Phùng Cung - Thơ chọn (1)




Bến xuân
“Sợi tơ trời / Nghiêng bay trong nắng / Hoa gạo bên sông đỏ thắm / Ðợi chuyến sang / Lúng liếng mây - trôi - giải yếm / Mái tóc em đẹp - gió bến đò”. Bến đò, mới mẻ gì đâu. Ðã đi vào ca dao, thơ Nguyễn Bính, thơ Hồ Dzếnh v.v. từ lâu rồi. Vậy mà “Bến xuân” vẫn không thừa. Đây hẳn là những lời chót của Quê. Những đóa hoa cuối cùng của một “cây” văn hóa sống suốt mấy nghìn năm đẹp và thơm xứng với vai trò lịch sử đấy chứ.

Dâu biển
“Chiều xâm xẩm / Vườn dâu đòi xanh biển / Con chim chích buông cành / bay liệng / Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa”. Chiều, vườn dâu dập dờn, dào dạt. Con chim bé như chiếc kẹp phơi áo bay lên vẽ biển... Cảm xúc đẹp. Thơ đẹp.

Nghiêng lụy
“Tình cờ gặp em / Em đã là sư bác / Nhìn trước nhìn sau / Em khẽ khóc / Mái tam quan / Thánh thót tiếng - chim - rơi / Ngại đường tu dang dở / Em vội lau nước mắt / Vạt áo nâu đẵm màu cát bá / ngày xưa / Trót nhớ mãi / Một chiều nghiêng lụy / Nước mắt em sư / Lã chã trăng - Kiều”. Em ngự trị một góc lớn của Thơ. Em thường ở trong đời. Thỉnh thoảng có Em ra ở ngoài đời… Ðời không phải cứ bước ra khỏi là quên được đâu. Mà không phải đã cố ý tránh là sẽ không gặp lại. Cho nên một chiều, dưới mái tam quan, tiếng chim rơi thánh thót, giọt trăng lã chã. Ới Bụt ơi!

Dáng nhạn
“Sông đẹp dòng / Ðò vui rời bến / Cô lái vươn mình / Trôi dáng - nhạn / Gió ngỡ buồm quen... / Vạt áo nâu non khép vội tà”. Nhầm áo nâu với buồm nâu, cái gió rõ khéo nhầm! Bài thơ 25 chữ vẽ nên tuyệt vời một mảng quê.

Khói cuối năm
“Sương chiều nghe lạnh bước chân / Khách áo cũ / Tìm về bạn cũ / Ai đốt rác lá tre bên ngõ / Lối đi đầy mùi khói cuối năm”. Áo cũ, bạn cũ, mùi khói cũng cũ, chỉ mới có “lạnh bước chân”...

Người làng
“Bạc tóc trở về quê / Bỡ ngỡ tìm đò bến mới / Nhìn dáng lạt bó rau / Nhận được người làng”. “Ngước mắt trông lên trời cũng lạ”.(1) May quá, cúi trông xuống… thì vẫn còn quen.

Vay
“Em là người làng / Hay khách lạ thăm ai / Em ngơ ngác - lá xuân - lặng gió / Dáng em mềm - xóm ngõ / Tôi muốn vay em một chút dịu dàng”. Ông là người làng / Hay khách lạ thăm ai / Ông ngơ ngẩn - lá thu - vàng hơi úa / Dáng ông trầm - sương gió / Em muốn vay ông một chút bụi đường.

Tìm em
“Tìm về gặp em / Em đã đi / Vách, giường thơm - lạnh / Mùi khăn áo cũ / Ðêm nghiêng gió chập chờn mưa gõ lá / Không có sông / Sao có tiếng gọi đò”. “... Xếp tàn y lại để dành hơi”.(2) “Khăn áo cũ” của “em” phải xếp cất cho kỹ chứ sao lại để “hơi” bay lung tung làm “thơm - lạnh” cả vách, giường thế kia. Sông vẫn có sờ sờ, sao nỡ thôi có đò ơi!

Chùa Kim Liên
“Sen vàng từ thuở lên ngôi / Bâng khuâng du khách / Ngậm ngùi vần thơ / Cổng chùa nhện mải giăng tơ / Chuông thiêng ngân mãi / Tiếng thừa trong không”. Chùa Kim Liên có mái tam quan thật đẹp. Nhớ lâu rồi, có lần đã đứng mãi nơi cổng mà “bâng khuâng” ngắm những góc đầu đao cong vút... Chùa bây giờ biệt thự vây kín. “Chuông thiêng” nay tha hồ “ngân mãi” thứ tiếng của “ngậm ngùi”...

Đêm xuân
“Ðom đóm bay ngang / Ngọn đèn gió bẻ / Hai thế hệ / Khoanh tròn nong ổ rạ / Gà khai khẩu gối mùa / lạnh ấm / Lác đác bên trời / Ngọc úa sao khuya”. “Ðêm xuân” thường là một thế hệ, hai phái. Nhưng hai thế hệ “khoanh tròn…” vào phút giao mùa cũng hay, già có trẻ, lạnh rồi tới ấm...

Mồ hôi xương
“Em vất vả / Tối ngày tất tả / Lưng áo em / Ngoang vôi trắng xóa / Cái trắng này / Vắt tận trong xương”. Thương vợ thành thơ, mấy người rồi nhỉ? Ðầu tiên hình như là Tú Xương. Ông Tú thương vợ kể lể dông dài. Phùng Cung thương bằng thứ lời “vắt tận trong xương”...

