“Huy Cận - Thơ yêu Em”




Huy Cận ai cũng biết là thi sĩ của cảm xúc vũ trụ, cảm xúc không gian. Chắc còn khá ít người biết, ông cũng là một “cây” thơ tình độc đáo nữa. Hồi tiền chiến, Huy Cận đã có làm vài bài thơ diễn tình cảm lãng mạn. Bẵng đi gần một phần tư thế kỷ, do một duyên kỳ ngộ, ông bỗng lại làm thơ với nội dung ấy, lần này làm nhiều hơn và lâu hơn, và khác hẳn trước. Nếu như thơ tình thời trước của ông mơ hồ, không có đối tượng rõ ràng, thì trong thơ sau người đọc thấy một “em” hiển hiện với chi tiết ngoại hình, dáng đi, giọng nói, tính tình, thậm chí cả tên riêng!

Những bài yêu em đây thoạt tiên không phải là thơ sáng tác để phổ biến. Chuyện là tháng 7-1964, Huy Cận gặp người sẽ là vợ thứ hai của mình. Ông yêu rồi viết nhật ký, rồi tình cảm yêu đương vô cùng tha thiết ở nhiều đoạn đã chọn hóa vần thay vì văn xuôi. Những vần ấy bây giờ ta được đọc là nhờ sau ngày ông mất, một người thân của ông đã đưa đăng báo một số đoạn nhật ký.(HC-1)

Hẳn ai đọc cũng thấy bất ngờ. Bởi thơ có giọng thật sôi nổi, khác hẳn giọng thơ Huy Cận điển hình. Ở nhiều đoạn, câu thơ vừa viết ra được lặp lại ngay tức thì, có khi thêm một dấu chấm than, y như lời yêu thốt liên tiếp hai lần, nhấn mạnh! Hiển nhiên, người sáng tác đã nẩy sinh cảm xúc mãnh liệt và nẩy tới đâu thơ lên luôn tới đấy. “Tình tứ” vừa ra đời được nhập xác tức thì, khiến vần nóng hôi hổi, nóng bốc khói! Mà như thế là ngay từ những trang đầu của nhật ký. Ô hay, năm 1964 thi sĩ đã gần ngũ tuần. Sao lại gặp là yêu ngay, yêu say đắm chẳng may may khác một tuổi hai mươi thế này? Đọc kỹ nhật ký và cả hồi ký, ta có thể thấy rằng nguyên nhân là sự kiện nỗi khát khao lãng mạn của một tâm hồn đã phải chờ thật lâu mới được thỏa mãn...

“Tình em như một đám cháy rừng / Bùng đột ngột vào đời anh nóng bỏng”. Để ý “rừng (…) là anh”“lửa cũng là anh”, tức “anh” cháy mà cả “em” cũng cháy chứ đây không phải tình đơn phương. “Sét đánh” làm rừng và rừng cùng… rừng rực. Lửa này “thiêng”, tuy thành ngọn nhưng không hề tàn mau mà cứ cháy mãi, không chịu tàn. Thường hễ “em” về với “anh” rồi thì thơ đi đâu mất, nhưng đây “rừng anh” cháy vẫn tiếp tục hóa thơ, thưa hơn và bớt sôi nổi để càng thắm thiết, bây giờ không còn ẩn trong nhật ký nữa mà lộ diện và được rỉ rả phổ biến. Suốt hơn mười năm khói lửa chiến tranh cực kỳ ác liệt, thi thoảng người ta lại thấy đâu đó một người chồng rất yêu vợ khe khẽ cất lên những lời riêng tư đáng chú ý (chen giữa những khúc ca vũ trụ và những sáng tác nội dung khác)... Ai có ngờ “tình (…) vẹn câu thề, đời (không) dang dở”(HDz), mà lại vui đẹp không chịu thôi thế này!

Tình vui đời đẹp cứ dài dài nên được thơ hay, hình như đây là duy nhất. Vừa ca vũ trụ vừa ca kháng chiến vừa ca quê hương v.v., lại vừa cả ca tình, thi nghiệp của một người thật đa dạng. Về cái mảng chót, thiết tưởng ngay cả giữa “vũ trụ bao la” của thơ tình Việt Nam, nó vẫn có chỗ đứng nổi bật.

Sau đây là một số đoạn thơ thấy trong những trang nhật ký được đọc, một số đoạn khác thấy trong Thế giới thơ Huy Cận (Xuân Diệu, 1987), thêm một số bài đã đăng báo hay in vào tập Hạt lại gieo (1984). Chúng tôi tạm chia nhật ký thành một số đoạn và chỗ nào phần văn xuôi giúp dễ hiểu thơ thì cũng xin đăng luôn.

