Võ Phiến, “Thơ Tô Thùy Yên”




Bảo rằng trong thơ Tô Thùy Yên có chủ đề triết lý, bảo thế e chưa thích hợp. Gần như toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ. Bí ẩn đó là ám ảnh chủ yếu của đời ông (...)

Ðãng tử - cũng như góa phụ, như chim biển bắc - của ông chẳng qua là biểu tượng. Cuộc đi ông nói đây là cuộc đi trong kiếp nhân sinh mờ mịt, không bến bờ không định hướng, cuộc đi bắt đầu từ vạn cổ mà rồi không bao giờ kết thúc, là cuộc “tuần du bất tận”. Sự sống giục giã: gió thổi, chim bay, mây xôn xao, thủy triều sôi réo... Phải lên đường chứ. Nhưng lên đường về đâu?

“Ðến ngả ba, đành theo một lối
Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia.” (Ðãng Tử)

Ôi, thân phận người đãng tử của Tô Thùy Yên.

Có lần khác ông viết về mối tình ngày nhỏ: “Vườn Hạ”. - Tình xưa, kìa, có phải như Tố với Hoàng một đời thiết tha? hoặc giả có phải thân nhau từ thuở bé thơ như Mùi của Siêu chăng? Vậy thì mùi mẫn biết mấy!

- Hừm. Ðâu có. Làm gì có sự mùi mẫn đối với một người tình không chân dung? Ở đây không có dáng hình kiều diễm nào. Không mặt mũi vóc dáng, không tên tuổi, không có cả một màu áo. Không ai trông thấy giai nhân đâu, ở đây chỉ gặp một nhân vật tàn nhẫn mang tên là Thời Gian.

(...) Cái yêu (...) không là chủ yếu (...) ông (...) suy tưởng buồn rầu về chuyện “mai kia mốt nọ”. Khiếp, cái mai mốt nghĩ mà kinh. Mai mốt anh về:

“Hỏi em, em lấy chồng xa xứ
Hỏi bạn, bạn lìa quê bặt tin.”

Không còn bạn, không còn tình, ông chiêu hồn tuổi dại, ông lay gọi:

“Thơ ấu, dậy đi, mừng dụi mắt
Cùng anh chạy nhảy tiếp thời vui.”

Thời vui, anh với em đá gà bằng cỏ xướt, đùa giỡn la rân dưới mưa, lăn vòng, đá bong bóng nước v.v. Nhưng mai mốt không ai còn có thể chạy nhảy tiếp một thời vui. Không ai tiếp được cái gì nữa cả. Thời gian xóa hết. Cái chân dung nghìn mặt của Thời Gian có những nét đáng hãi:

“Trời cao mỏi mắt, chòm mây bạc
Thăm thẳm trưa, thời gian chết xanh
Ngoài quãng chói chang hư ảo múa
Dường như ai réo ấu danh anh (...)

(...) Nằm đây phủ sáng hằng hà sao
Nghe thủy triều lui bậc bậc sầu
Nghe tiếng mõ chùa khô khốc khóc
U minh ngày tháng bóng lao đao (...)

(...) Cây cỗi càng sưng vết chặt lồi
Chờ nhau cho đáng kiếp chờ thôi
Tuổi già gom lại bao thương tưởng
Như cuối vườn chiều mót củi rơi.” (Vườn Hạ)

Giữa cái vui hôm nay với cái buồn mai kia mốt nọ, sự thay đổi khiến ta liên tưởng đến cảnh Hồng lâu mộng. Mới ngày nào, một cậu bé trên mười tuổi giữa cái xôn xao của đám đông đảo hàng bốn trăm rưởi nhân vật, đa số là đàn bà con gái thơm tho xinh đẹp, nói cười ríu rít, quấn quít yêu thương. Rồi chẳng mấy chốc, xuân chưa qua hạ chưa đến, mà tan tác đã xảy ra (...)

(...) một lần khác, Tô Thùy Yên làm thơ về đảo Trường Sa. - Ờ ờ, ông đi nhiều mà. Gặp cảnh đẹp ông dừng chân hứng bút đề thơ, bốn câu ba vần, hay tám câu năm vần chứ gì?

- Nói vậy sai lắm, sai quá lắm. Ðừng nói với ông làm chi chuyện đẹp với không đẹp, chuyện ngắm với nghía. Ông đến đây, trong lòng trong trí bận bao nhiêu cái khác. Ông thắc mắc hỏi han:

“Mùa đông bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.”

