“Thu hứng”

của Đỗ Phủ




Thành Bạch Đế do Công Tôn Thuật xây vào khoảng năm 25, đầu đời Đông Hán. Năm 221, đầu thời Tam Quốc, Lưu Bị đem quân đánh Ngô để báo thù cho Quan Công, đại bại, không trở về kinh đô Thục là Thành Đô, mà ở lại đây, ít lâu sau qua đời. Thành nay nằm trong thành phố Trùng Khánh (vốn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, từ năm 1997 trực thuộc trung ương), trên bờ bắc sông Dương Tử. Sau khi đập Tam Hiệp xây xong, thành Bạch Đế hóa đảo, có cầu nối vào bờ, là một trọng điểm du lịch trong khu vực.

Đỗ Phủ (712-770) làm đến tám bài “Thu hứng”, đều trong thời kỳ Phiêu bạc tây nam (760-770). Bài đầu và bài thứ tư được chú ý nhiều hơn cả, các tuyển thơ Đường thường “bát thủ tuyển nhị”, chọn in hai bài này. Rồi trong hai, thì Một lại lấn hẳn Bốn. Rút cuộc, nhắc “Thu hứng”, đa số bây giờ gần như chỉ nhớ có “đệ nhất thủ” sau đây.

Đọc tiểu sử Đỗ Phủ, ta có thể đoán ông đã viết “Thu hứng” trong khoảng hai năm 765-766. Năm 765, ông cùng gia đình lên thuyền trở lại Lạc Dương. Mới tới thành Bạch Đế thì do sức khỏe ông kém, thuyền phải đỗ lại ở vùng này gần hai năm. Đây là giai đoạn sáng tác nhiều cuối cùng trong đời Đỗ Phủ: 437 bài thơ, đa số là thơ luật.

“Cô chu nhất hệ…”. Tại sao thuyền nhắc nhớ vườn cũ? Hẳn bởi vì đã xuất phát từ nơi có một ngôi vườn thân thương nào đó. Thuyền đi có chở theo một bụi cúc. Cúc đã nở hoa tới lần thứ hai, vậy bài thơ này viết trong mùa thu năm 1766.

Đỗ Phủ chết trên một con thuyền “rách nát”. Không biết có phải là thuyền này chăng. Dù sao, mười mấy thế kỷ đã trôi qua, nhưng vẫn còn nguyên vẹn đây cái tâm sự chiều thu của một hồn thơ có cuộc đời thật lênh đênh...

*

Tuy đọc đi đọc lại suốt từ bé đến già, các cụ ta xưa gần như không dịch thơ Đường. Họa hoằn, có cụ dịch một đôi bài. Như thế chắc đại khái là do Hán văn quá phổ thông, lúc nào các cụ thích sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ thì sáng tác, còn hễ sờ đến thơ chữ Hán thì cứ thế đọc chứ không nghĩ đến dịch. Phải đợi đến cuối thời nho học, khi Hán văn trở nên lu mờ, thì mới có Tú Xương rồi Tản Đà ra công diễn nôm thật nhiều thơ Đường.(1)

Trong Truyện Kiều, ở một đôi chỗ, Nguyễn Du (1766-1820) có dịch đôi câu từ một bài thơ Đường. Chẳng hạn, “Trước sau nào thấy bóng người / Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” là dịch “Nhân diện bất tri hà xứ khứ / Đào hoa y cựu tiếu đông phong” trong bài “Đề tích sở kiến xứ” của Thôi Hộ. Không biết Nguyễn Công Trứ (1778-1858) dịch “Thu hứng” có phải là lần đầu tiên một nhà nho Việt Nam diễn nôm trọn một bài thơ Đường hay không…

Nguyên văn

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu Sơn Vu Giáp khí tiêu sâm
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ
Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch Ðế thành cao cấp mộ châm.


Dịch nghĩa

Sương móc trắng khiến rừng phong tiêu điều
Núi Vu, khe Vu hơi thu hiu hắt
Trong lòng sông, sóng nhảy tận lưng trời
Trên cửa ải mây giăng sát mặt đất
Từ độ ấy đã hai lần bụi cúc nở hoa làm rơi nước mắt
Lòng nhớ quê chỉ biết buộc vào chiếc thuyền lẻ
Ở đây ai nấy đều đang lo cắt may áo rét (2)
Từ phía thành Bạch Đế cao, nghe hối hả tiếng chày giặt muộn.(3)

Dịch thơ

Rừng phong quạnh quẽ sương rơi
Non xa dáng cũng buốt hơi thu rồi
Lòng sông sóng nhảy lưng trời
Ải xa mặt đất bời bời mây giăng
Vàng hoa thôi lại ướt khăn
Thuyền côi nhớ bến bâng khuâng vô vàn
Rét lên kéo thước rộn ràng
Thành cao chầy nện âm vang bóng chiều.


Bản dịch thơ khác

Lác đác rừng phong hạt móc sa
Ngàn non hiu hắt, khí thu lòa
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.
(Nguyễn Công Trứ)

Vàng úa rừng phong, hạt móc bay
Non Vu hiu hắt phủ hơi may
Dòng sông cuồn cuộn, trời tung sóng
Ngọn ải mờ mờ, đất rợp mây
Lệ tủi: sợ coi chòm cúc nở
Lòng quê: mong buộc chiếc thuyền đầy
Giục ai kéo thước lo đồ lạnh
Đập vải trời hôm rộn tiếng chày.
(Ngô Tất Tố)



Thu Tứ














_______
(1) Tú Xương dịch 83 bài, Tản Đà dịch 89 hay 90 bài.
(2) “Ðao xích” là kéo và thước may. Đao đây là “tiễn đao”, tức cái kéo.
(3) Người Tàu xưa giặt áo bằng cách đặt lên một tảng đá rồi dùng chày mà nện.