“Thôi một nước quê”




Manh mối trong một cái tên tục
Kinh đô mà như nhà quê
Nhưng là nhà quê thanh lịch
Thanh lịch quê, thanh lịch phố
Có phố chứ không phải là phố
Bắt đầu hóa phố từ bao giờ?
“Hương đồng gió nội bay đi
hết rồi




Manh mối trong một cái tên tục

Thăng Long, Ðông Ðô, Trung Ðô, Ðông Kinh, Thượng Kinh... Ấy rặt những cái tên mà vua chúa dùng tiếng Tàu đặt cho sang (!), chứ trong chốn dân gian thì “đất này (...) (xưa nay) vẫn gọi là Kẻ Chợ”.(1)

Dân gọi thế, không phải ngẫu nhiên mà gọi. Ðào Duy Anh cho biết: “Trong tiếng Việt Nam có cái lệ lấy chữ Kẻ đặt lên trên một chữ khác để gọi tên một làng, chữ thứ hai này thường là chỉ một đặc điểm gì về địa lý hay về kinh tế của làng ấy, ví như Kẻ Chợ”.(2)

Kẻ Chợ hẳn nhiều chợ to, do vua quan lắm nhu cầu. Nhưng tại sao lại “Kẻ”, lại đi gọi kinh đô là “làng”?!

Kinh đô mà như nhà quê

Xem lại, cái nơi bao nhiêu vua Việt Nam đã ở nó mang rất đậm dáng nét của cái nơi hầu hết nhân dân Việt Nam đã ở!

Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép: “Thượng Kinh (...) có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường (...) đất thì vàng, mềm; ruộng thì vào hạng thượng trung”. Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm dẫn Văn Tạo: “Vào đời Gia Long, huyện Thọ Xương của Hà Nội (...) có 8 tổng và 129 phường, thôn. Cho đến tận năm 1940, ở các làng quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (...) vẫn còn chức tiên chỉ, thứ chỉ”.

Trong hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan ghi: “Ngày mồng một (tết) tôi được theo thầy tôi đi lễ đình Hàng Ðào (...) chi phí về lễ (...) có lý trưởng (...) đi thu (...) nhà số 54 (Hàng Ðào) (...) cuối nhà là (...) nơi xay lúa, giã gạo”. Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài chép câu “ca dao phố phường” mà Nguyễn Tuân “thuộc từ tuổi thơ”: “Nên ra thì múa tứ linh, không nên thì lại nằm đình Cổ Lương”. Ðình Cổ Lương ở phố Hàng Bạc.(3)

Chỗ vua ở mà có đất, có ruộng, có tổng, có thôn, có đình, có tiên chỉ, thứ chỉ, lý trưởng, mà lại là nơi xay lúa, giã gạo!

Ngay “phường”, nghe rất “phố phường” nhưng vẫn chỉ “là bắt nguồn từ phường nghề của nông thôn” chứ không phải thực cái gì mới mẻ.(4)

Cho nên tuy Thăng Long thì to rộng hơn một làng quê điển hình nhiều, nhưng dân chúng cũng cứ gọi là “Kẻ” y như gọi làng nọ làng kia là Kẻ Vẽ, Kẻ Noi, Kẻ Ðơ, Kẻ Trôi, Kẻ Mọc, Kẻ Thốn, Kẻ Thày, Kẻ So, Kẻ Bún, Kẻ Mía, Kẻ Xuôi, Kẻ Sặt v.v. mà thôi.

Nhưng là nhà quê thanh lịch

Vẫn đất quê, nhưng Thăng Long là nơi cư trú của những người quyền hành nhất nước. Sự kiện này rồi làm nó mang biệt sắc.

Nhờ là nơi tập trung bao nhiêu sản phẩm tinh hoa của văn hóa Việt, là chỗ bao nhiêu nghệ nhân nghệ sĩ Việt ưu tú chọn đến ở, lại đồng thời chứa vô số những “khách” biết thưởng thức văn hóa phẩm cao cấp, mà dần dần cái chất quê ở Kẻ Chợ nó trở nên “thanh lịch”: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Có thể xem văn hóa nông thôn là ngọc chưa gọt, rũa, mài, trau. Thăng Long làm cái việc lộng lẫy hóa ngọc ấy. Chất ngọc kết tinh khắp nơi trên cơ thể đất nước, rồi đổ về “tim ta đó”(5) để được điều kiện đặc biệt nơi kinh đô giúp rực rỡ phô bày. (Dĩ nhiên trong tim cũng có ngọc kết tinh, và trong những trường hợp đó, ngọc sẽ được trau ngay tại chỗ.)

