“Nghĩ về lịch sử” (3)

Ước với định với luật




Quan hệ giữa các nước được chính thức hóa bằng những hòa ước, điều ước, hiệp ước, thỏa ước, minh ước, công ước, hiệp định, nghị định thư v.v. và các thứ luật quốc tế.

Bản chất, phân loại

Như đã có lần nhận xét (1), nội dung của những văn kiện nói trên cơ bản là kết quả của những cuộc tranh giành đất đai, quyền lợi, ảnh hưởng giữa các nước trên thế giới.

Tất cả đều thuộc một trong hai loại:

- Loại thứ nhất hết sức cổ xưa, vì ra đời cùng lúc với chiến tranh, ra đời để chuẩn bị cho, hay để kết thúc chiến tranh. Số minh ước, hòa ước, hiệp ước v.v. nhiều có lẽ còn hơn cả số những cuộc chiến tranh! Từ cuối thế kỷ 19 tới nay: hòa ước Paternote, hiệp ước Versailles, hiệp ước Munich, hiệp định Potsdam, hiệp định Genève, minh ước Bắc Ðại Tây Dương, minh ước Vác-xô-vi v.v.

- Lọai thứ hai rất mới, vì ra đời sau khi kỹ thuật tiến bộ giúp nhân loại nơi nơi bắt đầu tiếp xúc được với nhau cách tương đối dễ dàng. Loại này không xuất phát từ những cuộc chiến tranh cụ thể, mà là kết quả của những giằng co giữa các đại cường nhằm trật tự hóa và tái văn hóa toàn thể thế giới theo ý riêng của mình. Ví dụ: những thỏa ước tài chính, thương mại, viễn thông, vận tải, những luật hải phận, hàng hải, hàng không, không gian, những hiệp ước về vũ khí nguyên tử, hóa học, sinh học, về hợp tác cảnh sát, về quyền tài phán, những công ước nhân đạo, luật nhân quyền (đặc sản Tây phương “cưỡng mãi” ầm ĩ nhất!) và gần đây hơn cả, còn đang ráo riết tranh chấp, những ước thúc nhằm bảo vệ sinh môi.

Tác giả, mục đích

Cái văn kiện quốc tế bé nhất thì cũng có hai chữ ký!

Các chữ ký luôn cùng kích thước. Nhưng chỉ “bằng chữ ký”, chứ thường không có chuyện “bằng lòng” đâu.(2)

Vì thường giữa những “ký nhân” có kẻ mạnh người yếu.

Yếu tuy cầm bút ký, nhưng ký chưa xong đã muốn vất bút cầm cái tờ giấy ấy lên mà xé, mà rồi vẫn phải ký!

Cớ làm sao yếu lại ghét nó thế?

Vì nó do mạnh viết ra rồi bắt yếu ký.

Kẻ mạnh viết “giấy”.

Hắn viết có khi để chính thức hóa và cụ thể hóa những kết quả của hành động xâm phạm sở hữu người yếu của hắn.

Hắn viết lại có khi để đặt ra những luật kia nọ, hoặc nhằm đảm bảo cái thế thượng phong tuyệt đối của hắn, hoặc nhằm áp đặt văn hóa của hắn lên người khác, hoặc nhằm cả hai.

Ai tuân, ai không

Người yếu dĩ nhiên phải tôn trọng hiệp ước, tuân thủ luật.

Kẻ mạnh, tuy chính hắn tác giả những nội dung rất thuận lợi cho hắn, nhưng việc đời bất trắc, thỉnh thoảng tôn tuân lại bất lợi! Trong trường hợp đó, hắn sẽ ngang nhiên bất tôn bất tuân.

Một đám nước “lớn” xúm nhau lập ra cái “Liên hiệp quốc”. LHQ được thiết kế để các lớn chính thức làm lớn với cả trái đất. Khổ, có đến năm lớn. Xẩy việc gì, đồng lòng cả, tốt, ta cùng vác cờ LHQ mà động binh cho “hợp pháp”. Còn nếu có bất đồng, không vác được cờ xanh đi theo, thì lớn nào đó vẫn cứ tụ tập anh em bè bạn lên đường đấm đá như thường, không thèm đếm xỉa tới thứ “pháp” do chính hắn đã hò hét đốc thúc xây nên!

Kẻ mạnh có khi, để tránh gặp phản đối dù yếu ớt, viết ra một thứ luật nội dung không thiên vị bên nào. Nhưng rồi hắn bắt người yếu phải tuyệt đối tuân theo luật, trong khi chính hắn thì... bơ!

Cái đám nước đã có cả đống bom nguyên tử xúm nhau làm hiệp ước cấm những nước chưa có quả nào không được làm bom. Nên nhớ theo hiệp ước Nuclear Non-Proliferation bọn có bom phải giải tán kho bom của mình. Nhưng bao nhiêu năm nay chỉ thấy bọn ấy nhao nhao đòi... bom những nước chưa có mà bị nghi là đang lén chế, chứ chưa ai thấy chủ bom nào đưa ra kế hoạch cụ thể về việc tự giải giới nguyên tử. Dại gì, ăn trên ngồi trước, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ, nhờ có bấy nhiêu!

