“Nguyễn Tuân - Một chuyến đi




Hồng Kông thì hồi đầu thế kỷ 20 Phan Bội Châu và một số nhà ái quốc khác đã từng đặt chân lên trong lúc bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Nhưng các cụ hẳn không có lòng dạ nào để “thăm thú”. Việc ấy phải đợi đến năm 1938, khi Nguyễn Tuân qua Cảng đóng phim.

Hồng Kông nhiều cái lạ. Chỉ kể những cái mà mắt ai cũng thấy được, bằng những lời mà ai cũng viết được, đã đủ lôi cuốn nhiều người đọc. Huống chi Nguyễn Tuân cảm giác cảm xúc hết sức tinh nhậy, lại có cái tài diễn cảm ra thành thứ lời thật gợi.

Thực ra với một người yêu ĐI, xem ĐI là ĐẾN, thì cảm và cảm có cần phải đợi cho đôi chân dừng lại nơi xứ lạ mới bắt đầu hoạt động ráo riết đâu. Tàu vừa rời bến Hải Phòng, là Nguyễn đã bắt đầu “say” rồi. Lại thực ra, một người đặc biệt nhậy cảm có cần phải đi đâu mới cảm cho ra cảm được đâu. Ở Hồng Kông, có khi Nguyễn chỉ nằm khểnh trong phòng hút thuốc lá, ngắm khói, mà những cái ông thấy được bằng mắt và lòng vẫn hết sức đáng “kể”.

Sau đây chúng tôi lược trích một số chương trong du ký Một chuyến đi, thêm một bài trong tập Ngọn đèn dầu lạc cũng kể về chuyến đi này. Tất cả tiểu đề đều là tạm đặt.

Rượu giang hồ

“Buổi chiều mùa đông ấy, tầu Kinh Châu rút neo vào khoảng bốn giờ. Trời không sáng và cũng không tối. Mặt nước thương khẩu Hải Phòng lẫn lộn vừa nước ngọt vừa nước mặn, phản chiếu ánh sáng lạnh một vòm trời thấp tịt như cái vung nồi đè nặng trên lữ hành. Từ ruột con tàu bể, nổi lên mấy tiếng “phì! phì!” làm rạo rực lũ người đứng trên boong muốn nói nốt chuyện với bọn người đứng dưới bến (…) Hồi chuông báo hiệu lắc mạnh. Con tầu dịch đít. Sườn tầu nhẵn nhụi còn gợn mẩu cầu chưa rút hết, lừ lừ nhả thành đá nơi bến. Cái quãng trống từ thành đá đến thân tầu sáng dần ra và rộng thêm mãi. Con tầu cựa mình làm mặt nước rạt rào vỗ mạnh vào chân đập bến lởm chởm gắn những mảnh hầu và vỏ sò. Luồng khói trắng, loãng, cao và dựng đứng trên nền mây chì đã nhường chỗ cho thứ khói đen và đặc. Con tầu tuôn mùi than đá nồng nặc làm người ta có thể mửa được đến mật xanh mật vàng. Gió bấc một buổi chiều khởi hành đè rạp luồng khói xuống mặt nước phù sa (…) Boong tầu vãn người (…) ngoài bọn thủy thủ (…) trên boong tầu, chỉ còn có một mình tôi đang mê đắm với cảnh sông dài giời rộng (…) Ngả lưng vào lan can, tôi ngoẹo cổ ra ngoài nhổ chơi một bãi nước bọt xuống mặt nước hỗn độn. Trong muôn nghìn tiếng sóng vỗ ì ầm vào thân tầu, tôi tưởng chừng như thính tai đến có thể nghe tách riêng ra cái tiếng bẹt một bãi nước bọt mình rơi từ một bề cao chín mười thước. Trong muôn nghìn con sóng bạc đầu, trong ức triệu cái bọt nước bể đang xèo xèo tan, tôi còn dám nghĩ có thể thấy rõ được cái khối nước dãi của mình vẫn giữ được nguyên chất và không chịu hòa hợp với triền nước sông đục (…) Rồi (…) con tầu lắc lư nhiều hơn và mạnh gấp bội. Biển lớn bắt đầu (…) Tôi tập tễnh đi tới đằng lái tầu. Chiếc tẩu thuốc lá vẫn không rời miệng tôi và nhận có đến bốn năm mồi thuốc đầy rồi. Nó đã bắt đầu nóng đến bỏng tay. Tôi cúi gầm mặt đi đi lại lại và khom lưng lắng tiếng giầy mình gõ lên sàn tầu nghe rõ mồn một. Tôi thấy (…) cặp chân vững chãi của tôi đã đến lúc đặt nhầm chỗ và có lúc lại không nhận thấy chỗ mà đặt nữa. Tôi thấy choáng váng tâm óc và say sưa vô cùng (...) Thứ rượu mạnh (…) đang uống (…) tôi gọi là rượu giang hồ”.(1) Nhà lãng tử chuyên nghiệp của chúng ta “lảo đảo nhiều” rồi. Dĩ nhiên không phải Nguyễn say sóng, sắp mửa “đến mật xanh mật vàng”, mà say ĐI. Ngũ quan liên tiếp ghi nhận những cảm giác mới, rồi cảm giác làm nẩy sinh cảm xúc, bao nhiêu cảm xúc đua nhau ra đời, trách sao lòng người bỗng nôn nao cả lên! “Men” nồng đặc biệt, bởi đây chính là lần đầu Nguyễn được đi tầu biển qua một xứ sở khác. Viễn du làm vui “ngây ngất” nhưng cùng lúc, “tôi (…) nhắp rượu giang hồ (…) thấy thiếu nhiều lắm”. Cái gì hay ai đang vắng mặt thế nhỉ? À, “một linh hồn bầu bạn”. Hình như nỗi tiếc thiếu tri âm vẫn ưa xuất hiện giữa niềm vui du tử. Kể, cái vui cũng lạ: hễ có người thực sự chia sẻ nó với mình thì nó lại to hơn! Ờ, nhưng nếu người ấy là một bạn gái thì trong “một chuyến đi” xa như thế này, sự vắng mặt cũng là điều tiện vô cùng cho “tôi”, như ta sẽ thấy.