Kẻ Chợ - Thăng Long không phải là một trung tâm quyền lực với một văn hóa riêng. Nó không hề thoát ly cái văn hóa quê truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà trái lại chính là nơi đã đích đáng vinh danh quê!

Thanh lịch quê, thanh lịch phố

Tuy xưng Tràng An (cho sang!), Thăng Long không hề giống Tràng An.

Vì Thăng Long mang dáng dấp làng, trong khi Tràng An hoàn toàn phố.

Cái thanh lịch của Tràng An là cái thanh lịch phố. Cái thanh lịch của Thăng Long là cái thanh lịch quê. Không phải phố thì hơn quê.

Người Tàu phố Thanh Tâm Tài Nhân viết Kim Vân Kiều truyện kể chuyện phố phường, ngựa xe, hồng lâu, thanh lâu, ăn chơi đủ ngón. Người Việt quê Nguyễn Du đọc truyện phố, rồi thong thả lấy thứ “lời quê” thanh lịch của mình “chắp nhặt dông dài” thành một tuyệt tác văn chương. Ðừng nói KVKT là văn xoàng xĩnh, dù Hồng Lâu Mộng đi nữa thì cũng không sang hơn Truyện Kiều nổi đâu. Phố sang lối phố, quê sang lối quê, “không mèo nào cắn mỉu nào” được đâu.

(Tuy con nhà dòng dõi rất cao sang, lớn lên ở kinh đô, nhưng khi về quê cha Nguyễn Du vẫn đi hát phường vải và khi về quê mẹ vẫn đi hát quan họ. Sở dĩ Nguyễn thoải mái thế, hẳn là vì ngay chính kinh đô cũng là một xứ quê. Từ quê về quê, có gì bỡ ngỡ!)

Có phố chứ không phải là phố

Kẻ Chợ từng có phố chính hiệu, phố cực kỳ sầm uất!

Năm 1778 một du khách Tây phương tên Abbot Richard chép: “Phần lớn những thương cảng của chúng ta, ngay cả Venice, với tất cả những cái gondolas (6) cùng các loại thuyền bè khác, nếu so bề tấp nập, đông đảo với Kẻ Chợ trên sông Hồng thì không thấm vào đâu cả (...) Ðường sá rộng và đẹp, lát gạch”.(7) Phố đấy, nhưng không phải tất cả Kẻ Chợ đâu mà chỉ là một góc nhỏ, và không phải của người Việt đâu!

Từ thế kỷ 16 trở đi, Thăng Long bắt đầu có ngoại thương với một số nước Tây phương như Hà-lan, Anh, Bồ-đào-nha, nhưng những thương gia “địa phương” đứng ra giao dịch buôn bán với Tây điển hình là người Tàu chứ không phải người Việt.(8) Cái phường Hà Khẩu (9) ở chỗ sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng - nơi Richard thấy “Venice” -, nó chẳng qua là một cái “Chinatown”!

Phố Tàu Hà Khẩu rộn rịp đến nỗi khách Tây cũng phải lác mắt, nhưng nó chỉ khiến Kẻ Chợ thêm lừng danh về Chợ mà không làm cho Kẻ Chợ bớt Kẻ đi bao nhiêu.

Bắt đầu hóa phố từ bao giờ?

Kinh tế nước ta vốn từ xưa là nông nghiệp gần như thuần túy. Làm ruộng thì ở nông thôn. Dân cả nước ở nông thôn, mà người cai trị nước cũng ở một chỗ “mang tính nông thôn rất đậm nét”.(10)

Lại nhắc chuyện Hà Khẩu. Ðám “Ngô” nị nị ngộ ngộ buôn buôn bán bán kia bất quá là “khách trú” ở một nước độc lập, làm sao có thể ảnh hưởng đến quy hoạch kinh đô của nước ấy được?! Cái Phố Tàu từng tồn tại ở Thăng Long hàng đôi trăm năm, phải hình dung nó như một hình ảnh thu rất nhỏ của nước Tàu thương nghiệp đặt trên nền rộng rãi của nước Việt nông nghiệp: bất quá một cái đốm diêm dúa, sặc sỡ trên nền xanh dịu dàng bát ngát của lúa của tre!

