“Văn học yêu nước 1858-1930”




Đến khoảng giữa thế kỷ 19, Nguyễn Du viết Truyện Kiều đã lâu, văn học chữ nôm đã hết sức già dặn. Trí thức Việt Nam có truyền thống yêu nước. Một cách tự nhiên, sau khi giặc Pháp bắt đầu gây hấn, thơ văn nôm giá trị chứa nội dung ái quốc nhanh chóng ra đời. Cũng trong thế kỷ này, có vài bài công văn chữ Hán về việc nước đáng chú ý, đặc biệt là bài di biểu của Hoàng Diệu.

Bước vào thế kỷ 20, trí thức ta chuyển sang viết chữ quốc ngữ La-tinh, dùng luôn phát minh của Pháp để phổ biến tình cảm yêu nước căm thù giặc của mình.

Thơ văn ái quốc của trí thức Việt Nam từ khi thực dân tiến hành xâm lược đến ngày khởi nghĩa Yên Bái thất bại có thể chia làm năm nhóm. Nhóm thứ nhất sáng tác sau khi thành thất thủ hay khởi nghĩa thất bại, chứa cảm xúc phẫn nộ, bàng hoàng, điển hình là văn tế và thơ của Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Giai v.v. Nhóm thứ hai gồm những lời kêu gọi hành động vì nước của phong trào Văn Thân và phong trào Cần Vương, và những lời lên án bọn phản bội, như thơ Phan Văn Trị “đánh” Tôn Thọ Tường. Nhóm thứ ba sáng tác để diễn tâm trạng uất ức, buồn bã trước cảnh mất nước, chẳng hạn thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Nhóm thứ tư gồm những tác phẩm của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Trọng Mậu v.v. kêu gọi toàn dân tham gia những nỗ lực cứu nước mới (sau khi phong trào Cần Vương thất bại). Nhóm thứ năm chứa lòng yêu nước được diễn rất kín đáo trong hoàn cảnh giặc Pháp coi như đã thiết lập xong nền đô hộ, điển hình là truyện, thơ của Tản Ðà, Á Nam Trần Tuấn Khải.

Rồi sẽ xuất hiện vô số thơ văn yêu nước mới tiêu biểu cho một giai đoạn đấu tranh mới mà kết cục là thắng lợi vẻ vang cho dân tộc Việt Nam.

Tất cả đều cần được biểu dương đích đáng. Hãy bắt đầu với những lời xiết nỗi thiết tha mà sĩ phu Việt Nam đã cất lên trong vô cùng tăm tối một thời.

Nguyễn Ðình Chiểu, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (1861)

“Hỡi ôi! / Súng giặc đất rền; lòng dân trời tỏ / (…) / Nhớ linh xưa / Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó / Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ / Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó / (…) / Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ / (…) / Ôi! / Một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ / (…) / Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ / Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh (…) / Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ / Hỡi ôi thương thay! / Có linh xin hưởng”.

Giặc Tây khó đánh hơn hẳn mọi thứ giặc trước nó. Dữ như quân Mông Cổ cũng chỉ dùng vũ khí đại khái như của quân ta. Ðằng này, “đạn nhỏ, đạn to”, “tàu thiếc, tàu đồng”, lợi hại quá thể! Biết thừa rằng thất thế, vậy mà “nghĩa sĩ” vẫn cứ “xông vào, liều mình như chẳng có”! Ðã bao lần người nông dân Việt Nam bỏ cày cuốc cầm gươm giáo đánh giặc và đánh được giặc. Nhưng lần này... “Thác mà trả nước non rồi nợ”. Chết vì nước, đối với người Việt Nam chẳng chết nào bằng. Bài văn tế của Nguyễn Ðình Chiểu như một nén nhang rất thơm cháy mãi trên bàn thờ liệt sĩ trong lòng người.

Phan Văn Trị, “Thất tỉnh Vĩnh Long” (1862)

“Tò te kèn thổi tiếng năm ba / Nghe lọt vào tai dạ xót xa / Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói / Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa / Tan nhà căm nỗi câu li hận / Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa / Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ / Ngậm ngùi hết nói nỗi quan ta”.

“Giảng hòa” làm sao được, khi kẻ mạnh người yếu chênh lệch quá rõ ràng như Tây với ta hồi thế kỷ 19. Chỉ có mạnh lấn và lấn, yếu lùi và lùi, cho tới khi yếu không còn một chút chủ quyền thực sự nào trên toàn thể đất đai của mình. Câu thơ chót… Vua sai quan đi giữ thành khi thành không thể giữ được, hay đi thương lượng với giặc trong thế không thế “thất” hơn, quan chỉ có cách lấy cái chết để đền nợ nước. Việc nước, tối hậu là trách nhiệm của vua. Đáng phải “đền” chính là vua.

