“Nguyễn Đức Sơn - Thơ ngộ ơi!”




Nguyễn Ðức Sơn nổi tiếng ngông. Tiếng nên là nhờ những bài thơ “bạo tục” và nhờ thứ tuyên ngôn kỳ quặc mà thi sĩ cho in lên bìa trước bìa sau của một số tập thơ.

Thơ ấy lập dị hơn là hay. Còn tuyên ngôn kia không chứa nội dung gì sâu sắc, đại khái là lập dị cộng thêm ít nhiều thời thượng!

Nhưng lập dị với thời thượng chỉ là cái bề ngoài của Nguyễn Ðức Sơn. Dưới lớp “vỏ” là một con người khác hẳn, vừa rất bình thường như đa số mọi người, lại vừa rất độc đáo không giống bất cứ ai: bóc lớp vỏ “dị lập” đi, ta gặp một cái ruột có nét “dị bẩm sinh”, “dị tự nhiên”.

Dị là khác. Khác lắm cách. Cái dị tự nhiên của Nguyễn Ðức Sơn nó thế nào?

Nó ngộ nghĩnh hết chỗ nói! Có thể nói “ngộ” mới chính là cái đặc điểm phân biệt thơ giá trị của Nguyễn Ðức Sơn với bao nhiêu thơ Việt Nam giá trị khác xưa nay.

Còn điều này cũng đáng chú ý. Trông lại thì tất cả những sáng tác thành công nhất của Nguyễn Đức Sơn đều làm theo khuôn khổ nhất định có sẵn, thậm chí đa số là lục bát. Tứ bình thường chẳng nói làm gì, ngay cả các tứ “dị ngộ” cũng vào khuôn rất ngoan ngoãn… Những lối thơ cũ kỹ của ta hình như có khả năng diễn hiệu quả bất cứ thứ cảm nghĩ nào!

Sau đây là một số thi phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đức Sơn, chứa hoặc tình cảm quen thuộc hoặc suy tưởng siêu hình nhè nhẹ thoang thoảng hương nhang với nét ngộ nghĩnh đặc thù, mang hình thức tuy hoàn toàn kỷ luật nhưng lại thoải mái quyện nhuyễn với nội dung dẫn tới kết quả nghệ thuật đặc sắc.

Bùi Giáng có lần viết: “Thơ là cái gì không thể bàn (...) muốn bàn (…) người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác”.(1) Như thường lệ, chúng tôi thỉnh thoảng nghe theo lời ấy.

giữa mùa nắng vàng

“giữa mùa nắng vàng hiu hắt / về đây đôi mắt dịu hiền / về đây cả bàn tay đẹp / đi tìm thăm xứ người em / ngõ hẹp lối vào gác trọ / chiều trưa nhạt nắng bên thềm / bỗng dưng sao lòng se thắt / vương vương đếm mấy nỗi niềm / gặp nhau sao mà không nói / tuổi hiền mà cũng lao đao / ơ kia làm sao chị khóc / tình em vẫn như dạo nào / chị bảo rằng đây mưa nắng / bốn mùa em có buồn không / em cười làm sao cay đắng / chị ơi lệ ở trong lòng / chị hỏi rằng đây mưa nắng / bốn mùa em không buồn sao / đêm đêm sao nhiều sương trắng / em như nằm thấy kiếp nào / chị hỏi rằng đây hoang vắng / biết rồi em có sầu vơi / đêm đêm ai người tâm sự / tha hồ mà đếm sao rơi / mai mốt chị về phố cũ / chị ơi thương chị làm sao / vì em có mình chị đó / làm sao lòng không nghẹn ngào / mai mốt chị về phố cũ / biết lòng ngày mai ra sao / em ngại đất trời dâu bể / lòng ta rồi cũng bể dâu”.