Nhưng rút cuộc thì Kẻ Chợ cũng phải bắt đầu... mầu mè.

Khi ấy tên chính thức của nó là Hà Nội. Không phải Hà Nội ta tự ý thôi quê đâu, mà quân xâm lược Pháp đã hung hăng... gôm bớt màu xanh tre xanh lúa để tô những màu nhân tạo của một phố Tây lên mặt mũi nó. Giặc nước bắt đầu ra tay “sửa” Hà Nội về cuối thế kỷ 19. Chẳng bao lâu, hương sắc cũ nơi “nghìn năm văn vật” bay hẳn đi một nửa. Ngắm nghía cái chân dung “Hà Nội cũ” hồi những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 do Tô Hoài “ký họa”, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thấy nó đã “nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới” mất rồi.(11) Trách nào “em” của Nguyễn Bính “đi tỉnh (có một hôm) về” mà nhà thơ “chân quê” “đánh” đã thấy cái “hơi” quen thuộc của “vườn chanh” “bay đi ít nhiều”!

“Hương đồng gió nội bay đi hết rồi!

Chuyện Kẻ Chợ, đại khái cũng là chuyện của cả đất nước.

Cái chất quê Việt bền bỉ lạ. Tuy đã mất một nửa đâu hồi đầu thế kỷ 20, vậy mà đến tận gần cuối thế kỷ, ở nước ta “dân thành thị vẫn mang (...) tính cách của người nông thôn”.(12) Nghĩa là mới cách nay độ hai mươi năm, tỉnh ở ta vẫn phảng phất “hương đồng gió nội”.

Năm 2012… Tỉnh Việt bây giờ chẳng những đã xa quê lắm, đã gần với tỉnh Tây lắm, nó lại đang “nở”, đang “phềnh” nhanh chóng mặt. Rồi nơi nơi sẽ không còn mấy quê đâu. Hơn nữa, chính quê cũng đang biến chất. Xóm làng ngày càng giống khu phố. Chẳng bao lâu nữa, hồn Nguyễn Bính có về, đứng giữa làng hít đến mòn mũi, sẽ vẫn không ngửi ra cái mùi quen thuộc...

Trên đất nước này, quê đã có mặt suốt mấy nghìn năm. Với ta, quê có hương, có hồn. Giữa quê với ta có tình. Hương quê, hồn quê, tình quê đã là nội dung chính của vô số nghệ phẩm giá trị của dân tộc ta.

Quê sắp bay lên trời rồi. Phố chật đất đến nơi, mà hương phố, hồn phố, tình phố cho thật đậm đà, mạnh mẽ, sâu sắc, chẳng biết bao giờ mới có, chẳng biết có bao giờ có!

Người Việt Nam thế kỷ 21 chắc sẽ no ấm hơn cha mẹ ông bà tổ tiên. Nhưng nếu thi thoảng họ có ngưng làm giàu để thử làm thơ, e sẽ thấy trong lòng không có chút xúc cảm thật thôi thúc nào để bắt đầu làm!



Thu Tứ
Viết năm 2012
Sửa năm 2014









_________
(1) Tô Hoài,
Chuyện cũ Hà Nội, nxb. Hà Nội, 2000.
(2) ÐDA,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, nxb. Thuận Hóa, 1994.
(3) Trong bài “Giò lụa” trong tập
Cảnh sắc và hương vị đất nước (nxb. Tác Phẩm Mới, 1988), Nguyễn Tuân kể thuở bé hay “sang nghịch bên đình ông Tướng giữa Hàng Bạc”. Ðình ông Tướng là đình Cổ Lương?
(4) TNT, sđd.
(5) Chữ trong lời ca khúc “Hà Nội mùa thu” của Vũ Thanh.
(6) Loại thuyền chở khách nhỏ do một người đứng ở phía đuôi chèo hay chống, đặc biệt phổ thông ở thành phố Venice, nước Ý.
(7) Nguyễn Ðình Hòa,
From the City Inside the Red River, nxb. McFarland & Company, Mỹ.
(8) NÐH, sđd.
(9) Vốn tên là Giang Khẩu, đến thế kỷ 18 mới đổi ra Hà Khẩu để tránh tên chúa Trịnh Giang.
(10) TNT, sđd.
(11) NVP, trong lời giới thiệu
Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài.
(12) TNT, sđd.