Khuyết danh, “Hịch Văn Thân” (1874)

“Tạm ném bút để cầm vũ khí là thái độ quyền biến của người quân tử (...) (Giặc) bỏ phải trái nói điều mạnh yếu, khoe khoang đại bác phá núi non (...) hết sức ngang tàng (...) Nhặt nhạnh càng nhiều tiền bạc, ép hết dầu mỡ nước ta (...) Kẻ kia hoành hành thế ấy, ta há lãnh đạm ngồi yên?” (nguyên tác Hán văn, đây là bản dịch của Đoàn Khoách).

Trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, Đào Duy Anh viết: “Trí thức Việt Nam, trước kia là tầng lớp nho sĩ (…) Nhìn toàn bộ tầng lớp (này) và nhìn chung cả quá trình lịch sử (...) có thể nói rằng đại nghĩa dân tộc là cái tinh thần thấm nhuần sâu sắc vào tâm trí họ”.

Hoàng Diệu, “Di biểu” (1882)

“Tôi, học vấn thô sơ, ủy dụng rất lớn. Ðược giao giữ một phương đất nước, gặp phải khi bờ cõi chưa yên (…) Mười năm thương ước, thế nào tin được địch tâm (…) Tôi từ khi chịu mệnh (…) huấn luyện giáp binh, sửa sang thành trại (…) phòng bị lòng chúng sài lang (…) Tháng hai năm nay, bốn hỏa thuyền Phú (Pháp) về tụ tập, các đồn binh chúng thêm nhiều quân (…) Tôi trộm nghĩ Hà thành (…) nếu một ngày tan tành như đất lở, thì các tỉnh lần lượt mất như ngói bong. Tôi lấy làm lo. Khẩn tư các hạt, tâu lên triều đình. Xin cho thêm binh, may sớm kịp việc. Thế mà chiếu thư mấy lần ban xuống: Quở tôi việc đem quân dọa dẫm, bắt tôi tội chế ngự thất thời. Kính đọc lời dạy, thấy rất nghiêm khắc. Quan dân thất vọng, tiến thoái lưỡng nan (…) Hàng ngày, với một hai đồng liêu bàn nghị. Kẻ thì bảo nên mở cửa, cho nó mặc ra vào; kẻ thì bàn hãy triệt binh, để nó thôi nghi kỵ. Những việc như thế, thì dẫu phải tan xương nát thịt, tôi không nỡ lòng làm (…) Ngày mồng bảy tháng này (…) súng giặc nổ như sấm ran (…) Tôi gượng bệnh ra sức đánh, đi trước quân binh (…) Nó đủ, ta kiệt; viện tuyệt, thế cùng. Vũ biền thì sợ giặc mà chạy hàng đàn, văn thần thì ngóng chừng mà tan cả lũ. Lòng tôi như cắt, một tay khôn cầm (…) Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thể bắt buộc. Ðất trung thổ trở nên địch địa, sống thẹn cùng phường nhân sĩ Bắc hà; lòng cô trung thề với Long thành, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất. Mấy hàng huyết lệ, muôn dặm quân môn. Nguyện ánh sáng nhật nguyệt soi tỏ tấm lòng son của tôi mà thôi” (nguyên tác Hán văn, bản dịch này hình như của Hoàng Xuân Hãn).

Trong thời gian rất ngắn ngủi còn lại của cuộc đời mình mà chính mình sẽ kết thúc, một người bằng giọng điềm đạm đã trình bày thật rành rẽ chuyện đang xảy ra. Nội dung bài di biểu lịch sử ấy diễn bằng lời nôm na:

Nước mình, mà nó ngang nhiên đưa tàu chiến và lính của nó vào để chuẩn bị đánh mình! Vua sai quan đi giữ đất, mà quan lo toan đối phó với giặc chực cướp đất thì vua lại quở sao có dàn binh e nó mất lòng! Nếu vua thấy giặc có vũ khí lợi hại quá, quân ta không tài nào chống nổi, thì vua chịu hàng luôn đi. Bằng không, muốn thử đánh nhau với nó trận nữa, thì phải huy động lực lượng hùng hậu nhất, bố trí quân thế nào cho hay nhất, thậm chí ra tay trước khi nó sẵn sàng chứ! Ðằng này, thật là vua “đem quan bỏ chợ”, đem cả cái thành Hà Nội ra làm đích cho Tây tha hồ lên đạn, nhắm kỹ, rồi bắn!