Bữa tiệc tẩy trần

“Chưa bao giờ tôi được say sức nhanh đến thế, ở giữa những phố đông người sang ngang, trong làn ánh sáng xanh, đỏ, trắng, tím, vàng phát từ muôn nghìn thước ống thủy ngân, uốn theo hình chữ quảng cáo (…) Tôi ngây ngất. Tốc lực tắc-xi đã làm cho tôi ngà ngà. Thế mà tài xế còn chưa cho là đủ. Hắn còn rú mãi ga. Chiếc xe vùn vụt. Như một hòn chì đạn sau tiếng nổ bấm cò súng. Ðôi đèn pha rọi đường cho xe, không là cần dùng nữa. Ðôi con mắt điện kia chỉ còn có tính cách trang điểm thôi. Vì ánh sáng của nó không trội được trên dải phố lát nhựa nó như lóe ra được hào quang chói mắt. Ðêm nay là đêm đầu tiên của tôi tại Hồng Kông. Ánh sáng của Hồng Kông (…) làm mờ mắt và nóng mặt những lữ khách chưa quen (…) Ngồi trong xe hơi, tôi có cảm giác chơi hú tim với ánh sáng rọi qua cửa kính. Xe chạy nhanh, chốc chốc lại hãm phanh dựng đứng xe lên được vì có một sính sáng Trung Hoa đang mải đọc một tờ báo Tầu đi từ lề đường bên này qua hè bên kia (…) Hãng phim Nàm Duỵt đặt (...) một tiệc rượu rất long trọng (...) sửa cái lễ tương kiến (...) Tiếng vang của cuộc hòa nhạc ở các buồng bên cạnh dội đưa lại (…) Tôi (...) uống luôn một lúc ba cốc Văn Khôi Lộ vì tiếng trầm đục của cây đàn tam đã gây cho tôi mấy phút mộng trượng phu (...) tưởng tượng vẽ cho tôi một cảnh anh hùng mạt lộ (có) mây hoàng hôn nặng nề đi trên làn nước buồn bã (...) (Ai đó) bấm tiếp một khúc trường tương tư. Giai nhân nào sử cây tỳ bà mà buồn thấm thía đến dường ấy? (...) Người tôi đã gần nhừ vì rượu ngon, và tôi tưởng vì tiếng đàn tỳ bà mà nó sắp biến thể thành hẳn ra một con sứa sóng giạt lên bờ cát, nhũn ra và se lại, dưới sức nắng ở ngoài khối nước”.(2) Mấy ngày lênh đênh tầu biển vừa đưa một người từ Hà Nội đầy xe kéo qua Hồng Kông nhan nhản tắc-xi. Xe mà chạy nhanh “như một hòn chì đạn sau tiếng nổ bấm cò súng”, mà trong lòng cái hòn chì đang vùn vụt trên mặt đường nhựa “như lóe ra được hào quang” ấy lại là... Nguyễn Tuân! “Tôi (...) say sức nhanh (...) Tôi ngây ngất (...) tôi ngà ngà”. Đêm Hồng Kông còn dài, hứa hẹn lắm thứ chưa từng, nhà lãng tử sẽ được hơn hẳn ngà ngà... Bữa tiệc tẩy trần linh đình, “phút vinh” của “một chuyến đi” đây. “Nhừ” vì rượu ngon và sắp sửa hóa sứa bởi tiếng tỳ bà nghe ghé, khá lắm. Buổi sơ ngộ Cảng như thế này, hẳn coi như là được.

