Võ Phiến, “Bài chòi”




Trong bài phê bình vở chèo Quan Âm Thị Kính, ông Nguyễn Văn Xuân có một lời chú thích: “... đồng bào Bình Định còn có một loại tuồng riêng khá hấp dẫn gọi là tuồng bài chòi (xin đừng lộn với hô bài chòi”.(1) Nhưng phân biệt thế nào cho “đừng lộn” thì ông chưa kịp nói ra. Tuồng bài chòi ra sao? Hô bài chòi ra sao? Giữa hai bên có liên quan gì không? Tuồng bài chòi khi diễn có hô chăng? Hò bài chòi với hô thai có phải là một chăng?

Cùng ra mắt một lúc với bài báo của Nguyễn Văn Xuân, có sách Non nước Bình Định của thi sĩ Quách Tấn. Về bài chòi, ông Quách Tấn viết: “Bài chòi có đã từ lâu. Nhưng bày ra điệu hô thì mới độ năm sáu mươi năm nay”.(2) (…)

*

Bài chòi, thoạt tiên là một lối đánh bạc. Người ta đánh bài chòi, cũng như đánh bài tam cúc, bài xì, bài cào v.v. Có điều bài chòi không đánh trên chiếu, trong nhà, mà đánh giữa trời, theo kiểu cờ người, tam cúc điếm, tổ tôm điếm v.v.

Trước hết, xin lược thuật lại những điều tác giả Non nước Bình Định đã trình bày. Trên một khoảnh đất, dựng lên chín cái chòi: chính giữa một chòi, hai bên mỗi bên bốn chòi. Các chân bài mỗi chân chiếm một chòi. Người ta dùng bộ bài tam cúc 27 cặp, đem mỗi lá bài dán vào một thẻ tre. Bộ bài chia ra làm đôi: một nửa bỏ vào ống do người hô hiệu giữ, một nửa đem chia cho các chòi mỗi chòi ba lá. Lúc bắt đầu chơi, anh hiệu rút lá bài trong ống ra, hô lên; chòi nào trúng lá ấy thì gọi hiệu đem lại. Khi có chòi trúng đến lá thứ ba là xong một ván. Người hô hiệu thu hết bài, trộn lẫn, rồi lại phát ra mỗi chòi ba lá để bắt đầu ván khác. Cứ như thế cho đến tám ván là mãn hội.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì có đôi chỗ khác với lời ghi của Quách Tấn: bộ bài tam cúc đem ra đánh bài chòi có 30 cặp (thay vì 27), số chòi là mười (thay vì chín), tên gọi các quân bài cũng có vài sai biệt. Làng quê của Quách Tấn và của chúng tôi cùng chung một tỉnh, cách nhau chỉ bảy tám mươi cây số, mà ở mỗi nơi cách chơi đã mỗi khác. Bài chòi phổ biến trong nhiều tỉnh, vậy chắc chắn so sánh địa phương này với địa phương kia sẽ thấy về chi tiết có nhiều điểm khác nhau.

*

Nét đặc biệt thứ nhất của bài chòi là tính cách hoàn toàn Việt Nam. Đây là lối chơi do chúng ta nghĩ ra, không mượn của nước nào.

Bộ bài tam cúc dùng đánh bài chòi không phải là bộ tam cúc 32 lá thông dụng. Giữa đôi bên chỉ giống nhau có cái tên gọi mà thôi. Những lá trong bộ bài tam cúc “thật” là chính xác những quân trên bàn cờ tướng, gồm tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt, tượng trưng cho hai lực lượng đối đầu nhau. Trong khi bộ bài chòi gồm ba pho: văn, vạn, sách; tuy nghe giống tài bàn, tổ tôm nhưng rồi ta sẽ thấy đôi bên cũng chỉ chia xẻ với nhau mấy cái tên gọi ấy mà thôi.

Pho văn có chín cặp: Chín Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rún, Sáu Miểng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Gan. Pho vạn có chín cặp: Nhất Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ Trợt, Lục Chạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.

Pho sách cũng có chín cặp: Nhất Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách, Ngũ Dụm, Sáu Bường, Bảy Thưa, Tám Dây, Cửu Điều. Ngoài ba pho (27 cặp), còn có ba cặp “yêu”: một cặp Ông Ầm, một cặp Thế Tử, một cặp Bạch Huê.

