Cảnh rừng ngộ ghê. Còn cái tinh thần của một người phụ nữ xuất sắc thì có thể tóm gọn trong hai chữ: “Ráng làm”. (TT)



Trần Thanh Giao, “Câu chuyện một chiều thứ 7” (2)




Dứt xong đoạn gỗ thì mặt trời cũng gần đứng đầu. Bọn mình trở về thuyền vì đã thấy đói. Bữa ăn thật là ngon: cơm nếp nóng với mắm lóc chưng, có hành, tiêu và tóp mỡ. Cơm xong, Miên rửa mặt chải đầu. Còn mình cứ nằm khoanh trên sạp thuyền mà hút thuốc lá. Nhìn lên, sương mù đã tan từ bao giờ. Ánh nắng trưa ấm áp xuyên qua kẽ lá, cành cây, chiếu vào những quả vẹt đung đưa, màu xanh loang loáng. Rễ đước dài nâu xám, to bằng ngón chân, từng khúc nối nhau rủ xuống đầy mặt nước soi những chiếc đầu tròn. Con lạch màu đỏ đục, cuồn cuộn phù sa. Thỉnh thoảng từ trên rừng một khe nước trong reo reo chảy xuống. Cá thòi lòi giương kỳ, giương mắt chạy xèn xẹt trên mặt nước như đánh thia lia. Quanh bộp dừa, ốc len bám đầy, quơ râu xanh xanh đỏ đỏ. Loáng thoáng có vài con vọp lớn nằm phơi trên bãi chiếc vỏ mốc đen. Gió rung lá đước lào xào. Bọn mình cắm thuyền dưới bóng cây. Ánh nắng vẽ trên áo bà ba của Miên những hoa vàng lốm đốm. Nói tóm lại với các cậu là “cảnh vật rất hữu tình”.

Miên cao hứng hò khe khẽ như cho mỗi mình mình nghe:

“Vắng cơm năm bảy bữa anh không phiền
Vắng em một bữa anh đau liền tương tư
Tương tư đắp chiếu, trùm mền
Mua con tép bạc nấu canh rau dền anh ăn”.

Các cậu biết không! Khi mình nghe Miên hò câu ấy thì có thể gọi là “chết được”. Giọng Miên trong trẻo và tình tứ, nhẹ nhàng ngân vang trong lặng lẽ của rừng trưa. Mình cứ muốn nằm mãi trên thuyền mà nghe Miên hát. Khỏi cần dài dòng, chắc các cậu cũng rõ tình cảm của mình lúc ấy...

Chải đầu xong, Miên quay sang:

- Anh ngó ra trước đi. Tôi rửa chưn một chút.

Mình bảo “Được rồi!” và lấy nón lá úp lên mặt, cố nhắm mắt lại ngủ... Nhưng trời xui khiến một luồng gió thổi tới tốc nón rớt xuống sông trôi về phía sau. Mình nhổm dậy và thấy Miên đang duỗi chân phải ra với lấy nón. Cả đôi chân trắng nõn, nổi bật trên dòng nước hồng hồng...”

Kể đến đây Danh đột nhiên dừng lại hấp tấp xin thuốc lá. Một đứa trong bọn tôi vội vàng móc túi nhái đưa cho. Tay Danh run run quấn rất lâu không được một điếu. Tôi lấy làm lạ, cố tưởng tượng xem đôi chân ấy đẹp đến mức nào. Đẹp về đường nét hay đẹp về màu da mà đã bảy năm nay rồi còn làm cho Danh Cua xúc động đến thế...

“Sau đó mình ngủ quên một lúc. Nghe động thuyền và nghe tiếng vật gì rơi lộp cộp xuống khoang, mình tỉnh giấc. Té ra là một đống vọp. Miên cất nón lá rồi gọi mình đi vác củi xuống thuyền. Thú thật, mình đang còn buồn ngủ, sật sừ, không muốn ngồi dậy. Tay và nhất là bả vai đau ê ẩm. Những chỗ gai quào ở chân thấm rát. Đôi chân nặng chình chịch như đeo đá, khó bề nhấc lên. Mình có cảm giác như tất cả máu trong người dồn hết xuống hai chân. Miên nhìn mình có vẻ ái ngại:

- Đi đi anh. Vác hết củi rồi về chớ nằm đây hoài sao?