Bèo Thượng Hải bến Hồng Kông

“Ðêm nay, tôi ngồi tễu trong một tiệm nhẩy. Chung quanh những bàn ghế xinh xắn, có đến linh trăm con người ngọc ngồi tản ra từng tốp vây lấy sàn nhẩy. Gian buồng khiêu vũ China Emporium là một thế giới mê hồn thu nhỏ lại. Từ mấy phía tường thấm, lậu, rỉ ra những tiếng thở dài của bản đàn lãng mạn thương vay cho những cuộc tình không có ngày mai. Ở đây, màu sắc sự vật đều cử động. Trong mọi thanh âm, hình như có người pha trộn các thứ phẩm tươi màu. Và mùi hương lại gây mùi nhớ và muốn lên tiếng kể những chuyện ngày xưa. Tôi ngồi yên. Với một cốc rượu mạnh, một cái tẩu thuốc lá tắt và một người bạn nhận làm hướng đạo và thông ngôn. Tôi soi mặt tôi vào chất pha-lê thuần túy chiếc cốc trong trẻo phô rõ chất máu rượu ngon không cấn. Mầu sáng bóng pha-lê phản chiếu, trả lại cho tôi một bộ mặt vô sự. Một vài vũ nữ (…) đã nhầm cái thờ ơ lạnh lùng của một khuôn mặt. Họ tưởng tôi là một người đã chán cả với hoa nguyệt dưới gầm trời. Cái dửng dưng trời in vào một bộ mặt lại cho tôi có dịp mời người đẹp ngồi, uống rượu và nói chuyện. Người đẹp đẹp lắm. Ðấy là những tượng bạch thạch có linh hồn. Màu da kia là một màu hồng dìu dịu rọi lên một lần đá cẩm thạch trắng. Trong cái dè dặt của dáng điệu, sôi nổi một nguồn sống đầy dục vọng (…) Ông thông ngôn bắt đầu làm việc (…) Sau cái cười thứ nhất, tâm tôi lung lay. Sau cái cười thứ nhì, hồn tôi bay. Có nên lạ không? và sau những nụ cười “liên châu” tôi lại càng đê mê nữa khi giai nhân bắt đầu nói. Tiếng đâu mà trong như thủy tinh, ấm áp như hạnh phúc”.(3) Nguyễn Tuân ngồi tiệm nhẩy? Hình như chỉ trong “Một chuyến đi”. Người của Khâm Thiên vào đây chú ý đặc biệt đến những cái gì? Trước tiên là thứ tiếng nhạc “thở dài” rỉ ra từ các vách buồng, rồi tới những ánh đèn mầu biết khiêu vũ, rồi kế tiếp dĩ nhiên là các vũ nữ. Nguyễn “ngồi tễu”, thực là lòng xiết bao bỡ ngỡ, nhưng trông lại ra dáng “thờ ơ lạnh lùng”! Không biết có phải phần nào nhờ “cái dửng dưng trời in vào một bộ mặt” ấy mà Nguyễn được hết tễu ngay? Ðêm nay ở bến Hồng Kông, “nước” Hà Nội gặp một lúc những bốn “cánh bèo” Thượng Hải. Duyên bèo nước chấm dứt bằng một cái hôn vọng. Nguyễn hôn ai trong văn mình bao giờ chưa nhỉ? Nếu chưa, cũng là một dịp đích đáng chứ sao.

Khói muôn năm!

“Tôi yêu đêm. Đấy là những giờ quý báu nhất trong thời biểu một ngày mà một người biết nói thầm với một người. Tôi sống cuộc đời tiềm tàng của tôi vào lúc khí âm thịnh. Có nhiều đêm, tôi lại không ngủ, không phải để nghiền ngẫm tư tưởng chứa trong trang sách, hay là biên chép ý nghĩ vụn của mình trên mảnh giấy. Dưới ngọn đèn, tôi chỉ thức để không ngủ, để ngắm bóng tôi in hình đen trên tường tối. Và như thế thỉnh thoảng tôi lắng thấy tiếng của những ngày chết dội về. Trong phút nói chuyện với bóng, gợi lớp tro lòng nguội, tôi thấy đêm không ngủ có một vẻ đẹp thần bí nếu tôi lại được ngửa mặt lên trần nhà mà hút thuốc lá. Khói thuốc càng đầu độc mấy thước khối không khí trong phòng hẹp bao nhiêu, thì trong sọ tôi, đám rước của kỷ niệm càng kéo đông và không ngừng bấy nhiêu. Người xưa, thắp đuốc đi chơi đêm để làm cho dài thêm cuộc đời ngắn ngủi. Tôi, sống những đêm trắng, hút thuốc lá để cho đời tâm tưởng được nhiều và rộng. Hay ít ra, tôi đã nghĩ như vậy. Khói thuốc lá có công to giúp tôi nhận rõ được tôi, trong khi tôi âm thầm, rủ rỉ ngồi chơi với tôi, lắng hồi mõ điếm giao canh hay tiếng gà gọi con nước lên. Tôi thức đêm để hút thuốc lá. Tôi hút thuốc lá để thức đêm (...) Rồi tôi đâm yêu khói (...) dưới một tập hình thức của nó. Luồng khói than bánh của đoàn tầu hỏa trên nội cỏ; luồng khói than đá của con tầu bể trên mặt nước động; luồng khói ét-săng trong đám bụi bay trên đường cái quan (...) luồng khói thơm tho của quán cơm (...) khói thuốc lá, khói thuốc phiện, khói lư trầm (...) tất cả khói đều cảm tôi một cách thấm thía (...) Khói gợi cho người ta cái hình ảnh của thoát ly và gây một lý tưởng cho kẻ bực dọc với hiện tại mong đi gấp đến chỗ tận thiện tận mỹ. Tôi muốn kêu lớn: - Khói muôn năm!”.(4) Loài người dễ chưa có ai đáng được... hít khói hơn Nguyễn Tuân, bằng Nguyễn Tuân. Và riêng đối với các hiệu thuốc lá, thì những dòng ghi trên thực đáng trân trọng quá chừng, đáng kẻ chữ vàng lên biển son mà treo làm quảng cáo (ở những nơi còn cho quảng cáo thuốc lá). Cái “tập hình thức” khói của “tôi” còn mỏng lắm, còn thêm được vô số “trang”. Có thứ khói khi gặp chắc “tôi” cũng sẽ yêu khá dễ dàng, như khói đốt đồng ở Nam bộ. Có thứ, chỉ mấy năm sau khi kêu “Khói muôn năm!”, tôi đã được gặp, và hẳn tôi không yêu, không xem là “nhân tình cần thiết”. Đó là khói lửa!