Điểm qua tên các lá bài chòi, thấy rõ là của người Việt, hơn nữa, của người Việt bình dân. Toàn những tên nôm na, đặt một cách vừa cẩu thả dễ dãi vừa hài hước nghịch ngợm. Cẩu thả vì khi Tam Quăng khi Ba Bụng, lúc Cửu Điều lúc Chín Gối, tiếng nôm tiếng Hán xen nhau lộn xộn. Và những Ba Gà, Ba Bụng, Ông Ầm, Ngũ Rún v.v. rõ ràng là những tiếng phát ra giữa các trận cười rất ầm ĩ. Các nhà nho không có cái lối cười ấy.

Nhưng Chín Gối, Nhì Bánh, Tám Dây, Ngũ Dụm v.v. là cái quái quỉ gì vậy? Chúng mang ý nghĩa ra sao? Gợi lên hình ảnh xã hội nào? – Chỉ căn cứ vào những cái tên, không thể đoán nổi. Chúng tôi nghĩ manh mối dễ phanh phui hơn nằm trong những hình vẽ trên các lá bài. Những hình vẽ ấy cũng rất độc đáo.

Trên lá bài chòi không có chữ nho như trên lá bài tam cúc, không có hình vẽ người vẽ thú hiện thực như trên lá tổ tôm, tài bàn. Trông qua tập hợp hình vẽ trên bộ bài chòi, ta có cảm tưởng tác giả thuộc các họa phái siêu thực, lập thể, vô hình dung, hay đã lấy hứng từ cổ họa Ai-cập! Trên các lá bài chòi ngày trước có chữ nôm, còn những bộ bài “tân thời” có chữ quốc ngữ (có khi chữ viết không đúng với tên gọi). Lưu ý một chút, ta thấy trên hình vẽ các quân bài thuộc pho văn có những cục, những miếng tròn như đồng tiền hay nửa đồng tiền; trên hình vẽ các quân bài thuộc pho vạn thì đều có mặt người rằn rịt; trên các quân bài thuộc pho sách có những nút tròn nhỏ; còn các lá bài yêu không có những đặc điểm vừa kể. Đối chiếu hình vẽ với tên gọi, thấy thường có liên hệ. Chẳng hạn Sáu Miểng là lá bài vẽ sáu miếng, Tám Miểng vẽ tám miếng, Nhì Bánh vẽ hình hai chiếc bánh xe, Tứ Xách có hai chiếc quai, Ba Gà có hình đầu gà.

Tên gọi do hình vẽ. Thế còn hình vẽ thì do cái gì? Ngắm các hình vẽ ấy, tôi đoán đó không phải là tác phẩm của họa sĩ nhà nghề. Không thể mua được một bộ bài chòi ở Sài Gòn, ngay cả tại Qui Nhơn hình như cũng không mong tìm được chỗ bán. Phải về tận các chợ nhỏ ở quận, xã mới thấy. Bài chòi là trò chơi của nơi thôn dã. Làm ra quân bài, không mong nhờ được tới những tài năng cấp thị xã, cấp tỉnh, cấp nước, cũng không hy vọng có được phương tiện dồi dào. Lá bài chòi in bằng bản khắc gỗ, nét cục mịch, thô sơ, trên giấy mỏng xấu, dán lên những mảnh bìa tồi (xưa là thẻ tre). Người vẽ ra lá bài hẳn là một “cây họa” tài tử trong xóm làng. Nét bút không bí hiểm nhằm diễn ý cao xa, mà chẳng qua cốt sao cho có đủ ba mươi hình khác nhau, thế thôi. Nhưng ngắm những hình vẽ cho có ấy, quần chúng lại tưởng tượng ra đủ thứ ý nghĩa châm biếm, hài hước! Ở đây sự suy diễn được hoàn toàn tự do, nên cùng một lá bài vùng này có thể gọi khác vùng kia. Ngay trong một vùng, lâu lâu người ta cũng cao hứng nảy ra một ý nghĩ dí dỏm mới mẻ về một hình vẽ nào đó và đặt thêm tên mới cho lá bài. Vì vậy ở quê Quách Tấn có những lá Đổ Ruột, Ngũ Dít v.v. mà ở quê chúng tôi không có. Và quê chúng tôi lá Tám Dây cũng gọi là Tám Hột, lá Nhì Bánh có lúc lại gọi là Nhì Xe, lá Chín Gối có khi trở thành Nhất Gối v.v.

