Nguyễn Thế Phương, “Ðào chèo” (1)




Hai cánh màn trên sân khấu khép lại, tiếng reo hò lẫn tiếng vỗ tay của người xem dội lên không trung không ngớt. Màn lại từ từ mở ra, Bích, người nữ diễn viên thủ vai chính của vở chèo, phải ra chào lại một lần nữa. Hai tay se sẽ nắm lấy tà áo năm thân, Bích nghiêng đầu chào mọi người. Nụ cười của Bích nở ra hân hoan. Ánh sáng của mười ngọn đèn điện hắt vào khuôn mặt trái soan làm nổi bất lên hàm răng trắng như hai chuỗi ngọc lấp lánh bên trên màu đỏ tươi của chiếc yếm lụa cổ viền. Tiếng vỗ tay lại dội lên râm ran. Ðêm diễn chèo kết thúc, những lưng áo vải vàng của bộ đội, lẫn vào những tà áo nâu đậm nâu non, lấp loáng tản về các ngả.

Ðại úy Thanh và tôi cố lách trong đám đông đi lại phía gần sân khấu để đón Bích. Chúng tôi còn đang đứng ngóng vào phía hậu trường, thì một giọng nói trong vắt và quen thuộc nổi lên phía sau chúng tôi:

- Ba với chú chưa về nghỉ ạ!

Chúng tôi cùng quay lại. Bích đã ra đấy tự lúc nào rồi. Ðã lâu ngày không gặp Bích, tôi mừng rỡ định chào Bích bằng một lời khen nào đó để tỏ sự yêu mến của tôi đối với Bích, chẳng hạn như "Bích đóng vai vừa rồi thành công lắm" hoặc "Bích hát hay quá", nhưng ông Thanh đã kéo tôi đi và quay lại bảo Bích:

- Con vào xin phép đoàn về với ba một hôm, chắc mai đoàn của con còn nghỉ lại đơn vị này.

Bích dạ một tiếng rồi chạy vụt đi như con sóc. Một lát nàng quay lại, ngoan ngoãn đi theo sau chúng tôi. Ông Thanh đưa mọi người vào một quán hàng bán cháo khuya ngay cạnh đó.

Ðã hai năm nay, tôi không gặp Bích. Dưới ánh đèn, tôi vừa húp những thìa cháo nóng vừa ngắm kỹ bố con ông Thanh. Khuôn mặt của hai người không giống nhau lắm. Nếu không nghe họ xưng hô với nhau thì có lẽ không ai nghĩ Bích là con gái của đại úy Thanh, anh bộ đội già có nét mặt gân guốc, bạn của tôi này.

Bích là một thiếu nữ đẹp, hai làn lông mày rất cong đặt gọn trên đôi mắt rất đen và dài. Ông Thanh ngồi săn sóc cho con ăn, cặp mắt đầy vẻ thương yêu. Hình như trước mặt người sĩ quan đã luống tuổi ấy, ngôi sao sân khấu chèo kia vẫn còn hết sức bé bỏng.

Ông Thanh hỏi Bích tỉ mỉ về sức khỏe, về việc học tập và trình độ nghệ thuật của con. Tôi lấy làm lạ vì thấy ông bạn tỏ ra rất am tường nghệ thuật chèo cổ. Ông nói đến các làn chèo như vỉa, vỉa nồi niêu, sa lệch bằng, sa lệch chênh một cách thành thạo. Bích vui vẻ vừa suỵt soạt húp cháo vừa trả lời bố. Thỉnh thoảng đôi mắt của nàng khẽ nheo lại tinh nghịch nhìn tôi.

Chợt ông Thanh hỏi:

- Chiếc khăn ấy, con có còn giữ đấy không?

Một vẻ gì như không vừa ý bỗng gợn lên trong mắt Bích, nàng khẽ đáp:

- Lần nào gặp con ba cũng hỏi ngay chiếc khăn, con nghĩ ba quên nó đi vẫn hơn.

Nét mặt ông Thanh trở nên trầm ngâm. Ông đặt thìa cháo húp dở vào bát và yên lặng nhìn con, rồi nói rất nhanh:

- Sao con lại nói ba phải quên. Nếu ba quên nó thì không thể nào ba lại có thể sống và làm việc được. Và cả con nữa, con phải giữ và đừng quên nó, nếu không giọng hát của con sẽ đục đi mất!