Chính khí của Hoàng Diệu là một vết son đỏ thắm trên một trang lịch sử dân tộc rất đen.

Nguyễn Văn Giai (?), “Hà thành chính khí ca”

“Một vầng chính khí lưu hình / Khoảng trong trời đất: nhật, tinh, sơn, hà / Hạo nhiên ở tại lòng ta / Tấc vuông son sắt hiện ra khi cùng / Hơn thua theo vận truân phong / Ngàn thu rạng tiếng anh hùng sử xanh / (…) / Đau đớn nhẽ, ngẩn ngơ dường! / Tả tơi thành quách tồi tàn cỏ hoa (…)”

Bài thơ này làm sau khi Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Nội dung ca ngợi Hoàng Diệu và phê phán một số văn quan võ tướng đã uống rượu hòa máu thề cùng Hoàng Diệu sống chết với thành mà “nhà” vừa cháy đã hóa “chuột” chạy mất tăm, có “con” chạy luôn qua phía giặc! Ngay bên mình hóa ra đầy “chuột”, mà ở chót vót trên đầu mình là một “đấng” khi giặc chuẩn bị tiến công đã hạ chiếu quở trách mình sao có điều binh đối phó! “Một vầng chính khí”, thương ơi.

Khuyết danh, “Hà Thành thất thủ”

“Trái phá Tây chăm chực bắn vào / Chỉ không cho đánh biết làm sao! / Ngọn cờ tướng lệnh oai linh gượng / Chén rượu Ðông Môn khảng khái phào / Uất khí Nùng Sơn cây muốn cựa / Thương tâm Nhị Thủy sóng tranh xao / Rặng hoa Võ Miếu rơi thơm mãi / Sống trộm ghe trông thẹn biết bao”.

Hẳn đây ý nói khi biết Tây chuẩn bị đánh thành Hà Nội, Hoàng Diệu định phá giặc trước nhưng vua hạ “chỉ không cho”. Vẫn hay có đánh trước cũng không tài nào thắng nổi vì hỏa lực đôi bên quá chênh lệch, nhưng “chỉ” bắt quân ta phải tự nhốt trong thành đợi thua thế này thì… hèn quá. Bài thơ không biết của ai mà “kể khóc” thật hay.

Vua Hàm Nghi, “Chiếu Cần Vương” (1885)

“(…) Tây ngang bức, càng ngày càng quá (…) buộc theo những điều không thể được (…) Biết thì phải dự vào, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc (…) Nhược bằng (…) nghĩ lo cho nhà hơn nghĩ lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn tránh, dân không biết hiếu nghĩa cứu gấp việc công, sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào nơi tối, ví không phải sống thừa ở đời thì áo mũ mà hóa ra cầm thú ngựa trâu (…)” (nguyên tác Hán văn, bản dịch không biết của ai).

“Cần vương” nghĩa là giúp vua. Vua đây là vua thật chứ không phải bù nhìn của giặc. Vua muốn đánh giặc để cứu nước. Giúp vua là giúp nước, là làm theo cái truyền thống dân tộc tự nghìn xưa. “Lo cho nhà hơn lo cho nước”, thực ra nhiều kẻ “sống thừa” không lo cho nước tí nào, như Phan Bội Châu sẽ than: “No cơm ấm áo là rồi / Ai còn nghĩ đến việc ngoài thân gia / Dù lịch sử ông cha thây kệ / Nhục hay vinh họ kể gì đâu?”. Còn “cầm thú ngựa trâu” thì rồi Á Nam Trần Tuấn Khải sẽ dùng cái từ nặng hơn là “cẩu trệ” (chó lợn).

Tống Duy Tân, “Hịch Cần Vương” (1885)

“Nhà hầu đổ con còn biết chống (…) / Nước đang nguy tôi phải ra phò (…) / (…) / Kiến nghĩa bất vi vô dũng / (…)” (hình như đây là nguyên tác, nhưng chỉ còn tìm được một số ít câu).

Vua xuống chiếu, còn tướng thì có thể viết hịch, như Trần Quốc Tuấn viết “Hịch tướng sĩ”. “Giặc đến nhà, đàn bà…” và cả trẻ con nữa. Người “dũng” gặp bất bằng giữa đường còn ra tay, nói chi đây thấy đại nghĩa dân tộc.