Khi nào sửa, ai sửa

Không ai đi sửa luật có lợi cho mình.

Ngày đêm ra rả “Dân chủ! Bình đẳng!”. Miệng hô khẩu hiệu tới đâu, tay nắm chân giơ sẵn sàng đấm đá tơi bời để bắt cả thiên hạ theo tới đó. Nhưng chớ ai mơ có ngày “Ngũ Bá” trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ tự ý sửa luật để bãi bỏ những đặc quyền tuyệt đối, nói chi cắt giảm nhiệm kỳ dài vô tận của mình! Nước nước dứt khoát phải thực sự dân chủ, bình đẳng, nhưng riêng cái nước to nhất này – “nước Liên hiệp” - thì miễn, thì được tiếp tục độc tài bá trị, bất bình đẳng cho đến muôn năm!

Hễ sửa luật, bao giờ người ta cũng sửa nhằm có lợi cho mình.

Sửa, hay tối hậu là bỏ. Nhưng ai sửa, bỏ? Có thể chính những nước mạnh nguyên thủy nay vẫn còn mạnh muốn táy máy làm lại luật vì thấy khi làm lần đầu đã sơ sót khiến luật không đủ hiệu quả cho những mục đích của họ. Có thể những nước trước kia yếu, bị ép chấp nhận những nội dung bất lợi cho mình nay mạnh lên đủ, muốn thay những hiệp ước, hiệp định, luật lệ một chiều kia bằng những hiệp ước, hiệp định, luật lệ thiên vị theo chiều ngược lại!

Những cái vỏ bọc!

Khi kêu gọi tôn tuân ước kia định này luật nọ, người ta luôn luôn nhân danh hòa bình, nhân danh những giá trị “phổ quát” và gần đây nhất, nhân danh môi trường.

Nếu hòa bình nghĩa là đất nước nào đó tiếp tục bị ngoại nhân cai trị, hoặc tiếp tục bị hà hiếp, lấn lướt, xâm phạm, thì hòa bình chẳng có chút giá trị gì đối với đất nước ấy!

Những giá trị “phổ quát” thực ra chỉ là quan điểm, ý kiến riêng của một số "đại cường". Việc áp đặt những giá trị ấy có ý nghĩa xâm phạm tới nền độc lập của các quốc gia khác.

Còn môi trường, tuy việc bảo vệ nó có lợi lâu dài cho mọi người nhưng những biện pháp cụ thể đề nghị lại thường cản trở phát triển kinh tế ở những nước nghèo. Ngay nước kia giàu bậc nhất mà do thấy dự luật môi trường sẽ ảnh hưởng bất lợi ít nhiều cho kinh tế mình cũng liền tẩy chay!

Nhân loại có đạt được một số “ước-định-luật” mà nội dung cơ bản là vô tư, không thiên vị bất cứ nước nào.

Nhưng rất nhiều văn kiện quốc tế thực ra chỉ là những vỏ bọc văn hóa cho Luật Rừng Xanh, Luật Mạnh Hiếp Yếu, Luật Cá Lớn Nuốt Cá Bé!(3)

Do bản chất “rừng rú” của chúng, rất nhiều ước với định với luật quốc tế ký xong là chỉ đợi ngày bị đưa ra bãi rác khổng lồ của lịch sử!



(TB: Chúng tôi viết bài này, cũng như nhiều bài khác, là để trình bày nhận thức của mình về bản chất của các diễn biến lịch sử, chứ không nhằm mục đích cổ vũ chiến tranh. Ngược lại, chúng tôi cổ vũ tinh thần Bất Ðồng Nhi Hòa của văn hóa Á Ðông xưa. Theo tinh thần này, dù bất đồng ý kiến vẫn giữ hòa khí. Ta sống lối ta chọn và ta để yên cho người khác sống lối họ chọn. Ta không cố tận diệt mọi bất đồng nhằm “duy ngã độc tôn”!)



Thu Tứ




















________________
(1) Xem Nghĩ Về Lịch Sử (1).
(2) “Bằng mặt, không bằng lòng”.
(3) Ngay cái công ước đối xử nhân đạo với tù binh cũng mang sẵn trong nó tính mạnh hiếp yếu. Vì nó chỉ hiệu lực giữa những nước có ký tên vào công ước. Nước Việt Nam thời Pháp thuộc làm gì có tư cách ký! Cho nên quân đội Pháp tự do đối xử vô nhân đạo với tù binh kháng chiến Việt Nam. Nghĩ xem: đã đi cướp nước người ta, lại được “quyền” tha hồ tra tấn khi người ta chống cự, ước với ước do mình viết ra sao mà tiện lợi cho mình đến thế!