“Vẫn là anh em”




Nguyễn Tuân có lần tùy bút: “Một khách đi đường, ăn mặc chững chạc, tiến sát vào mình tôi, nói một câu xếch mé như người Ðàng Trong: “Xin chút lửa châm thuốc”. Giá người này gặp phải tôi lúc bình thản, thì thế nào y cũng nhận được một câu gì hay thấy được một cử chỉ gì của tôi nhắc cho y nhớ phép lịch sự thông thường. Khỏi nào mà tôi không cho y một trận. Nhưng lòng tôi hôm nay rộng rãi (...) Tôi (...) vui vẻ đưa diêm cho người khách xin lửa khiếm nhã (...) tôi không có thì giờ nghĩ tới sự không phải của một người qua đường”.(1)

Có “chút lửa”, mà người ta có nói “xin” đàng hoàng, mà “chửi” nào “xếch mé”, bất lịch sự, nào “khiếm nhã”, “không phải”… Người Hà Nội thanh lịch quá xá, người Ðàng Trong xin chào thua. (Nhưng thật may hôm đó nhờ lòng rộng rãi Nguyễn Tuân “không cho y một trận”. Nếu có cho, Ðàng Ngoài dù chỉ văng lời lịch sự, Ðàng Trong e sẽ văng... dao bấm!).

Giữa hai cái phong cách ứng xử của hai Ðàng, hiển nhiên có chỗ chệch choạc trầm trọng.

*

Ðã có lần thử giải thích cái tài ăn nói nổi tiếng của người Việt miền Bắc.(2) Ðại khái, trên “mảnh đất lắm người nhiều ma”(3), “người khôn của khó”, nếu không luyện ngón võ lưỡi cho dẻo cho tinh thì chỉ có nước ăn... cám.

Trong khi ở miền Nam, đất rộng người thưa, miếng ăn dễ kiếm, người không khôn mấy cũng có cá tôm xài mệt nghỉ, ai còn thiết học hành luyện tập dù là thứ võ gì.

Cái lưỡi. Nó tuy “không xương mà (rất) nhiều đường lắt léo”. Nó tuy mềm mà ai từng bị “móc”, “xỉa”, “xói”, chưa nói đến “chửi”, đều lấy làm sợ. Bên Tàu, Khổng Minh từng dùng nó làm kiếm, “chém” Tào Tháo suýt bỏ mạng ở Xích Bích và về sau đã “đâm” Vương Lãng chết tươi ngay giữa trận tiền!

Kiếm, dù kiếm sắt hay kiếm thịt, dường như có hai phép đánh. Phép hữu chiêu, trước khi đâm một nhát phải... múa một bài. Phép vô chiêu, khỏi múa, cứ thấy chỗ hở thì cầm kiếm... chọt đại như Lệnh Hồ Xung.

Múa có chỗ hay. Múa làm bên địch hoa mắt, làm bên ta có trớn. Mà không múa cũng có chỗ hay: đỡ mất sức, mất thì giờ!

*

Tiếp tục ví von. Lời lẽ như áo quần! Có thứ che kín ý, có thứ che... hở. Lời kín hay hở, có khi phân biệt quan với dân, như ở miền Nam.(4) Còn tại nơi đất gốc của người Việt Nam, dân dù chân lấm tay bùn, khố rách áo ôm, lời thốt ra không bao giờ sơ sài mà kín đáo chẳng hề kém lời quan. Ở miền Bắc, lời quan lời dân khác nhau ở chỗ một đằng thâm nho nên xổ nho chùm, một đằng thâm... cà nên cứ “tiếng nước tôi” mà tuôn cho thật kín ý.

Ví nữa. Lời nói giống giấy gói. Có nơi ý gói giấy hoa. Có nơi ý trao miễn gói cho người nhận khỏi mất công mở!

Ví nữa nữa. Lời nói như chuông, như nệm. Nơi này lời chẳng những đã reng reng “rào trước” cho người nghe đỡ bị sốc, lại còn lo trải nệm “đón sau” ngừa trường hợp đối tượng vẫn cứ... té. Nơi kia lời tưng tửng chạy luôn vô tai bậu không thèm bấm chuông, cũng không xách theo miếng nệm nào hết!

*

Nghĩ cũng ngộ. Nước người ta to rộng nên văn hóa đa dạng, còn nước Việt Nam mình kích thước chỉ “thường thường bậc trung”, vậy mà văn hóa cũng thật nhiều dạng nhiều màu.

Trở lại chuyện Nguyễn Tuân bị xin tí... lửa (chứ không phải tí huyết!).

Cụ Nguyễn ơi, có thể cái người khách Ðàng Trong ấy hôm ấy trông cụ dễ thương (vì cụ đang “đẹp lòng” cơ mà), lại đang ngậm một chiếc tẩu rất xinh đi phất phơ ở bờ hồ, y bỗng thấy thèm thuốc và thấy gần gũi với cụ, bèn sà đến bên như một người bạn mà xin cụ tí chút cái thứ làm sinh ra khói. Y coi “ba kỳ đều là anh em”(5) đó và nếu bữa đó cao hứng hơn chút nữa, chắc y đã thân mật kêu cụ bằng... “Anh Hai”!

Cụ Nguyễn quen thứ lưỡi trước khi đâm thì múa, quen thứ ý luôn y phục chỉnh tề, bỗng dưng bị đâm thình lình, bị gặp ý ở trần, cụ choáng là phải. Còn kẻ đứng bên Hồ Gươm mà tưởng đứng giữa chợ Bến Thành, lời xin lửa của y dĩ nhiên nghe có hơi lạc điệu. Nhưng

“Nước non vẫn nước non nhà,
Bắc Nam xa mấy vẫn là anh em!”(6),

anh Bắc cứ luôn vui vẻ cho em Nam tí lửa như Nguyễn Tuân cái hôm đẹp lòng ấy nhé, cho quê hương ta đẹp vui như kính vạn hoa!



Thu Tứ
Viết năm 2013
Sửa năm 2015




















__________
(1) Xem bài “Ðẹp lòng”, không rõ trong
Tùy bút (1941) hay Tùy bút II (1943).
(2) Xem bài “Ðất nào văn nấy” của TT.
(3) Tên truyện của Nguyễn Khắc Trường.
(4) Xem bài “Tưng tửng, tưng tửng…” của TT.
(5) Phỏng theo câu “Tứ hải giai huynh đệ”.
(6) Trong bài thơ “Tôi yêu” của Bàng Bá Lân.