Nước ta vẫn có nhiều lối bài bạc, nhưng những lối có gốc tích dân tộc, do người nông dân sáng kiến ra như bài chòi, thiết tưởng không có nhiều đâu.

Ngày xưa, khi ông Tú Xương bị tài bàn hành hạ, ông hạch tội nó trong một bài phú và nêu lên một nghi vấn: có phải cái món tai hại này do những “chú chệt bán hàng” đem sang? Ông Tú nghĩ đúng. Nhiều lối bài bạc của ta có gốc Tàu: tổ tôm, tài bàn, mạt chược, bài cẩu v.v. Những lối ta học của Tàu, về tên các quân bài thì do trông thấy chữ viết ta đọc theo âm Hán Việt, nhưng về tên của từng lối chơi thì chắc vì ít khi được viết ra nên ta chỉ nghe cách phát âm của “chệt” mà bắt chước: tổ tôm thay vì tụ tam, tài bàn thay vì đại bàn, tài xỉu thay vì đại tiểu, bài cẩu thay vì bài cửu, mạt chược thay vì mã tước v.v. Những chữ Tàu đọc khác âm Hán Việt, nghe nhiều khi kỳ quặc, khó hiểu!

Còn bài chòi, cái tên của nó dễ hiểu hết sức: đây là lối chơi ngồi trên chòi mà đánh bài, thế thôi. Bài chòi như thế thuộc vào số rất ít lối đánh bạc mà tên gọi không dính líu đến ngoại ngữ.

Về đặc điểm đầu tiên của bài chòi, không biết liệu các nhà dân tộc học khi nhìn vào có phát hiện được điều gì mới mẻ? Các hình vẽ trên quân bài, liệu chúng có ý nghĩa tiềm ẩn gì chăng? Những nét nguệch ngoạc của trẻ nít, của con bệnh tâm thần, dưới mắt nhà chuyên môn còn có thể hàm nội dung đáng chú ý, huống hồ các hình vẽ tuy vụng về nhưng đã gây được hứng thú cho quần chúng trong một thời gian dài. Và các tên quân bài nữa: tại sao trông hình này lại nghĩ ra cái tên Ngũ Dít hay Ngũ Dụm? tại sao hình kia lại dẫn đến cái tên Nhì Nghèo hay Tam Quăng hay Bảy Thưa? Những tiếng ấy vô nghĩa chăng? Nếu thế, có khi chuyện lại càng đáng tìm hiểu. Khoa phân tâm học đã chẳng lưu ý đến những tiếng nói ngọng, nói liu, đến những liên tưởng bất thần, vô ý thức đó sao? Càng thoát khỏi sự kiểm soát, sự xếp đặt của lý trí, hình vẽ tiếng nói càng phát lộ được những cái gì đó ẩn tàng trong chỗ sâu xa nhất của con người. Ngũ Dụm, Tam Quăng v.v. phát ra từ cái cao hứng bất thần của cả một đám đông, nếu chúng ta cố liên hệ chúng với các hình vẽ, biết đâu chẳng phát giác được ít nhiều về tâm lý của đám đông ấy? Cờ tướng, lối chơi ấy hay thực, nhưng nó cho ta biết bất quá về trí thông minh của người nghĩ ra nó, của một người. Còn bài chòi, nếu chịu khó ngắm nghía nó ít lâu, không chừng trò chơi thôn dã ấy sẽ mách với ta đôi điều về một khía cạnh tâm lý của cả một tập thể nông dân...

*

Một đặc điểm khác của bài chòi là nó “nặng về phần trình diễn”, theo một lối nói hôm nay. Một ván bài kéo dài hàng giờ, sự được thua chẳng đáng bao nhiêu. Không hề có ai tán gia bại sản vì bài chòi. Đánh bài chòi là cho vui, vì thực ra rất vui.