Cỏ tương tư

“Ấy thế mà cái sướng được hút thuốc lá sau những ngày đêm nhịn nhục như thế lại là chưa đáng kể. Tôi đã được hút thuốc lào kia! Giữa hôm Tết, ở nhà ông cụ Th., sau một tháng thèm thuồng, nhắc nhỏm tới nó. Tôi rít hơi thuốc tưởng tụt được nõ điếu. Tiếng nước kêu lóc cóc, giòn giã trong điếu bát như tiếng âm nhạc quốc ca. Trông đám khói xanh cuồn cuộn từng vòng đặc, tôi thấy hình ảnh của cả một quê hương. Ðấy, chỉ một tị tẹo như thế ở đất khách đủ làm cho người ta nặng lòng quê hơn một bài quốc sử thì có lạ không? Trong lúc ngây ngất chỉ còn thiếu có nước đâm đầu vào ông đồ rau, - ví cái phòng khách sang trọng này là một cái bếp lửa -, giấc hương quan đã viếng tôi một cách thấm thía. Ông cụ Th. cười: “Coi bộ đầu năm hút điếu thuốc lào thú lắm há!”. Tôi nghẹn ngào không nói gì, nhìn ông già đó như cám ơn (…) Tôi ngâm rất khẽ: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào...”. Tôi ngâm đủ cho tôi nghe thôi. Và tôi khâm phục cái người nào đã lấy chữ Hán đặt tên chữ cho thuốc lào là tương tư thảo. Cỏ tương tư!... Hay quá!”.(5) Bơ vơ đất khách mà nghe “âm nhạc quốc ca”, nghẹn ngào là phải. Hay nhỉ, vẫn cái “đám khói xanh cuồn cuộn từng vòng đặc” ấy, khi “người ta” ở trong xứ người ta thì nó chẳng vẽ nên được hình ảnh gì. Mới hay quê hương có khi chỉ đơn giản là... dúm thuốc lào. À, không, là “dúm cỏ tương tư” chứ.

Ăn tết Hương Cảng

“Chiều hôm nay, tôi đã thấy người Tầu nổ pháo dữ dội. Từ một từng gác thứ ba, thứ tư xuống sát mặt đường nhựa, họ đã thả những tràng pháo dài hàng vạn quả pháo toàn hồng (...) Pháo nổ vang cả một góc trời Tầu. Xác pháo bay xuống như một trận mưa khô (...) Ðêm Hương Cảng đỏ rực hẳn lên. Phiên chợ đêm (...) đem những tiếng ồn ào của nó đến cả cặp tai lơ đễnh của khách (...) Chợ tết (...) họp ngay đường cái. Hôm nọ đây, con đường Cáo Ðạo rộng thênh thang này còn là một đại lộ xe tầu chạy như mắc cửi (...) bây giờ những gian hàng (...) mọc đầy rẫy (...) Người ta đi trẩy chợ tết (...) ép sát vào nhau (...) một dòng ngược và một dòng xuôi (...) trong đêm sáng, cứ xô bồ cuồn cuộn, không khác (...) nước lũ mùa thu (...) Cùi tay tôi làm việc nhiều. Tôi đẩy người đi trước chưa kịp dọn lối tiến thì người đi sau tôi đã đẩy mạnh tôi. Tôi tức giận. Quay lại, tôi nhìn thấy một thiếu phụ Trung Hoa mặt đỏ bừng, tay nâng cao một củ thủy tiên. Nàng đang ngây ngất vì cái huyên náo của dòng thác người chơi hội trừ tịch. Tôi chỉ kịp nhìn nàng hé một nụ cười (...) Và cứ thế chúng tôi trôi trên con đường, trôi trong lòng con sông đào. Hai bờ hoa đào! Thỉnh thoảng, liếc sang dòng người đi ngược bên phía tay phải, tôi đón nhận được bao nhiêu nụ cười của những giai nhân không quen biết. Những đóa hoa hàm tiếu kia chỉ hiện ra trong khoảnh khắc (...) rồi lại lẩn ngay vào cái vô danh của đêm hội (...) Trong phiên chợ tết họp cho đến sáng sớm (...) chỗ nào cũng hoa, hoa, quả, pháo và tranh và đồ tơ lụa (...) Bỏ dòng người đang chảy mạnh, tôi lách mình ra một nơi rộng rãi (...) Bên phía doi đất Cửu Long (...) người ta nổ pháo đã liền tiếng. Âm thanh pháo nổ, vẳng trên mặt eo bể, làm rung rinh mặt vũng tầu sáng như khối hào quang (...) Mọi người đều vui vẻ, tôi không muốn buồn nữa (...) Tôi đã mua một bánh pháo năm trăm, bóc đốt ngay. Tiếng pháo nổ chưa hết, tôi lại nhẩy luôn vào cái dòng người đang chẩy của đêm hội”.(6) Thế là Nguyễn cùng anh em diễn viên phim “Cánh đồng ma” phải ở lại Cảng Thơm đến sau Tết. Ăn cái Tết Tàu cho biết cũng hay, sao lại “phải”? Bởi, do một số lẽ, “đối với mũi họ, cái cảng lớn này đã hả hết mùi thơm”. Bị cầm chân ở một nơi không thơm vào cái dịp hương quê nó cứ lên ngát cả hồn, nên “tôi, chiều nay, hằn học với số phận, dám cáu kỉnh cả với cuộc đời phiêu lưu mà xưa nay tôi vẫn ca ngợi”. Lang thang trên hè phố Hồng Kông trong buổi chiều chót của năm sắp cũ, Nguyễn trông người Tàu đốt pháo mà nhớ Hà Nội quá. “Giữa cái tưng bừng (...) tôi (...) như một kẻ bị đi đày”. Và y như kẻ đi đày điển hình, túi “tôi” rất cạn, khiến “tôi” đành ôm hận không “làm nổi một việc xa xỉ” chẳng mấy xa xỉ là mua một cành đào về cắm cho đỡ nhớ quê. Chiều rồi đến đêm. “Ðêm (...) Người ta đi trẩy chợ tết (...) Mọi người đều vui vẻ”. “Tôi” cũng trẩy, rồi lách ra, rồi lại nhẩy vào trẩy tiếp cho tạm quên đi “những sự thiếu thốn của lòng mình”...

