươi tốt, khi trổ hoa kết trái rồi qua thu đông thì điêu tàn. Cho nên Lão tử bảo trời đất coi vạn vật như chó rơm. Những con chó kết bằng rơm khi chưa bầy để cúng thì được cất kỹ trong rương hoặc giỏ, bao bằng gấm vóc, khi cúng xong rồi thì người ta liệng nó ra đường, người đi đường giẫm lên đầu, lên cổ chúng hoặc lượm về để nhóm lửa (Trang Tử - thiên Thiên vận).

Câu đầu, nửa trên ai cũng hiểu như vậy; nửa sau thì ý kiến bất đồng. Đa số cho “bách tính” là dân chúng. Trần Trụ (do Nguyễn Duy Cần dẫn, cuốn I, tr. 56) cho là “trăm quan lãnh phần thi hành chính giáo. Trăm quan ngày nay không còn là trăm quan ngày xưa, thì chính giáo ngày xưa cũng không dùng cho ngày nay được”.

Một nhà khác, Wieger (do Jean Grenier dẫn - tr. 79) cũng cho bách tính đó là trăm quan: quan nào có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại thì bỏ, diệt, vì vua chúa chỉ nên “yêu quốc gia thôi, chứ không được yêu cá nhân” cũng như trời đất sinh ra, nuôi dưỡng vạn vật chỉ lo cho cái lợi chung của vạn vật chứ không quan tâm tới cái lợi riêng của một vật nào. Weiger hiểu như vậy rồi cho chính sách của Lão tử là chính sách tuỳ cơ, hoạt đầu cũng như chính sách của Pháp gia sau này.

Chúng tôi nghĩ Lão tử chỉ muốn khuyên ta trị dân thì cứ theo đạo, theo tự nhiên, mà để cho dân tự nhiên phát triển theo thiên tính, đừng can thiệp vào.

Câu sau Lão tử so sánh khoảng trời đất với cái ống bễ. Rất đúng và tài tình. Cả hai đều hư không mà không cùng kiệt (có nhà dịch bất khuất là không bẹp xuống: ý cũng vậy), mà cả hai càng động thì hơi gió càng phát ra nhiều. Cái dụng của cái hư không (vô) như vậy đó.

Câu cuối (...) chúng tôi hiểu: càng nói nhiều, càng dùng lời để dạy (...) thì kết quả càng tai hại, không bằng cứ hư tĩnh, vô vi.

Liou Kia-hway hiểu khác hẳn: Càng nói nhiều về đạo thì càng không hiểu nó, không bằng nhập vào đạo. Nhà khác lại dịch là: Nói nhiều cũng không sao hết được, không bằng giữ mực trung.

Hiểu như chúng tôi, không biết đúng không; nhưng như vậy thì hai phần của chương mới có liên lạc với nhau: cùng nói về cách trị dân: đừng dùng nhân (nghĩa), cứ thuận tự nhiên, hư tĩnh vô vi.