Không khí ở nơi đánh bài chòi là không khí một rạp hát. Trước chòi giữa, chỗ người hô hiệu múa men, là sân khấu. Trước khi bắt đầu một ván, hiệu dóng trống lên rộn ràng. Lúc rút từ trong ống ra một lá bài, hiệu không trực tiếp xướng tên bài đâu. Anh ta cất tiếng “hô”, nghĩa là hát một bài lục bát gợi ý về con bài. Chẳng hạn, gặp lá Bạch Huê, anh ta hô:

“Hoa phi đào phi cúc
Sắc phi lục phi hồng
Trơ như đá vững như đồng
Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao
Mỉa mai cụm liễu cửa đào
Ong qua muốn đậu, bướm vào muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp, khi nở, khi xù, khi tươi
Chúa Xuân ngó thấy mỉm cười
Sắc hay vương vấn mấy người tài danh
Có bông, có cuống, không cành
Ở trong có nụ, bốn cành có tua
Nhà dân cho chí nhà vua
Ai ai có của cũng mua để dành
Tử tôn do thử nhi sanh
Bạch Huê mỹ hiệu xin phành ra coi”.


Trước khi lá Bạch Huê được “phành ra coi”, ai nấy tha hồ hồi hộp, suy đoán lung tung...

Gặp lá Nhì Nghèo, anh hiệu có thể hô:

“Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
Đêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường
Dù dơi dép bướm chật đường
Màn loan gối phượng ai thương thằng nghèo”.


Bài ngắn thì hai câu, mười bốn chữ, dài thì một vài chục câu; mỗi anh hiệu phải thuộc trên dưới vài trăm bài để thay đổi, vì nếu mỗi quân bài chỉ có một cách gợi ý thì người nghe mau chán. Vẫn là Bạch Huê, có thể hô:

“To người nhỏ mắt là voi
Nhiều tiền ít thịt khó coi... là Bạch Huê
Uớ Bạch Huê!”


Vẫn là Nhì Nghèo, lại có thể hô:

“Vặn cân bẻ móc chẳng bao lăm
Xê đi xích lại mấy năm cho giàu
Uớ Nhì Nghèo!”


Hiệu vừa hát theo nhịp đàn tiếng trống, vừa múa, vừa làm điệu bộ. Anh nào có giọng tốt và có nhiều bài lạ được hoan nghênh. Nhiều anh có tài ứng khẩu. Bài hát thường vui vẻ, hài hước:

“Đi đâu bỏ cửa bỏ nhà
Bỏ ba ông Táo cho gà nó bươi
Uớ Ba Gà!”,

“Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để con nó khóc tới lòi rún ra
Uớ Ngũ Rún!”,

“Chồng nằm chính giữa
Hai vợ hai bên
Lấy chiếu đắp lên
Hô là Ba Bụng!”...


Trong lúc anh hiệu hô, mọi người theo dõi, bàn tán, gặp chỗ thích thú thì cười rần rần như xem kịch xem hát. Trên mỗi chòi ngoài người chơi bài có thể có cả một vài người thân hoặc bạn bè của người ấy. Quanh chòi dân làng kéo tới đông đảo, trai nhân tiện tìm gái để tán, trẻ con nhân dịp khoe quần áo. Chúng ta có thể tưởng tượng khi một đám đông phức tạp như thế - nông phu, đàn bà, trẻ con v.v. – cùng xúm lại ngắm những hình vẽ lằng ngoằng bí hiểm thì ý kiến nảy ra phong phú biết chừng nào. Ngũ Dụm, Nhất Trò, Ngũ Rún v.v. ra đời trong hoàn cảnh như vậy, ra đời giữa hội vui của đám đông.

Sau khi hiệu hô xong, chòi nào trúng bài thì đánh lốc cốc hai tiếng mõ. Hiệu mang bài đến trao. Lúc có chòi trúng đến lá thứ ba, chòi ấy sẽ đánh luôn một hồi mõ, thông báo đã “tới”. Anh hiệu đáp bằng một hồi trống dài, rồi bưng một khay tiền với một lá cờ đuôi nheo đến trao cho chòi “tới”, vừa bưng khay đi vừa hô:

“Hoang mang lãnh lấy cờ làng
Khẩn cấp dưng cờ đệ nhứt
(hay đệ nhị, đệ tam v.v.)
Hô là Cửu Trại!”


(Tại sao lại “hoang mang”? Có lẽ nguyên là chữ “hân hoan”, lâu ngày bị đọc sai lạc đi?!)

Chòi “tới” lãnh cờ, giắt lên mái chòi cho nó bay phấp phới, nêu cao tin vui thắng lợi đầu năm trước gió xuân.

Nguyên với lối chơi như thế - có hát, có nhạc, có điệu bộ múa men – bài chòi đã mang nhiều nét nghệ thuật sân khấu, huống chi lâu lâu mãn hội lại có thể xen vào một màn phụ diễn. Ở đây anh hiệu hô một bài dài, thuật một tuồng tích nào đó, hoặc thuần theo điệu bài chòi, hoặc có pha câu nam câu khách, lẫn lộn điệu hát bộ. Đám bạc hóa ra đám hát.