... bên ấy có hay không?

“Người ta, một khi ở phương trời xa lạ được trở lại quê nhà, thường phải cái nạn kể chuyện cho bạn, cho bà con, cho tất cả mọi người đến thăm mình vừa đi vắng về. Tả cái ngộ nghĩnh, quái gở của hòn đất, dải sông, tảng núi; tả cái kỳ dị của phong tục, cái đẹp của tính tình dân tộc. Tự nhiên, mình thành ra cái đĩa nhựa máy hát. Và phải quay cả hai mặt đĩa, mỗi lúc gặp bạn cũ bắt nói chuyện. Nhưng nguy hiểm hơn hết, là câu hỏi của người bạn hiền, lúc đã lả lơi: “Ðàn bà bên ấy có hay không?”. Trong một bầu không khí thân mật, sau một bữa ăn thịnh soạn mà mình là vị thực khách danh dự đến nhờ chén rượu ngon bữa tiệc rửa những hạt bụi đường xa bám nơi manh áo, người ta lặng lẽ chờ miếng đường tan đều trong chén cà-phê đặc, thỉnh thoảng thúc giục bạn kể cho nghe cái chuyện “người đàn bà bên ấy””.(7) Ðại sự gì mà đến nỗi nếu kể thiếu thì bao nhiêu tuyết trắng trên núi Phú Sĩ đều hóa tro và muội, thì “mầu mây trời La-mã (...) trở nên buồn như tang”, thì hết thảy mọi sự lớn nhỏ khác đã kiên nhẫn kể cho “bạn hiền” nghe suốt tiệc tẩy trần đều bị coi như “vứt”? Hóa ra là cái sự... tình, như trong “thăm dân cho biết sự tình”. Hễ đi xa (Hà Nội vào Huế, chẳng hạn, là có đủ xa), muốn thăm thú núi non sông nước gì đấy cứ tha hồ, nhưng chớ quên thăm “người đàn bà bản xứ” để khi về còn “tả” cho anh em nghe lúc tửu hậu, cà-phê dư. Nếu quên, coi như đã tự biến mình thành “một du tử, một khách giang hồ không biết tự trọng”! Nguyễn hình như thường nhớ tốt. Và lại rất nền nếp. Nên trước khi kể chuyện ấy ở bên ấy, Nguyễn bắt ta nghe hẳn một khúc... e hèm!