Thơ trước cưới

“(4 giờ sáng thứ Ba 7-7-1964) Em, đã lâu, nay anh mới viết nhật ký. Viết nhật ký yêu em, vì yêu em. Có lẽ hôm nay mở trang mới của đời anh. Lòng anh phơi phới từng tờ. Em có nghe không? Gặp em lần đầu tiên tối thứ Bảy 4-7-1964 tại nhà chị Tr. Về nhà, một nỗi bàng hoàng mới lạ trong lòng anh. Sáng Chủ Nhật, anh đạp xe qua (…) qua nhà em hai lần (…) hy vọng gặp em nơi ngõ. Tối (…) anh định tìm em tại nhà, nhưng bận bất thường (…) Hôm qua, thứ Hai (…) Tối (…) anh đến nhà em (…) đi lên đi xuống cầu thang ba lần, hồi hộp quá, cứ mỗi lần định gõ cửa gọi tên em, rồi hồi hộp lại thôi. Trong nhà dường như có khách làm anh càng ngại (…) Anh đứng một hồi lâu ở chân cầu thang rồi ra về (…) Anh ghé lại nhà chị Tr. Chị Tr. và anh nói chuyện mãi về em. Có những câu, những ý chị Tr. đã nói với anh nhiều lần, thế mà anh cứ muốn nghe lại (…) Anh chiêm bao thấy đến nhà em (…) Phút hồi hộp sắp gặp em thì... anh tỉnh dậy, tim anh vẫn còn đập mạnh, chưa hết cơn xúc động của chiêm bao. Mà hết sao được em! Em là xúc động của lòng anh rồi. Em ơi! anh yêu em. Anh yêu em rồi, em có nghe không em? Chiêm bao chưa kịp gặp em / Sáng ra, tỉnh dậy lòng thêm bàng hoàng / Yêu em viết mấy muôn hàng / Cũng không nói được, bàng hoàng nhớ em / Lòng ta phơi phới cánh chim / Bay cùng trời rộng đã tìm gặp nhau / Gởi em nhật ký trang đầu / Hồn anh thăm thẳm thắm màu trời em. Ai bảo trung niên yêu không bồng bột, rộn ràng như thanh niên! Không thấy hiện ra đáng kể trong Lửa thiêng (1940), nhưng bây giờ đọc hồi ký ta biết tâm hồn Huy Cận lúc nào cũng ăm ắp ước mơ lãng mạn.(HC-2) Ước thật nhiều, thế mà thi nhân đã không có được một mối tình lớn nào trước khi lập gia đình lần thứ nhất (năm 1950). Cuộc hôn nhân ấy không do tình yêu và, căn cứ vào đôi lời đây đó trong những trang nhật ký này, không mang lại cho ông hạnh phúc. Bao nhiêu năm đằng đẵng “lửa yêu” chỉ âm ỉ nơi đáy lòng, trách nào khi kẻ ước gặp người mơ, nó đã ngay lập tức bùng cháy thật to! “Em có nghe không?” Tờ nọ qua tờ kia, lòng phơi phới liên tục hóa dòng ơi ới, “anh” yêu “em” vang rền thế, làm sao “em” có thể không nghe!

“(10 giờ đêm 7-7-1964) Em, tối nay anh (…) anh bận đi duyệt phim (…) Anh ngồi xem phim mà cứ nhớ tới em, nóng ở nơi ngực (…) Anh nhớ quá hai con mắt dịu hiền của em, miệng em cười hồn nhiên và trong trắng (…) Số phận anh vào tay em thì nhất định là hạnh phúc. Em ơi, sao anh thiết tha ao ước đem lại hạnh phúc cho em thế. Anh sẽ làm cho em vui, làm cho em sung sướng; nguồn sung sướng của anh là sự sung sướng của em. Giờ này em đã ngủ chưa? Chắc em sẽ chiêm bao anh đêm nay, sức nhớ của anh như vậy, lẽ nào em không chiêm bao gặp anh! Anh hôn em trăm lần tha thiết. (2 giờ 30 sáng 8-7-1964) Nhớ em, nóng nơi ngực... / Nhớ em, nóng nơi ngực / Ngủ đi nào có nguôi! / Mắt ngủ, tình vẫn thức / Ðêm rồi đêm bồi hồi / * / Tình anh thắm trong dạ / Như lửa nằm trong đá / Ðể dành đó, em ơi! / Gặp em cháy rực đời (…) (5 giờ rưỡi sáng 8-7-1964) Em vào đời anh... / Em vào đời anh như cơn giông mùa hạ / Dồn tụ bao giờ trời đất nào hay / Biển yên tĩnh bỗng gió ùn sóng cả / Em đến anh như biển lạ dâng đầy / Giông mùa hạ ùn nhanh mà tạnh sớm / Anh yêu em, lòng biết thuở nào nguôi / Hy vọng mới trong lòng anh cháy đượm: / Em yêu anh cho anh lại xây đời? / * / Em có biết? Yêu em, anh mới rõ / Hạnh phúc mới giầu như hầm mỏ / Của quê hương chưa khai phá bao giờ / Anh yêu em, trăm đợi, nghìn chờ / Em! Bàn về làm thơ, Huy Cận từng bảo “trước hết là một nỗi niềm ùn ùn trước ngực, rạo rực tâm hồn”.(HC-3) Thì đây, “anh” ngồi duyệt phim, “nhớ tới em (...) nóng nơi ngực (...) nóng nơi ngực”. Nỗi niềm nóng ngực đến 2 giờ 30 sáng hôm sau đọng lại thành thơ, rồi đến 5 giờ 30 sáng lại đọng thành thơ nữa! Anh nhớ em nhiều đến “nên thơ”, anh tưởng tượng “sức nhớ (phi thường)” sẽ như một động cơ đưa “anh” vào tận giấc chiêm bao của “em”! “Em” như “cơn giông”, như “biển lạ”, nhưng giông với biển này không có gây hại gì hết, mà lại làm cho “anh” thấy lòng mình bỗng “giầu như hầm mỏ”, bèn tới tấp đêm ngày “khai phá”…

