“Thơ ta, thơ Tàu ở ta”




Thơ là hoa của “cây” tiếng nói.

Tiếng có thể đã bắt đầu nở hoa lâu trước khi tiếng viết được xuống.

Không biết người Việt đã làm thơ tiếng Việt được bao lâu trước khi đặt ra chữ nôm. Dù sao, trước chữ nôm chỉ có thể có một dòng thơ Việt, là dòng truyền khẩu. Thơ chỉ tồn tại trong trí nhớ và nhờ miệng mà hiện thành âm thanh. Sau chữ nôm, thêm dòng thành văn, gồm những bài thơ hiện hình trên giấy.

Thường sau khi tiếng viết được xuống rồi thì truyền thống thơ truyền khẩu mau chóng cáo chung. Nhưng ở nước ta, do chữ nôm là thứ chữ hết sức khó học (phải thạo chữ Hán mới học được chữ nôm!), nên sau khi nó ra đời hầu hết người Việt Nam vẫn tiếp tục mù chữ và thơ truyền khẩu vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển.

*

“Hoa” truyền khẩu Việt có hình dáng độc đáo, không hề chịu ảnh hưởng Tàu.

Sau khi đặt ra chữ nôm, hẳn trí thức Việt Nam đã hồ hởi ưu tiên chép xuống giấy loại thơ riêng của dân tộc mình? Hẳn thơ thành văn chủ yếu là thơ luật Việt? Ai cũng biết là... không phải đâu!

Nói chi chuyện chép thơ, trong một thời gian dài chữ nôm có đó mà cũng như không, hầu hết những người biết chữ đều tránh không dùng, chọn dùng chữ Hán. Chú ý đến “quốc âm” như Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, và nhất là Quang Trung, là rất ngoại lệ.

Theo Đào Duy Anh, “Đến đời Lý Cao Tông chữ Nôm đã được cấu tạo với qui cách có thể nói là đầy đủ rồi, suốt các triều đại sau qui cách ấy vẫn không hề thay đổi”.(1) Thế mà lâu lắm, hàng bốn năm thế kỷ sau, mới bắt đầu có một số đáng kể nhà nho sáng tác bằng tiếng Việt rồi dùng chữ nôm chép xuống giấy. Thoạt tiên, tuy đã chịu viết tiếng mẹ đẻ, họ không làm thơ lục bát hay song thất lục bát mà làm ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú v.v., tức thơ luật Đường. Rút cuộc, họ cũng sáng tác thơ luật Việt, nhưng đồng thời vẫn cứ tiếp tục trân trọng thơ luật Đường.

Về cái tội coi rẻ văn hóa Việt của nho Việt, vua Trần Nghệ Tông quở trách: “Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau (...) Bọn học trò (...) không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả, như về y phục, nhạc chương v.v. thật không kể xiết”.(2)

Các nhà nho Việt Nam muốn Hoa hóa dân tộc mình! Nhưng muốn là một chuyện. Dân không nghe nho. Mà chính nho, rút cuộc, đã nghe dân.

*

Tại sao cho văn hóa Tàu là hơn, muốn bỏ văn hóa Việt đi, mà nho Việt lại vẫn có làm thơ luật Việt, làm rồi công phu chép xuống bằng một thứ chữ rất bất tiện?

Vì nho điển hình lớn lên trong làng xóm. Nho nghe tiếng nước nho từ khi mới ra đời (…) Mẹ hiền ru những câu xa vời…”.(3) Bé nghe mẹ hát ru, đến tuổi nào đó bắt đầu chú ý nghe trai làng gái xóm hát đối đáp giao duyên, rồi bỗng nhiên thấy mình không chỉ nghe thôi mà còn tham gia cất lên tiếng hát với mọi người. Hẳn đã tham gia tích cực lắm, nên công tử Nguyễn Du mới có lần “thác lời anh trai phường nón gửi cho cô gái phường vải” tha thiết thế chứ.(4)

Thứ thơ nghe từ thuở nằm nôi đến khi thôi tán gái (vì đã có vợ), thơ ấy làm sao quên được. Cho nên khi Nguyễn viết những câu “động đất trời” thì tuy ý Kiều mượn từ bên Tàu nhưng lời Kiều lại “nghe như non nước vọng lời nghìn thu”!(5)

Cái chất Việt nó đã thông qua văn chương truyền khẩu mà thấm vào tận xương Nguyễn Du, bao nhiêu sách Tàu cụ đọc không “tẩy” nó được mảy may!