Một chuyến thăm dân ngày Tết

“Ngựa quen lối cũ, tôi lại lần mò đến khu Aberdeen Street. Hăng hái bước vào nhà chứa, tôi vênh mặt lên để nhận lời chúc mừng năm mới của một “ả sẩm” gọi tôi là “sính sáng”. Ðèn nến sáng như trong một buổi dạ hội. Một cành hồng mai to chặt sát gốc, một cành bạch đào có tết lụa điều cũng chặt sát gốc, chắn hết cả lối hành lang. Ở bàn giữa phòng tiếp khách, la liệt hoa quả, bánh mứt và rượu dán đủ các nhãn thương tiêu. Tôi nhìn kỹ bức tranh trung đường treo trên bàn thờ vẽ toàn thân một vị thần, lớp phấn trắng tô cặp lông mày đã mờ nhạt. Ðấng tiên sư đấy! Mấy ông sính sáng Tầu chân chính nhìn tôi cười. Ả sẩm kéo hai bạn tôi và tôi vào buồng. Tôi lật trang cuốn Việt Hoa thông thoại để tìm những chữ cần dùng nói chuyện. Người ta bưng vào buồng một quả mứt đầy. Tôi mở quả mứt, mời các bạn và vui vẻ nói: “Cẩm như xóm cô đầu bên mình. Bạc lẻ, hào lẻ đâu bỏ ra mà mừng tuổi!”. Hai ông bạn tôi hình như chưa tập được lối ăn uống của người giang hồ, vẫn rụt rẻ chưa chịu bỏ quả táo tàu và những hột sen trần vào mồm. Nếu sẵn kính hiển vi trong tay, chắc các ông ấy không ngần ngại soi kỹ hạt mứt, ngõ hầu kiếm lấy ít con vi trùng hoa liễu. Người ta cất quả mứt với những tiếng “cống hỉ” ầm ĩ khi đã thấy bọn tôi bỏ vào đấy những chiếc phong bì xinh đẹp, đỏ chói và cồm cộm hào (…) Tôi cười to và đặt người đàn bà đó vào lòng (…) (Nàng) nói nhiều lắm. Tôi không hiểu nghĩa nhưng nhận thấy âm thanh “câu chuyện” có duyên tệ. Tôi cũng nói chuyện (với nàng) bằng tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi cười (…) như người suốt đời được sung sướng (…) Bỗng tôi nín tiếng. Tôi nhìn tận mặt người đàn bà đang đỏ ửng như một hòn than luyện (…) tôi nhận thấy tôi là một bó cỏ khô. Sự gì sẽ xảy đến cho một bó cỏ khô bị vứt vào bên hòn lửa đỏ, sự ấy đã xảy đến cho người đàn bà đó và tôi (…) Ðêm thổn thức đi”.(8) Tết là đi thăm. Nhưng đến nhà ai đây, khi người ta đang ở quê người? Nhân “lòng trống trải” và “thịt đang đòi một sự cần dùng”, “tôi” chợt nhớ đến “dân”. “Ngựa quen lối cũ” (bao nhiêu lần rồi mà quen?) đưa “tiên sinh” thẳng vào trước “đấng tiên sư” có đôi mày trắng… Gái trong lòng khách, tay gái trong tóc khách, khách và gái mạnh ai nấy nói bằng thứ tiếng nói riêng của dân tộc mình và bằng cả thứ tiếng không nói chung của toàn thể nhân loại, thú lắm. Nhưng “mặt người đàn bà đỏ ửng như một hòn than luyện”? Đi “thăm” mà gặp được “dân” hào hứng như vậy, chả mấy khi đâu, số Nguyễn năm nay chắc chắn đỏ như son rồi! (Chuyện ấy bên ấy, các “bạn hiền” của Nguyễn nghe chừng ấy, không biết đã thỏa hay chưa?).

Vẽ nhọ bôi hề cho... giặc

“Trong buồng trò, tôi rất vụng về. Chỉ đổ và rơi (…) Soi gương, tôi không thể buồn cười cho tôi hơn nữa. Mặt tôi, thực là mặt pho tượng đấng thánh Quan thờ ở các hội quán Hoa kiều. Tôi đã trát vào đấy gần nửa ống phẩm gạch lấp cả mắt cả mi (…) Tôi tự nghĩ: “Ông cố nội tôi, khi ngồi trong Cẩn Tín Viện nhà vua với cái nhân phẩm và cái nết trì thủ của một ông nghè bút thiếp dưới triều Tự Ðức, hẳn không bao giờ tưởng sau này sẽ có một đứa cháu đích tôn sang Hương Cảng để bôi rất nhiều phẩm tươi vào mặt”. Tôi thấy tôi rất ngố trong tấm gương, vội kêu to: “Mẹ kiếp thật là vẽ nhọ bôi hề!”. Ðàm Quang Th... vội bắt lấy câu ấy, nói tiếp: ““Nợ áo cơm phải trả đến hình hài” đấy. Ha! Ha! Thôi vẽ mau lên. Còn đến tua người khác. Toa không thấy anh em đang chờ một chỗ ngồi hay sao!” (...) Nói đến nghề làm phim ảnh của người Tầu, phê bình đến họ thì chỉ có thể lấy cái lòng từ thiện ra mà nói thôi (...) Người Tầu, thật là bọn giặc trong nghệ thuật nhựa. Tôi đã từng gặp nhiều chú khách cổ cao một ngấn, hai ba cái cằm in nét ở mặt, về quan niệm mỹ thuật mù tịt, đứng làm giám đốc về việc bài trí những phim ảnh. Một truyện phim đầy sinh khí, đầy thơ mộng, vào tay họ, thế nào cũng thành truyện kiếm hiệp, nếu không là trinh thám”.(9) Dĩ nhiên Nguyễn Tuân qua Hồng Kông đâu có phải chỉ để đi ăn tiệc yến ở đại tửu lâu, với lại đi ngồi tiệm nhẩy, với lại đi hút thuốc phiện, với lại thỉnh thoảng vi hành “thăm dân”. Mới “nợ áo cơm” qua loa đã phải “trả đến hình hài”, huống chi nợ xa xỉ kỹ lưỡng như “tôi”. Trát tí phẩm tươi lên mắt lên mi, cái giá hãy còn rẻ chán... À, “bọn giặc” ở Hồng Kông, chắc cho đến tận thế, bọn ấy sẽ vẫn y nguyên là như thế (khắp thế giới bây giờ, “trong nghệ thuật nhựa”, liệu có còn đám nào chưa hóa “giặc” chăng?!).

