“Nghĩ về lịch sử” (2)

Mất còn




Cộng đồng định cư nào cũng gồm một số người sống với nhau trên một vùng đất. Nếu những cư dân ấy sống theo một nền nếp riêng, tức có một nền văn hóa riêng, thì họ là một dân tộc.

Một dân tộc có thể bị mất quyền cai trị trên vùng đất mà mình đang sống, tức mất độc lập.

Chuyện gì xảy ra sau khi một dân tộc mất độc lập?

Mất độc lập, có thể còn văn hóa

Ai cũng biết nước Tàu từng mất vào tay người Mông Cổ. Nhưng văn hóa Tàu không mất. Rốt cuộc, chính văn hóa Mông Cổ mới mất!

Về chuyện này, trước giờ vẫn có một lối giải thích phổ thông. Rằng sở dĩ xảy ra như thế là do văn hóa Tàu cao đã đồng hóa được văn hóa Mông Cổ thấp.

Văn hóa cao không nhất thiết thắng văn hóa thấp đâu!

Nếu cao thắng thấp, tại sao văn hóa Tàu không đồng hóa được văn hóa Việt sau hơn một nghìn năm đô hộ Cổ Việt? (Ðây giả sử vào thời điểm người Tàu chiếm nước ta, tuy tổ tiên ta không hề “mọi rợ” như kẻ xâm lược vu khống, văn hóa ta bấy giờ nói chung thấp hơn văn hóa Tàu.)

Nếu cao thắng thấp, tại sao văn hóa Chàm không đồng hóa được văn hóa Tây Nguyên (vốn thấp hơn văn hóa Chàm) khi người Chàm lên ở Tây Nguyên?(1)

Rõ ràng chênh lệch cao thấp không tự một mình nó quyết định được kết quả mất còn khi hai nền văn hóa giao lưu. Nó thực ra chỉ là một trong mấy yếu tố quyết định kết quả.

Cái gì quyết định sự mất còn của văn hóa?

Khi một dân tộc mất độc lập, ngoại nhân đến cai trị sẽ mang vào văn hóa riêng của hắn. Văn hóa ngoại lai và văn hóa bản địa giao lưu, sau một thời gian sẽ ra đời một văn hóa lai. Văn hóa lai ấy giống văn hóa gốc nào hơn, tùy thuộc vào ba yếu tố.

Yếu tố thứ nhất là tỉ lệ dân số: bên nào đông dân hơn thì dễ lưu truyền văn hóa của mình hơn.

Yếu tố thứ hai là tương quan thế lực chính trị: văn hóa ngoại lai của kẻ cai trị dĩ nhiên sẽ được hắn cố áp đặt lên dân bản địa bị trị. Ðồng thời, một số dân bị trị sẽ tự ý học tập văn hóa ngoại lai để mong được kẻ cai trị tuyển dụng.

Yếu tố thứ ba là độ chênh văn hóa: Văn hóa vật chất cao (kỹ thuật tiến bộ) là một ưu thế đặc biệt quan trọng trong việc phổ biến văn hóa tinh thần. Như đã nhiều lần trình bày, nhân loại có cái lối “thua vật chất, mất tinh thần, bỏ tinh thần”, nghĩa là hễ cứ thua ai về vật chất thì khiếp, thì chẳng những chỉ bắt chước văn hóa vật chất của người mà còn bỏ luôn văn hóa tinh thần của mình để theo văn hóa tinh thần của người! Mặt khác, khi một đất nước bị chiếm, ác cảm tự nhiên của người dân mất nước đối với kẻ xâm lược sẽ khiến cái diễn biến Thua-Mất-Bỏ vừa nói không diễn ra ở mức độ bình thường.

Trở lại với mấy ví dụ đã đưa ra.

Ở Trung Nguyên, sở dĩ văn hóa Tàu còn, văn hóa Mông Cổ mất, ấy bởi người Tàu vừa hết sức đông đảo vừa có văn hóa cao. Người Mông Cổ chắc chắn đã cố áp đặt văn hóa Mông Cổ, nhưng đành chịu thất bại.