Mình nhớ lại “kinh nghiệm” ban sáng nên cố gắng mở mắt ra, ngồi dậy bước lên bờ theo Miên.

Có lẽ mình ngủ cũng lâu vì Miên đã rút dây cóc kèn bó chặt hết các ôm củi. Mình khom người xuống, vác bó đầu tiên lên vai và theo đường trở lại bờ sông. Nói ra thì xấu hổ chứ lúc ấy mình nghĩ cứ cho bẻ đước một ngày cũng không sợ bằng vác vài ba chuyến! Đường xuống bến gần nhất là năm trăm thước.

Bó củi đè nặng vai đau buốt. Mỗi bước đi, chân lún sâu xuống sình rút lên thật khó, cứ ngã tó ngã xiêu. Khổ một nỗi nữa là bó củi dài, đường thì hẹp lại cong cong quẹo quẹo, vì cây rừng nó có mọc ngay hàng cho mình đi đâu. Cứ xoay bên này mắc cây, quay bên kia vướng rễ, lướng ca lướng cướng mãi. Đau vai quá, mình dựng ôm củi lên rồi đưa lưng cõng. Nhưng đi như thế thì đầu lại cúi xuống không trông thấy đường, có khi đâm sầm vào cây dội ngược. Gần tới bến, thấy Miên đã có hai đống củi rồi. Miên gọi to, nửa như khuyến khích nửa như chê trách:

- Cắn răng lại! Nín thở một hơi mới được nhiều. Cứ nhứt bộ nhứt bái thì tới tối cũng chưa xong đâu!

Mình đến nơi, hất củi xuống một cái “bịch”, thở phào. Nếu có gương mà soi chắc thấy mặt mũi bèo nhèo như con mèo ướt. Miên bụm miệng không dám cười lớn. Mình giận lắm, chẳng thèm nhìn cô, đứng lật áo xem vai. Nó đã đỏ ửng. Miên đến gần đặt tay lên vai mình. Cô chu mỏ lại giả bộ xuýt xoa:

- Ui cha! Tội nghiệp quá! Da giấy!

Rồi Miên bật cười khanh khách. Mình giận cành hông, quày quả bỏ đi lên. Miên kéo tay mình lại.

- Khoan đã! Đi khiêng khúc vẹt đi. Không chút nữa mệt, khiêng không nổi.

Mình không thèm trả lời cứ đi theo Miên. Hai đứa đến bên khúc củi. Miên ghé vai vào phía trước và ngồi chịu cây gỗ cho mình nâng phía sau lên.

Về sau, nhớ lại những khi Miên chịu nặng thay cho mình ấy, tim mình cứ nhói lên, yêu Miên không biết chừng nào. Nhưng lúc đó mình ngu dại quá... Tay phải Miên giữ cây gỗ trên vai, tay trái chống gối đứng dậy. Mình thấy đôi chân Miên run run. Hai đứa bước đi rất khó nhọc. Miên ngoẹo đầu sang một bên, cây gỗ sần sùi áp chặt vào má, cắn vào vai, mỗi bước đi chân cứ phải xoạc ra loạng choạng. Mà mình thì chậm, làm trở ngại cho Miên rất nhiều. Có khi Miên bước tới nhưng vì mình nên phải bước lui. Miên nói hổn hển qua hơi thở:

- Nhanh lên! Anh chậm như rùa!

Lúc ấy sao mình kém cỏi thế! Miên muốn làm cho mau xong, mau đem củi về cho anh em. Còn mình thì muốn làm từ từ “cho khỏe cái thân một chút”, nghe Miên gắt mình bảo thầm: “Lúc nào cũng nhanh lên, nhanh lên. Không thèm nhanh! Giỏi thì cứ nhanh đi!”.