Bữa thuốc Tết xa quê

“Buổi tối mồng ba Tết (...) Khi mà cái lòng nhớ quê đã mênh mông (...) thì cái bụng hút thuốc phiện của lữ khách cũng được là không bờ bến (...) Tôi lủi thủi leo từng cái cấp si-moong trơn ướt ở xóm Bố-lố-cái. Thật là một đăng sơn. Leo cấp đá mưa làm trơn bóng như quết mỡ nước, nhớ đến cái ì ạch ở quê hương mỗi khi đi dâng hương ngày giêng hai từ chùa ngoài vào chùa trong động Hương Tích, lòng sầu xứ trong người tôi muốn kêu lên một tiếng nấc (...) Tôi lọt vào cái tiệm hút thuốc hồng phiến hạ cấp. Tiệm này hẹp. Muốn cho được nhiều giường hút, chủ tiệm đã kê giường theo một chiều cao. Chắc xưa kia y đã có phen làm nghề hàng hải. Cho nên giường ăn thuốc ở trong cái phòng chật chội này được đóng theo kiểu giường nằm trong các ca-bin tầu bể. Cứ từng đợt, từng đợt cao dần lên sát trần nhà, kể có đến mười lớp giường. Trông mười tầng giường cái nọ đè lên cái kia, đèn đóm như sao sa, tôi ngờ rằng đấy là một cái đàn chay của bữa cúng Thượng Nguyên người ta làm lễ nhương sao (...) Không biết họ đến từ bao giờ mà tiệm đã đông nghịt. Ở mười lớp giường có cơ man là người. Không một mảnh chiếu rách nào là không có một ngọn đèn dầu lạc soi tỏ. Tôi bám vào một cái cột, cho mũi giầy vào từng nấc khắc trũng vào cột làm bậc thang, leo lên cái tầng giường thứ mười. Ấy thế mà cũng còn không được dùng nguyên một bàn đèn. Tôi phải nằm hút chung khay đèn với một chú khách già người khô như một cái xác ướp vua pha-ra-ông Ai-cập. Nói là hút chung một khay, nhưng vẫn là riêng. Tên bồi tiệm bưng giọc, tiêm và một ngọn đèn mới, leo cột, đưa dụng cụ đặt vào khay của chú khách già. Tôi gọi:“Ửng sập cô”. Năm chục viên thuốc hồng phiến, to bằng hạt lúa ngô, đỏ tươi như màu cánh sen trông nó giống như những viên thuốc của một hãng bào chế Tây phương. Trông mà muốn nuốt chửng, chứ không muốn hút. Tôi lăn ềnh ra sàn, gối đầu lên cái gối sứ tráng men xanh. Thấy lạnh gáy, tôi nghĩ đến cái thớt để tù tử tội kê đầu lên ở các pháp trường nước Hà-lan mà người ta xử tử bằng một cái lưỡi búa tầm sét. Tôi hơ cái nhĩ tẩu cho nóng, nhét một hạt hồng phiến cho nó cắn vào lỗ nhĩ, tôi nướng cho đỏ cái tiêm lên rồi dùi vào hạt thuốc cánh sen. Thế là kéo, kéo một hơi. Thuốc nhạt nhạt, làm khô cuống họng, hình như khói hồng phiến đi qua đến đâu là rút luôn cả nước tân ở thớ thịt đến đấy. Nó lại hơi ngọt và có mùi thơm như va-ni. Hút hồng phiến nhanh hơn là hút a phiến. Mồm đang hút điếu thứ nhất, thì tay đã cầm sẵn viên thuốc thứ hai. Vừa nhắc cái vấu (làm bằng cái hồ sứ rót rượu bị cưa cụt vòi) ra khỏi đèn là thuận tay, tôi đã ấn hạt hồng phiến khác vào đấy, gõ mạnh mặt vấu đánh cốc một cái vào thành chụp đèn, thế là lại dùi lại đâm, lại hút. Nhanh lắm. Tôi nghiệm ra ở cái tiệm hồng phiến, hẳn không có mấy chụp đèn lành, vì một người nghiện hồng phiến biết tự trọng là bao giờ cũng gõ rất hùng dũng cái vấu sứ của mình vào miệng sáo chụp đèn. Có thế thuốc mới chắc. Những tiếng gõ tẩu lúc dịt thuốc vào nhĩ liên tiếp nhau chan chát như tiếng roi chầu quất vào tang trống hát cô đầu ở một đám ăn mừng một lúc hát luôn mười mảnh hát. Cả tiệm hồng phiến vang lên như bài nhạc côn trùng trong áng cỏ mùa thu bên xứ mình. Tiệm thuốc khói um. Muỗi đi hết. Chả cần phải đốt hương trừ muỗi nữa. Tôi tưởng chừng sơ-mi và cổ cồn của tôi đang ngả ra màu vàng óng của đoạn tre được gác bếp. Một vài lúc, mấy chú khách nằm ở sàn dưới khít ngay chúng tôi lại nhao nhao lên, chửi bọn nằm trên: “Tỉu nà ma!”