Nguyễn Khuyến, “Hoài cổ”

“Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười / Sự đời đến thế, thế thời thôi! / Rừng xanh núi đỏ hơn ngàn dặm / Nước độc ma thiêng mấy vạn người / Khoét rỗng ruột gan trời đất cả / Phá tung phên giậu hạ di rồi / Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ / Mây trắng về đâu nước chảy xuôi”.

Dĩ nhiên thực là “Nghĩ chuyện đời nay cũng nực… khóc”. Nguyễn Khuyến đang ức giặc Pháp bắt người Việt “khoét rỗng ruột gan” đất Việt cho chúng tha hồ chở về làm giàu cho nước chúng đó.

Tú Xương, “Đêm dài”

“Chợt giấc trông ra ngó sáng lòa / Ðêm sao đêm mãi thế ru mà / Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết / Xao xác năm canh một tiếng gà / Chim chóc hãy còn nương cửa tổ / Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa / Nào ai là kẻ tìm ta đó / Ðốt đuốc lên soi kẻo lẫn nhà!”.

Đêm dài “đô hộ giặc Tây” đây. Phải “đốt đuốc” vì trong đêm có một số người đã hóa chó. “Lẫn” thì nguy.

Phan Bội Châu, “Bài ca chúc Tết thanh niên” v.v.

“Dậy! Dậy! Dậy! / Bên án một tiếng gà vừa gáy / Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng / Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng? / Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng / Hai mươi năm lẻ đã từng bao chua với xót! / Trời đất may còn thân sống sót / Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh / Thưa các cô, các cậu, lại các anh / Trời đã mới, người càng nên đổi mới / Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội / Ghé vai vào xốc vác cựu giang san / Ði cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan / Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại / Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi / Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần / Ðừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn / Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa / Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ / Mới thế này là mới hỡi chư quân! / Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân!”.

Ðọc bài ca chúc Tết của Ông già Bến Ngự, thanh niên nào còn dám ngủ, dám ăn, dám chơi, dám mặc nữa! Chắc chắn những lời “chúc” khi to khi nhỏ khi hở khi kín của Phan Bội Châu trong thời gian bị Pháp giam lỏng ở Huế có tác động đến không ít thanh niên, có giúp giữ cháy trong lòng người Việt ngọn lửa ái quốc. Sao chẳng sống đến ngày “vết nhơ nô lệ” được “máu nóng xối rửa” sạch, Ông ơi!

“Chim xoàng xoàng, hoa chạ chạ, nguyệt bơ bơ / Người tâm sự trông xuân càng bỡ ngỡ / * / Hơi độc bịt bùng mây núi Ngự / Sóng nhơ chờn chợn nước sông Hương / Xuân sao xuân khéo bẽ bàng / Non sông điểm ngọc tô vàng cho ai” (“Bẽ bàng xuân”, 1935).

Vài mươi năm trước, Nguyễn Khuyến: “Xuân về ngày loạn càng lơ láo / Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ / Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng / Sao con đàn hát vẫn say sưa?” (bài “Ngày xuân dặn các con”). Xuân “lơ láo” thành xuân “bẽ bàng”. Cái “trông xuân” của những “người tâm sự” có phải như ai...

“Ðêm lơ lửng mình cùng trời đứng / Mình hỏi trời, trời lửng làm thinh / Trên trăng dưới nước giữa mình / Thôi thời với bóng tự tình vân vi / (…) / No cơm ấm áo là rồi / Ai còn nghĩ đến việc ngoài thân gia / Dù lịch sử ông cha thây kệ / Nhục hay vinh họ kể gì đâu? / Việc gì ông cứ bo bo / Trong thiên hạ, kẻ rất ngu, ai bằng!” (“Đêm trăng hỏi bóng”).

Cứ khẩu khí, đây hẳn khi “ông” đã trở thành Ông Già Bến Ngự. Một mình, ngày ngày vừa ôn lại những lúc bôn ba mà buồn vì “chẳng cái gì thành”, vừa trông quanh thấy những kẻ “lịch sử ông cha thây kệ” mà bực, bèn “vân vi” với bóng... Lòng nặng mà ngâm được lên chắc cũng đỡ nặng trong giây lát.

Phan Chu Trinh, “Giai nhân kỳ ngộ chi ca” v.v.