Nguyễn Ðức Sơn đây sao? Tứ thơ thế này, có gì là lạ đâu? Đọc đi đọc lại những chị chị em em tỉ tỉ tê tê một lúc, ta bỗng nhớ Nguyễn Bính, nhớ chị Trúc với em Bính… Thơ Nguyễn Bính ai nấy đều biết nội dung không lạ chút nào. Còn thơ Nguyễn Ðức Sơn dễ ngỡ toàn lạ, nhưng thực ra trong số các bài hay có không ít bài chứa những cảm xúc rất đỗi bình thường. Một tâm hồn thi sĩ suốt đời không rời chốn nhân gian, còn một tâm hồn thi sĩ khác tuy nổi tiếng hay phiêu diêu nhưng trông lại hóa ra cũng thường quanh quẩn trong chốn ấy…

quê hương

“tháng bảy dì về đơm nhãn / nhớ mang ra ít giạ chiêm / (…) / mười mấy năm rồi dì nhỉ / lạc loài xa mãi cố hương / (…) / quê mình ai còn ai mất / đi rồi gươm súng mùa thu / (…) / khóc mãi từng đêm lưu lạc / (…) / kháng chiến người đi chưa lại / lúa khô héo cả ruộng đồng / ông ngoại chắc già ghê lắm / mấy người dì nữa nhưng thôi / đất cằn quê hương nứt rạn / kể thêm đau lòng dì ơi / dù sao cũng là xứ sở / đói nghèo đừng lạt tình thương / mười năm không cúng không giỗ / dì về ấm lại khói hương / tháng bảy dì về đơm nhãn / nhớ mang ra ít giạ chiêm / ở đây làm gì có bán / thấy người ta ăn bắt thèm”.

Cũng như “Giữa mùa nắng vàng”, bài này chứa những cảm xúc rất bình thường của một Nguyễn Ðức Sơn lu mờ hơn một Nguyễn Ðức Sơn khác. Và cũng là thơ sáu chữ. Chợt nhớ Xuân Diệu có lần trầm trồ những câu thơ sáu chữ của Nguyễn Trãi, rằng những câu ấy có một vẻ rắn rỏi khác thường. “Rũ bao nhiêu bụi, bụi lầm / Giơ tay áo đến tùng lâm”, đúng là “rắn” thật. Nhưng những “… dì về”, “… dì nhỉ”, “… dì ơi” ở đây thì lại mềm dịu đến mức tưởng ai đọc cũng thấy “bắt thương”.

tôi thấy mây rừng

“một ngày đau khổ chín trong tôi / tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi / cây thả trái sầu trên nước lắng / mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi / thôi nhé ngàn năm em đi qua / hồn tôi cô tịch bóng trăng tà / trời sinh ra để chiều hôm đó / tôi thấy mây rừng bay rất xa”.

Hồi tiền chiến, “trái sầu” có lần “rụng rơi” trong thơ (bài “Ngậm ngùi” của Huy Cận). Lần ấy “mấy mùa thương đau” chín trong “hồn em”, còn đây “một ngày (…) chín trong tôi”. Thời gian cũng là về chiều… Trái năm xưa không biết rơi từ đâu và hình như “anh” có đón nên mới “nghe nặng”, còn trái được cây thả đây thì “tôi” cho “nước lắng” tha hồ đón… “Tôi thấy…”, có phải cái bầu trời có mây rừng đang bay tan tác cũng là ở dưới hồ kia?

tịch mạc

“rồi mai huyệt lạnh anh về / ru nhau gió thổi bốn bề biển xưa / trăng tà đổ bóng cây thưa / mộng trần gian đã hái vừa chưa em”.

Ðọc thơ, đọc lại tên bài thơ, định tra từ điển tìm nghĩa. Chợt nghĩ cần gì. “Tịch mạc” là…, là như vậy đó! “Bốn bề”, vậy “huyệt” ở ngoài đảo sao? “Lạnh” càng thêm lạnh… “Mộng trần gian” chắc là cũng là một thứ trái cây như “trái sầu”, nhưng “sầu” để rụng còn “mộng” chờ chín tới mà hái.

một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi

“khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi / cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ / bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi / nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô / chân rục rã tôi đi luồn ra núi / hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô”.

luồn vô thấy cây
luồn ra thấy cỏ
chiếc linh hồn nhỏ
cô đơn, cô đơn.

mưa trên thung lũng

“êm êm chiều xuống chập chùng / gió lên lùa cả mùa đông vào hồn / sương mù giăng kín bản thôn / mái khoan thai đếm giọt buồn theo mưa / cây rừng chuyển giọng sầu đưa / nhịp vang theo nhịp như xưa lắm rồi / suối khô đã tiếp lượng trời / ngày xanh tôi vẫn một đời tịch liêu”.

