“Nghĩ về lịch sử” (5)


Bom và rào chắn








Chất lượng vũ khí đã nhiều lần quyết định kẻ thắng người thua, thậm chí kẻ còn người mất, trong lịch sử nhân loại.

Sự kiện người Hoa Hạ có vũ khí bằng sắt sớm hơn người Việt tộc chắc đã giúp việc bành trướng về phía đông và nhất là về phía nam của Hoa dễ dàng hơn. Huyền thoại chiếc nỏ thần của An Dương Vương chắc cũng chứa ít nhiều sự thực về tầm quan trọng của một loại vũ khí đặc biệt lợi hại. Và dĩ nhiên, súng nhỏ súng lớn và đạn pháo nổ của các nước Âu châu đã giúp họ chinh phục cả thế giới cách dễ như không.

Gần đây nhất, bom nguyên tử đã giúp Mỹ ép Nhật phải đầu hàng sớm. Sau đó, một cách gián tiếp, bom đã giúp Mỹ thắng Liên Xô: do cả hai bên đều có khả năng tận diệt nhau, chiến tranh lạnh không biến thành nóng được mà thành một cuộc chạy đua vũ trang ngoài sức chịu đựng của kinh tế Liên Xô...(1)

Bom tất nhiên không giúp riêng Mỹ. Lực lượng nguyên tử tương đối rất bé nhỏ của Tàu thế mà đủ làm cho Mỹ và Liên Xô phải e dè, không dám ăn hiếp Tàu quá đáng (Mỹ, Liên Xô đều thừa sức tận diệt Tàu, nhưng cũng sẽ bị Tàu gây tổn thất đáng kể).

Mỹ lấy làm hết sức khó chịu về việc bị vài chục chiếc hỏa tiễn Ðông Phong khá thô sơ cản trở hành động bá quyền của mình.

Vừa may kỹ thuật quân sự Mỹ tiến bộ đến mức chế được thứ tên lửa bắn tên lửa đủ độ tin cậy, Mỹ bèn tiến hành dựng hàng rào chắn tên lửa. Miệng nói để bắn hạ tên lửa (chưa có!) của Bắc Hàn, Ba-tư v.v., nhưng mắt nhắm chủ yếu vào Ðông Phong, với lòng ao ước rồi sẽ cải tiến được rào chắn tới mức vô hiệu hóa một phần đáng kể lực lượng tên lửa ghê gớm của Nga.

Bề mặt rất gạt gẫm, phải nhìn xuyên thấu. Chế tên lửa chủ công mà ít như Tàu là để thủ chứ không phải để công. Trong khi đã có vô số tên lửa chủ công mà lại chế thêm tên lửa bắn tên lửa như Mỹ, thì cái việc chế ấy nội dung của nó là công chứ không phải thủ!

Người ta chỉ chế một ít để “treo giá”(2), để đỡ bị mình ăn hiếp. Nay mình chực giật cái giá ấy xuống, mình muốn mình có khả năng tận diệt người ta với tổn thất không đáng kể cho mình (do vài chiếc Ðông Phong tình cờ lọt rào)!

Dĩ nhiên đời không đẹp như mơ. Mỹ xây rào chắn tên lửa thì đối thủ của Mỹ sẽ chế thêm tên lửa, và tới lúc nào đó cũng sẽ bắt đầy xây rào chắn. Lại chạy đua vũ trang.

Bom với tên lửa với rào chắn đều cực kỳ đắt. Chạy đua vũ trang thực chất là đấu sức về kinh tế. Lần trước Mỹ đại thắng Liên Xô là kinh tế tư bản đại thắng kinh tế cộng sản. Lần này đấu với thứ kinh tế nửa nạc nửa mỡ của Tàu, đến năm 2011 xem ra tư bản có bề nao núng! Lại còn Nga không hề có ý để cho Mỹ chực bắn rụng hết bao nhiêu Sa-tăng của mình!(3)

Ðè đầu cưỡi cổ thiên hạ mệt thế, sao không thôi đi nhỉ. Sao không bằng lòng làm một trong vài cái cực (oai chán rồi), mà cứ khăng khăng đòi bá chủ hoàn cầu?



Thu Tứ




















__________________
(1) Nói bom đây là nói cả đầu đạn nguyên tử. Mỹ có thể thả bom xuống và bắn tên lửa chở đầu đạn nguyên tử vào lãnh thổ Nga, Tàu. Nga đánh Mỹ thì bắn tên lửa là chính, gồm tên lửa liên lục địa phóng từ dưới đất và tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay. Tàu đánh Mỹ hiện nay chỉ có thể bằng tên lửa liên lục địa.
(2) Xem bài Treo Giá Mạng Nước của TT.
(3) Tức tên lửa R-36M (tức SS-18 cải tiến).