*

Từ chỗ này, trò đánh bài chòi tiến đến tuồng bài chòi.

Người ta chỉ đánh bài chòi vào dịp Tết Nguyên Đán. Mỗi năm một lần thôi, do làng tổ chức (“hoang mang lãnh lấy cờ làng”). Hết Tết, làng cho dỡ bỏ chòi, dẹp trò bài bạc.

Cuộc chơi đã kết thúc, nhưng nó còn lưu lại một điệu hát, gọi là điệu “hô bài chòi”. Mỗi khi trong làng có dịp tụ tập đông người, anh hiệu có thể được mời đến giúp vui. Anh hiệu dùng điệu hô bài chòi, hoặc để kể lại, thêm một lần nữa, một chuyện hiếm khi xảy ra nên được mọi người chú ý rất lâu:

“Thảm thương cho thím Thông Tằm
Chồng đau bịnh trượng xuống nằm nhà thương
Vợ chồng là nghĩa cang thường...”

(đại khái, một vụ giết người),

hoặc tả một nghịch cảnh nào đó trong cuộc sống xung quanh:

“Làm sui cả nhà, làm gia cả họ
Kẻ giàu người khó, ai có nấy nhờ
Con tôi nhỏ dại còn khờ
Hồi nào tới nói bây giờ trách ai
Làm sui tôi không ép không nài
Rượu chè tới nói ngày hai ba lần”
,

hoặc kể một tuồng tích:

“Lưu Kim Đính:
- Chàng ơi, thuyền quyên sánh với anh hùng
Mẹ cha đã định chữ tam tùng đâu chưa?
Em thấy chàng duyên đẹp tình ưa
Cái duyên ngư thủy em muốn đưa trọn đời.
Cao Quân Bảo:
- Các cô đừng nói lôi thôi
Tài ba chi đó mà sánh đôi với mình
Cha của ta bị khổn thọ Châu thành
Vui chi mà lại đem cái tình ong hoa?
Lẽ gì ngươi chỉ ngõ cho ta
Đặng ta tới đó cứu cha phen này...”.


Thoạt tiên anh hiệu độc diễn, có cây đàn cò nỉ non tiếp hơi cho anh. Lần lần, xuất hiện thêm một vai nữ để đối thoại.

Một ban hát bài chòi gồm chỉ vài ba diễn viên. Họ không vẽ mặt cầu kỳ, không xiêm áo rực rỡ, không hóa trang chút nào. Hát bài chòi không đòi hỏi sân khấu, phông màn, ánh sáng; có thể diễn ở bất cứ đâu: một khoảng đất trống, một khoảnh sân..., bất cứ lúc nào, đêm hay ngày. Thật là gọn gàng, ít tốn kém.

Cũng như đánh bài chòi là cách đánh bạc vui chơi của quần chúng, hát bài chòi là thứ nghệ thuật sân khấu của người bình dân.

*

Nguyễn Văn Xuân cho biết đã nhiều lần “nghĩ nó chính là bộ môn dẫn khởi cho cải lương sau này”.

Được như vậy thật vinh dự cho bài chòi. Nhưng tôi chưa thấy có chứng cứ gì. Đọc lại lời Quách Tấn: “Bài chòi đã có từ lâu. Nhưng bày ra điệu hô thì mới độ năm sáu mươi năm nay”, lời không rõ ý mấy, nhưng có thể đoán là: lối đánh bài chòi (một hình thức bài bạc) có từ lâu, còn lối hát bài chòi (một nghệ thuật sân khấu) thì về sau mới có.

Năm mươi năm, gần quá. Ông Hồ Hữu Tường đi tìm nguồn gốc cải lương, cho rằng nghệ thuật này cũng ra đời vào độ ấy, không muộn hơn bài chòi. Và cải lương bắt nguồn từ “gà ba món”: Lưu Thủy Đoản, Bình Bán Vắn, Kim Tiền Huế, những điệu ca không căn cứ trên thể thơ lục bát như bài chòi. Vả lại nếu người Việt miền Nam biến bài chòi thành cải lương thì hẳn trước tiên họ đã có thông thạo bài chòi; đàng này hình như bài chòi không vào tới miền Nam, nó chỉ phổ biến trong vùng mấy tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Dù sao cũng chưa nên quyết đoán điều gì. Những tìm tòi tra cứu về bài chòi còn ít quá. Một số sách biên khảo có nhắc tới bài chòi như một điệu dân ca, nhưng hình như ngoài Nguyễn Văn Xuân chưa ai để ý nó đã tiến tới một hình thức hí kịch. Về lại lịch của nó, quá trình phát triển của nó, chưa thấy ai nói rõ.