“(12 giờ trưa ngày 8-7-1964) Tự nhiên, mấy hôm nay, bất cứ anh nghĩ việc gì về cuộc sống của anh, anh cũng gắn em vào trong đó (…) bao nhiêu ý đẹp chen chúc trong đầu (…) Em là người yêu, em là người bạn, là người cộng tác suốt đời của anh, em nhé. Anh gọi thầm tên em nhiều lần trong buổi sáng, em có nghe thấy không? Em, em! Nóng lòng chờ đến lúc gặp em. Trưa sau mưa... / Trưa sau mưa trời xanh xa vời vợi / Lòng nhớ em mây trắng rộn ràng bay / Em có nghe trong hàng me đứng đợi / Trái tim anh theo vạn lá phơi bày / * / Trưa tương tư vắng lặng dài cuối phố / Anh nhớ em đứng ngó hướng nhà em / Cây che khuất mà lòng anh thấy rõ / Ngủ đi em! mây đã lặng che rèm. Trên trời mây trắng bay rộn ràng, dưới đất “anh” nhớ “em” xôn xao. Lá me sau mưa hớn hở phơi bày, trái tim “anh” sau khi “anh” gặp “em” cũng hớn hở phơi bày... Tên em bị “gọi thầm”, nhà em dù khuất sau cây vẫn bị “lòng anh thấy rõ”, em ngủ làm sao, anh!

“(2 giờ 45 sáng ngày 9-7-1964) Em (…) Tối hôm qua, anh đến trường múa nói chuyện (…) Có lẽ, tối qua là một trong những tối anh nói chuyện xúc động nhất (…) Có em học sinh nói cái chất say sưa trong tâm hồn lúc anh nói đã làm cho các em cũng say lây. Nhưng chắc chắn không có em nào biết được rằng anh đã nói chuyện với các em với sự ngân vang (trong tâm hồn) của buổi chiều gặp em. Em xem, em đã hòa vào trong ý nghĩ, việc làm hàng ngày của anh đến thế. Anh tưởng tượng đời chúng ta sẽ đẹp đẽ biết bao. Mỗi chúng ta sẽ là sức thôi thúc người kia sống và làm việc đẹp đẽ. (13 giờ ngày 9-7-1964) Nhật ký của ta ơi, ta sẽ gởi nhật ký đến người mà ta ao ước. Nhật ký sẽ nói lòng ta với người ta yêu. Nhưng nào nhật ký có nói hết được lòng ta! Em ơi, em hãy nghe xao động lòng anh cả ngoài những trang anh viết vội vã này”. Cái “buổi chiều gặp em” nó vang như chuông trong anh! “Sự ngân vang (trong tâm hồn)” hiện thành “những trang anh viết vội vã này” là chỉ mới hiện phần nào thôi đó, “em” hãy lắng nghe cả phần chưa hiện, nhé “em”!

“(Tối 13-7-1964) Anh cầm những ngón tay em… / Anh cầm những ngón tay em / Thon thon tháp bút, dịu mềm chồi hoa / Yêu em, ngón ngón giao hòa / Phải hoa hạnh phúc nở xòa lòng anh? / * / Tay ta đan với tay mình / Búp hồng khéo dệt tấm tình đôi ta... / Dệt trăm nghìn nỗi thiết tha / Lòng say rạo rực, nói ra ngại ngùng... (Sáng 14-7-1964) Mỗi sáng mặt anh trong mặt gương / Thẫn thờ còn thiếu mặt em thương / Bấy lâu bóng lạnh buồn đơn chiếc / Kính lạnh buồn xa hơn đại dương. (19-7-1964) Em có hay chăng? Dáng mặt em / Ðã thành dáng hạnh phúc êm đềm / Anh nhìn chan chứa say ngày mới / Em đẹp vừng dương xóa bóng đêm. Có tay em để “ngón ngón giao hòa” cho “hoa hạnh phúc nở xòa” trong lòng, có mặt em để gương khỏi thiếu bóng, để kính ấm vui. Em, em, mặt trời của anh...

“(Đoạn thơ này không rõ ngày làm, tạm đặt ở đây) Từ phố nhà em đến phố anh / Đường khuya xe chậm, gió ru cành / Anh về ngây ngất nhìn như mới / Phơi phới trời xuân căng nhựa xanh / * / Em ngủ chưa em giữa phút này? / Anh em còn thức nhớ em đây / Biết mai lại gặp em ngày trọn / Mà lạ cho lòng vẫn nhớ ngây / * / Từ lúc yêu em, hồn gặp hồn / Nhớ em như thể nước trào tuôn / Có chi chặn được lòng anh nhớ? / Càng gặp nhau mau, lại nhớ dồn.. Đang giữa hè, nhưng tưởng có đang tháng chạp thì “đường khuya xe (vẫn) chậm”, “anh về (vẫn) ngây ngất” và cành không lá cứ trông phơi phới giữa trời đông! Nhớ, vậy mà hình như khi biết lâu mới sẽ gặp lại “em”, nó ít “dồn” hơn là khi biết chỉ mai là…