Những lời của ông Thanh làm cho tôi ngạc nhiên. Mặc dầu là bạn thân của bố con ông Thanh - chả là tôi thường về nằm ở đơn vị này để lấy tin cho tờ báo của chúng tôi - nhưng tôi vẫn chưa có dịp để hiểu rõ quá khứ của họ.

Sau lần gặp gỡ ấy độ một tháng, tôi nhận được một tập thư dài của ông Thanh (...)

*

Anh Thái,

(...) Tôi sinh ra ở đất làng Thượng Lão, vào cái thời buổi mà, như người ta thường nói, những người nông dân chúng tôi ở vào cái tình cảnh "gánh cực mà đổ lên non". Bố mẹ tôi đã sinh ra tôi ở chái chuồng ngựa của một người giàu trong làng. Mẹ tôi vốn là một đào chèo danh tiếng. Người nhà giàu có cái chuồng ngựa đã mua mẹ tôi về làm nàng hầu, sau một đêm mẹ tôi theo phường đến hát ở đình Thượng Lão. Ðược ít lâu, vợ cả của người ấy bắt hắn phải bỏ mẹ tôi và đem gả mẹ tôi cho bố tôi bấy giờ là một người ở chăn ngựa cho hắn.

Thế là bố mẹ tôi thành đôi vợ chồng. Khi bắt đầu có mang tôi, thì mẹ tôi vui hẳn lên và hay hát. Mẹ tôi thường nói với bố tôi:

- Nhà ơi, cứ lúc nào hát lên được thì lại thấy đỡ khổ.

Bố tôi bảo:

- Vui vẻ gì mà hát với hỏng!

Nhưng bố tôi thương mẹ tôi lắm. Mỗi khi mẹ tôi ngồi hát đủ các làn chèo trong cái chái chuồng ngựa ấy, thì bố tôi lại ngồi lặng im mà nghe. Có một buổi tối, bố tôi đang cùng mẹ tôi giã gạo cho nhà chủ thì mẹ tôi tự dưng hát to lên. Hàng xóm đổ ra đứng ngoài đường mà nghe. Cả tên nhà giàu nọ cũng mò xuống đứng trong vườn nhà hắn mà nghe. Vợ hắn liền nổi cơn ghen, ra túm lấy hắn kéo vào nhà, xong ra bảo bố tôi:

- Bảo cái con vợ mày đú mỡ vừa vừa chứ, không thì bà đuổi khỏi cái đất này.

Bố tôi sợ hãi vâng dạ. Còn mẹ tôi thì ôm lấy bố tôi mà cười đến chảy nước mắt. Nhưng từ hôm ấy mẹ tôi cũng ít dám hát. Chỉ thỉnh thoảng hát khe khẽ một mình, và sau khi sinh tôi, những lúc ru tôi, mẹ tôi mới hát. Khi kể lại cho tôi nghe tất cả những chuyện ấy, bố tôi bảo:

- Cái máu đào chèo của mẹ mày nó nặng lắm.

Bố tôi kể rằng, vào những dịp giêng hai phường chèo thiên hạ đến hát ở làng tôi, không đêm nào là mẹ tôi không bồng tôi đi xem cho được. Và mỗi lần phường đi khỏi làng thì mẹ tôi lại buồn bã đến mấy ngày. Nhưng những mất mát ấy đã được tình cảm của bố tôi bù đắp, nên mẹ tôi cũng yên phận sống trong cái chái chuồng ngựa ấy.

Mẹ tôi nuôi tôi được sáu tuổi thì chết vì bệnh sản (đứa em tôi trong bụng cũng chết theo). Tôi không nhớ rõ mặt mẹ tôi, chỉ nhớ hình như đó là một người đàn bà nhỏ nhắn, nước da trắng mịn, hơi xanh. Nhưng giọng hát của mẹ tôi thì vẫn như còn lẩn quất bên tai tôi.

Anh Thái ơi, hình như cái máu đào chèo đã truyền vào tôi những đêm mẹ tôi ru con bằng đủ các làn chèo cổ. Sau khi mẹ tôi mất, bố con tôi vẫn ở lại cái chái chuồng ngựa đó. Một hôm bố tôi ở ngoài đồng về, thấy tôi đang giắt mấy cánh hoa đại lên đầu, buộc lại bằng một sợi dây chuối, tay chỉ vào con chuồn chuồn đậu ở cành tầm tôi mà hát véo von. Tôi đang bắt chước vai nàng Vân dại mà tôi mới được xem phường Thượng Ðông hát ở làng. Bố tôi ngẩn ra nhìn tôi một lát rồi lẩm bẩm những gì tôi không nhớ rõ. Hình như bố tôi bảo rằng:

- May sao mày lại không phải là con gái!