Có điều hiển nhiên là dù có liên quan đến cải lương hay không, về mức độ phổ biến nó cũng đã bị cải lương vượt bỏ rất xa. Cùng xuất hiện một lúc (?), ngày nay cải lương đã thịnh hành khắp nước mà bài chòi vẫn còn quanh quẩn chỉ trong một phần của Trung bộ. Đó là vì ca điệu của nó có gì không thích hợp với đa số người Việt, hay vì nó không may mắn gặp được những tri kỷ có tài tổ chức?...

Tuy phổ biến rộng, sau nửa thế kỷ, cải lương vẫn chưa ghi được thành công nào đáng kể về mặt văn chương. Soạn giả cải lương không được đặt ngang hàng với các kịch tác gia, tuồng cải lương chưa có bản nào được in bán như một tác phẩm văn nghệ, chưa có bản nào được văn giới chú ý. Và dĩ nhiên, tuồng bài chòi càng hẩm hiu hơn.

Nay chợt thấy có người nhắc đến tuồng bài chòi như tác phẩm văn nghệ, tôi nghĩ cải lương và bài chòi đã phát triển theo hai hướng khác nhau.

Cùng gốc nông thôn, nhưng cải lương từ đầu đã nhiễm nếp “văn minh”:

“... Trên ô-tô, dưới thì ca-nô
Nằm giường ngà trải thêm nệm gấm
Đi giày mã mi, ngồi thời nệm loan
Bịt cây ba-toong vàng, đi cây dù sô-cô-la...”

(Bài chào mừng của Hội Cầm Ca, theo điệu Hành Vân)

Cứ xu hướng ấy, nó tiến về đô thị, nó ăn khách, thành công, và chẳng bao lâu thành ra thứ nghệ thuật của chốn thị thành. Cải lương có loại tuồng “hương xa” kể chuyện bên Tây bên Nhật, có loại tuồng “xã hội” thường nêu lên các vấn đề trong cuộc sinh hoạt ở đô thị.

Trái lại, bài chòi không hề có “cây dù sô-cô-la” với “cây ba-toong (bịt) vàng”, nó trước sau chỉ có những thứ quen thuộc ở thôn quê. Ngôn ngữ cải lương xen tiếng Tây, ca điệu cải lương sau này có xen các ca điệu Tây phương; còn bài chòi nó vẫn tiếp tục quê mùa, nếu có pha phách thì nó pha nam pha khách, các điệu hát bộ cổ truyền.

Do đó, ngày nay chúng ta có thể nghiên cứu các tuồng bài chòi như một hình thức văn học dân gian. Chúng ta sẽ không biết đến tên tuổi của một soạn giả tuồng bài chòi nào, cũng có thể sẽ không tìm được bổn tuồng bài chòi nào đạt giá trị nghệ thuật cao. Nhưng chắc chắn những sáng tác ấy giúp chúng ta hiểu thêm về lời ăn tiếng nói của một số không ít người Việt Nam, về cách nhìn đời của họ, về hoàn cảnh sinh sống và quan niệm sống của họ v.v. Trong những lời lẽ sau đây, chẳng hạn, có thể dễ dàng thấy sự giận dữ ngùn ngụt:

“Chuyện gì động đến sui gia?
Con tôi có dại chị la chị rầy
Hồi nào thím thím thầy thầy
Bây giờ c. đếch thằng này con kia!
(Nói lối:) Trẻ bay đâu? Mai đừng tát đìa, qua kêu con Bảy nó về đây tao biểu.
(Hô:) Chuyện gì mà đánh mà rầy?
Lời khôn sự dại biểu mầy phân lại tao hay
Tao làm sui đã mấy năm nay
Tao nghèo tao chịu, tao chẳng mượn vay thằng nào
Nó đừng ỷ giàu nhà lớn đống rơm cao
Giàu bay bay lát (3) bay đừng khinh tao nghèo”.