“(Đoạn thơ này không rõ ngày làm, tạm đặt ở đây) Có phải đàng xa em gọi anh? / Nhớ em, anh tựa lá trên cành / Đập theo hướng gió từ em lại / Có phải lòng em réo gọi anh? / * / Nhớ giữa đêm khuya, nhớ giữa ngày / Máu dồn lên ngực nhớ em đây / Mình em khuất hút thon đầu ngõ / Anh lại phòng riêng trống cánh tay / * / Chỉ biết rằng anh đang nhớ em / Thơ rồi, anh lại viết thơ thêm / Tương tư ngàn trạm thơ theo chuỗi / Làm chiếc cầu riêng anh tới em. Lòng “anh” lay như lá, có phải lòng “em” gọi không? Ngực “anh” nóng bất kể đêm ngày. Cánh tay “anh” nay bỗng thấy trống một cái “mình” không phải “mình anh”! Thơ rồi, thơ nữa, bắc cầu anh đi cho tới…

“(Đoạn thơ này không rõ ngày làm, tạm đặt ở đây) Em về giấc ngủ có ngon? / Để anh trằn trọc chập chờn chiêm bao / Cứ gì bấc lụi dầu hao! / Năm canh điện sáng càng đau đớn chờ. “Anh” xưa từng: “Yêu nhau nhớ dáng tưởng hình / Chiêm bao em có một mình chăng em?”, tâm cảnh khác mà hai câu thơ này nay đắc dụng. Cái đèn điện chỉ được cái không chịu lụi cho “anh” nhờ… Ờ mà có nút tắt đấy, sao lại không…? Hẳn thực ra điện sáng hay tắt thì “anh” vẫn “đau đớn chờ” tới sáng.

“(Chiều chủ nhật 26-7-1964) (…) Em đến anh rồi! Buổi sáng xanh / Ðời em hóa một với đời anh / Hôn em chín cả hai làn má / Hạnh phúc đầy như trái chín cành / * / Em bảo: - Yêu nhau cùng sống chết / Anh thêm: - Sống hạnh phúc cho nhau / Rồi như cành quấn ôm tha thiết / Tay lại cầm tay, đầu tựa đầu... (Ðêm 26-7-1964) (…) Ðêm nằm vọng nhớ em yêu nhớ / Em biết lòng anh ran nhớ em / Em biết lòng anh là động lửa / Yêu em cháy rực suốt ngày đêm? / * / Ví bằng mở được ngực anh ra / Anh cất em vào trong thịt da / Khi ngủ có em trong nhịp thở / Chiêm bao tỉnh giấc khỏi buồn xa... / * / Em của lòng anh cuối phố kia / Ngờ đâu anh thức giữa đêm khuya / Viết thơ ca tụng tình em nhỉ... / Mộng đẹp về em động nét mi / * / Em nhớ, ngày mai em đến sớm / Yêu em, anh thức để cầm canh / Cho tình ta vượt qua ghềnh thác / Cho mãi Em Là Em Của Anh.”. Em có hai làn má, anh hôn đi hôn lại như sóng biếc hôn cát vàng (XD-1), khiến má chín nhừ. Rồi má tựa má, vai kề vai, tóc ngắn dài trộn lại (XD-2), tay thon và không thon đan lại, rồi lời thiết tha nối lời tha thiết... Ðọc nhật ký, mới biết khi yêu “Lửa Thiêng” cũng “nóng” kém gì “Thơ Thơ” đâu. Khác ở chỗ, bạn chí thân của Huy Cận “riết (sắc yêu kiều) giữa đôi tay thất vọng”(6), còn chính Huy Cận thì riết với tràn trề hy vọng!

“(29-7-1964) Sáng nay em lại đến / Sáng nay em lại đến / Mặn nồng tình đôi ta / Chuyện, bao giờ hết chuyện! / Tay cầm tay thiết tha / * / - Anh ơi, anh có biết / Em chờ anh từ lâu / Bởi chờ anh tha thiết / Bây giờ ta gặp nhau / * / - Em ơi, em có hay / Anh ước thầm em mãi / Nay ta cộng tháng ngày / Lẽ cuộc đời phải vậy. (Trưa 31-7-1964) Em lại đến với anh, em mang theo cụm hoa hồng trắng để vào lọ tím trên bàn cho anh. Và em trao anh chiếc khăn em thêu hai chữ tên anh và em. Hôn em không ngớt, yêu em vô cùng em ơi! (Tối 31-7-1964) Chiều nay em trao anh hai chiếc ảnh của em. Em đề sau ảnh hai câu thơ: Lòng xin trao vẹn người thương / Hồn luôn theo dõi bước đường anh đi”. Ðọc Huy Cận yêu, mà chợt thương Xuân Diệu: “Yêu là chết ở trong lòng một ít / Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu / Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu / Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”. Duyên Huy đẹp quá, nên Huy thấy “Lẽ cuộc đời phải vậy”. Lẽ cuộc đời, với rất nhiều người, không có phải vậy chút nào đâu.