Gặp thu
“Trở dậy gặp thu / Không gian ngập mùi ổi chín / Mùi năm ngoái / Ðáy nước ao bèo / Mây trắng lênh đênh / Bâng khuâng mình tự hỏi mình / Trời thu thả nắng / Giếng đình vắng ai”. Thu cốm, thu hồng là thu Hà Nội. Còn ở quê, đã có thu ổi. Đâu xa, cữ này ai có việc qua bên Bát Tràng, có thấy trên đường đê đang đổ bê-tông bụi mù cứ một quãng lại một cái lều con bán ổi? Xanh xanh, bằng quả chanh, mà ngọt. “Mùa ổi xanh về, thơm bàn tay nhỏ...”(3) “Mùi năm ngoái”, năm kia, năm nào...

Đò khuya
“Ðêm về khuya / Trăng ngả màu hoa lý / Tiếng gọi đò / Căng chỉ ngang sông”. Cũng tiếng gọi đò ban đêm, mà Tú Xương nghe ra tiếng ếch, còn Phùng Cung lại “trông” ra… Có phải xưa người gọi đứng bên này, gần ông Tú, nên tiếng nghe to, còn nay (cũng đã xưa) người gọi ở bên kia sông, nên tiếng mảnh đi…

Đêm xá tội
“Im ắng bốn bề / Hoa đèn loe mũi lợn / Ma đói lần vườn / Lá rụng / Chó mím mõm sủa nằm / Ðêm canh hến / Khuya khoắt tròng trành / võng nứa / Giọng khê khàn / Bôi bác điệu tình ru”. Xá tội vong nhân vào rằm tháng bảy. Chắc vì có trăng nên “đêm canh hến”. Ngoài kia trong ánh sáng lờ lờ, ma đói phất phơ. Trong này bên đèn bấc lụn “loe mũi lợn”, trên “võng nứa tròng trành” “điệu tình ru bôi bác”... Ðộc đáo cái đêm thơ Phùng.

Quê khoai
“Trên bến đợi đò / Em ý tứ soi gương đáy nón / Tôi nhận ra ngay / Em gái vùng soi bãi / Trên sông láy tháy mưa mòi / Lũy tre bên ấy / Ngả màu xanh rau khúc / Em mau mắn cười / Nheo mắt đầy sông nước / Tay run run khẽ chỉ / Giọng hẹp dần / Làng em đấy - quê khoai”. Mưa mòi là mưa ra sao? Mưa mòi “láy tháy” làm… A, cái rau khúc, hình như lá nó màu xanh nhạt. Lá tre vốn xanh đậm nhưng mưa giăng giăng làm nhạt màu đi, có phải? Em ý tứ, hiền như khúc như khoai, chính thị em của “tôi” rồi!

Làng khuya
“Lỡ đò khuya mới về làng / Ngõ quen bước vội / Va dấu chân em / Khô bùn để lại / Ao tím hoa bèo / Ngóng giọt trăng khuya”. Làng khuya không phải ngủ cả, vẫn có chân đi để va vào dấu chân, vẫn có mắt nhìn để thấy “giọt trăng khuya” soi “ao tím hoa bèo”...

Hanh heo
“Xóm lảnh bạ đê quai / Ốc luộc lá bòng thơm / tấy ngõ / Lúa non chấp chới dậy thì / Nhũng nhẵng dây cò - phơi tã / Gió - dắt điệu ru hời lẫm chẫm / Lũy tre chiều ngoang nắng hanh heo”. Hình tượng trong thơ Phùng Cung bí ẩn với ngày càng đông người Việt hiện đại. Người sống ở phố, lạ lúa lạ cò, làm sao hiểu được “chấp chới” với “nhũng nhẵng” với “phơi tã”... Cũ quá mất rồi, quê ơi.

Đêm cuối thu
“Chó sủa dông dài / Gió chuyển canh / Trái thị cuối thu / Thơm mùi trăng úa / Ao khuya nước thở thì thầm”. Trăng cuối thu / Thơm mùi thị úa / Xóm khuya ai thức / Nghe chó, gió / Nghe tận đáy lòng ao.

Vòm sao nhớ
“Sóng trăng nhẹ / Bờ mây ngấn cát / khuya dạt cánh cò / Mắt ruổi vòm sao nhớ / Tiếng sấm xa / Mưa ướt giấc người xa”. Sóng trăng? Không, trăng Phùng Cung không siêu thực như trăng Hàn Mặc Tử đâu. Ðây là trăng rất thực, thực như “cánh cò khuya dạt” nơi “bờ mây ngấn cát”. Thực như “người xa” đang phiêu dạt chân trời. Trông cò bâng khuâng nhớ, “mắt ruổi vòm sao”, chợt tai... Mưa phương nào không rơi ướt mái nhà mà rơi thẳng vào lòng cho “ướt giấc” người nghe sấm!

Nghe đêm
“Ðêm chợt nghe / Trong gối vọng tiếng ru / Lắng tai mới rõ / Tiếng tóc mình chuyển bạc”. Tóc ai rồi chả bạc. Nhưng mấy ai đã “nghe” tóc mình bạc. Phải người thế nào, cảnh thế nào, mới nghe được “tiếng ru” của tóc chứ!



Thu Tứ
Sửa mới nhất 10-2022
















__________
(1) Trong bài “Trở về quê cũ” của Nguyễn Bính.
(2) Trong bài “Khóc Bằng Phi”, tác giả khuyết danh.
(3) “Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ...”, trong “Nhớ mùa thu Hà Nội” của TCS.