Nghĩ cho thấy Có là Không
Nghĩ sao cho thấy rõ Trong là Ngoài
Tu sao cho thoát hình hài
“Tâm vô sở trụ”, mới chẳng hoài công tu!
(Thu Tứ)



“Hiểu Tâm kinh” (4)

Thích Thanh Từ




Thức là phân biệt, cái phân biệt của mình. Ở con mắt khi thấy hình dạng vuông tròn hay màu sắc đen, vàng, trắng, đỏ... Cái phân biệt của con mắt gọi là nhãn thức. Lỗ tai nghe tiếng, sanh phân biệt tiếng trong, tiếng đục... đó là cái biết của lỗ tai, gọi là nhĩ thức v.v. Tóm lại những cái phân biệt của sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) gọi là thức (...)

Thọ đã không thật có thì thức cũng không thật có, chỉ vì căn tiếp xúc với trần mà khởi ra phân biệt (...)

Đến đây chúng ta đã đi qua hết năm uẩn (...) soi thấy (...) năm uẩn do nhân duyên hợp nên tạm có như huyễn, mà thể tánh là không (...)

Tất cả khổ nạn đến với chúng ta đều do chúng ta thấy (ngũ uẩn) là thiệt (...) Nghe người ta nói nặng một tiếng thì buồn (...) nếu biết thọ uẩn là không thiệt thì ai nói gì cũng không buồn. Không buồn tức là không khổ, mà không khổ tức là qua khỏi khổ nạn. Cũng vậy, đối với thân tứ đại này, nếu chúng ta thấy nó giả thì chuyện đau đớn, mất còn đâu có nghĩa gì (...) Cái gì cũng không hại mình được, vì mình đâu có mình mà hại. Sở dĩ mình có khổ nạn là tại mình thấy mình thiệt (...) Một khi mình thấy mình với đất nước gió lửa ngoài không khác, thì lúc đó đất nước gió lửa ngoài không hại được mình (...)

Khi hết khổ rồi thì gọi là lạc là vui, không còn một chút khổ nhỏ nào thì gọi là cực lạc, là Niết-bàn (...) Qua hết khổ nạn tức là được tự tại, được giải thoát (...)

Khi chúng ta đem hết tâm lực để chiếu soi (cho thấy) năm uẩn là không thì đó gọi là hành Bát Nhã (...) Đức Phật chỉ dạy một câu thôi (là cái câu ta bàn nãy giờ) (...) chúng ta dùng một câu đó để tu cũng đủ rồi (...)


(Thích Thanh Từ,
Bát-nhã tâm kinh giảng giải, tu viện Chơn Không, 1974. Nhan đề phần trích tạm đặt.)