“(Sầm Sơn 17 giờ ngày 3-8-1964) Em của anh (…) Anh (…) sung sướng, hồi hộp cứ muốn ứa nước mắt. Anh nghĩ cũng lạ, cũng thật là kỳ diệu mối tình của hai đứa mình, kỳ diệu mà cũng thật là tất yếu em nhỉ... Tình cảm đến đột ngột mà sâu xoáy ngay, phải không em. Mà cũng có thể nói sự đột ngột đó đã được tâm hồn của hai anh em ta chuẩn bị từ lâu: cuộc sống tâm hồn của mỗi đứa tất nhiên phải dẫn đến gặp tâm hồn đồng điệu. Em là tất yếu của lòng anh! / Em là tất yếu của lòng anh! / Là lẽ đương nhiên, chuyện đã đành / Em đến anh như từ nhịp thở / Của hồn anh, của cả đời anh. Ðêm qua anh nằm “thương” em vô hạn, thương theo nghĩa tiếng Huế (…) theo nghĩa chữ “người thương” trong câu thơ của em đề sau ảnh. Anh muốn có em bên để ôm em vào lòng thật chặt (…) Anh muốn ấn đầu em vào đầu anh cho những ý nghĩ xúc động của anh nhập vào em. (Sầm Sơn 13 giờ 30 ngày 4-8-1964) Sáng nay năm giờ anh đã dậy (…) Biển sáng sớm đẹp vô ngần em ạ. Có một cái gì rất măng tơ trong biển, trong những làn sóng ban mai. Rất trẻ và rất tình. Anh nhớ em, nhớ em không thể nói được trước biển dạt dào như vậy. Em là biển của lòng anh (…) Anh đến em như anh về với biển / Anh đến em như anh về với biển / Em nghìn năm biển lớn của lòng anh / Em dào dạt tình em vĩnh viễn / Ngọn triều em cao vút quá mây xanh. “Tất yếu”, “tất nhiên”, “tất yếu”, “tất yếu”, “lẽ đương nhiên”, “đã đành”?! Hẳn chỉ là với những “anh” và “em” số đỏ như trong nhật ký này thôi. “Anh đến em như…”. Có phải ai cũng “về với biển” được đâu. Khối kẻ suốt đời lang thang trong mênh mông... cát. “Biển sáng sớm…”. Nhà thơ của cảm xúc không gian lại đang rạo rực cảm xúc “sự sáng tạo vô hồi vô hạn của vũ trụ”. Đặc biệt lần này, Huy Cận vừa thấy biển trước mắt như mọi người thấy lại vừa cảm thấy trong lòng một thứ biển khác mà không phải bất cứ ai cũng may mắn có lần được cảm. “Ngọn triều em cao…”, trời ơi!

“(Sầm Sơn 6 giờ sáng 6-8-1964) (…) Chùm hoa em tặng mãi tươi / Ra đi, anh bỏ trong người mang đi / Hương hồng nồng đượm đê mê / Hương em quấn quít đi về với anh / Cánh hoa trong túi để dành / Hôn hoa đỡ nhớ một mình nhớ em. (Sầm Sơn 19 giờ 6-8-1964) Em yêu quý (…) Có cảm giác như là em đã nhập vào anh. Em thành ra một nửa tâm hồn của anh, của cả thân thể anh nữa. Em ở nhà, có nghe lòng anh nhớ em không? Em có nghe nóng nơi ngực lòng nhớ da diết của anh không? Mới một tuần xa nhớ nhớ điên / Nhớ môi em nói, mắt em nhìn / Nhớ vừng trán rộng như ngày mới / Nhớ cả mùi hương cổ áo em. (Sầm Sơn 20 giờ ngày 7-8-1964) Tối nay, anh tâm sự với em, người vợ sắp cưới của anh. Chúng ta sẽ cùng nhau sống một cuộc đời đáng sống, sống một cuộc đời đẹp đẽ và đầy nghị lực em ạ. Em ạ (…) tình yêu của em (…) là một nguồn hứng khởi lớn cho anh. Em ơi, anh vững chân hơn trong đời vì có em đi cùng anh (…) Anh hôn em nghìn lần, hôn đôi mắt hiền dịu và suy nghĩ của em, hôn cái miệng mà mỗi khi em nói hơi mỉm cười cứ làm chết điếng lòng anh! Hỡi em sắp cưới của anh / Hỡi em sắp cưới của anh! / Anh yêu anh dặn để dành đôi câu: / Sống đời dũng cảm cùng nhau / Là đời tuyệt đẹp tuyệt giàu em ơi! / Có em, anh có gấp mười / Những gì tha thiết ở đời đó em... (Sầm Sơn 9 giờ sáng 9-8-1964) (…) Em! Tại sao mới hơn một tháng, mà đời của chúng ta đã giàu quá khứ vậy em? Chúng ta đã có một quá khứ đầy nặng với nhau rồi. Anh mang em trong lòng, với cả những ngày tháng qua, với cả những ngày tháng đã qua của em... Lạ thật em ạ, anh tưởng như anh biết cả tuổi thơ ấu của em. Em! tất cả đời em là của anh, anh yêu quý nó vô ngần”. “Em nhập vào (…) thành ra một nửa tâm hồn của anh” mọi người có thể cố hiểu, nhưng “của cả thân thể anh nữa” thì tưởng là bí mật quá, chắc không có ai dám mong hiểu! Tình yêu đích thực vẫn thường có những cái bất khả tư nghì, ta hãy chỉ biết rằng yêu nhau mà nhập luôn vào nhau như thế thì tiện lắm, bởi những lúc xa nhau vẫn được có nhau. Tất nhiên là có cái phần bên trong của nhau thôi, chứ như những môi mắt trán với hương cổ áo thì người ra Sầm Sơn vẫn cứ phải về Hà Nội thì mới… Sự kiện “em sắp cưới của anh” có cái tính tình khiến “anh” cảm thấy tình yêu hết sức tha thiết này sẽ tác động tích cực lên cuộc đời vốn đã từ lâu rất tích cực của mình, sự kiện ấy thật đáng trầm trồ. Cuối cùng, “anh tưởng như anh biết cả…” mới đọc ta thấy lạ, nhưng thực ra, có phải hai người yêu nhau kể cho nhau nghe tuổi thơ mình, làm cho tưởng như biết nhau từ thuở còn thơ, là điều khá phổ thông?

