Cái câu “Bên kia (...) Bên này (...)” nó là câu hát của bên nam thôi chứ nhỉ? Nam hỏi “có (...) chăng” thì nữ đáp có với chút mô tả tình trạng mình (cho biết đang như cái gì), chứ sao nữ lại đi cùng hát câu hỏi của nam? (TT)



Dương Đình Minh Sơn, “Trò trong miếu Trò”





Ảnh khuyết danh


Miếu Trò thuộc xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Vốn là một ngôi miếu cổ ẩn mình bên ngòi nước trong khu rừng trám (nay không còn). Ở đây (cứ hai hoặc bốn năm một lần - năm chẵn) vào đầu xuân, nhân dân mở lễ hội diễn nhiều tích trò (...)

Lễ hội kéo dài một đêm và một ngày: Bắt đầu (...) chính thức vào 0 giờ ngày 12 và kết thúc vào chiều ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Các trò diễn ra trong lễ ngoài hội, theo tuần tự (...)

Nửa đêm (...) giờ lành (giờ tý) (...) Trước linh vị thần miếu (...) đôi trò (nam thanh, nữ tú) đứng sau chủ tế, hướng mặt vào nhau sẵn sàng đợi lệnh diễn trò. Chủ tế, sau khi khấn xong lời thần chú cầu xin, gieo quẻ âm dương và lạy xong ba lạy thì bước lên cạnh bàn thờ, mở hòm lấy vật “hèm” làm bằng gỗ sơn đỏ (ngày trước là cái mo nang và dùi gỗ vông, xong việc thì thả xuống hồ ngâm lấy nước tưới ruộng) (...) Nõ trao cho nam, Nường trao cho nữ (...) bước ngang sang phải ba bước, quay lại, chếch hướng về đôi trò, miệng hô: “Linh tinh tình phộc” đồng thời hai tay khoát lên, tạo thành hình chữ V trước trán – đèn tắt. Tuần tự hô ba lần (...) Mỗi lần nghe hô, đôi trò vừa múa - đứng tại chỗ, hai tay cầm vật hèm đưa sang đưa về -, vừa hát:

“Bên kia có nứng cùng chăng
Bên này lủng lẳng như giằng cối xay”.




Ảnh khuyết danh


Hát xong câu này thì nữ cầm cái Nường đưa lên, nam cầm Nõ “phộc” vào (trong bóng tối chủ tế nghe tiếng “cạch”) (...) Ba lần như thế (...) Đèn sáng lại (...) “Dập” chiêng trống để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật tắt đèn” đã thành công. Sau đó chủ tế dẫn đầu “đám trò” chạy quanh miếu ba vòng, theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng vừa chạy vừa la hét và gõ dùi vào mẹt (...)

Khi nghe hiệu chiêng trống “dập” và tiếng la hét ở ngoài miếu thì những người ở nhà cũng đồng loạt “gõ” dùi vào mẹt, hoặc dùng chày “giã” vào cối và la hét theo (...) Sau đó những đôi vợ chồng ở nhà và những đôi nam nữ đang ở quanh miếu ngoài rừng Trám – nhiều đôi không quen biết nhau - cũng thực hiện lễ thức “tình phộc” (...) Sau khi xong, nữ phải giữ một vật gì đó của nam, như khăn đội đầu (...) Cô gái nào có chửa trong dịp đó là đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Nếu lấy nhau thì phường sẽ đứng ra lo liệu tổ chức lễ cưới cho và không bắt đóng tiền cheo. Đứa con sinh ra trong dịp “lễ mật” này là của quý, vật cưng của gia đình và toàn phường (...) Tục “tình phộc” này đến đầu thế kỷ 20 đã tàn, không diễn ra nữa.


(Dương Đình Minh Sơn,
Văn hóa nõ nường, nxb. Khoa Học Xã Hội, 2008. Tác giả cho biết tư liệu về Trò Trám là do ban quản lý lễ hội miếu Trò cung cấp.)