“Nhân loại, nhân loại!”




Xã hội sinh vật, rồi sao đây?

Trong xã hội Nho giáo, mỗi cá nhân đều có một chức phận với những quy định rõ ràng về cách ứng xử đặt ra nhằm tạo hòa khí. Cá nhân không được sống bất chấp xung quanh, mà phải như một tế bào trong một cơ thể. Xã hội Nho giáo có nét giống một sinh vật.

Nho giáo đặt ra một cái cách - tức con đường khoa cử - để cá nhân thăng tiến nếu có đủ khả năng và ý chí.

Không phải tình cờ mà Nho giáo là triết lý chính trị được thực hành bền nhất trong lịch sử nhân loại. Nó bền vì dẫn tới xã hội ổn định với đạo lý tốt đẹp. Nhưng do cái học hoàn toàn tập trung vào việc rèn luyện nhân cách, Nho giáo làm cho tiến bộ vật chất xảy ra chậm. Trước ngày khoa học ra đời thì không sao. Sau khi sáng kiến ra khoa học, Tây phương tiến bộ vật chất rất nhanh. Để sống còn, Đông phương phải chạy đua tiến bộ vật chất. Vì thế Nho giáo không thể tiếp tục tồn tại.

Xã hội máy, rồi xã hội xúp

Trong xã hội Tây phương truyền thống, không có cái gì giống như Nho giáo.

Xã hội Tây phương truyền thống cực kỳ giai cấp, mà không đặt ra một cơ chế nào cả để giúp cá nhân vượt tường giai cấp. Nó giống như một cỗ máy trong đó mỗi cá nhân là một bộ phận.

Nhưng con người ta trời sinh không phải trơ trơ như một cái bản lề hay đinh ốc... Bất công quá lớn rút cuộc làm “cỗ máy” vỡ tan tành, khiến người Tây phương phải tìm cách xây dựng lại xã hội mình.

Trong cái mô hình xã hội Tây phương hiện đại phổ biến, mọi cá nhân đều bình đẳng và có đủ thứ quyền. Nó không giống máy nhưng cũng không giống sinh vật, mà như một thứ “xúp hữu cơ” trong đó các tế bào không có chức năng nhất định, được tha hồ lớn và được tự do bơi lội.

Xã hội xúp tuyệt vời, phải không?

Nếu chỉ xem những hình ảnh Tây phương phổ biến trên các phương tiện truyền thông, chắc chắn rất dễ tưởng vậy. Nhưng nếu có qua Tây ở lâu, hoặc chịu khó tìm xem các thống kê về quan hệ gia đình, về sức khỏe tâm lý, về tội ác v.v. ở phương Tây, thỉ sẽ biết là không phải vậy.

Đại khái, có đủ thứ quyền làm cho “tôi” nào cũng to đùng. Sống chung với nhau thì rất dễ sinh mâu thuẫn, mà sống một mình lâu ngày thì rất dễ sinh tâm bệnh, đều là cái gốc của bạo động. Dù không dẫn đến bạo động, những tâm bệnh mỗi lúc mỗi quái lạ lan tràn nhanh chóng làm cho người còn lành mạnh không khỏi cảm thấy bi quan về tương lai.

Xúp muốn xúp hóa mọi cơ thể

Trong xúp từng tế bào phềnh bất kể xung quanh, mà chính xúp cũng bành trướng tứ tung bất kể, luôn chực “ăn”... cho hết các sinh vật, biến tất cả thành xúp.

Cố tổng thống Nam Hàn Kim Ðại Trọng từng phát biểu: “Suốt nhiều trăm năm qua, tư tưởng Hi-lạp và Do-thái - Ki-tô đã chế ngự toàn cầu. Bây giờ là lúc thế giới quay sang (...) Á châu để làm một cuộc cách mạng tư tưởng mới”.(1)

Liệu Ðông sẽ kịp thời đổi mới thành công để lãnh đạo tân cách mạng, hay trong ngôi làng thế giới rồi sẽ chỉ còn lại những vũng xúp?

Thôi hết làm người

Ðể cá nhân hưởng đủ thứ quyền và tha hồ phát huy tiềm năng sáng tạo có thể dẫn đến những thay đổi căn bản trong chính cá “nhân”.

Có người và người

Với đà tiến mạnh của khoa học hiện nay, chẳng bao lâu sẽ có người nhân giống (clones), người mang dzen thú...

Việc nuôi riêng những bộ phận cơ thể cũng đang nhanh chóng tiến bộ. Rồi sẽ có những người không phải lớn lên từ em bé, mà được ráp lại nguyên cỡ!

Nhìn xa hơn, đã có thể lờ mờ thấy, chẳng hạn, những người có óc heo tay khỉ chân dê!

Dĩ nhiên, tiến bộ tối hậu là quay trở về khoáng vật. Sớm muộn, sẽ xuất hiện nhân loại vô cơ, tức những rô-bô. Lúc ấy tha hồ mà “bất tử”.

“Người”, mới nghĩ sơ sơ đã thấy không muốn làm!

Người không giới tính

Song song với sự xuất hiện của những dị “nhân” trên, do biến chuyển xã hội và tiến bộ khoa học, chính giống người nguyên thủy cũng đang thay đổi căn bản.

Một mặt, xã hội đang mạnh mẽ xóa phân biệt nam nữ trong mọi sinh hoạt. Chức năng đồng nhất thì khác biệt về tính tình khó trường tồn. Ðàn bà trở nên rắn rỏi hơn và đàn ông hóa dịu dàng hơn. Tính tình mới sinh ngoại hình mới: nữ thích tập thể dục cho gân guốc, nam ưa đeo bông tai cho dễ thương!

Mặt nữa, khoa học đang ráo riết hoàn thiện cách giúp loài người “nhân” mà không cần đủ đôi nam nữ. Trong tương lai, mọi khác biệt về cơ thể giữa nam và nữ sẽ đâu còn cớ để đòi tồn tại. Ta sẽ thiết kế lại chính mình để thực thi bình đẳng tới tận thân xác!

Một tính tình. Một cơ thể mới. Một “nhân loại” mới.

Cái gì đứng trên vai?!

Trong lời kết Lược sử thời gian (1996), Stephen Hawking mơ tới cái ngày khi loài người đoạt chiến thắng tối hậu, nắm được toàn bộ Luật Tự Nhiên.(2)

Trong Vũ trụ duyên dáng (2003), Brian Greene minh họa mơ ước ấy với viễn ảnh hàng hàng lớp lớp thế hệ dũng cảm đứng lên vai nhau để làm thang bắc lên tận Trời mà nhìn xuống vũ trụ bao la với cái nhìn hoàn toàn thấu suốt.(3)

Về bản chất vô vọng của “cuộc hành trình bất tận”, chúng tôi đã một số lần góp lời.

Ở đây chỉ xin lưu ý càng trèo cao trên “thang Greene” thì nhân loại càng thay đổi nhanh.

Cứ đà tiến bộ này, có thể chỉ độ chục tầng trên đôi vai của nhân loại đầu thế kỷ 21, sẽ là một loài, một cái gì đó, vô cùng khác với ta!



Thu Tứ
Viết năm 2004
Sửa tháng 6-2017























___________
(1) T.R. Reid,
Confucius Lives Next Door, nxb. Random House, Mỹ, 1999.
(2) Stephen Hawking,
A Brief History of Time, nxb. Bantam Books, Mỹ, 1996.
(3) Brian Greene,
The Elegant Universe, nxb. Norton, Mỹ, 2003.