Cùng một trận mưa, lòng suối hớn hở, nở nang lên mãi vì được tiếp “lượng trời”, lòng người ngồi nghe mái tranh đếm “giọt buồn” thấy đời mình vắng lặng như càng thêm...

gió lên mưa xuống đầy trời
giọt vui nối giọt suối cười rừng reo
trên tranh rơi tiếng tịch liêu
dưới tranh ai sắp hồn tiêu phách mòn…

đêm thu

“một đêm trăng mờ ảo / anh tìm về thăm em / phố buồn như hoang đảo / gió ngừng ru bên thềm / ánh đèn sao le lói / căn phòng sao đìu hiu / anh lặng người thầm hỏi / kiếp người sao tiêu điều / anh đi vòng sau nhà / một mình như bóng ma / giật mình anh nghe thấy / có tiếng gì bay xa / rồi đêm trăng mờ ảo / anh lại về thăm em / như lá vàng lảo đảo / anh lui về trong đêm”.

“Mờ ảo”, “hoang”, “le lói”, “đìu hiu”, “lặng”, “thầm”, “tiêu điều”... Bấy nhiêu từ kép từ đơn dẫn mở làm ta không ngạc nhiên chút nào khi gặp “bóng ma”! “Tìm về thăm em” mà không gõ cửa, mà vòng ra phía sau, đứng không biết bao lâu, rồi “lảo đảo (…) lui”! Trời ơi, sao buồn đến thế, hỡi “hoa cô độc”.(2)

nghe tiếng gà rừng gáy

“chợt nghe tiếng gáy rụng rơi / khóc lên tang hải giữa trời tha ma / từ sương mai đến ác tà / khuất trong thiên cổ dấu gà hiển linh”.

Gà gáy trong thơ Huy Cận là gà nuôi. Còn đây là gà rừng. Thảo nào nghe có khác. Một đằng “nghe sao ấm áp tựa nghe đời”(3), một đằng nghe sao lạnh lẽo tựa “trời tha ma”! (Nói đùa thôi nhé, gà rừng.)

nhìn con tập lật

“nắm tay lật úp đi con / co thân tròn trịa như hòn đá lăn / muốn cho đời sống không cằn / tập cho quen mất thăng bằng từ đây”.

Chắc hiếm cha nhìn con tập lật mà nẩy ý ngộ nghĩnh thế này. Hẳn người cha đây có nhiều kinh nghiệm...

một mình đuổi theo mây bạc trên biển

“biển chiều còn một mình tôi / đuổi theo mây bạc giữa trời bao la / thủy triều chợt rút ra xa / bóng thanh xuân rụng ác tà sau lưng”.

Ai nấy đều biết, Nguyễn Ðức Sơn mà “một mình” trên bờ biển thì nhiều khi làm những việc chỉ “tôi” mới sáng kiến đưa vào thơ. Lần này ông làm một việc ít kỳ cục hơn là “đuổi theo mây bạc”. Ðuổi chưa kịp thì trời đã tối...

đêm khơi

“lênh đênh thuyền giạt xa miền / nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời / trông lên Thượng đế đi rồi / hỏi mây thái cổ con người vân vi / lối mòn cỏ mộ xanh rì / ngoài ra kìa chẳng có gì nữa sao / đảo buồn thổi gió lao xao / ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya”.

