Đất, nước, gió, lửa là nói cho dễ hiểu đối với đa số. Nhưng nói thế e thiểu số biết khoa học sẽ nẩy ý thay thế bằng những nguyên tố, những hạt nọ hạt kia v.v., nghĩa là lạc vào mê lộ. Nói thẳng, thì vật là “thể” do nhân duyên mà hiển hiện. Tuy trông nhiều khi hết sức khác nhau, vật nào cũng tự thể mà thành: “vạn vật nhất thể”. Tất cả là một. Và tất cả đều có đấy rồi không đấy, không bền, “vô thường”.

Duyên xui Thể hiện nên hình
Bao nhiêu cũng tự Thể thành ai ơi
Có là trong một lúc thôi
Duyên tàn, Có sẽ rã rời hoàn Không.
(Thu Tứ)



“Hiểu Tâm kinh” (1)

Thích Thanh Từ




Cho in quyển Bát-nhã tâm kinh giảng giải này cũng ngoài ý định của chúng tôi. Trong khi giảng bài kinh này cho một số tăng, ni và cư sĩ nghe, có ít vị cư sĩ hâm mộ ghi lại và chép ra, đưa chúng tôi xem và xin phép in. Thấy lòng trọng pháp của quý vị ấy rất nồng nhiệt, chúng tôi cũng tùy hỉ chấp thuận. Đọc lại bản đã giảng, chúng tôi chỉ sửa sơ lược cho kịp lúc quý vị in. Thế nên toàn quyển đều là văn nói, lại còn lắm điều sơ sót (...) Mong rằng quý độc giả đọc sách này chỉ nhận ý quên lời (...)

Chúng tôi thấy Bát-nhã tâm kinh là cửa vào của giáo lý Đại Thừa hay nói riêng của Thiền Tông (...)

Lời giảng

(...) Bài kinh này được ngài Huyền Trang đời Đường dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán vào năm 649 Tây lịch. Toàn bài chỉ vỏn vẹn 262 chữ (...)

Đề kinh tên Ma-ha bát-nhã ba-la mật-đa tâm kinh (...) Ma-ha có nghĩa là lớn, bát-nhã là trí huệ, ba-la mật-đa là đến bờ kia, tâm kinh tức là kinh nói về tâm.

(...) bài kinh này (...) nói về trí huệ rộng lớn cùng tột (...) Ba-la mật-đa (...) có nghĩa là cùng tột (...) Trí huệ rộng lớn cùng tột gọi là tâm.

Chữ “tâm kinh” là tiếng Trung Hoa, mà “ma-ha bát-nhã ba-la mật-đa” là tiếng Phạn (...) trí huệ rộng lớn cùng tột gọi là ma-ha bát-nhã ba-la mật-đa hay gọi là tâm. Thế là kinh này nói về tâm nên gọi là tâm kinh.

Có nhà giảng chữ tâm kinh là (...) trọng tâm của toàn bộ Bát-nhã 600 quyển. Theo chỗ thấy hiểu của tôi thì khác. Tâm kinh là kinh nói về tâm, vì chữ ma-ha bát-nhã ba-la mật-đa là tên khác của tâm mà thôi (...)

Giờ chúng ta bắt đầu đi vào chánh văn:

“Quán Tự Tại bồ-tát hành thâm bát-nhã ba-la mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”.

(Nghĩa là:) “Có một vị bồ-tát tên là Quán Tự Tại khi ngài thực hành sâu về trí huệ thì ngài soi thấy năm uẩn đều không, liền qua tất cả khổ nạn”.

(...) thực hành sâu vào trí huệ (...) tức là dùng trí huệ soi xét (...) cái thân năm uẩn (...) năm uẩn là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sắc (...) là cái thân bằng xác thịt của mình (...) dùng trí huệ soi thấu nó thì (thấy) nó nguyên là do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thôi (...) Đất là những chất cứng ở trong thân như tóc, lông, móng, da, thịt, gân, xương v.v. Nước là như mồ hôi, máu mủ, nước miếng, đàm giải v.v. Gió là như hơi thở vô ra làm cho tim nhảy phổi nở v.v. Lửa là nhiệt độ (hơi nóng) trong người. Như vậy (...) thân (...) là sự giả hợp của tứ đại (...) cái ăn cái uống cốt bồi bổ cho tứ đại (...) Chúng ta thấy chỉ vì thân này mà lăng xăng lộn xộn suốt ngày. Hết nạp vô rồi cho ra, thiếu không được, dư không xong, vô ra cả ngày thật không nghĩa lý gì! (...) Việc đem vô đem ra rồi một ngày kia bắt buộc phải đình chỉ và thân này phải bị rã tan. Thân đã rã rồi thì lúc đó coi như hết! (...) Một cái rất tạm bợ mà (...) lo đắp bồi cho nó (...) gây tạo biết bao nghiệp chướng (...) đất nước gió lửa hợp lại (...) gọi là nhân duyên (...) do tứ đại làm nhân làm duyên với nhau mới có thân này (...) hết duyên thì nó rã tan (...) nguyên nó là không, do duyên hợp mới có (...) Biết sắc uẩn là không (...) thì qua được các khổ nạn của sắc uẩn.


(Thích Thanh Từ,
Bát-nhã tâm kinh giảng giải, tu viện Chơn Không, 1974. Nhan đề phần trích tạm đặt.)