Tôi nói với bố tôi:

- Ngày sau con lớn, con cũng đi hát chèo như mẹ bố nhé.

Bố tôi cho là tôi trẻ con nói nhảm, nên chỉ cười mà bảo tôi:

- Cái máu đào chèo của mẹ mày ghê thật! Hát chèo khổ lắm con ạ, đừng làm cái nghề ấy.

Tôi ở với bố tôi đến 16 tuổi trong cái chái chuồng ngựa ấy. Ðời bố tôi mòn lụi đi xung quanh những bãi phân ngựa. Hình như trí não của bố tôi bị liệt đi, mà sự sống của con người bố tôi chỉ còn là sự cựa quậy của hai cánh tay và đôi chân. Bố tôi làm quần quật và không nghĩ ngợi gì. Bố tôi vui lòng với một miếng trầu hay một chén rượu mà mụ chủ nhà thưởng cho về một công việc gì bố tôi đã làm được nhiều. Những hôm như vậy, bố tôi về mỉm cười bảo tôi:

- Hôm nay bà khen đấy!

Cái cười của bố tôi mếu máo, nửa như người khóc, tôi còn nhớ mãi. Nhiều khi tôi phát giận bố tôi vì nhớ đến cái miệng cười ấy. Không, bây giờ tôi không giận bố tôi cười nữa, tôi chỉ thấy xót xa. Cái chuồng ngựa nhà giàu ấy đã làm méo mó cả cái miệng cười của bố tôi đi rồi. Sau này, cuộc đời của tôi đã làm cho tôi hiểu vì sao bố tôi lại có thể có những cái cười như vậy.

Lúc bấy giờ, tôi vui nhất khi đi cắt cỏ trên ngọn đồi gianh sau làng. Tôi thường hát ví von với các bạn. Cũng không hiểu sao, còn rất trẻ mà tôi đã thuộc nhiều làn chèo đến thế. Trai trong làng cứ phải ghen lên với tôi vì giọng hát. Người làng họ bảo:

- Nó con nhà nòi!

Còn bố tôi thì bảo:

- Cái máu đào chèo của mẹ mày ghê thật!

Và mỗi lần như thế thì bố tôi lại tự an ủi:

- May sao mày lại không phải là con gái.

Bố con tôi cứ sống như thế, cho đến một hôm tôi trốn ra khỏi cái nhà ấy, đi theo một phường chèo tỉnh Nam vừa đến hát ở trong làng mấy đêm.

Khi trốn đi, tôi không thấy thương bố tôi lắm, mà chỉ thấy vui sướng vô cùng. Tôi gánh hai chiếc bồ to của phường chạy tong tong hết làng này sang làng khác. Khi lên tận tỉnh Nam, có lúc tôi nhớ đến bố tôi, thương bố tôi, nhưng không hề có ý định trở về. Có lần gặp người quê trên Thượng, tôi gửi cho bố tôi một ít tiền đã dành dụm được. Sau đó ba năm thì tôi nghe tin bố tôi chết.

*

Thế là tôi đã thành một tay kép chèo. Tôi sung sướng đi theo phường chèo khắp đó đây. Chỉ sau mấy năm tôi đã trở nên tay kép nổi nhất trong phường. Vừa trẻ, vừa hát hay, tôi được người xem rất ưa thích. Tôi không phải là trùm phường, nhưng người thiên hạ thường lấy tên tôi đặt cho phường, gọi là phường Hai Thanh.

Tiếng tăm phường Hai Thanh đồn lựng cả lên khắp một vùng tỉnh Nam. Lắm lúc nghĩ đến cảnh mẹ tôi khi còn sống phải hát thầm trong xó chuồng ngựa, tôi lại thương mẹ tôi vô cùng và cảm thấy mình sung sướng hơn.

Tôi không còn bố, không còn mẹ. Tình cảm tôi chẳng biết trao cho ai, chỉ lấy những đêm chèo làm vui, nên tôi mê nghề lắm. Cứ thế cho đến lúc tôi phải lòng cô đào chèo ngay trong phường tôi là Nương, vợ tôi, mẹ của Bích bây giờ.

Anh Thái ơi, nếu anh đọc đến chỗ này, mà anh có thấy chữ của tôi ngoằn ngoèo run rẩy, thì anh cũng tha lỗi cho. Tôi không hiểu sao, được rèn luyện qua những năm chiến đấu vào sinh ra tử ở các chiến trường Trung du, Thượng Lào, Việt Bắc, dày dạn là thế, mà mỗi khi nhắc đến Nương tôi vẫn không khỏi run rẩy cả người. Ở mặt này, quả tim tôi yếu ớt quá.

