“Nhớ ma”




Có ai để ý phim ma đã biến mất khỏi Hollywood? Ðể phục vụ khách ưa hồi hộp, các phim trường Mỹ nay tập trung khai thác loại nội dung hợp thời hơn.

Phim Thứ sáu 13 đã ra đến cuốn thứ bảy. Phim Ác mộng trên đường Elm cũng đang rất ăn khách. “Freddie” trong Ác mộng... tiêu biểu cho hình ảnh của kinh hoàng trong thời đại mới. Hình ảnh ấy không có gì ma quái. Vất đi chiếc mặt nạ ấu trĩ, mặt mũi kẻ chuyên giết trẻ em chỉ khác lạ ở ánh mắt bất thường của một con bệnh tâm thần.

Thời mới, người sợ người. Nhìn quanh, có lúc bỗng nhớ ma.

*

Ma quỷ xuất hiện không biết tự bao giờ. Có lẽ không lâu sau giây phút loài người nhìn xác chết của đồng loại mà bỗng thấy hoang mang. Ta loay hoay cố cắt nghĩa mất còn. Khi đôi mắt ta chợt hết trống rỗng như mắt muôn loài mà bắt đầu nhấp nhánh một tia lửa lạ, thì trong trí óc ta cũng liền nhóm lên nỗi khiếp sợ cái gì đó tuy thật mơ hồ mà ghê gớm hơn cả hùm beo. Dưới ánh lửa bập bùng trong những hang động tiền sử, ma quỷ bắt đầu ám ảnh tổ tiên ta. Và, mới cách nay chưa lâu lắm, chúng còn ám ảnh chính ta.

Tuy không “đẹp”, những “kỷ niệm” với ma thế mà bám dai dẳng vào trí nhớ.

Nhớ thủa bé, đang ngủ chợt thức dậy, nhìn quanh thấy mọi người bỏ đi đâu mất cả, còn chỉ một mình mình trong gian nhà trống trải. Lập tức nhích vào sát vách, kéo chăn trùm kín toàn thân. Loay hoay thế nào để vài ngón chân bỗng lọt ra khỏi chăn là kinh hoàng tột độ, vì ma có thể đã đứng sẵn bên giường chực vồ ngay lấy. Phải co cụm cho thật nhỏ, che chắn cho thật kỹ, mới may ra... Nhưng ma không vào được chăn thì lại đột nhập trí não. Bao nhiêu hình ảnh ghê rợn lũ lượt kéo về, bao nhiêu câu chuyện kinh khủng vụt rõ mồn một bên tai. Mồ hôi rịn ướt, người cứng, thần kinh căng thẳng. Hết sức muốn vùng dậy chạy ra khỏi phòng mà không dám cựa quậy, nhúc nhích. Quang cảnh người đông đèn sáng bây giờ cảm thấy xa xôi như... trần gian!

Nhớ lúc sợ ma, nhớ cả lúc cười hả hê vì ma. Năm xưa, anh em đang ngồi trò chuyện trên căn gác nhỏ. Anh ba đứng dậy, bước về phía cửa ra hiên, chắc định hóng mát. Không ai để ý. Bỗng nghe tiếng hét long trời, rồi bóng anh bay vụt qua trước mắt mọi người, tiếp theo tiếng chân chạy rầm rầm xuống cầu thang gỗ. Ai nấy sững sờ. Nhìn ra cửa, thấy chị người làm đứng ngơ ngác. Lát sau, kẻ đào tẩu run rẩy trở lên. Thì ra chị N. ra hiên từ bao giờ không ai biết. Khi anh ba đẩy cửa, tình cờ đúng lúc chị cũng vừa đặt tay lên quả nắm, chận bớt sức anh. Giằng co vài giây, cảm rõ có cái gì đó đằng sau cánh cửa và đinh ninh không có ai ngoài ấy, óc mẫn tiệp của anh cắt nghĩa được ngay và anh phản ứng tức thì!

*

Cười thích chí khi mục kích cái hoảng hốt nhầm lẫn của kẻ khác, điều ấy hẳn không riêng loài người. Con ma nào chợt hiện về trong óc anh ba chắc đã không nén được nụ cười khả ố khi trông thấy anh vắt giò lên cổ. Và cứ thế loài ma đã khủng bố tinh thần loài người suốt không biết bao nhiêu thế hệ mà không hề bị ta bắt được, dù chỉ một lần.

Dọa bằng hình ảnh tưởng tượng, nạt qua tiếng đồn, đạt kết quả rất cụ thể mà thủy chung không hề trực tiếp ra tay, ấy là cái đặc điểm đáng kể nhất của những kẻ đến từ thế giới bên kia.

*

Cuối thế kỷ hai mươi, ma bị những con bệnh tâm thần đuổi về âm phủ.

“Nạn nhân” một thời của ma muốn phát biểu dài dòng về “hung thủ”, mà bóp trán mãi vẫn không sao ra được “chi tiết” gì rõ ràng.

Cái còn lại trong ký ức không liên hệ đến con ma thè lưỡi nào cả! Ngoái nhìn dĩ vãng, toàn bộ hình ảnh ghê rợn từng ám ảnh thời thơ ấu nay đã nhạt nhòa. Nhắc ma quỷ giờ chỉ nghe ấm áp! Ngược thời gian, chỉ gặp một đứa bé nằm trong lòng bà nó đòi nghe kể chuyện con ma giấu nổi tiếng thêm một lần nữa. Hoặc nài nỉ cha nó cố nhớ thêm những trò rùng rợn của con ma cười ở nhà bà hai. Hoặc vặn hỏi má nó về những con ma đuốc hình gà cồ bí ẩn từng bay chấp chới ngoài đồng quanh nhà ông ngoại. Soi kỹ quá khứ, thấy bất quá anh em đùa giỡn, giả làm ma hù nhát nhau...

Kẻ từng chết khiếp vì ma, nay lại ấp úng về ma. Dưới âm ty hẳn đang rúc rích tiếng cười thắng lợi!



Thu Tứ
Viết năm 1989
Sửa cho ngắn năm 2007