Ở Cổ Việt, sở dĩ văn hóa Việt còn, văn hóa Tàu mất, ấy bởi người Việt có dân số áp đảo.(2) Tổ tiên ta đông hơn hẳn, khiến kẻ xâm lược kia tuy “đè đầu cưỡi cổ” và có văn hóa cao hơn rốt cuộc không đồng hóa được dân bản địa.

Ở Tây Nguyên, sở dĩ văn hóa Chàm mất, văn hóa Tây Nguyên còn, ấy bởi dân số Chàm trên ấy không là bao nhiêu so với dân số các dân tộc “thiểu số”! Thế thượng phong chính trị của người Chàm và trình độ ưu việt của văn hóa Chàm không giữ nổi văn hóa Chàm.

Thực ra sau khi giao lưu hoàn tất, thì trên cái đất nào đó sẽ không còn văn hóa A và văn hóa B riêng biệt nữa, mà chỉ có một cái văn hóa lai.

Nếu “đứa con” giống A hơn hẳn giống B, ta gọi nó là A.

Nếu “đứa con” giống B hơn hẳn giống A, ta gọi nó là B.

Văn hóa Tàu sau đời Nguyên là một văn hóa lai rất giống văn hóa Tàu trước đời Nguyên, nên vẫn gọi là văn hóa Tàu.

Văn hóa Việt sau thời Bắc thuộc là một văn hóa lai rất khác văn hóa Tàu, từ đó suy ra nó rất giống văn hóa Việt trước Bắc thuộc, nên vẫn gọi là văn hóa Việt.

Văn hóa Tây Nguyên sau thời nước Nam Bàn là một văn hóa lai rất giống văn hóa Tây Nguyên trước khi có nước Nam Bàn, nên vẫn gọi là văn hóa Tây Nguyên.

“Còn” đây là theo cái nghĩa tương đối như thế.

Văn hóa còn, mới mong có ngày độc lập trở lại

Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, trên đất cũ của tổ tiên ta đã hình thành một văn hóa mới có chứa khá nhiều nét của văn hóa Tàu.

Nhưng cái văn hóa lai ấy cơ bản vẫn là văn hóa Việt. Nó ý thức nó khác văn hóa Tàu và luôn hậm hực tìm cách lấy lại địa vị số một trên vùng đất vốn thuộc về nó.

Vào cuối thời Bắc thuộc, người Việt vẫn thấy mình khác người Tàu và do đó vẫn quyết tâm “đuổi Ngô về Tàu”. Dân có quyết tâm, nên khi cơ hội lịch sử đến, thì người tài giỏi Ngô Quyền bèn... Bạch Ðằng giang!

Về chuyện cũ giữa người Việt và người Tàu, bài học lịch sử cho họ là muốn giữ mãi thuộc địa thì phải cấp tốc đưa đông đảo dân đến ở thuộc địa, cấp tốc biến thuộc địa thành chính quốc. Phần ta, con cháu bây giờ nên nhớ ơn tổ tiên xưa kia đã chịu khó đẻ, duy trì được một tỉ lệ dân số áp đảo đối với kẻ cướp nước.

Và ta cũng nên noi gương tổ tiên mà chịu khó sinh sôi thêm (trong giới hạn khả năng nuôi được) để phòng xa...



Thu Tứ




















___________________
(1) Ðào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, nxb. Thuận Hóa tái bản 1994, tr. 234: “Những người Chiêm ở phía Tây Nguyên mà trước kia Lê Thánh Tông đã cắt ra làm nước Nam Bàn, thì sau khi căn cứ của họ là nước Chiêm Thành ở miền Phan Rang, Bình Thuận đã mất, họ cũng dần dần chịu ảnh hưởng của phương thức sinh hoạt lạc hậu của những bộ lạc nguyên thủy ở miền ấy”.
(2) Do những lẽ nào đó dân Tàu đã không ồ ạt kéo xuống định cư. Người Tàu ở đất ta gồm chủ yếu là quan lại và quân viễn chinh và thương nhân, tổng cộng thành một con số tương đối nhỏ.