“Kỷ niệm riêng của một người” sao mà thơ thế.

Thử ca:

Thiên Thai nào phải đâu xa
Người trèo kẻ đợi dưới hoa: tiên rồi!
Dù bao nhiêu lượt xuân hồi
Ba mươi tháng chạp một đời không hai!

rồi lại thử ca:

Nhớ ơi “người trắng huê hồng”
Bạn tôi tôi bạn Bồng Bồng Lai Lai
Xuân bao nhiêu, bấy đến rày
Chẳng xuân nào thắm như ngày đầu xanh...
(Thu Tứ)



“Kỷ niệm hái hoa đào”

Tản Đà




Tết Nguyên đán năm Duy Tân thứ bảy, tôi ăn tết chơi ở tỉnh khác, giữ nhà cho một người bà con làm việc ở tỉnh ấy sắp về ăn tết. Trưa hôm ba mươi tết, nhà lan thanh vắng, xảy một người bạn cũng ngụ cư ở láng giềng đấy đến chơi, 13 tuổi, tóc giở lòa xòa buông quá vai. Nhân tắm gội xong, thay quần áo sạch, cùng ra vườn sau hái hoa đào. Một người trèo lên cây hái hoa, đưa một người đứng dưới cầm. Người nọ lên, người kia lại xuống. Khách địa tha hương, giai nhân tài tử, đầu xanh mây biếc, người trắng huê hồng, trời Nam ai vẽ bức Thiên Thai mà mỗi bên bớt đi một.

Lúc người bạn tôi lên cây hái hoa mà tôi đứng dưới gốc để giữ hoa, nhìn theo ra đầu cành, thời năm ngón tay trắng muột vin sát cành hoa đào, vừa đẹp, vừa kháu, vừa xinh, vừa hay (...) Tiếc thay cho đời người sáu bảy mươi năm, mỗi năm ba trăm sáu mươi ngày, mà chỉ một năm ấy, một ngày ấy, được thú chơi như thế ấy! Có khi nhớ cảnh giang hồ, vườn hồng thăm hỏi, thời hoa đào năm nọ còn cười cành xuân đã bẻ cho người đâu xa.

Các nước văn minh gặp sự hay đều có ngày kỷ niệm. Một nước có sự kỷ niệm chung của một nước, một người có sự kỷ niệm riêng của một người. Nay kỷ niệm riêng một sự hái hoa đào, ấy là trưa ngày hôm ba mươi tháng chạp năm Duy Tân thứ sáu.(1)


(Trích từ “Bài chép mộng” trong
Khối tình bản phụ, in lại trong Tuyển tập Tản Ðà, nxb. Hội Nhà Văn, 2002.)










__________
(1) Chú thích của sách: Ðầu bài nói năm Duy Tân thứ 7 mà cuối bài nói năm Duy Tân thứ 6 không phải là viết lẫn hay in sai: năm thứ 6 là nói ngày ba mươi tháng chạp năm Nhâm Tý, nhưng còn Tết là tết Quý Sửu, mà Quý Sửu là năm Duy Tân thứ 7.