Rồi hai đứa cũng đến bến. Mình muốn quẳng ngay khúc gỗ xuống, nhưng Miên đã biết ý, nói trước:

- Đi luôn! Đem luôn xuống!

Mình giận quá. “Không cho người ta nghỉ, cứ đi luôn, đi luôn! Bộ cẳng cây sao chớ?”

Lúc đó chân phải của Miên vừa bước xuống thuyền, chân trái còn trên bờ. Chiếc thuyền bị đẩy, lướt sào trôi dạt ra. Miên la lớn như đứt hơi:

- Bước tới! Nhanh lên!

Mình đã quen với tiếng “Nhanh lên!” của Miên nên cũng không chú ý lắm.

Và một chuyện đã xảy ra như trong mơ: Miên mất đà ngã dúi, cây gỗ từ trên rơi mạnh xuống, dưới là be thuyền ở giữa là chân phải của Miên. Mình chỉ nghe rắc một cái cùng với tiếng kêu:

- Trời ơi! Cái chưn em!

Trong ánh nắng chiều, tiếng kêu đau đớn vang tận rừng già, vọng tới trời cao, âm thanh ào ào vang đi vọng lại!...”.

Giọng Danh lạc hẳn không còn ra tiếng nữa. Tôi liếc nhìn sang, môi Danh mấp máy như sắp khóc. Danh tỳ hai cánh tay lên đùi, hai bàn tay vày vò lấy nhau, đầu cúi xuống như một phạm nhân đang nghe kêu án mình trước vành móng ngựa...

“Mình nhớ khi đó chiếc thuyền trôi đi, lôi cả Miên theo, mình vội nhảy xuống, gỡ chân Miên ra , xốc Miên từ dưới nước lên thuyền. Miên bị đau và sặc nước, ngất lịm đi. Mình để Miên tựa vào ngực, giật tóc mai gọi mãi mới tỉnh.

Vừa mở mắt ra, Miên đã nhổm dậy vén quần lên nhìn chân. Giữa bắp chân còn hằn sâu đỏ bầm một vết be thuyền, thịt da không nở lại được. Miên dùng hai tay nhấc lên, phía dưới chân cứ oặt òa oặt oại.

Miên giật thót mình, mặt nhăn nhúm, mồ hôi và nước rừng đọng lại trên trán lấm tấm, đôi mắt Miên nhìn mình:

- Nó gãy thiệt rồi anh à!...

Trong giọng nói của Miên có cái gì vừa oán trách vừa yêu thương, vừa xót xa, vừa nhẫn nhục. Miên ngoảnh mặt đi, nhìn mấy đống cây trên bờ, chặc lưỡi một cái nghe xé ruột, xé gan...

- Anh lên vác củi đi.

Mình không thiết gì củi nữa, đứng dậy ra phía sau nhổ sào chống thuyền đi. Nếu có thể hóa thành ngựa mà chạy được thì mình cũng vui lòng làm ngay để đưa Miên mau về nhà.

- Quay lại! Tôi nói anh xuống củi mà!

Miên hét to quá khiến mình giật mình để sào tụt khỏi tay rơi xuống nước. Mình cúi lượm sào lên, cắm neo thuyền thật chặt rồi nhảy lên bờ, vác củi chạy không còn kể gì gai góc nữa.

*

Thuyền củi của bọn mình ra đến trạm gác Vàm Đầm thì mặt trời đã lặn. Miên bắt buộc mình phải đậu lại nấu cơm ăn để lấy sức mà về. Mình không dám cãi đành cõng Miên lên bờ, trải chiếu, giăng mùng cho Miên nằm, rồi đi nhóm lửa...