Lúc đầu Nương chỉ là một người thường gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh mẹ tôi. Nương giống hệt Bích bây giờ, nhưng Nương ăn mặc khác. Nương thường mặc một chiếc áo the dài có những chiếc khuy bạc lóng lánh. Cũng một cô đào trẻ và đẹp, cũng một giọng hát cao trong văn vắt, cũng một nước da trắng mịn và một đôi mắt đen dài.

Tôi và Nương cùng lớn lên trong cuộc đời lang thang khắp tỉnh Nam. Cả hai chúng tôi đều trở thành trụ cột của phường. Chúng tôi thường đóng vai cặp đôi với nhau. Hễ tôi làm Lưu Bình thì Nương làm Châu Long, tôi mà làm Kim Nhan thì Nương làm Xúy Vân giả dại. Một hôm đang sắm trò Lưu Bình Dương Lễ, tự dưng Nương nhìn tôi chăm chắm và hát lạc cả điệu nhị hồ kéo ở trong buồng chèo. Tôi đang làm Lưu Bình ngồi đọc sách, thấy thế hoảng hốt chưa biết làm sao thì khách xem đã xúm nhau phản đối, ra dấu bảo chúng tôi ngừng làm trò và bắt trùm phải ra xin lỗi.

Xong buổi hát hôm đó, Nương ra ngồi ở sau buồng chèo mà khóc sụt sịt vì bị bác trùm phường rầy. Tôi ra tìm Nương để an ủi, thì Nương lại khóc to hơn. Rồi Nương phụng phịu bảo tôi:

- Tôi không muốn làm vợ chồng giả với anh nữa đâu.

Sau hôm đó, thì chúng tôi trở thành vợ chồng thật.

Tôi và Nương rất thương nhau. Cách biểu lộ tình yêu của chúng tôi có lẽ khác với những đôi vợ chồng trẻ bây giờ lăm lắm. Chúng tôi không mấy khi nói với nhau những lời tình tứ thiết tha như người ta hay tả ở trong sách. Chỉ có mỗi khi ăn cơm thì Nương bao giờ cũng dành cho tôi một miếng cháy ngon nhất, vàng xuộm. Chả là Nương biết tính tôi hay ăn cháy. Hôm nào Nương nấu cơm hơi nhão không có cháy là Nương phàn nàn mãi. Ðến lúc sắm trò thì bao giờ Nương cũng để phần tôi cái việc kẻ lông mày cho Nương. Còn tôi thì luôn luôn để phần Nương việc giắt hộ mối khăn đằng sau. Cả phường đều bảo:

- Vợ chồng nhà Hai Thanh như đôi chim cu.

Bây giờ nghĩ lại, tôi càng thấy rõ lúc ấy chúng tôi thương yêu nhau lắm.

Cũng từ đấy, chúng tôi sắm trò xuất sắc hơn cả khi trước. Phường chúng tôi càng nổi tiếng khắp nơi. Người đến mời đi tới tấp, anh em trong phường khá hẳn lên. Vì thế, vợ chồng tôi được tất cả rất yêu mến.

Một năm sau, Nương sinh con gái. Cháu Bích bây giờ đấy. Tôi còn nhớ Nương sinh Bích vào dạo lúa tháng mười đang chín rộ. Năm nay Bích vừa 20 tuổi, thế là năm sinh Bích đúng là năm 40 đấy. Khi sinh Bích chúng tôi phải nghỉ hát ít lâu.

Khi Nương đã lại sức thì vợ chồng tôi lại bồng con đi theo phường. Lời bố tôi nói: "Cái máu đào chèo của mẹ mày nó nặng lắm", nghĩ mà đúng anh ạ. Cả hai vợ chồng tôi đều không muốn bỏ nghề. Tôi và Nương cứ thay nhau ẵm con đi theo phường không sót một tối nào.

Chúng tôi say nghề. Chúng tôi say nhau. Có thêm đứa con chúng tôi lại say thêm con. Cuộc đời dường như cứ êm đẹp mãi mãi như thế. Tôi và Nương đã nghĩ đến dành dụm một ít tiền để về quê Thượng Lão của tôi một dạo, gọi là thắp nén hương lên mồ bố mẹ tôi.

Nhưng mọi việc đã không xảy ra như vợ chồng tôi muốn.


(còn tiếp)