Lâu mới đọc lại, thấy cần bổ túc, xin sẽ... (2013-10-21)



“Giới hạn của khoa học”




Nền tảng và phương pháp
Giá trị trong văn hóa vật chất
Giá trị trong văn hóa tinh thần
Ảo tưởng về khả năng
Thuyết tiến hóa: một ví dụ tốt
Sai, đúng: tùy ở tầm






NỀN TẢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

1.Khoa học xây dựng trên niềm tin rằng cái mà mọi người đều thấy là thực.

2.Thấy không phải chỉ bằng giác quan mà cả bằng dụng cụ. Dụng cụ có thể xem là giác quan nối dài hoặc giác quan mới.

3.Phương pháp khoa học là đi từ hiện tượng đến khái niệm đến định luật.

4.Ví dụ: quan sát làm nẩy khái niệm lực (F), khái niệm khối lượng (m) và khái niệm gia tốc (a). Sau đó Newton tìm ra định luật “F bằng m nhân a”.

5.Dụng cụ cho khoa học một tầm thấy. Ðịnh luật cho khoa học một tầm biết.

6.Có khi đã thấy rồi mà chưa biết, tức chưa tìm ra định luật.

7.Có khi đã biết rồi mà chưa thấy, tức chưa chế được dụng cụ đủ tối tân để thấy hiện tượng mà định luật bảo rằng có.(1)

8.Khoa học tiến bộ bằng cách liên tục khảo sát tự nhiên.


GIÁ TRỊ TRONG VĂN HÓA VẬT CHẤT

9.Khoa học là một cách hiểu tự nhiên hết sức cụ thể.

10.Các định luật khoa học cho ta biết một số đặc tính của tự nhiên.

11.Bất cứ cái gì, hễ biết được một số đặc tính là có thể dùng được.

12.Càng biết nhiều đặc tính, càng dùng được vào nhiều việc.

13.Do đó, tiến bộ khoa học cải thiện đời sống vật chất.


GIÁ TRỊ TRONG VĂN HÓA TINH THẦN

14.Khoa học nhằm khám phá trọn "bộ luật" của tự nhiên, nhằm "giải mã" toàn thể thực tại.

15.Luật chỉ cho biết đặc tính. Toàn thể đâu phải là tổng số các đặc tính!

16.Ví tự nhiên với voi. Ví khoa học với người mù. Người mù sờ voi, nghe voi, nếm voi, ngửi voi, biết đủ thứ đặc tính của voi, cưỡi được voi, rốt cuộc vẫn không thấy voi!

17.Tự nhiên dĩ nhiên phức tạp hơn voi không biết bao nhiêu. Người mù sờ, nghe, nếm, ngửi được mây bay trên trời không?

18.Cho nên khoa học chỉ có thể dẫn đến những cái biết cục bộ về một phần rất nhỏ của thực tại.


ẢO TƯỞNG VỀ KHẢ NĂNG

19.Những cái biết cục bộ tỉ mỉ rất dễ gây ảo tưởng.

20.Tức gây khuynh hướng "ngoại suy cực độ": dùng luật tìm thấy trong một tầm rất nhỏ để giải thích hiện tượng nằm xa hẳn ngoài tầm ấy.

21.Ngoại suy cực độ giống từ một đường thẳng suy ra một hình khối!


THUYẾT TIẾN HÓA: MỘT VÍ DỤ TỐT

22.Thuyết đại khái như sau: Do cách kết hợp gien, con không giống hệt cha mẹ, anh em không giống hệt nhau. Khi sinh môi biến đổi, có thể có những đứa con, do một chỗ khác ngẫu nhiên nào đấy, ngẫu nhiên sinh tồn tốt hơn anh em. Con của những đứa con ấy lại có thể có những đứa ngẫu nhiên được di truyền cái đặc điểm mới. Ðặc điểm mới mỗi thế hệ mỗi nổi bật. Dần dà, cháu chắt trở nên khác hẳn tổ tiên, thành một loài riêng biệt.

23.Ví dụ nổi tiếng: Giữa vô số hươu, đến một lúc nào đấy, ngẫu nhiên có một con cổ hơi dài. Cổ dài ngẫu nhiên là một ưu thế trong loại rừng mà loài hươu ấy đang sinh sống. Sau một thời gian, xuất hiện loài hươu cao cổ.

24.Ví dụ trên rất dễ tin. Nhìn xung quanh, thấy vô số ví dụ khác cũng rất dễ tin. Ngựa bé thành ngựa lớn, voi to thành voi nhỏ, chó rừng hóa chó nhà, cá gì đấy ngoài tự nhiên hóa cá vàng trong bể v.v. Ðáng chú ý nhất là khỉ hóa người.