Lời thơ y hệt lời nói. Không thấy có cái bận tâm làm văn. Ở đây, những tiếng tục tĩu cũng không cần tránh né. Lời cứ ngang nhiên, xông xổng tuôn ra, không bị câu thúc gọt đẽo trau chuốt gì; nhờ đó mà cơn giận hiện ra thật linh động.

Trong tuồng bài chòi, phần đóng góp của nho sĩ hẳn là có, nhưng không quan trọng bằng trong hát bộ. Bài chòi ở địa vị khiêm tốn hơn nhiều. Chắc phần lớn các vở tuồng bài chòi không được viết ra trong thư phòng; chắc chúng đã thành hình ngay ngoài sân khấu, giữa đám đông. Cho nên chúng nóng hôi hổi cái sinh khí của đám đông. Dù có những vở tuồng bài chòi được viết ra hẳn hòi đi nữa, thì lúc lên sân khấu phần ứng diễn vẫn quan trọng. Phần ứng diễn thường phản ánh đúng cảm nghĩ của quần chúng hơn là phần tích diễn.

*

Nhắc đến tuồng bài chòi như một loại hí kịch, chúng tôi lấy làm lạ về một sự trùng hợp khá đặc biệt. Bình Định là quê hương của hát bộ, lại là quê hương của bài chòi, miền đất này có gì thích hợp cho sự nảy sinh và phát triển của kịch tuồng?

Chào đời trong giới trí thức, hát bộ lần lần lan rộng ra dân gian. Còn bài chòi, nó sinh trong dân gian, rồi lần lần được một số nhà nho chú ý; nếu gặp điều kiện thuận lợi biết đâu nó chẳng thâm nhập được vào giới trí thức. Dù sao, một Bình Định đã cung cấp đến hai hình thức kịch tuồng phổ biến khắp một phần đáng kể của Trung bộ, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của cả giới trí thức lẫn người bình dân. Tại sao vậy? Về hát bộ, có thể giải thích bằng sự lưu lạc ngẫu nhiên của Đào Duy Từ đến Bồng Sơn, nhưng còn về bài chòi? Đất đai Bình Định không phì nhiêu, cuộc sống ở Bình Định bất trắc đến nỗi cả đàn bà con gái cũng phải luyện tập võ nghệ, vậy mà Bình Định lại hay chơi!

*

Tuồng bài chòi ra đời, hãy tin Quách Tấn là cách đây năm mươi năm. Thế còn trò đánh bài chòi, trò ấy “có đã từ lâu”, nghĩa là từ bao giờ? Năm trăm năm trước, sau khi Lê Thánh Tông chiếm đất Đồ Bàn chăng? Ba bốn trăm năm trước, khoảng đầu thời các chúa Nguyễn chăng? Hay là chỉ mới hơn trăm rưởi năm nay, sau khi đất nước thống nhất?

Nhắc trò đánh bài chòi, tôi hay nghĩ đến cảnh đời lưu lạc của những người dân Việt đầu tiên từ Bắc bộ di cư vào miền nam Trung bộ. Họ ra đi, rồi trong một vài thế hệ chắc đã phải lam lũ, vất vả lắm. Đến lúc cuộc sống nơi đất mới trở nên tương đối dễ chịu, thì những điệu hát, trò chơi ở quê cũ ngoài Bắc đã không còn nhớ được cho rõ ràng nữa. Lối đánh bài chòi có lẽ kết hợp những mảnh ký ức về một số lối chơi bài xưa nào đó. Giá con cháu của các di dân nhớ được trọn vẹn một lối, thì có phải giản dị cho họ biết bao nhiêu. Tội nghiệp! Một cỗ bài in sẵn họ cũng không tìm ra, không xoay ở đâu được, đành hì hục vẽ lấy bộ mới, in lấy, lem nhem, bôi bác.

Qua một trò giải trí, chúng ta có thể tưởng tượng sự cách biệt giữa đất gốc và đất mới trước đây đáng kể đến chừng nào, tình cảnh sinh sống ở phương nam heo hút xưa kia gian khổ đến chừng nào.


1-1968






___________
(1) Nguyệt san
Văn, số 2, tháng 12-1967, tr. 49.
(2)
Non nước Bình Định, nxb. Nam Cường, Sài Gòn, 1967, tr. 444.
(3) Tiếng địa phương, nghĩa là ăn.