*

Thơ, có ai bắt ai làm đâu. Có thấm, có thích, thì làm.

Nho thấm thích thơ lục bát, thơ song thất lục bát, nên làm.

Còn dân đối với thơ luật Đường, Hoài Thanh có lần để ý: “Trong văn học dân gian không thấy có một bài thơ nào làm theo luật Đường”.(6) Dân không làm, mà dân có nghe cũng không chịu nhớ: dẫu “thanh” như thơ Bà Huyện hay “tục” như thơ Bà Chúa, lọt vào tai bên này xong cũng chạy ngay ra khỏi tai bên kia thôi!(7) (trong khi dân thuộc Kiều làu làu, vào câu nào là câu ấy cứ nằm suốt đời trong óc). Rõ ràng xưa kia người Việt điển hình không nẩy nở tình cảm mặn mà với thơ luật Tàu.

Sự tình thế, thiết tưởng không phải do dân mù chữ nên không đọc được nên không quen nghe thứ văn vần kia. Là vì những bài thơ thành văn viết xuống rồi vẫn có được đọc lên đấy chứ. Đã nói lúc nào chả có một số nho đang sống ngay giữa dân, nên thiếu gì lúc dân nghe nho ngâm nga thơ nôm luật Đường. Nghe đã... mòn tai, không lạ chút gì nữa, nhưng vẫn cứ không thích, nên mới không làm, không nhớ.

Không thích không nhất thiết là không thấy hay. Người dân quê có lẽ cũng thưởng thức được thơ Nguyễn Khuyến, chẳng hạn. Nhưng khi tai họ đón vào những “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm” v.v., hẳn lòng họ ấm a ấm ức:

“Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra khó hát, khó ca thế nào”!(8)

Dân Việt chỉ thực vui khi “ca hát” những thể thơ Việt mà thôi.

Chỉ những thể thơ Việt mới làm được nhịp cầu tri âm giữa “nho gian” và dân gian. Nho mà không làm không nghe thơ lối Việt thì tâm tình hai gian đành thôi trao đổi!

*

Vừa rồi nhắc ca hát, không phải vô tình. Giữa thơ truyền khẩu với dân nhạc có mối quan hệ khắng khít.

Về quan hệ này, có nhà nghiên cứu bảo: “Dân ca nước ta (...) hầu hết đều xây dựng trên cơ sở những câu ca dao sẵn có”.(9) Có nhà khác lại bảo: “Ca dao được hình thành từ dân ca”.(10)

Thơ mà có thể dùng để hát, lời hát mà có thể rút ra thành thơ, ấy là bởi bài thơ và bản nhạc đã được làm theo cùng một cái nhịp căn bản nào đó.

Nhịp căn bản của thơ, nhạc, chắc chắn là con đẻ của nhịp sống.

Mỗi cộng đồng người, một nhịp sống, một nhịp căn bản cho thơ cho nhạc. Trừ khi đằng này bỗng đổi nhịp sống, sinh hoạt như đằng kia, cái nhịp căn bản của đằng kia không có cách nào vào chiếm được lòng dân đằng này!

Thử nghĩ về trường hợp ta với Tàu.

Sau bao nhiêu thời gian tồn tại trên đất nước mình bằng cái cách riêng của mình, dân tộc Việt Nam đi đến thơ lục bát. Lục bát sinh ra, lớn lên, ngự trị trong dân gian, chiếm đến 95% số lời ca dao (11), bất chấp việc giới trí thức đầy quyền uy trịnh trọng rước về một thể thơ khác hẳn nó.

