“Đề tích sở kiến xứ”

của Thôi Hộ




“Đề tích sở kiến xứ” hay “Đề đô thành nam trang” là một trong những bài thơ Đường nổi tiếng nhất. Thôi Hộ sáng tác thi phẩm này đã mười mấy thế kỷ, thế mà cách nay chưa lâu lắm cảnh trong thơ vẫn còn gặp được và người tình cờ gặp nó vẫn nẩy được cái cảm xúc y như của thi nhân xưa. Thú vị, người ấy là một người Việt Nam đang ở ngay trên đất nước mình.

Trong bài ký “Hoa đào năm trước”, Nguyễn Hiến Lê kể lại việc “kỳ ngộ” của mình vào dịp Tết năm nào đó trước 1945: “Sau một bức tường thấp (...) ló lên một tàng đào lớn, thịnh khai, đỏ thắm (...) cánh cửa gỗ (...) từ từ hé mở, một thiếu nữ trạc mười sáu mười bảy bước ra: vành khăn nhung bao làn tóc đen nhánh làm nổi nước da trắng mịn, hồng hào, áo the điều, quần lãnh Bưởi. Tôi có cảm giác trời xuân bỗng nhiên bừng sáng (...) lòng hồi hộp mà bâng khuâng (...) không phải chỉ riêng vì người mà vì toàn cảnh. Ánh xuân trong dịu, đường phố thanh tĩnh, màu câu đối dán bên cửa với màu áo trên mình thiếu nữ, nét mực Tàu với vành khăn nhung, nhất là màu hoa đào kia với nước da nọ, tất cả cùng hiện lên một lúc, hòa hợp với nhau một cách ngẫu nhiên mà tuyệt diệu (...) Tết nào, đi ngang qua tỉnh lỵ Sơn Tây, tôi cũng để ý tìm lại cảnh hoa đào năm trước (mà) không sao (...) gặp lại được (...) Một đời người hưởng được vài ba phút mà dư hưởng bất tuyệt đó, tôi tưởng đã là phước lớn (...) Cái tuyệt mỹ bao giờ cũng phù du, mà lại thọ nhất”.(1)

Về tuổi thọ của kỷ niệm, Xuân Diệu cũng hai lần nhắc: “Mãi mãi là trong những phút giây”, “Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau”.(2)

Sực nghĩ: người trước được “hưởng” “phút giây mãi mãi” rồi sáng tạo ra tác phẩm giá trị mà người sau tha hồ thưởng thức, nếu họ có “phước” thì ta cũng có chứ không sao! Một cái “phước lớn” làm sinh ra vô số cái “phước nhỏ”, thế chẳng cũng tuyệt vời sao!

*

Khi viết về kỷ niệm không quên được ấy của mình, Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến và tỏ ra rất yêu bài thơ của Thôi Hộ. Về việc dịch nó sang tiếng Việt, ông phát biểu: “Bài này đã có nhiều người dịch, nhưng tôi chưa gặp bản nào như ý, cho nên không muốn chép lại. Chỉ có hai câu của Nguyễn Du (trong Truyện Kiều): “Trước sau nào thấy bóng người / Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là xứng với hai câu cuối trong nguyên tác. Ai (…) dịch thêm hai câu đầu cũng thành lục bát, để ghép lại cho đủ bài thì thú lắm”.

Chúng tôi dịch “Đề tích sở kiến xứ” đến nay sáu lần, trong đó có một lần chỉ dịch hai câu đầu để thử ghép với hai câu sau của Nguyễn Du. Như thường lệ, chúng tôi đã cố tìm một vài bản dịch của người khác… Lạ, không biết tại sao cả Tản Đà và Ngô Tất Tố đều không thấy dịch bài này.

Nguyên văn

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.


Dịch nghĩa

Năm ngoái ngày này ở cửa kia
Mặt người và hoa đào (3) chiếu ánh hồng lên nhau
Người đẹp không biết đã đi nơi nào
Hoa đào vẫn cười với gió đông (4) y như cũ.

Dịch thơ

Bản 1:

Cửa kia năm trước ngày này
Người vay hoa thắm hoa lây má hồng
Người hoa giờ biết đâu trông
Hoa không người vẫn gió đông cợt đùa.


Bản 2:

Đào phai sánh với má hồng
Soi nhau tôn vẻ sáng trong tuyệt vời
Mười hai tháng trước đâu người?
Cửa này trơ để hoa cười gió đông.


Bản 3:

Xuân về, trở gót tìm nơi
Soi nhau má thắm đào phai, đây rồi!
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.


Bản 4:

Tô nhau đào thắm má hồng
Cửa này năm ngoái say lòng khách qua
Má hồng nay ở đâu xa?
Xuân sang nết cũ đào hoa lại cười.


Bản 5:

Ngày này năm ngoái cửa đây
Bên hoa ai đứng cho ngây ngất đời
Người đâu nhỉ, người đâu rồi?
Xuân sang, bóng lẻ, vẫn cười hoa kia…


Bản 6:

Bên nhau hồng ánh lên hồng
Cửa này năm ngoái, vô cùng phút giây!
Người đi ai biết đâu nơi
Xuân nay hoa thắm khoe tươi một mình.



Thu Tứ











_________
Tên bài nghĩa là “Viết lên chỗ từng trông thấy (người)”.
(1) Trong tập
Để tôi đọc lại (nxb Văn Học, 2001).
(2) Câu thứ nhất trong bài “Mãi mãi”, câu thứ hai trong bài “Xuân đầu”.
(3) Đào có hai loại: đào bích đỏ thắm, đào phai hồng phớt. Vì nguyên tác không nêu rõ, chúng tôi tùy tiện dịch khi là đào phai khi là đào thắm.
(4) Đây là gió thổi từ phương đông, tức gió xuân.