Ông tủi hổ về sự nhỏ nhoi của kiếp người; ông muốn cùng bể khơi cùng khóc:

“Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.” (Trường Sa Hành)

Ở Trường Sa, cũng như ở phá Tam Giang, và có lẽ ở động Hương Tích, ở đỉnh đèo Ngang hay ở Ðộng Ðình hồ cũng thế thôi, ông không có thái độ thưởng ngoạn; thái độ ông vượt ra ngoài sự bận tâm về cái đẹp xấu:

“Chiều trên phá Tam giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng
chợt hãi hùng
Dớn dác ngó.” (Chiều Trên Phá Tam Giang)

Ở Trường Sa, cũng như ở phá Tam Giang, và ngay những khi không đi đến đảo xa phá rộng nào cả, đến chốn đại dương mênh mông hay trước sóng to gió lớn nào cả, ngay một buổi sáng như mọi buổi sáng, ngồi trước ngôi nhà ở làng quê, ông cũng nghe được cái ít người nghe: cái cựa quậy của đất trời:

“Ta ngồi trước ngõ nghe xao động
Trời đất bào thai cựa cựa nhanh
Mầm cỏ nhoi nhoi lên rạo rực
Con chim chèo bẻo hót lanh chanh.”

Rồi đứng lên đi loanh quanh, gặp dăm ba người làng, ông cũng nói được cái ít người nói trong những dịp ấy: ý nghĩa đời người.

“Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Ðồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Ðời người cũng chuyện phiếm mà thôi.”

Và ngộ nhất là dẫu không làm gì cả: không đi không ngồi không nghe không nói gì cả, chỉ có hoặc nhìn một ngọn cỏ, hoặc chỉ thở, chỉ sống không thôi, ông vẫn có dịp đề cập đến tận vấn đề rốt ráo của nhân sinh:

“Gặp buổi trời mưa bay phới phới
Lá cành sáng rỡ sắc hồi xuân
Ta nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn
Nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân

Sống trên đời, chuyện ghê gớm quá
Vậy mà ta sống có kỳ không?
Nước mắt ta tuôn khi nghĩ tới
Những người đã chết, chết như rơm...”(Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)

Ông Tô Thùy Yên! Giá Thượng Ðế mà biết được trong vô vàn chúng sinh có những đứa sống đầy ý thức như thế, không một phút giây nào không chăm chú từng hiện tượng lạ lùng của cuộc sống, không thấp thỏm ngạc nhiên, có đứa sống một cuộc sống đầy thao thức sáng tạo như thế, chắc Thượng Ðế không khỏi thêm hãnh diện về công trình của mình, và chắc chắn Người... yêu ông biết chừng nào (...)

(...) “Cây dừa ngất gió trùng điệp” gợi ông một “kiếp đau dài” (Trường Sa Hành); “gốc cây nứt nở vỏ” nói với ông “bao điều thầm lặng lớn” mà “trí ta không đủ lực đo lường” (Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ); góa phụ khóc chồng, ông kêu “em khóc làm chi lẽ diệt sinh”; tiếng con chó tru ông thấy “thăm thẳm ngây thiên địa”; gái góa tìm chồng không phải tìm trong vườn ngoài nội mà là... “chạy tìm anh ngoài cõi gió”... Tâm hồn ông tưởng chừng có kích thước vũ trụ (...)

(...) Ông (...) hàng ngày ra vào cửa sinh cửa tử, đàm đạo với khí Âm khí Dương, chuyện trò với cái Vô Cùng cái Bất Tận v.v... Trông cây dừa ông không chỉ thấy cây dừa, nhìn gốc cây ông không chỉ thấy gốc cây, nghe chó tru không chỉ nghe chó tru v.v. Những hình ảnh âm thanh nọ còn là những ký hiệu, để ông đọc cái nghĩa đời, ông đọc ra lời nói của Thượng Ðế, đọc những tiết lộ về bí nhiệm của cuộc sống. Thơ ông là thế. Không sao? Thơ ông là thế, là triết đấy. Thơ ông là triết, nhưng ông không phải là triết gia. Theo cái nghĩa một đấng suy tư, theo cái hình ảnh một kẻ sói đầu, khắc khổ miệt mài. Nếu miễn cưỡng phải là triết gia, ông là thứ triết gia ràn rụa nước mắt, triết gia héo hắt tâm can. Ông không vắt óc nghĩ ra tư tưởng; ông cảm xúc triết lý, bằng tấm lòng, bằng ngũ quan. Cái triết này không tháp ngà tháp nghiếc gì. Không tháp, không đền, cũng không phải thành hình từ trong phòng, trong liêu, trong am, trong động, trong hang nào cả. Những câu hỏi của Tô Thùy Yên đặt ra là đặt giữa trời đất bao la, giữa bể khơi ầm ĩ, giữa phá rộng sông dài, đặt ở ngả ba sông, ở mép nước lao xao lính tráng một chiều dừng quân, đặt giữa súng ống ngổn ngang, thây người chồng chất v.v. Giữa dòng đời tấp nập, giữa sinh hoạt náo nhiệt... (...)

(...)

(...) băn khoăn siêu hình là chủ yếu trong thơ Tô Thùy Yên, ngay từ lúc bắt đầu, từ những ngày ông còn rất trẻ (...)


(Trích từ bài nhận định về thơ Tô Thùy Yên
trong bộ sách
Văn học Miền Nam)