Sở dĩ lục bát làm được thế, ấy bởi từ lúc nho ra đời đến lúc nho... đi đời, cuộc sống của hầu hết người Việt Nam coi như không thay đổi, vẫn khác hẳn cuộc sống của tầng lớp trí thức bên Tàu. Nho Việt bắt chước sống như nho Tàu, cố tu thân cho biến thành quân tử... Tàu thì cứ việc, đông đảo nhân dân ta chỉ biết ngày ngày ra đồng cày cấy y như bao nhiêu thế hệ người Việt trước mình, và do đó cứ tiếp tục yêu da diết lục bát mà hoàn toàn hờ hững với thất ngôn, ngũ ngôn.

*

Trên đã làm tội nho. Nhưng nho cũng có công với văn hóa dân tộc đấy.

Chính nhờ nho cứ “ngoan cố” làm mãi thứ thơ luật Đường mà đến thế kỷ 19 văn học Việt Nam bỗng có thêm rất nhiều thi phẩm giá trị. Một mặt, cái luật thơ xa lạ kia nó là bằng chứng văn hóa phương Bắc đã ảnh hưởng đáng kể đến tầng lớp trí thức của dân tộc ta. Mặt khác, cái hay rất đỗi già dặn của những bài thơ tiếng Việt làm theo luật Tàu lại chứng tỏ trí thức Việt Nam đã bản địa hóa hoàn toàn thành công một thể thơ ngoại lai, làm dài thêm bảng thành tích rực rỡ của văn hóa Việt Nam. Nói ví von, nhờ công nhọc của nho, mà cây Việt ngữ bỗng nở thêm một loài hoa lạ!

Hoa lạ này rồi làm nẩy ra hoa lạ khác. Hoài Thanh cho biết thơ năm chữ và thơ bảy chữ trong Thơ Mới chính là “do luật Đường giãn và nới ra”.(12)

Dĩ nhiên ngoài công làm nở hoa lạ, nho đã lập công lớn làm hoa quen nở ra những đóa rực rỡ chưa từng. Cung oán, Chinh phụ, Truyện Kiều…, tác giả những tuyệt phẩm ngâm khúc và lục bát ấy đều là nho cả.

Có lẽ nên nhắc lần nữa rằng trong cái công trực tiếp của nho có cái công gián tiếp của dân. Dân “bơm” chất Việt vào tâm hồn nho suốt từ ngày thơ bé đến tuổi thanh niên, và thực ra vẫn tiếp tục bơm ngay cả sau khi nho thi đỗ ra làm quan. Chính nhờ được dân giữ cho khỏi mất gốc, mà nho mới có ngày “làm nên” như vừa nói!

Cuối cùng, nêu công lao của các nhà nho Việt Nam xong, sực nghĩ cũng nên có lời tử tế về cái phương tiện họ đã dùng lập công. Chữ nôm, thứ chữ rất dở ấy, thế mà rồi cũng được việc!



Thu Tứ
Viết năm 2013












____________
(1) Ðào Duy Anh,
Chữ nôm - nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1975.
(2) Xem
Đại Việt sử ký toàn thư.
(3) Lời bài “Tình ca” của Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời (…)”.
(4) Xem Xuân Diệu,
Ba thi hào dân tộc, nxb. Thanh Niên, 2000.
(5) Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu.
(6) Hoài Thanh,
Chuyện thơ, nxb. Tác Phẩm Mới, 1978.
(7) Thơ Bà Chúa tức thơ Hồ Xuân Hương, vì HXH có người gọi là “bà chúa thơ nôm”.
(8)
Truyện Kiều: “Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
(9) Vũ Ngọc Phan,
Qua những trang văn, nxb. Văn Học, 1976.
(10) Nguyễn Xuân Kính,
Thi pháp ca dao, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1992.
(11) NXK, sđd., tr. 56.
(12) Hoài Thanh,
Thi nhân Việt Nam, 1941.