Làm cái gì cũng phải làm lâu mới thạo.

Người Tàu quen buôn bán từ thời xửa thời xưa, nên rất thạo. Người Việt vốn chỉ quen cày sâu cuốc bẫm, nên động buôn bán thì lúng ta lúng túng.

Hễ có truyền thống lâu dài, thì có cái hay, như biết nghĩ đến cái lợi xa mà hy sinh cái lợi gần, như biết đoàn kết.

Nhưng buôn bán mà lúc nào cũng chực hè nhau làm "vỡ cửa hiệu" của người khác, ngay cả khi người ấy là chủ cái đất mình đang ngồi buôn bán, coi chừng có ngày bị đuổi về Tàu (như đã bị mấy lần)!

(Thu Tứ)



Trần Trọng Kim, “Người Tàu buôn bán”



họ (...) có cái tính rất kiên nhẫn, cần kiệm, cho nên họ đã ở đâu, là không những là không ai cướp được quyền lợi của họ, mà họ lại dần dần lấn mất cả cái quyền lợi của người ta (...)

khi nào có việc gì dính dáng đến quyền lợi của họ, thì họ có cái tính liên lạc rất lạ: chỉ một vài người đứng lên bảo nhau một tiếng là cả đoàn thể ai cũng theo (...) như sự buôn bán ở bên Mông Cái ta (...) thường là chỉ người ta đi mua hàng ở hiệu Khách, chứ Khách không chịu mua gì ở hàng ta bao giờ. Hễ mà lúc nào An Nam ta có ai định mở cửa hàng buôn bán ganh nhau với người khách thì họ bảo nhau mua đắt bán rẻ làm thế nào cho mình đến vỡ cửa hiệu, thì họ mới thôi. Người mình phần thì đã không sành nghề buôn bán, lưng vốn lại ít, phần thì bảo nhau không được, cho nên không thể nào buôn bán ganh được với người khách.


Tháng 5 – 1923


(Trần Trọng Kim, “Sự du lịch đất Hải Ninh”,
Du ký Việt Nam (gồm bài đăng tạp chí Nam Phong của nhiều tác giả), nxb. Trẻ, VN, 2007, tập II, tr. 32-33)





_________________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.