“(Tối 9-8-1964) Em đến phòng anh (…) đọc mấy đoạn thơ em làm tặng anh (…) Anh hôn em mà thấy lòng anh tan vào môi em. Anh ôm em mà thấy tất cả em, tất cả em tự lòng anh mà toát ra. Như em là sức sáng tạo của lòng anh, của cả toàn thân anh. (Ðêm 9, sáng 10-8-1964) (…) Phòng anh lộn xộn sách cùng vở / Có cả đời anh còn ngổn ngang / Trăng mấy mùa không vào cửa sổ / Hoa không ai cắm ở trên bàn. / * / Em yêu em đến, mở xanh trời / Anh tạm bày qua, lấy chỗ ngồi / Hai đứa giữa phòng còn bụi bặm / Mà lòng náo nức quá, em ơi! / * / Nơi anh hằng sống, hằng suy nghĩ / Vui cuộc đời chung, đau khổ riêng / Thiếu một hồn em, anh để chỗ / Chờ em, như thể chuyện thần tiên. / * / Vậy rồi em đến, ở bên anh / Hơn chuyện chàng Uyên gặp bức tranh / Em đẹp trăm lần hơn Tố Nữ / Sửa sang cuộc sống vẹn ân tình. / * / Em không nhập trốn tranh nào cả / Dấn bước cùng anh giữa cuộc đời / Chẳng phải rình em sau cánh cửa / Yêu nhau đâu cũng bước trùng đôi. / * / Anh giao phòng này, giao lòng này / Cho em xếp đặt kể từ đây / Cho hoa em cắm hồng tươi mãi / Cho trán anh kề dịu ấm tay. / * / Phòng anh lộn xộn sách cùng vở / Là chốn tình ta xây tổ êm / Sách vở chép trăm tình đẹp đẽ / Có ghen chăng nhỉ anh cùng em? / * / Sáng nay cầm bút chép bài thơ / Viết tặng em yêu, thỏa đợi chờ / Anh thấy phòng ta quang đãng lạ / Lòng vui gấp mấy Tú Uyên xưa(…) (Tối 10-8-1964) Anh đến nhà em, em ở nhà một mình trên gác. Anh lên cùng em, trao em bài thơ “Phòng anh” (…) Xem ảnh em chụp hồi nhỏ với các chị và các em của em (…) Anh tưởng tượng tuổi nhỏ của em, từng bước lớn lên của em, những ước mơ suy nghĩ của em. Anh sung sướng quá khi nghĩ rằng quá khứ của em đã tạo ra em, hôm nay cho anh gặp, cho anh được có em, cho anh được yêu em (…) Này lạ không em, tuổi bé thơ / Của em anh chưa biết bao giờ / Mà sao xem ảnh em ngày đó / Xúc động lòng anh yêu ngẩn ngơ (…) Em! anh gọi thầm em, em có nghe không?”. Trong đoạn nhật ký trước, “em đã nhập vào anh” cả hồn lẫn xác, còn đây thì “em” lại “tự lòng anh mà toát ra”, mà không phải chỉ tự lòng, mà “cả toàn thân”! “Em” vừa là “sức sáng tạo của lòng anh (...) thân anh”, lại vừa là do “quá khứ của em đã tạo ra”… Đã tự nhủ rằng chớ có cố nghĩ, nhưng giờ không nhịn được… Có phải, đại khái, là như hai diễn biến hoàn toàn độc lập đã ngẫu nhiên dẫn đến một kết quả chung: trong lúc quá khứ của “em” liên tục sáng tạo, hoàn chỉnh con người “em”, thì khát khao lãng mạn của anh cũng liên tục sáng tạo, hoàn chỉnh mô hình đối tượng, để đến “tối thứ Bảy 4-7-1964 tại nhà chị Tr.” thì một người ôm trong lòng một mô hình bỗng bị “sét đánh”, thấy nó hiện ra sờ sờ trước mắt! Người ấy “chủ quan” cho rằng như thế là tất yếu, nhưng ta đứng ngoài thấy, tuy thật đẹp, đó chẳng qua là một sự tình cờ… Cái cuộc gặp gỡ lạ lùng đời nay này đẹp chẳng kém mà lại có hậu hơn cuộc “kỳ ngộ” ở Bích Câu nhiều. “Em” Trần Lệ Thu rồi sống với “anh” Huy Cận đến bốn mươi năm trời, vượt xa khoảng thời gian “em” Giáng Kiều đã ở dưới trần với “anh” Tú Uyên năm xưa.