“(…) Bốn ngàn năm còn dõi dấu Lạc Hồng / Kìa biển, kìa núi, kìa sông, kìa đô ấp / (…) / Hai ngàn vạn đồng bào sanh tụ / Sử văn minh đem đọ, kém gì ai? / (…) / Chánh, tự chủ dân ta dốc quyết / Ðùm ruột gan xin kết cùng nhau / Cởi trói dây, còn đợi lúc nào? / Hãy gắng sức anh hào tuấn kiệt! / (…) / Gươm tự do sẵn mấy lúc chùi lau / Người trí thuật dễ hầu ai húng hiếp? / Ðấng trượng phu một trường oanh liệt / Rút gươm ra đôi mắt liếc nhìn thù / Thề nhau hai chữ đồng cừu!”.

“Văn minh” trước kia được dùng như “văn hóa” bây giờ, nghĩa là gồm cả các giá trị tinh thần. Phan Chu Trinh nói lời tự hào dân tộc, thế rồi đi “hoàn toàn ủng hộ tiếng Pháp và hy sinh hẳn tiếng Việt”!(1) “Tự chủ (…) dốc quyết (…) cởi trói (…) rút gươm”. Nói thế, mà chỉ thấy “đến xin giặc rủ lòng thương”!

“Ai về địa phủ hỏi Gia Long / Khải Ðịnh thằng này phải cháu ông? / (…) / Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ: / Vua thời còn đó, nước thời không!” (“Hỏi Gia Long”, bài 1).

Đó là tượng, đâu phải vua. Một cái tượng ăn mặc như để làm nhục thêm dân tộc Việt Nam đang mang nhục mất nước. Tượng thành cát bụi lâu rồi, nhưng lăng tượng còn nguyên. Lăng cũng lố lăng y như đồ tượng mặc.

Hoàng Trọng Mậu, “Ái quốc”

“Nay ta hát một thiên ái quốc / Yêu gì hơn yêu nước nhà ta / Trang nghiêm bốn mặt sơn hà / Ông cha ta để cho ta lọ vàng / Trải mấy lớp tiền vương dựng mở / Bốn ngàn năm dãi gió dầm mưa / Biết bao công của người xưa / Gang sông, tấc núi, dạ dưa, ruột tằm / Hào Ðại Hải âm thầm trước mặt / Dải Cửu Long quanh quất miền tây / Một tòa san sát xinh thay / Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn / Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp / Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu / Giống khôn há phải đàn trâu / Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng! / Hai mươi triệu dân cùng của hết / Bốn mươi năm nước mất quyền không / Thương ôi! công nghiệp tổ tông / Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao / Non nước ấy biết bao máu mủ / Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang / Cờ ba sắc, xứ Ðông Dương / Trông càng thêm nhục, nói càng thêm đau! / Nhục vì nước, mà đau người trước / Nông nỗi này, non nước cũng oan / Hồn ơi! Về với giang san / Muôn người muôn tiếng hát ran câu này / “Hợp muôn sức ra tay Quang Phục / Quyết có phen rửa nhục báo thù...” / Mấy câu ái quốc reo hò / Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng”.

Việt Nam Quang Phục Hội thành lập năm 1912. Hoàng Trọng Mậu là Quân vụ Ủy viên. Hội chủ trương dùng vũ lực đánh đuổi giặc Pháp. Than ôi, vũ lực nào! Phải mấy thập kỷ nữa, điều kiện thuận lợi mới đến để dân tộc Việt Nam có thể “kịch liệt bạo động” (chữ Phan Bội Châu) với quân thù mà có hy vọng thắng. Các liệt sĩ Việt Nam Quang Phục Hội hy sinh đau xót quá. “Hồn ơi! Về với giang san”.

Nguyễn Can Mộng, “Đêm Trung Thu gặp mưa”

“Trời đâu mà vẫn hỗn mang / Mưa đâu mà nỡ phụ phàng hằng nga / Bóng đâu tìm thấy sơn hà / Tiếc thay như ngọc xóa nhòa như không / Trông trăng rằm tháng tám / Chạnh viễn hoài thêm cảm với trăng thâu / Trời bốn phương đen kít một màu / Nào những khách nam lâu chờ đợi nguyệt / Trong đám mịt mù ai kẻ biết / Tấm thân băng tuyết vẫn là trong / Làm gương cho thế giới soi chung / Dù mắt tục biết không, không xá kể / Mặc trời đất mưa nguồn chớp bể / Quang tạnh rồi thân thế lại như xưa / Vầng trăng còn đó trơ trơ”.