25.Về quá trình tiến hóa, khoa học lúc đầu dùng quan sát thô sơ, rồi lần lần, do chính khoa học tiến bộ, dùng những thứ bằng chứng mỗi lúc một tinh vi hơn để chứng minh liên hệ giữa hai dạng trong từng bước thay đổi.

26.Trong những tầm thay đổi nào đấy, hiện nay khoa học coi như đã xác nhận được giá trị của thuyết tiến hóa.

27.Rắc rối ở chỗ thuyết tiến hóa không khiêm tốn. Nó chỉ chứng minh được giá trị trong những tầm thay đổi rất bé, mà nó tự khẳng định giá trị của nó đến vô biên. Nó chỉ chứng minh được hươu cao cổ vốn là hươu ngắn cổ, mà nó bảo chim vốn là khủng long. Nó còn dám bảo tất cả sinh vật xuất phát từ một thứ xúp hữu cơ, vốn trước đấy là vô cơ!

28.Thử nghĩ về loài chim. Ðể bay được như chim, cần một thiết kế khác hẳn thiết kế của khủng long.

29.Thử hỏi: cớ gì một con khủng long quái thai, ngẫu nhiên có hai chân trước hơi dị dạngỳ, lại sinh tồn tốt hơn những con khủng long khác?

30.Rõ ràng từ thiết kế khủng long mà "hóa" từ từ thành thiết kế chim thì những dạng chuyển tiếp không có ưu thế gì cả trong việc tranh sống. Tức cái quá trình "hóa" ấy không diễn ra được.

31.Những người tin vào thuyết tiến hóa có thấy chỗ trục trặc vừa nói. Họ cố giải quyết vấn đề bằng cách bổ sung ý niệm tiến hóa "đột ngột".

32.Thuyết tiến hóa cải tiến bảo cứ mỗi lần sinh môi thay đổi nhanh hơn bình thường thì quá trình tiến hóa của sinh vật cũng nhanh lên theo.

33.Chẳng hạn khi chỗ ở của khủng long thay đổi gấp rút thế nào đấy làm cho nếu có cánh để bay thì tiện, khủng long bèn ngẫu nhiên sinh quái thai có hẳn đôi cánh (tất nhiên là cánh tương đối thô sơ để còn chỗ mà tiến hóa)!

34.Giữa thiết kế không cánh với thiết kế có cánh bay được (dù thô sơ đến đâu) là cả một trời khác biệt, không thể nào có chuyện ngẫu nhiên!

35.Khủng long không hóa chim được thì chim ở đâu ra? Khoa học đã chứng minh muôn loài không phải xuất hiện một lượt mà có loài trước loài sau...

36.Không phải hễ xuất hiện sau thì nhất thiết là "con" của loài xuất hiện trước. Không phải vì thấy chim "trẻ" hơn khủng long mà có thể kết luận chim là con của khủng long.

37.Thế là thế nào?

38.Là... chẳng hạn đến lúc nào đấy, "Trời" thấy địa cầu cần có loài chim, thì Trời "nặn" một ít chim thô sơ, thả xuống, vậy thôi. Trong thiết kế chim căn bản, cũng như trong mọi thiết kế sinh vật căn bản khác, "Trời" ban cho cái đặc điểm là thế hệ sau sẽ khác thế hệ trước một chút. Như thể tạo một yếu tố bất ngờ để "trò chơi" trở nên thú vị! Như thể để các nhà khoa học sau này có cái mà khám phá! Khám ra cái nhỏ xíu, rồi tưởng đã phá được cái lớn vô cùng!


SAI, ÐÚNG: TÙY Ở TẦM

39.Tại sao thuyết tiến hóa sai mà ứng dụng thành công? Tại sao sai mà đứng vững?

40.Nó sai vì nó tuyên bố giải thích được bí mật muôn loài. Nó ứng dụng thành công vì mọi ứng dụng đều nằm trong tầm thay đổi bé nhỏ mà nó chọn làm cơ sở. Còn đứng vững? Ðã bảo trong tầm "cơ sở" của nó, thì nó đúng chứ có sai đâu mà đứng không vững!

41.Vật lý cổ điển cũng thế. Chỉ khi đem luật Newton đi giải thích thế giới hạ nguyên tử hay những hiện tượng liên hệ vật di chuyển nhanh gần bằng ánh sáng, ta mới thấy nó sai be bét. Chứ trong cái thế giới hiển hiện quanh ta, nó ứng dụng rất tốt, đầy sức thuyết phục.

42.Ðúng trong giới hạn, là "số phận" của mọi luật. Ðiều rắc rối là, cho đến khi phải đem ứng dụng xa ngoài giới hạn của nó, thì luật nào cũng tưởng nó đã gặp... Trời!



Thu Tứ





















_______________________
(1) Chẳng hạn một số tiên đoán căn cứ vào thuyết tương đối tổng quát mãi về sau mới có dụng cụ để xác nhận.