Thơ sau cưới

“Mặc ai hối hả dọc ngang / Ung dung em bước nhẹ nhàng dáng thon / Hẹn hò xưa đợi bến sông / Đời nay hò hẹn giữa vòng tàu xe...” (“Em bước”). Nghe “hẹn” dễ tưởng còn chưa, nhưng đã rồi đấy. Đây là chồng đi đón vợ, chắc vào cái khoảng thời gian “Em đi xe tháng” (tên một bài thơ khác). Dáng thế, bước thế, trách nào “Đi về hai buổi nghĩ anh thương”. Anh không thương suông mà “Chân em có buốt về anh ủ / Chân nhẹ thầm như chân ý nhi”. Ý nhi là én. Én này chỉ một con thôi đủ nên xuân vĩnh cửu.

“(…) / Mới gần đã lại cách xa! / Giá anh nuốt được thân ngà em yêu! / Trong anh mỗi sáng mỗi chiều / Có em, anh được thương nhiều em thương” (“Yêu nhau nhớ mấy cho vừa”). Người ta hay nói “thương để bụng”. Đây là thương muốn... bỏ vô bụng. “Anh” muốn cả “thân”, chứ không bằng lòng với chỉ hồn em đâu nhé, y như người bạn tâm giao của anh khi yêu cũng không chịu ôm ấp “bâng quơ cái hồn” mà đòi trọn “thân hình sáng trong”! (Xuân Diệu, bài “Thân em”).

“Vườn hồng anh thăm sau mưa / Mười phần vườn có xác xơ một vài / Cánh hồng vẫn đẹp trên gai / Hoa ôm mặt đất, hoa cài tường bên / Lối hồng lững thững vắng em / Nghìn hoa đẹp, một mình xem cũng buồn / (...)” (“Vườn hồng sau mưa”). Có khi chỉ một con én làm nên mùa xuân, có khi nghìn hồng “hoa chíu hạt mưa xuân đầm” đẹp long lanh mà làm không nên nổi một niềm vui nhỏ cho ai.(TĐ)

“Tóc em toả xuống mặt anh / Như mưa xuống tự trời xanh mát rờn / Tay em ngón ngón phím thon / Đàn lên da thịt bồn chồn tháng năm / Nhớ em khi đứng khi nằm / Thẹn thùng dáng sống in thầm chiêm bao / Trời xanh thăm thẳm đôi sao / Dặm trường ánh biếc soi vào đời anh” (“Tóc em tỏa xuống”). Người thon, ngón tay cũng thon. “Anh” “đàn lên” ngón tay “em”? mà sao lại “bồn chồn”? Có phải vì lo sợ năm tháng mau qua, chóng hết được “đàn”? Gần thì “mưa xuống” cho tha hồ mát. Đi đâu xa thì có “đôi sao” đêm đêm “ánh biếc…”. “Đời anh” nhất đấy, “anh” ơi.

“Mấy ngày không gọi cho em / Tưởng chừng năm tháng nằm im bấy chầy / Nhớ cuồng lại gọi em đây / Chờ em ra, đợi đầu dây bồn chồn / Cứ chi chớp bể mưa nguồn / Nắng vàng, gió nhẹ cũng buồn tương tư / Tiếng đầu dây thực hay hư? / Nửa bên tai, lại nửa từ xa xăm / Giọng em khe khẽ, trầm trầm / Anh nghe quen, tưởng nghe thầm trong anh / Bao ngày một thoáng vút nhanh / Vắng em năm tháng cũng thành chiêm bao” (“Gọi điện thoại”). “Anh” có ở tù đâu mà “nhất nhật (…) thiên thu” thế này! Lại “bồn chồn”. Thì người có cái gì thật quý vẫn hay lo sợ vu vơ, và chúa trách oan ngoại cảnh. “Tiếng đầu dây” dĩ nhiên là thực, thế mà: Tiếng ngoài nghe ngỡ tiếng trong / Bởi em xa vẫn giữa lòng anh đây! / Giọng trầm khe khẽ đầu dây / Bao giờ mày lại cọ mày, hỡi em!

“Anh viết bài thơ giữa ánh khuya / Cỏ cây yên ngủ. Gió xa về / Anh nhìn em ngủ hiu hiu nhẹ / Như bóng vườn trưa xanh tiếng ve. / Biển lặng em nằm trong gió êm / Anh là bóng thức của hồn em / Ngoài kia sao cũng từng đôi sáng / Từng cặp nhân vàng trong trái đêm. / Bát ngát lòng anh giữa trái đời / Hai ta đôi hạt giữa nghìn đôi / Gió khuya nào biết xuân, hè nữa? / Em mộng điều chi, miệng thoảng cười” (“Anh viết bài thơ”). “Anh” vẫn thường ngủ muộn để “ca vũ trụ”. Từ ngày có em, “giữa ánh khuya”, khi “anh” ngước lên xa thẳm khi lại cúi xuống ngay bên mình, khiến thơ thi thoảng vừa ca sao vừa ca em… Đâu phải sao nào cũng có đôi / Trời khuya lấp lánh lẻ loi thôi / Sao đơn trông xuống hồn hai bóng / Chúc “cặp nhân” kia mãi chẳng rời!