Miền xa nào đây mà đến trời cũng chưa tiến bộ? Thượng đế không giúp tiến, bỏ đi đâu? May có đám mây thời Bàn Cổ chưa bay mất, còn chờ nghe tâm sự… Ai đã tới “đảo buồn” đi mòn lối rồi nằm “xanh rì” kia? Nằm nghe “lao xao”, “thì thào”, ngủ có yên không?... Bâng khuâng siêu hình thế này không chỉ có Nguyễn Đức Sơn, nhưng trông lại thấy hầu hết là văn thi nhân Trung bộ.

bọt nước

“tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi / nhìn trước nhìn sau thấy rõ ràng / những người đi trước sầu đeo nặng / những người đi sau sầu không tan / tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi / thấy hay hay nhưng làm sao cười / như chuyện lớn lên rồi có vợ / cuối đời về đất lạnh nằm xuôi / tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi / thấy vắng tan hoang ngụt đất trời / cha mẹ anh em còn đông đủ / mình tôi sao mối sầu không nguôi / ngập ngừng chân bước con đường vắng / mây trắng bay lên òa đất trời / tôi cúi đầu nghe mình nhỏ lệ / biết chuyện gì rồi cũng buồn thôi / rộng biển trời ơi cái chán chường / nhạt phèo cả những mối sầu vương / ôi từng đêm thức nghe xa vắng / về ngập trong hồn tự bốn phương / tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi / đôi lúc còn mơ chuyện trên trời / đôi lúc còn buồn chuyện xa xôi / khi biết trước sẽ lui về hủy diệt / vẫn biết thương nếu cha mẹ chết / vẫn thấy sầu khi nhớ người yêu / nhưng tình tôi thì vẫn không đều / biết sao được hỡi người tôi mến / vâng tình tôi thì cũng không nhiều / coi tất cả chỉ là bọt nước / vâng tất cả chỉ là bọt nước”.

“Tôi dòm” trước dòm sau thấy ai nấy đều đeo một cục sầu. Tôi dòm gần thấy “có vợ” nên chực cười, nhưng dòm xa thấy “đất lạnh nằm xuôi” nên “làm sao cười”! Tôi “đêm (…) nghe xa vắng (…) ngập (…) hồn”, nên ban ngày tuy chung quanh người thân không thiếu ai mà thấy “vắng (…) ngụt đất trời”! “Tình tôi (...) không nhiều”. Nhiều sao được, khi tôi “coi tất cả chỉ là bọt nước”.

ngẫu cảm

“có bay cao chín tầng trời / chỉ nghe Thượng đế ngàn đời nín thinh / có dòm sâu tận cửa mình / cũng không thấy được cái hình thế gian”.

bay cao tận trời
dòm sâu tận mình
cũng không thấy hình
thế gian! thế gian!

một mình giả vờ chết trên bờ biển

nghe đời rút xuống xa xăm / tứ chi rời rã tôi nằm im ru / dã tràng tưởng giấc ngàn thu / mon men vài chú đã bu quanh rồi / phiêu phiêu mây bạc trên trời / đưa tôi về cõi tuyệt vời mai sau”.

chết chưa? sóng sượt nằm đây
dã tràng ba bốn con vây quanh mình
biển gào gió thét, làm thinh
hồn còn bỏ xác, lênh đênh trên trời...

mang mang

“mang mang trời đất tôi đi / rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu / tôi về lắng cả buổi chiều / nghe chim ăn trái rụng đều như kinh / còn một mình hỏi một mình / có chăng hồn với dáng hình là hai / từng trưa nằm nghỉ đất dài / phiêu diêu nhẹ cái hình hài bay lên / mù sương âm vọng tiếng huyền / có con dơi lạ bay trên cõi đời / sau xưa mắt đã ngợp rồi / tôi nghe tôi chết giữa trời thinh không”.

“Tôi” về chốn vắng vẻ bao nhiêu cũng có, ngồi lắng nghe thứ kinh không lời… “Tôi” hỏi “tôi” về hình với hồn, chắc chưa đáp được thì nhân khi ấy lưng đang chạm đất, hình hay hồn bèn nhẹ bay lên… Trên cao có con dơi bay ngày, có tiếng lạ lùng gì đó… Thời gian ngợp mắt, “tôi” từ trần… Lát sau, từ “trời thinh không” bỗng rơi xuống một bài thơ của Sao Trên Rừng!(4)

nói thật

“ở ăn với mẹ mày nhiều / có trưa hộc máu có chiều trào cơm / có đêm quẩn trí sôi đờm / sáng ra cuộc sống quá nhờm con ơi / ru con cha rống thấu trời / oan khiên tan ở giữa đời cho mau”.

