“Cái hay của tỉnh”




Sống chen chúc, thế mà cũng có cái hay!

Nấu nướng, ai đó sáng kiến ra món gì đó, rồi phải có nhiều miệng ăn thử, ăn xong rồi phát biểu “xây dựng” cho, lần lần món ấy mới lớn lên thành miếng ngon. Ở chỗ miệng ít tập trung, như ở đa số các vùng quê, cái quá trình hoàn chỉnh nghệ phẩm vẫn diễn ra được, nhưng cần nhiều thời gian. Trong khi ở tỉnh, miệng đã liền miệng mà số miệng có tiền để mua ăn thử lại cũng đông đảo hơn hẳn ở quê. Do đó, nếu được lên tỉnh, các món quê sẽ chóng lớn hơn nhiều.

Có hai cách “lên”. Cách thứ nhất, chỉ có cái ý lên thôi. Chẳng hạn, món bún riêu. Nó chắc đã ra đời ở quê. Bún riêu lên tỉnh, ấy không phải là nói người nhà quê nấu rồi gánh lên tỉnh bán, mà là nói người tỉnh tiếp thu cái sáng kiến bún riêu rồi tự nấu lấy ăn. Cách thứ hai, chính món ăn nó dẫn “xác” nó lên tỉnh. Chẳng hạn, món cốm Vòng. Người Hà Nội chỉ xúm nhau bỏ tiền ra mua “ủng hộ” cốm Vòng chứ đâu có tự tay cầm chày giã cốm. Người cố làm cho cốm ngon hơn (để được người Hà Nội thích hơn mà mua nhiều hơn) vẫn chính là người nhà quê ở làng Vòng. Theo cách này, món ăn sinh ra ở quê rồi lớn lên vẫn ở ngay tại quê. Ðây tỉnh bảo trợ quê làm văn hóa ẩm thực, chứ không phải tỉnh trực tiếp ra tay biến hạt lúa non thành hạt ngọc bích mà ai đã ăn đều phải kêu giời rằng ngon! Nghĩ làm người Hà Nội cũng sướng: chỉ việc chịu khó mua cốm ăn mỗi mùa thu, thế là coi như đã góp phần xây dựng văn hóa! (Dĩ nhiên người Hà Nội cũng thỉnh thoảng tự sáng kiến ra những món ăn mới, như món chả cá.)

Dù đẻ ở quê rồi lên tỉnh hay đẻ ngay trên tỉnh, cứ có “hộ khẩu” tỉnh, thứ nhất tỉnh... Hà, thì chắc chắn món ăn nào cũng sẽ lớn nhanh như thổi, như thánh Dóng, rất sớm trở nên “thanh lịch”!

*

Tỉnh không chỉ giúp riêng văn hóa ẩm thực. Cái chỗ đi đâu cũng gặp người, nó kích thích văn hóa phát triển vùn vụt, bất kể thứ văn hóa gì.

Nguyễn Tuân có lần tâm sự: “Tôi là người Hà Nội (đẻ ở phố Hàng Bạc, tết nào cũng được về, quê nội quê ngoại đây cả) nhưng sống ở các tỉnh nhỏ có thể nói gần hết tuổi trẻ của mình, cho đến 1937 (...) năm 27 tuổi, tôi mới thật sự sống ở Hà Nội (...) Nếu mà tôi cứ ở mãi những tỉnh nhỏ thì có lẽ tôi cũng chả làm được việc gì nhiều. Hình như Thủ đô vẫn là nơi tạo điều kiện cho con người ta phát triển bất kỳ anh quê gốc ở (địa phương nào) (...) Nó kích thích sự làm việc cho văn học nghệ thuật của mình”.(1)

Tuy cái lối mà Hà Nội giúp văn chương Nguyễn Tuân phát triển đến mức Vang bóng một thời có phức tạp hơn cái lối Hà Nội giúp cốm làng Vòng nên “cốm Vòng”, nhưng chung quy sở dĩ giúp được thứ nọ thứ kia “thành tài”, ấy vẫn trước tiên bởi Thủ đô rất đông người ở. Đông người thì chẳng những đông miệng ăn cốm, đông mắt đọc sách, mà còn đông cả bạn bè văn nghệ, phương tiện hữu ích, thực phẩm tinh thần, cùng cả không khí gợi cảm cần thiết cho văn nhân, chẳng hạn nhà hát cô đầu, chẳng hạn “đèn dầu lạc”.

Kể sao cho hết những văn hóa phẩm đã trưởng thành ở Thăng Long - Hà Nội trong khoảng nghìn năm.

*

Tỉnh giúp cái mặc thế nào nhỉ?