Gió đầu đêm thổi lạnh. Trăng mọc đã cao tỏa ánh sáng trên dòng sông, trên ngọn đước. Mình đến, muốn chăm sóc Miên. Nhưng Miên nhất định không cho và bảo đi lấy vọp nướng ăn. Mình làm theo cho Miên vui lòng chứ các cậu nghĩ xem ai còn bụng dạ nào mà ăn uống nữa. Vọp chín, Miên gọi mình đem lại và móc ba-lô lấy ra một gói muối tiêu. Miên nhìn mình ăn, mắt ánh lên một niềm vui và miệng mỉm một nụ cười như sắp khóc:

- Ngọt không anh? Tiếc quá! Em tính xuống củi xong đi hái trái giác, mai về cho các đồng chí ăn canh vọp.

Nghe câu hỏi ấy, con vọp ngọt và nóng chạy ngang cổ mình bỗng tắc lại. Mình như nghẹt thở. Mắt mở trừng trừng nhìn xuống dòng sông. Những sự việc trong ngày lại hiện hết trong đầu óc mình nhanh trong chớp mắt. Nhớ nhất là lúc Miên hét bảo mình quay lại xuống củi. Bây giờ nhiều đêm cứ hễ nhắm mắt thì lại thấy hình ảnh Miên lúc ấy: Miên nằm nghiêng về một bên, chống thẳng trên cánh tay trái, người dướn cao lên, tay phải nắm chặt lại chỉ về phía trước. Y như người chỉ huy dũng cảm tuy bị thương vẫn cố sức giục giã chiến sĩ làm nhiệm vụ:

- Quay lại! Tôi nói anh xuống củi mà!

Mình nhớ đôi mắt Miên sắc lại, lóe sáng lên. Nó đảo lộn cả tâm trí mình, và cứ ánh mãi, ánh mãi như những gợn sóng lưỡi búa vàng đang lấp lánh trên mặt sông kia vậy...”.

Danh ngừng kể, đằng hắng mấy cái rồi lấy tay vuốt mớ tóc “cua”, không lên tiếng nữa. Tôi chẳng có ý định an ủi gì nhưng tự nhiên cứ cầm lấy tay Danh. Tôi mân mê những vết chai cứng cứng giữa lòng bàn tay còn thơm mùi dầu máy như vẫn thường mân mê những chiếc pít-tông sáng loáng đã qua mấy nghìn vòng máy tiện. Danh cứ ngồi lặng im. Cuối cùng không chịu được, tôi phải hỏi:

- Chân Miên sau rồi ra sao?

Danh ngước nhìn lên trời như sợ rơi cái gì trong khóe mắt. Một lúc Danh mới đáp:

- Sau rồi phải cưa đi. Cưa ngang đây.

Danh vén quần lên, bàn tay trái đưa ngang qua ống chân phải, chỗ gần đầu gối:

- Vì hoàn cảnh kháng chiến, thiếu thuốc, thiếu thầy, chạy chữa không khỏi.

Trong bọn tôi, có một tiếng thở dài đau như rứt thịt.

Tôi buột miệng hỏi:

- Thế Miên đã có chồng chưa?

- Có chồng rồi.

- Có con chưa?

- Có con rồi.

Như lúc đầu, Danh lại moi moi lục lục cái túi áo và móc ví chìa ra cho chúng tôi xem một bức ảnh:

- Vợ mình đây này...

Tôi đánh diêm lên. Giấy ảnh cũ, sờn cả góc, nhưng ánh lửa chập chờn vẫn soi được rõ ràng một người con gái tóc ngắn, miệng cười rất xinh, đang bế một chú bé con bụ bẫm. Bức ảnh không chụp đến chân. Lật phía sau có mấy dòng chữ:

“Anh ra Bắc ráng làm. Đừng quên mẹ con em.”

Dưới ký tên Miên và đề tháng 11 năm 1954.

Trả lại Danh tấm ảnh, bọn chúng tôi lặng lẽ ngồi sát vào nhau. Gió cứ dứt dây điện kêu hoài, vi vu, vi vu.

Tận dưới xa kia, dòng sông Hồng vẫn trôi xuôi lấp lánh.


1958