Nguyễn Can Mộng sinh năm 1885, lớn hơn Tản Đà bốn tuổi. Như nhiều nhà nho lúc ấy, ông rất yêu nước nhưng không tích cực tìm cách cứu nước mà chỉ ngồi than thở và “chờ đợi nguyệt”. Với giặc Pháp, ông có thù nhà: cha và chú đều bị giặc giết khi khởi nghĩa theo hịch Cần Vương. Sau Cách mạng tháng Tám, nhân dịp “Khóc chị” ông bộc lộ tâm sự: “Dậu xưa nhà khởi nghĩa binh / Cơ đồ tan tác cha anh xa vời / Tang thương trong bấy năm giời / Còn em với chị, chị thời ở xa / (…) / Ngẫm ra tâm sự nhà mình / Kể làm chi cái tử sinh cuộc đời / Nước nay thù giả được rồi / Suối vàng xin có một nhời thưa cha”. Thực ra mãi đến một năm sau khi ông mất (năm 1953) thì dân tộc Việt Nam mới trả xong thù nước. (“Dậu xưa” là năm Ất Dậu 1885.)

Tản Ðà, “Thề non nước”

“Nước non nặng một lời thề / Nước đi, đi mãi, không về cùng non / Nhớ lời “nguyện nước thề non” / Nước đi chưa lại, non còn đứng không / Non cao những ngóng cùng trông / Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày / Xương mai một nắm hao gầy / Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương / Trời tây ngả bóng tà dương / Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha / Non cao tuổi vẫn chưa già / Non thời nhớ nước, nứớc mà quên non / Dù cho sông cạn đá mòn / Còn non còn nước hãy còn thề xưa / Non cao đã biết hay chưa? / Nước đi ra bể lại mưa về nguồn / Nước non hội ngộ còn luôn / Bảo cho non biết chớ buồn làm chi / Nước kia dù hãy còn đi / Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui / Nghìn năm giao ước kết đôi / Non non nước nước chưa nguôi lời thề”.

Bài thơ này làm năm 1920. Hai năm sau, nó được đưa vào làm “nhân” cho một cái truyện cũng lấy tên là “Thề non nước”. Thơ – truyện có hai ruột. “Ruột vỏ” là nội dung phong tình quen thuộc; “ruột ruột” là lòng yêu nước. Vào thời điểm ấy, thơ văn ái quốc phải thật kín đáo. Ðộ tám thập kỷ sau ngày Tản Đà viết truyện “Thề non nước”, đạo diễn Tự Huy có đem truyện ra làm phim. Trong phim “Núi tương tư”, cái nội dung “bí mật” của tác phẩm xưa rút cuộc đã được “bật mí”.

Á Nam Trần Tuấn Khải, “Hai chữ nước nhà”

“Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm / Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu / (…) / Trông con tầm tã châu rơi / Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên: / Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định / Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay / Trời Nam riêng một cõi này / Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì! / (…) / Ngậm ngùi đất khóc giời than / Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này! / (…) / Phải nên thương lấy giống nòi / Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng / Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục / Thân tự do chiên chúc mà vinh / (…) / Sống như thế, sống đê, sống mạt / Sống làm chi thêm chật non sông! / Thà rằng chết quách cho xong / Cái thân cẩu trệ ai mong có mình! / (…) / Nghĩa vụ đó, con hay chăng tá? / Tính toán sao vẹn cả đôi đường / Cha dù đất khách gửi xương / Trông về cố quốc khỏi thương hồn già / Con ơi! hai chữ NƯỚC NHÀ...”.

Chuyện Nguyễn Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi thì xưa lắm, nhưng “nghĩa vụ đó” chẳng bao giờ cũ. Hồi thập kỷ 1920, khi khúc ngâm này phổ biến, những thanh niên Việt Nam nào đang “sống như thế” đọc đến những “làm chi thêm chật”, “chết quách cho xong”, “thân cẩu trệ ai mong có”, hẳn một số đã giật nẩy mình, vội vàng tìm cách “Theo chân anh khóa xuống tàu”!(2)



Thu Tứ
Viết năm 2012
Sửa mới nhất 12-2023








__________
(1) Phạm Quỳnh, “Ông Phan Châu Trinh đối với chữ quốc ngữ”, tạp chí
Nam Phong số 95, tháng 5-1925.
(2) Á Nam TTK có bài thơ “Tiễn chân anh khóa xuống tàu” làm để diễn cảm xúc khi đưa chân một nhà ái quốc xuất dương tìm đường cứu nước. Ðể che mắt Pháp, ông viết thành lời vợ tiễn chồng.