Ai cũng biết Hoàng Cầm quê Kinh Bắc, lại có mẹ là một liền chị nổi tiếng. Nhà thơ có lần tả cái mặc nơi đất quan họ: “Phường nữ thường là áo tứ thân lụa nâu non hoặc the đen xanh, yếm lụa đào, trắng hay cánh sen, thắt lưng màu hoa lý, hoa hồng, chít vành khăn nhiễu tam giang, đội khăn vuông mỏ quạ, đi dép da trâu mũi cong, đáng chú ý nhất (...) là cái váy lụa mềm óng buông chùng cửa võng xuống đến mu bàn chân, nhìn đằng trước tưởng là các cô đang đi lướt trên sóng lượn rập rờn (...) Phường nam thường quấn khăn lượt chữ nhân giữa vầng trán hoặc đội khăn xếp, áo the đen hoặc áo đoạn màu lam nhẹ, quần trắng, đi giày Gia Ðịnh bóng bẩy (...) Các liền chị thường đeo bên cánh tay chiếc nón quai thao, các liền anh thường mang cái ô lục soạn”.(2)

Duyên dáng lạ. Trang phục quan họ không nhường âm nhạc quan họ. Hội Lim, ta kéo nhau đi nghe hát, luôn thể xem áo xem váy xem khăn xem nón, xem thắt lưng, xem yếm!

Ơ, nhưng liền anh liền chị ở trong 49 làng, ở sau các lũy tre, chứ có phải dân của cái tỉnh nào đâu?... Hẳn lý do: tuy đất quan họ là chính hiệu quê, nhưng cũng khá đông dân và đặc biệt, có một thứ sinh hoạt giao lưu khác thường nó khiến trang phục được nhiều mắt ngắm đi ngắm lại, nhờ đó chóng lớn.

Vậy không cứ phải là tỉnh mới có thể giúp “cây” văn hóa mau cao. Mặt khác, tỉnh thì kích thích tăng trưởng được nhiều loại cây khác nhau hơn.

*

Sực nhớ, người Tây phương từ lâu quen sống ở đô thị, văn hóa Tây phương như thế từ lâu tha hồ mau cao chăng?

Đúng. Nhưng nó cao đến đâu cũng không hề cao hơn văn hóa Việt Nam.

Văn hóa Tây phương truyền thống là văn hóa chủ nghĩ, lấy suy nghĩ làm nội dung chính của các sản phẩm văn hóa. Văn hóa Việt Nam truyền thống là văn hóa chủ cảm, trong đó cảm xúc mới là nội dung chính của các văn hóa phẩm.

Cũng y như không thể so hơn kém giữa suy nghĩ và cảm xúc, ta không thể so hơn kém giữa văn hóa chủ nghĩ và văn hóa chủ cảm. Hỏi truyện hay hơn hay thơ hay hơn là ngớ ngẩn!

Cho nên Tây “cao” thì mặc kệ Tây, ta không phải sốt ruột.

(Cho đến khi Tây chở đại bác vượt đại dương qua hạ thành Hà Nội!)

*

Tại sao Tây biếng cảm siêng nghĩ mà ta thì ngược lại?

Tây với ta khác nhau từ xưa chứ không phải mới trở nên khác đâu.

Hình như cái tự nhiên đơn điệu ở vùng ôn đới nó kích thích nghĩ hơn là cảm. Trong khi hình như cái tự nhiên đặc biệt đa dạng ở góc đông nam châu Á nó lại kích thích cảm hơn là nghĩ. Bắt đầu có lẽ là thế. Thế rồi khi văn hóa cao lên, nhân loại ở Tây phương rút vào sống trong các đô thị rất đông đúc, thì hình như cái tình hình tư bề là người ấy nó khiến cái óc con người ta mỗi lúc mỗi thiên thêm về nghĩ. Trong khi trên đất Việt tộc, khi văn hóa cao lên, tổ tiên ta vẫn tiếp tục sống rất gần gũi với tự nhiên; tuy dần dần đất ta cũng có những chỗ khá đông dân nhưng những chỗ ấy không đông quá đến nỗi không còn chỗ cho tự nhiên và đến nỗi người ám ảnh người, nhờ thế sau khi có tỉnh rồi thì ta vẫn cứ tiếp tục cảm nhiều nghĩ ít.(3)

Tức cả bên Tây lẫn bên ta, sự ra đời của tỉnh không có tác dụng đổi hướng phát triển của văn hóa. Mà chỉ có tác dụng, thông qua số đông, làm cho văn hóa phát triển nhanh hơn. Tỉnh Tây giúp văn hóa Tây chóng lớn; tỉnh ta giúp văn hóa ta chóng lớn.

Thăng Long - Hà Nội là cái tỉnh ta lớn nhất, lâu đời nhất, là nôi của một nền văn hóa chủ cảm vô cùng rực rỡ. Nhưng nó đã hóa thành tỉnh Tây rồi. Nền văn hóa vừa nhắc đó đã đi vào lịch sử mất rồi!



Thu Tứ
Viết năm 2012
Sửa năm 2015























_________
(1) “Tôi tự hào là tôi làm ra tôi”, tạp chí
Văn Nghệ, số Tết Bính Tuất 2006.
(2)
Hoàng Cầm tác phẩm - Văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2004.
(3) Vấn đề này chúng tôi bàn kỹ hơn trong bài “Tại sao Đông, Tây phân biệt”.