“Gió mùa thu cha rống con ngủ”, trời ơi!

trên bờ hư không

“một đêm sao ở trên rừng / đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian / hồn tôi cây cối liên hoan / rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ / tuổi vàng suối mộng trời thơ / lớn lên tôi chết trên bờ hư không”.

Sao trên trời rụng xuống nhằm chỗ có rừng, thành... Sao Trên Rừng. Chỗ có rừng lại ngẫu nhiên rất gần biển, nên “tôi” khi nằm bờ suối “thấy mây rừng” khi nằm bờ biển “một mình đuổi theo mây bạc trên biển”... Ai cũng bị thời gian đưa dần tới đó. Có người hình như vừa biết làm thơ đã tới đó. “Lớn lên tôi sống trên bờ hư không”!

đốt cỏ ngoài rừng

“xem cha đốt cỏ ngoài rừng / nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con / có vài chiếc lá còn non / gió xua lửa khói nổ giòn trên không / nắng tà trải xuống mênh mông / bước theo chân mẹ cha bồng hư vô”.

Mẹ ẵm con, cha bồng hư vô, mừng không hư vô!

mai kia

“mai kia tan biến hận thù / giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông / cha về ôm cả biển sông / duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời / cho con cha hứa một lời / đuổi mây thiên cổ rong chơi tối ngày / thu nào tóc bạc òa bay / có con chỉ trỏ mới hay tuổi già / cúi hôn trời đất đậm đà / cha tan theo bóng trăng tà vạn niên”.

Hình như “cha” đã “duỗi” nhiều trước khi có “con”, có rồi thì bởi phải lo ẵm bồng ru “rống” “con”, chân “cha” ít khi được thẳng. Biển sông chờ người về nằm ôm, mây thiên cổ chờ người về nằm đuổi, lời đã hứa không biết giữ được nhiều ít… Bóng trăng muôn năm còn đó, người “tóc bạc ùa bay thu nào” giờ đang ở trời nào…

một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển

“đầu tiên tôi thở cái phào / bao nhiêu phiền não như trào ra theo / nín hơi tôi thở cái phèo / bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không / sướng nên tôi thở phập phồng / mây bay gió thổi trời hồng muôn năm / mai sau này chỗ tôi nằm / sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng bày cách thiền: “Hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười”. Thở như thế dù đang ở đâu cũng thở được. Còn thở như Nguyễn Ðức Sơn thì khi một mình trên bờ biển có tiện hơn, nhưng chắc cũng thiền lắm... Phào phèo một lúc, phiền trào ra hết, mộng bay vèo hết, trên bờ biển một người nằm “thở phập phồng” tự nhiên như mây bay gió thổi… Đang “sướng” dưới “trời hồng muôn năm”, bỗng nhiên “tôi” nghĩ đến “mai sau”... Thở phào rồi lại thở phèo / Thở lui thở tới trong veo cái đầu / Trăm năm gió thổi vi vu / Ngàn năm sao rụng biển ru ai người!

huyệt sâu

“con ngồi giỡn với bàn chân / lật qua lật lại cũng ngần ấy thôi / trời sinh đã có lâu rồi / ngo ngoe trong bụng từ hồi hoài thai / trăm năm lẩn quẩn hình hài / cái tâm hư vọng ngả dài huyệt sâu”.

cái tâm xôn xao
sinh chân sinh cẳng
huyệt sâu biển lặng
chân nào, chân nào.



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa mới nhất tháng 5-2023

















___________
(1) Bùi Giáng,
Đi vào cõi thơ, q. I, nxb. Ca Dao, Sài Gòn, 1969.
(2)
Hoa cô độc là tên thi tập có bài thơ này.
(3) Trong bài “Sớm mai gà gáy” của Huy Cận.
(4) Sao Trên Rừng là một bút hiệu của Nguyễn Ðức Sơn.