“Đem con sơ tán nơi xa / Lo con ăn học: mẹ cha bồn chồn / Về nhà công tác, vắng con / Vợ chồng như vợ chồng son ngày nào / Khi ăn uống, lúc ra vào / Nói năng em chỉ thì thào đủ nghe / Chờ nhau trưa tối đi về / Cũng nghe nhớ nhớ, mình e thẹn mình / Đôi chim dậy sớm trên cành / Chim cùng trực chiến nội thành đó ư? / Trời xanh xanh chói tháng tư / Tiếng chim thánh thót bốn bờ trời xanh / Chờ em, anh nấu xoong canh / Đổi mì về nữa là thành bữa cơm / Vợ chồng như vợ chồng son / Dẫu hoa râm tóc, mãi còn hồn xuân” (“Những ngày con sơ tán”, 1972). Sơ tán nhiều hoàn cảnh. Đây “tán” chỉ con thôi, khiến vợ chồng lấy nhau tám năm rồi bỗng “son” trở lại. “Tái son” có “tái” hơn son một chút. Thì yêu hóa thương, tình hóa nghĩa, thời gian làm quan hệ trầm đi. Ấy vậy nhưng bây giờ vắng nhau có một buổi thôi mà “cũng nghe nhớ nhớ”… “Đôi chim” này không chịu ra khỏi mùa xuân riêng của đời mình.

“Viết một bài thơ để tặng em / Đêm khuya cho mượn gió bên thềm / Trăng khuya cho mượn gương treo cửa / Tình tứ hoàng lan hương chín thêm / Ngày sống bên nhau vẫn nhớ nhau / Tương tư đâu chỉ buổi ban đầu / Tương tư nào chỉ khi xa cách / Nỗi nhớ nằm trong nỗi ước ao / Thấm thoát mười năm em với anh / Một trưa tháng bảy gió xao cành / Anh như ngọn gió từ xa tới / Em tựa dòng sông man mác xanh / Là gió là sông đã một rồi / Từ đây nỗi nhớ đã thành đôi / Dợn dòng năm tháng, sông trong gió / Nỗi nhớ nuôi ta với khí trời / Em nhỉ, mười năm: hơn bốn năm / Chiến tranh, sơ tán - nhớ đêm nằm / Nhớ ngày công tác - con xa mẹ / Nỗi nhớ thành ba bếp phải chăm / Nhớ những đêm xa em cố về / Với anh - Hà Nội - dưới hầm che / Thức cùng thành phố trong bom dội / Sáng sớm lên đường - lại nhắn nhe / Anh thức làm thơ để tặng em / Mẹ con một cụm giấc êm đềm / Tình em gốc cội cho anh tựa / Sương đọng bình minh đọng trước thềm” (“Viết một bài thơ”). Hoàng lan nở rộ khoảng tháng 11, 12. Hà Nội khuya, dưới trăng treo cửa, trong hương chín của hoa, một “ngọn gió” ngồi “viết một bài thơ” tặng một “dòng sông”. Gió sông đã một lâu rồi nhưng “vẫn nhớ nhau” ngay cả khi “bên nhau”, nói chi những khi bị binh lửa làm tạm xa cách. Nhớ quá, những đêm “sông” cố về Hà Nội để vào hầm với “gió” cùng nghe bom dội… Mười năm, như mới hôm qua.

“Khi anh xin cưới, mẹ em rằng: / “Thu nó hiền thôi, ít nói năng” / Tự đó hai sông hoà một biển / Nước liền với nước gắn bằng trăng / Từ đó lòng anh cứ lắng nghe / Lời im trong mỗi bước em về / Lời thầm trong mỗi câu em nói / Trong mỗi làn tay em vuốt ve / Khi anh mệt nhọc, khi anh đau / Công việc anh lo, lửa nóng đầu / Anh cứ cảm nghe từ ánh mắt / Tình em ôm toả tựa hương ngâu / Em hỡi, đời ai chẳng nửa thầm / Lặng yên mới có được vang âm / Tóc mềm sợi sợi nằm êm lắng / Vạn suối lòng anh chảy trở trăn / Rồi một ngày kia anh với em / Nằm luôn lòng đất giấc im lìm / - Tai xương anh sẽ còn nghe ngóng / Hoa lá hồn em trong lặng im” (“Hỡi em - yên - lặng”, bệnh viện Việt - Xô, 12-1974). Với tai biết nghe, sự yên lặng vang rõ và bền. Tai ấy một mai thành nắm bụi vẫn cứ còn nghe được những “lời thầm trong mỗi câu” mà một nắm bụi khác “nói”! “Anh” nghĩ xa xôi bởi đang lâm trọng bệnh, phải nằm viện. Độ một tháng sau, “anh” vẫn còn nằm viện, “đôi khi (tưởng) cái chết đến gần”. Tưởng thế, nhưng “anh” không buông xuôi mà bởi “thấy đời đẹp quá, yêu em quá” bèn “lại bừng say, lại viết thơ” (bài “Vào bệnh viện”). Tình yêu này đã chứng tỏ xứng đáng với kỳ vọng hết sức cao của “cái thủa ban đầu (cực kỳ) lưu luyến ấy”.(TL)



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa mới nhất 11-2022

















__________
HC-1: Báo
Người Việt (California, Mỹ), số Xuân 2010.
HC-2:
Hồi ký song đôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2002-2003.
HC-3: Báo
Văn Nghệ, phụ trang Thơ, tháng 3-2005.
HDz: Bài “Ngập ngừng”.
TĐ: Tản Đà: “Cành lê hoa chíu hạt mưa xuân đầm”, trong bản dịch “Trường hận ca”.
TL: Bài “Lời than thở của nàng Mỹ Thuật”.
XD-1: Bài “Biển”.
XD-2: Bài “Xa cách”.