. Vì bọn trên này cựa nhiều quá, đánh rơi mấy con rệp qua kẽ sàn, lọt xuống bàn đèn dưới. Và khi lẩy bẩy, mấy ông già quá bữa tay đâm ra bắt chuồn chuồn, đã rót nước không đúng vào chén tống làm lênh láng cả mặt sàn và thấm lậu xuống mặt những người nằm dưới. Có người nắm chân tôi, rất mạnh. Tôi nhỏm dậy. Thì ra đấy là một nhạc công dí ngay cái hồ bịt da trăn vào cái mặt bự của tôi và hỏi tôi có muốn nghe y kéo hồ trong lúc ăn thuốc không. Tôi lắc đầu. Y lại men sang các sàn bên. Một bài Nhì Voòng xoắn vào tai làng nghiện đã ù và xé rách cái màn khói khét. Không khí tiệm hồng phiến trở nên dữ tợn. Tôi ngồi lên tì lưng vào cái tường sâu quãng mà ẩm thấp đùn mãi ra những dòng mồ hôi bồ hóng. Rồi tôi dặng hắng khạc một cục đờm đen, gò mình nhô đầu ló ra ngoài mép sàn, nhổ nó xuống đất. Nó không chịu xuống đất kêu một tiếng bẹt mà đậu vào mũi giầy tầu của một người nằm ở sàn dưới. Từ dưới lại quăng lên: “Tỉu nà ma!”. Tôi không lấy làm phiền lòng tí nào cả. Vì ở đây, ai cũng khạc nhổ một cách chí tử như thế. Vào đến đây là người ta đã cởi hết cả những cái nhã nhặn để lại ở ngoài bậu cửa tiệm có treo cái đèn lồng rồi. Cổ tôi như bị tắc thở. Mắt tôi trông mờ. Nhìn vào những ngọn đèn chung quanh, những ngọn đèn ở dưới chân, tôi thấy nhòe hết cả. Chỉ có khói giăng mù mù và mỗi ngọn đèn là một cái mặt trăng cỏn con có viền một cái quầng, một cái tán. Theo đúng phép hút hồng phiến, tôi móc túi lấy một quả lê, nhai ngồm ngoàm như người rừng ăn quả của rừng, ngay dưới gốc cây. Vẫn còn thấy háo, tôi lại bóc luôn một trái cam Sìu Châu. Ra cả một cái đều làm như tôi cả. Đầu tôi rức như có người đánh đai sắt lên. Tôi không có thời giờ để nghĩ đến cái quê hương xa vời nữa. Bây giờ tôi phải nghĩ đến tôi đang say hồng phiến… Tôi lại bám cột sàn tụt xuống như một anh lính thủy mới tập bài học đầu tiên của đại dương, bị say sóng khi treo xong lá cờ báo hiệu lên chỏm cột tầu. Bước cao thấp, tôi lại đội cái mưa phùn của đêm Hồng Kông. Nó thấm vào chân tóc đến đâu, tôi lại tỉnh đến đấy”.(10) “Bữa thuốc”… Trong cái ngày mồng ba Tết “ngoài quê hương” này của Nguyễn, có ít nhất hai. Buổi chiều, “tôi bút boóng” thuốc quen ở nhà ông Dà Phá Lồi, buổi tối dùng thuốc lạ ở xóm Bố-lố-cái, không biết buổi sáng buổi trưa đã thế nào. Hồng phiến “nhạt nhạt” mà hút thì lại “nhanh lắm”. Xem ra bao nhiêu hương vị ở cả trong cái không khí tiệm. Thật đáng “một đăng sơn” từ mặt đường cái và “một bám cột” leo lên tầng giường thứ mười!... “Bữa” và “bữa” được kể bằng lời có những chỗ phóng túng hơn thường: “mưa như đái”, “nếu không có thuốc phiện, thì đến bỏ mẹ”, “tôi dặng hắng khạc một cục đờm đen”… Nhưng nếu xét bên trong “cái lòng rầu lên được đến cực điểm” và bên ngoài tứ phía lúc nào cũng chực vang lên những “Tỉu nà ma!”, tưởng chuyện văn Nguyễn ở đây đã cởi bớt “những cái nhã nhặn để lại ở ngoài bậu cửa bài” là cũng chỉ hợp tình. Nên nhớ lời tục mà dùng đích đáng thì các cụ nho ta xưa kia khi văn chương thơ phú không có kiêng đâu (kể cả những cụ đỗ đại khoa hay làm quan lớn). Bao nhiêu triệu hạt hồng phiến đã bị nhét cho “cắn vào lỗ nhĩ” rồi bị một cái tiêm nướng nóng đỏ đâm, dùi, trên đất Cảng Thơm một thời? Ai mà biết. Chỉ biết đầu xuân năm xưa ấy có năm mươi hạt đã may mắn được cháy thành thứ lời văn đến tận bây giờ mùi hương vẫn còn rất đượm.



Thu Tứ
Viết năm 2011
Sửa tháng 5-2018

















__________
(1) Chương “Một con tầu say rượu”. (2), (3) Chương “Hoa, ánh sáng và nước”. (4), (5) Chương “Dúm cỏ tương tư”. (6) Chương “Một ngày một đêm cuối năm”. (7), (8) Chương “Duyên bèo”. (9) Chương “Đoạn chót bản hợp đồng” và chương “Ấn tín người con hát tỉnh Việt”. (10) Bài “Bữa thuốc hồng phiến ngoài quê hương” trong
Ngọn đèn dầu lạc.