Trình Năng Chung, “Hà Nội hậu kỳ Đá Mới”




Sau thời văn hoá Hoà Bình, vào khoảng 7000 đến 5500 năm trước, đợt biển tiến Flandrian dâng lên đến vị trí cao nhất, đạt tới 4-5 mét so với mực nước biển hiện tại. Lúc bấy giờ, Hà Nội trở thành một vịnh biển: Vịnh Hà Nội. Cho đến nay, chưa tìm thấy dấu tích cư trú của con người trên đất Hà Nội trong khoảng thời gian này.

Sau thời kỳ biển tiến Flandrian, vào khoảng 5000 năm - 3500 năm tính đến nay, mực nước biển lui dần, một vùng châu thổ màu mỡ được hình thành và chịu chi phối bởi hệ thống sông ngòi dày đặc. Vùng Hà Nội từ môi trường biển nông chuyển dần sang môi trường lục địa.

Trở lại tài liệu khảo cổ học giai đoạn hậu kỳ đá mới ở khu vực phía bắc Việt Nam cho thấy, một loạt các di tích thời đại đồ đá mới, có niên đại xấp xỉ 5000 - 4000 năm, phân bố ở nhiều vùng quanh châu thổ Bắc bộ. Đó là những di tích thuộc văn hoá Hà Giang, phân bố ở vùng Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Là những di tích thuộc văn hoá Mai Pha ở Lạng Sơn. Hoặc những di tích thuộc văn hoá Hạ Long ở vùng biển Đông Bắc, mà ảnh hưởng của nó lan rất sâu trong lục địa, như đã được nhận biết qua di chỉ gò Mả Đống. Ngoài ra, còn phải kể đến những nhóm cư dân hậu kỳ đá mới vùng tây bắc, cư trú xung quanh phần rìa phía tây bắc vùng Hà Nội cổ. Nghĩa là, quanh Hà Nội đương thời đã có nhiều nhóm người thuộc thời đại hậu kỳ đá mới sinh sống.

Một câu hỏi đặt ra là, lúc này đã có cư dân nào khai phá vùng Hà Nội vẫn còn ngập sình lầy và đất phù sa châu thổ? Đã có một thời, nhiều nhà khoa học vẫn đinh ninh cho rằng, cư dân văn hoá Phùng Nguyên thuộc thời đại kim khí là lớp cư dân đầu tiên đã từ vùng trung du Phú Thọ, Vĩnh Phúc tràn xuống, khai phá vùng châu thổ Hà Nội. Vào giai đoạn này, đường bờ biển đã rút khá xa về phía đông. Một vùng châu thổ mới tạo lập với nhiều phù sa các con sông lớn đắp đầy, nhất là hệ thống sông Hồng. Tuy nhiên, để khai phá vùng đất mới này cũng còn gặp nhiều trở ngại vì sình lầy và ẩm thấp. Chỉ những vùng đất cao, gò thấp mới có thể cư trú được. Chính sự phân bố của các di tích văn hoá Phùng Nguyên ở vùng đất cao Cổ Loa, Văn Điển, Triều Khúc… cho thấy một số vùng cư trú cổ đã được hình thành khá bền vững. Đó là những nhận thức trước đây.

Nhưng, với những phát hiện khảo cổ học mới đây có thể cho phép suy đoán rằng, trước cả cư dân Phùng Nguyên đã có một nhóm cư dân thuộc thời đại hậu kỳ đá mới có mặt, khai phá vùng đất Hà Nội. Nhóm cư dân này sử dụng công cụ đồ đá mài, cụ thể là những cuốc đá thô, có kích thước lớn. Có thể họ thuộc về những nhóm cư dân nông nghiệp dùng cuốc thuộc thời đại hậu kỳ đá mới, đến khai khẩn một vùng đất mới còn nhiều khó khăn cho việc cư trú. Những dấu tích của nhóm cư dân này để lại đậm nét trên vùng đất huyện Thường Tín, Hà Nội.

Đầu năm 2002, tại làng Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, nhân dân địa phương trong quá trình đào ao đã tìm ra một bộ di cốt người ở độ sâu khoảng 1,2m -1,3m. Bộ di cốt được chôn duỗi thẳng, còn nguyên dáng, mặc dù đã mủn nát được đặt trên một loạt những chiếc cuốc đá lót ở phía dưới. Tất cả có 15 chiếc cuốc có vai, trong đó 5 chiếc lưõi còn rất sắc, 3 chiếc lưỡi hơi mòn, còn 7 chiếc còn lại lưỡi cùn và tù. Các cuốc này đều có kích thước lớn, chiếc lớn nhất có độ dài tới 29,5 cm, chiều ngang vai là 13,5 cm, bản lưỡi rộng nhất 12 cm.

Theo nhận xét của chúng tôi, những chiếc cuốc này giống nhau và đều không phải là hiện vật của văn hoá Phùng Nguyên thời đại kim khí. Ngoài những chiếc cuốc đá còn tìm thấy 2 chiếc bàn mài rãnh và 4 chiếc bàn mài lòng chảo. Đáng chú ý là các bàn mài rãnh ở đây đều có đặc điểm gần gũi với bàn mài rãnh, thuộc văn hoá Hạ Long. Bộ sưu tập cuốc đá Kiều Thị rất ít khi gặp trong các di chỉ thời đại kim khí vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về cách thức mai táng, ngôi mộ Kiều Thị khá giống những ngôi mộ hậu kỳ đá mới được tìm thấy ở địa điểm Phia Muồn thuộc tỉnh Tuyên Quang với một loạt những viên đá được rải trên và dưới cơ thể người quá cố.

Vậy là, với phát hiện Kiều Thị đã cung cấp cho ta những cứ liệu để nhận biết rằng, vào giai đoạn hậu kỳ đá mới, đã có một vài nhóm cư dân khác nhau đến khai phá vùng đất mới châu thổ sông Hồng, trong đó có Hà Nội.

Với những bằng chứng khảo cổ học ở Kiều Thị, Thường Tín, chúng ta có thể hình dung rằng, đứng trước cảnh quan vùng châu thổ mới còn lầy lội, một vài nhóm nhỏ lẻ cư dân hậu kỳ đá mới, từ những vùng cao hơn, men theo những triền sông lớn xuống thăm dò khai phá. Nhưng có lẽ, cảnh quan môi trường Hà Nội lúc đó chưa phải là lý tưởng cho việc lao động sản xuất của cư dân vùng cao. Phải đợi đến giai đoạn đầu của thời đại kim khí, khi mà vùng đất châu thổ tự nhiên này đã dần ổn định, một lớp cư dân mới tràn xuống, lập làng xóm ở Hà Nội. Đó là cư dân văn hoá Phùng Nguyên, cư dân của nông nghiệp trồng lúa nước, đã có trong tay những công cụ tốt hơn đồ đá: Đó là đồ đồng.


(Trích Trình Năng Chung, “Hà Nội thời tiền - sơ sử”, trang
vssr.org.vn. Nhan đề phần trích tạm đặt.)